Cách xử lý các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh

Làm mẹ là một điều tuyệt vời, tuy nhiên để có thể chăm sóc bé phát triển toàn diện thì mẹ cần phải học rất nhiều kỹ năng, trong đó phải biết cách xử lý các vấn đề ở trẻ.

Trong bài viết sau đây Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc sẽ chia sẻ đến các chị em những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh như thế nào mới là khoa học nhất.

Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, có 6 vấn đề mà các mẹ khi chăm sóc bé yêu của mình hằng ngày thường hay gặp nhất là:

1. Trẻ sơ sinh vặn mình

Nhiều trẻ sơ sinh thường hay bị vặn mình, đỏ mặt, hiện tượng trên chỉ kéo dài vài phút sau đó tự hết. Đây được cho là một biểu hiện bình thường ở trẻ. Bé có thể bị vặn mình trong lúc thức hoặc trong khi ngủ.

Bác sĩ Phượng cho biết, có khoảng 80% trẻ sơ sinh bị vặn mình, nguyên nhân là do lượng canxi từ mẹ chuyển sang con quá ít, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

voh.com.vn-cach-giai-quyet-cac-benh-thuong-gap-o-tre-so-sinh-0

Trẻ sơ sinh thường rất hay vặn mình khi ngủ (Nguồn: Internet)

Vặn mình ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại là sinh lý và bệnh lý. Nếu trẻ vặn mình do yếu tố sinh lý thì mẹ không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh vặn mình kèm theo các triệu chứng nôn ói, ọc sữa, trẻ đổ nhiều mồ hôi, hay bị nấc cụt, rụng tóc… thì có nhiều khả năng trẻ đang bị thiếu vitamin D và canxi.

Trong trường hợp này, mẹ cần nên bổ sung canxi và vitamin D cho trẻ để giúp phòng ngừa bệnh còi xương và làm giảm tình trạng vặn mình ở trẻ.

  • Hàm lượng vitamin D cho trẻ dùng mỗi ngày thường ở khoảng 200 đơn vị (1 giọt) uống vào buổi sáng.
  • Với canxi, mẹ có thể bổ sung canxi bằng dạng nước, mỗi ngày ½ ống.

Tuy nhiên, việc dùng các chế phẩm để bổ sung vitamin D và canxi cho trẻ cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và cha mẹ tuyệt đối không lạm dụng, sử dụng quá liều các chế phẩm này. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể cho trẻ tắm nắng mỗi ngày để giúp trẻ tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

2. Trẻ thường xuyên quấy khóc

Phần lớn trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều là đang thể hiện những nhu cầu của mình. Có thể trẻ khóc do đói, do tã ướt,… hoặc đơn giản là trẻ muốn được ẵm bồng. Nếu được đáp ứng các nhu cầu của mình thì bé sẽ không còn khóc nữa.

Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên quấy khóc nhiều, đặc biệt vào ban đêm (dân gian thường gọi là "khóc dạ đề") thì mẹ cũng cần nên lưu tâm và đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám, vì có thể trẻ đang gặp phải một số vấn đề nào đó ở bên trong cơ thể.

3. Trẻ sơ sinh bị nấc cục

Thông thường khi trẻ sơ sinh bú no, các xung động thần kinh sẽ truyền dẫn xuống cơ hoành, gây kích thích làm trẻ bị nấc cục.

Bác sĩ Phượng cho biết, có một mẹo nhỏ dành cho các mẹ để cắt cơn nấc cụt của trẻ chính là mẹ có thể búng mạnh vào lòng bàn chân trẻ để bé khóc lên. Khi bé khóc sẽ khiến cho các cơn co thắt của cơ hoành ngừng lại, từ đó làm giảm cơn nấc cụt ở trẻ.

Ngoài ra, tình trạng trẻ bị nấc cụt cũng có thể là do bé bú quá no, do đó nếu thấy trẻ bị nấc cụt thường xuyên thì mẹ nên giảm bớt lượng sữa ở mỗi lần bú của trẻ, thay vào đó nên cho trẻ bú nhiều lần để tránh tình trạng trẻ bị đói.

4. Trẻ bị rôm sảy

Theo Bác sĩ Phượng, có nhiều trường hợp trẻ bị nổi rôm sảy do chính nội tiết của người mẹ truyền qua cho bé trong bé bú sữa mẹ. Khi thấy trẻ nổi rôm sảy, nhiều mẹ thường mua các loại thuốc hoặc kem bôi lên da em bé.

Tuy nhiên, việc này là không nên, bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có chứa thành phần corticoid, đây là một chất có khả năng chống viêm cực mạnh. Do đó, nếu bôi vào da bé có thể sẽ làm teo da, khô da, thậm chí là gây nhiễm trùng da ở trẻ.

Để chăm sóc da trẻ sơ sinh bị rôm sảy, các mẹ nên dùng các loại kem giữ ẩm dạng dung dịch để giúp giữ ẩm làn da trẻ, mềm da. Tránh để trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bởi nó có thể kích thích khiến các mụn sần nổi nhiều hơn.

Lưu ý: Không nên dùng phấn rôm dạng bột để bôi lên da trẻ sơ sinh vì có thể làm ức chế vitamin K dễ đến tình trạng máu loãng, gây xuất huyết. Với trường hợp trẻ bị hăm da vùng cổ, nách, bẹn, vùng quấn tã… thì mẹ nên dùng các chế phẩm dạng kem để bôi ngoài da cho trẻ.

5. Trẻ bị đi tướt hoặc táo bón

Nhiều mẹ thường lo lắng khi thấy trẻ đi ngoài 7 – 8 lần/ ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phượng, với những trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn thì việc trẻ đi tiểu 1 ngày trên 5 lần là bình thường. Phân trẻ sơ sinh lúc này thường sẽ có nhiều bọt, có mùi chua…nhưng không phải là tiêu chảy mà chỉ là hiện tượng bé bị đi tướt.

voh.com.vn-cach-giai-quyet-cac-benh-thuong-gap-o-tre-so-sinh-1

Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể xuất hiện hiện tượng đi tướt nhiều lần trong ngày (Nguồn: Internet)

Bên cạnh tình trạng trẻ bị đi tướt thì nhiều bé còn bị tình trạng táo bón. Thực tế, có rất ít trường hợp trẻ bị táo bón nếu bú sữa mẹ hoàn toàn và trẻ bú mẹ bị táo bón thì mẹ cần nên xem lại chế độ ăn của mình, bởi mẹ bị táo bón thì có nhiều khả năng trẻ cũng sẽ bị táo bón.

Với những trẻ bú sữa công thức, số lần đi tiểu của trẻ thường ít hơn so với những trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, nếu thấy số lần đi ngoài của trẻ quá ít thì mẹ nên xem lại loại sữa mà bé đang dùng và có thể đổi sang một loại sữa khác.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các loại thuốc để bơm hậu môn cho trẻ, tuy nhiên không nên lạm dụng phương pháp này bởi có thể tạo thành phản xạ khiến trẻ sau này không thể đi ngoài nếu như không được bơm hậu môn.

6. Trẻ bị nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh do dạ dày trẻ mới sinh còn nằm ngang, dạ dày trẻ sẽ quay lại chiều dọc khi trẻ được 1 – 2 tuổi và lúc này hiện tượng nôn trớ ở trẻ sẽ giảm xuống. Để khắc phục tình trạng trẻ bị nôn trớ, mẹ nên chia nhỏ các cữ bú của trẻ, lượng sữa mỗi lần bú cần giảm xuống. Sau khi bú xong, mẹ nên bế bé thẳng người để bé có thể ợ hơi, vuốt nhẹ dọc lưng trẻ để làm giảm tình trạng nôn trớ.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị nôn trớ kéo dài và khiến trẻ bị sụt cân thì đây là một vấn đề nguy hiểm mà mẹ không nên xem nhẹ bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bé bị hẹp môn vị hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản.

Lúc này, các mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám vì nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của bé yêu.

Bạn có thể nghe toàn bộ chia sẻ của bác sĩ Cam Ngọc Phượng về vấn đề này tại audio bên dưới: