Từ lâu, tam giác mạch (kiều mạch) đã trở thành “biểu tượng” của miền cao nguyên đá Hà Giang và thu hút đông đảo khách du lịch. Thế nhưng có thể bạn chưa biết, cây tam giác mạch rực rỡ sắc màu không chỉ đơn thuần tô điểm cảnh sắc mà còn đem tới các dược liệu giúp cải thiện sức khỏe. Theo đó, hạt kiều mạch (được tách từ quả của cây), hoa hay lá cây có thể được dùng để điều chế thành trà kiều mạch.
1. Uống trà kiều mạch có tác dụng gì với sức khỏe?
Vốn sinh trưởng giữa núi rừng hiểm trở, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên dường như kiều mạch đã hấp thu trọn vẹn “tinh túy” của trời đất. Các bộ phận của cây, đặc biệt là hạt kiều mạch rất giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất và một số vitamin quan trọng. Chính vì thế, uống trà kiều mạch có tác dụng phòng ngừa cũng như cải thiện những vẫn đề sức khỏe thường gặp như:
1.1 Tác dụng của trà kiều mạch giảm cân
Một số phân tích thành phần nhận thấy rằng hạt kiều mạch có chứa epicatechin – hoạt chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm cân và duy trì vóc dáng cân đối. Cụ thể, epicatechin sẽ chuyển hóa chất béo thành năng lượng, giảm thiểu tối đa tình trạng tích tụ thành mỡ ở vùng eo.
1.2 Kiểm soát đường huyết ổn định
Một trong những tác dụng của trà kiều mạch được đánh giá khá cao đó là hỗ trợ kiểm soát đường huyết ổn định. Hoạt chất Fagopyritol cùng D-chiro-inositol từ hạt kiều mạch có khả năng tác động tới tuyến tụy tăng tiết insulin, từ đó kiểm soát tốt hoạt động chuyển hóa đường vào máu, góp phần phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường uống nước gì tốt?
1.3 Điều hòa huyết áp
Trà kiều mạch thuộc nhóm thức uống lành mạnh giúp điều hòa huyết áp, đồng thời bảo vệ sức khỏe tim mạch. Theo đó, hoạt chất rutin được tìm thấy trong trà khi vào cơ thể sẽ “đánh tan” cục máu đông gây tắc nghẽn thành mạch, thúc đẩy dòng luân chuyển máu tới tìm và ngăn ngừa nguy cơ huyết áp tăng cao đột ngột.
1.4 Thanh nhiệt giải độc
Trong y học cổ truyền, trà kiều mạch có tính bình, vị hơi chát nhẹ nên khá thích hợp dùng để thanh nhiệt, giải độc. Lúc này, nếu bạn thuộc thể trạng nhiệt, thường bị nóng trong người hoặc bốc hỏa thì hãy tham khảo uống thêm trà kiều mạch.
Xem thêm: 4 loại nước thanh nhiệt bạn nên uống ngay để không lo nóng trong người, khô họng, tiểu ít
1.5 Phòng chống ung thư
Bên cạnh epicatechin hay rutin, trà kiều mạch còn cung cấp các chất chống oxy hóa mạnh như quercetin và vitexin. Những nhóm chất này sẽ kết hợp với nhau tạo nên “hàng rào” ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do lên tế bào, giúp bạn chủ động phòng chống các bệnh ung thư nguy hiểm.
1.6 Giảm đầy bụng khó tiêu
Nếu đang tìm một thức uống kích thích tiêu hóa cũng như giảm chứng đầy bụng khó tiêu hiệu quả thì trà kiều mạch là gợi ý lý tưởng. Điều này bởi lượng nhỏ chất xơ hòa tan từ trà sẽ tác động tích cực tới hoạt động chuyển hóa thức ăn và tăng sinh lợi khuẩn đường ruột.
1.7 Giải tỏa căng thẳng
Giống như trà hoa hồng hay trà hoa cúc,…trà kiều mạch cũng là loại trà thảo mộc rất tốt cho hệ thần kinh, với công dụng giải tỏa căng thẳng hữu hiệu. Hấp thu vitamin B từ trà, nhất là vitamin B6 có thể hỗ trợ ức chế hoạt động của homocysteine, giúp thư giãn thần kinh và hạn chế tỉ lệ trầm cảm.
1.8 Ngăn ngừa lão hóa da
Uống trà kiều mạch được xem như một liệu pháp ngăn ngừa lão hóa da xảy ra sớm ở chị em phụ nữ. Các nhóm chất chống oxy hóa mạnh mà trà đem tới trực tiếp tham gia tái tạo collagen ở lớp biểu bì da, tăng độ đàn hồi da và nuôi dưỡng vẻ đẹp mịn màng.
Xem thêm: 4 công thức trà thanh lọc cơ thể không chỉ đẹp da mà còn giữ dáng tốt
2. Hướng dẫn cách làm trà kiều mạch tại nhà
Như đã chia sẻ, hầu hết các bộ phận của cây tam giác mạch đều phù hợp cho việc sản xuất trà kiều mạch. Bạn có thể dùng trà kiều mạch nguyên hạt, trà kiều mạch túi lọc hoặc trà kiều mạch gồm hỗn hợp hoa, lá, hạt, thân đã được sấy khô. Dưới đây xin “mách bạn” 3 cách làm trà kiều mạch tại nhà cực kì đơn giản:
2.1 Trà kiều mạch mật ong
Nguyên liệu
- Hạt kiều mạch: 20 – 30g
- Mật ong: 1 – 2 thìa cà phê
- Nước lọc: 350 – 500ml
Cách làm trà kiều mạch mật ong
- Rửa sạch hạt kiều mạch, để ráo nước rồi đem rang thơm trong khoảng 15 phút.
- Đun sôi nước, tiếp đến trút hạt kiều mạch vào đun cùng khoảng 1 – 2 phút. Sau đó rót trà ra bình và ủ trà khoảng 5 phút.
- Nếm thử vị trà và hòa thêm mật ong để dễ uống hơn.
Xem thêm: 8 lý do vì sao bạn nên cất giữ sẵn ít nhất 1 lọ mật ong trong nhà mình
2.2 Trà sữa kiều mạch
Nguyên liệu
- Trà kiều mạch túi lọc: 2 gói
- Sữa tươi không đường: 100ml
- Sữa đặc: 3 – 4 thìa cà phê
- Nước đun sôi: 150ml
- Đá viên
Cách làm trà sữa kiều mạch
- Nhúng túi trà kiều mạch vào nước, hãm trà khoảng 10 phút, sau đó vớt túi lọc ra.
- Hòa tan sữa đặc với nước ấm rồi trút vào trà, khuấy nhẹ tay. Nếm thử vị rồi hòa tiếp sữa tươi vào để tăng độ ngậy cho trà.
- Nên thêm đá viên để trà mát lạnh, hấp dẫn hơn.
Xem thêm: Cách uống trà sữa ‘healthy’ cho hội chị em ‘hảo ngọt’ nhưng sợ tăng cân
2.3 Trà kiều mạch khoai lang tím
Nguyên liệu
- Hạt kiều mạch (hoặc trà kiều mạch túi lọc): 20g
- Bột khoai lang tím: 2 – 3 thìa cà phê
- Nước lọc đun sôi: 100ml
- Sữa đặc: 3 – 4 thìa cà phê
- Nước cốt dừa (không bắt buộc): 1 – 2 thìa cà phê
- Cơm dừa
Cách làm trà kiều mạch khoai lang tím
- Rửa sạch hạt kiều mạch, sau đó rang thơm trong khoảng 10 phút. Sau đó hãm trà với nước đun sôi khoảng 5 – 7 phút, hòa thêm sữa đặc vào.
- Hòa tan bột khoai lang tím.
- Từ từ trút bột khoai lang tím vào trà kiều mạch, thêm chút nước cốt dừa và rắc cơm dừa lên là có thể thưởng thức.
3. Một số lưu ý cách uống trà kiều mạch an toàn
Để uống trà kiều mạch một cách an toàn và cải thiện sức khỏe hiệu quả nhất, bạn nên lưu ý một vài khuyến cáo sau:
3.1 Lựa chọn trà kiều mạch chất lượng
Dù sử dụng trà kiều mạch nguyên hạt, dạng túi lọc hay dạng sấy khô, bạn cũng cần tìm mua từ nguồn cung cấp có uy tín, tránh mua nhầm các loại trà không rõ xuất xứ và gây ra rủi ro với sức khỏe.
3.2 Không uống quá nhiều
Chỉ nên dùng từ 150 – 200ml trà kiều mạch mỗi lần, trong tuần khoảng 2 – 3 lần là hợp lý, tuyệt đối không được lạm dụng và uống với liều lượng lớn nhiều ngày.
3.3 Hạn chế sử dụng khi đói bụng
Thời điểm thích hợp nhất để uống trà kiều mạch là sau bữa ăn sáng hoặc ăn trưa khoảng 30 – 45 phút, hạn chế sử dụng khi đói bụng vì có thể gây cồn cào, mệt mỏi.
Tuy là một loại trà thảo mộc còn khá mới mẻ song hy vọng rằng với những hướng dẫn pha chế trong bài viết trên đây, bạn có thể tự tay làm trà kiều mạch để sử dụng bồi bổ sức khỏe ngay tại nhà nhé!