Chờ...

Bệnh basedow ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

(VOH) – Phụ nữ đang điều trị bệnh basedow luôn được khuyến cáo không nên có thai, tuy nhiên vẫn có chị em bị ‘dính bầu’ khi đang chữa trị. Vậy điều này có gây nguy hiểm hay ảnh hưởng gì không?

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ, tôi có thắc mắc là tôi đang điều trị bệnh basedow cường giáp, tuy nhiên trong quá trình điều trị tôi lại có thai. Tôi muốn biết tôi đang mang thai thì có nên tiếp tục điều trị bệnh hay không. Việc tôi muốn giữ bào thai thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không và những đứa con sau có bị di truyền với các vấn đề cường giáp của mẹ hay không? Ngoài ra, tôi có nghe người ta nói khi điều trị bệnh basedow thì sẽ có khả năng bị vô sinh, vậy điều này có đúng không?

benh-basedow-o-phu-nu-mang-thai-co-nguy-hiem-khong-voh

Bệnh basedow ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)

TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM) giải đáp

Thông thường, phụ nữ bị bệnh basedow bắt buộc phải điều trị và trong thời gian điều trị không nên có thai. Tuy nhiên, nếu mang thai khi đang điều trị bệnh basedow thì việc điều trị vẫn sẽ được tiếp tục bằng cách đổi các loại thuốc đang điều trị thành những loại thuốc khác với liều lượng khác để đảm bảo quá trình điều trị bệnh nhưng không làm ảnh hưởng đến thai nhi.

Phát hiện mang thai khi đang điều trị bệnh basedow người bệnh tuyệt đối không được ngưng điều trị giữa chừng vì nếu bà bầu bỏ uống thuốc sẽ có thể khiến bệnh càng thêm trầm trọng.

Phụ nữ mang thai trong lúc thực hiện điều trị bệnh basedow sẽ được bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để theo dõi sự phát triển của thai nhi theo từng mốc thời gian cụ thể:

  • Thai từ 11 - 13 tuần tuổi: Thực hiện xét nghiệm double testđo độ mờ da gáy hoặc áp dụng xét nghiệm NIPT, xét nghiệm panorama. Đây đều là những xét nghiệm tương đối đơn giản do không có sự xâm lấn.
  • Thai từ 16 - 19 tuần tuổi: Thực hiện xét nghiệm triple test hoặc chọc ối để theo dõi và phát hiện những bất thường của em bé như bệnh down, bệnh patau, bệnh edward (nếu có). Tuy nhiên, cần lưu ý khi thực hiện chọc ối bởi kỹ thuật này sự có xâm lấn nên có thể làm ảnh hưởng đến bào thai.
  • Thai từ 20 – 25 tuần tuổi: Thực hiện siêu âm 4 chiều để phát hiện những bất thường về dị tật di truyền của thai nhi (nếu có).

 Như vậy, phụ nữ mang thai đang điều trị bệnh basedow chỉ cần ghi nhớ 2 điều:

  • Thứ nhất: Thông báo với bác sĩ nội khoa đang điều trị bệnh để được đổi thuốc và điều chỉnh liều lượng thuốc.
  • Thứ 2: Thông báo với bác sĩ sản khoa để bác sĩ có thể giúp thai phụ rà soát và kiểm tra kỹ càng nhầm loại trừ những nguy cơ bệnh tật cho bé.

Basedow có phải bệnh di truyền và gây vô sinh?

Theo bác sĩ Thanh Hà, bệnh basedow là một bệnh lý rối loạn nội tiết, không phải bệnh lý di truyền. Tuy nhiên căn bệnh này có thể gây vô sinh, nguyên nhân là do hệ thống nội tiết giữa tuyến yên, tuyến hạ đồi, tuyến buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến giáp là một vòng kết hợp với nhau, được gọi là hệ thống nội tiết trong cơ thể và chỉ cần một bộ phận bị bệnh thì nó có thể ảnh hưởng những bộ phận khác.

Do đó, phụ nữ bị cường giáp hoặc nhược giáp cũng là một trong những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến nội tiết buồng trứng nằm trong chuỗi hoạt động nội tiết và hậu quả là gây ra các vấn đề vô sinh, hiếm muộn.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ tại audio bên dưới: