1. Nứt cổ gà là gì?
Nứt cổ gà hay còn gọi là nứt chân núm ti/nứt đầu ti, là hiện tượng chân núm ti bị nứt gây đỏ tấy, khiến cho mẹ cảm thấy đau đớn mỗi khi cho con bú. Trong một số trường hợp, phần núm vú bị nứt gây chảy máu hoặc mưng mủ. Và do không thể cho con bú nên sữa bị ứ đọng ở hai bầu vú làm cho mẹ đau nhức, vô cùng khó chịu.
Hiện tượng nứt cổ gà không chỉ khiến mẹ chịu đau đớn mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của bé, bởi những căng thẳng của mẹ sẽ ức chế sự tiết sữa, dẫn đến việc giảm chất lượng và số lượng sữa. Đồng thời, còn gây ra tình trạng mất vệ sinh do đầu ti bị chảy máu.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu nứt cổ gà
Nguyên nhân gây ra hiện tượng nứt cổ gà chủ yếu là do người mẹ cho con bú không đúng cách, chẳng hạn như bé không ngậm hết quầng vú mẹ mà chỉ mớm hời hợt vào núm ti, mỗi lần bé mút, đầu núm ti bị kéo, giật mạnh, lâu ngày tạo thành vết nứt tại chân núm vú.
Nứt cổ gà khiến mẹ bị đau đớn khi cho con bú (Nguồn: Internet)
Biểu hiện nứt cổ gà cũng rất dễ nhận biết. Đầu tiên mẹ sẽ phát hiện có một vết nứt nhỏ và mỗi lần bé bú mẹ sẽ cảm thấy hơi đau. Sau đó, vết nứt sẽ ngày càng lan dài quanh chân vú và nếu không được vệ sinh đúng cách và điều trị kịp thời thì người mẹ sẽ rất đau đớn, khó chịu mỗi lần cho bé bú, thậm chí vết nứt có thể bị nhiễm khuẩn và mưng mủ khiến cho mẹ không thể nào cho bé bú được nữa.
3. Trị nứt cổ gà khi cho con bú bằng cách nào?
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai và sau sinh là những thời điểm rất nhạy cảm, chính vì thế tốt nhất là các mẹ nên đi gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị ngay, tránh tình trạng kéo dài khiến cho vết thương càng ngày càng nứt rộng.
Ngoài ra, các mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
3.1 Trong quá trình cho con bú
- Kiểm tra khớp ngậm ti: Vị trí ngậm ti tốt nhất là đặt mặt bé sao cho cằm chạm vào phần dưới của ti.
- Nên cho bé bú bên vú ít đau trước, vì con thường bú nhẹ nhàng hơn ở bên bầu vú còn lại khi ít đói.
- Mẹ có thể áp nhanh túi đá để gây tê vùng bị đau rát trước khi cho con bú. Điều này có thể giúp giảm đau, đặc biệt là trong khi mới bắt đầu cho bé bú.
3.2 Sau khi cho con bú
Sau khi cho bé bú mẹ cần làm sạch núm vú nhẹ nhàng để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Khi vệ sinh, mẹ chỉ làm sạch vết thương bằng nước sạch là đủ. Lưu ý, không dùng rượu, kem dưỡng hoặc nước hoa trên núm vú.
Ngoài ra, mẹ có thể trao đổi với bác sĩ việc sử dụng thuốc. Chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc mỡ kháng khuẩn nếu mẹ có một vết thương hở.
- Dùng miếng dán lạnh hydrogel để phục hồi núm vú, đồng thời giúp làm dịu cơn đau rát tại đầu ti.
- Thuốc giảm đau: Những trường hợp nghiêm trọng hãy trao đổi với bác sĩ việc dùng thuốc giảm đau.
Vắt sữa mẹ và cho bé tiếp tục dùng là cách duy trì nguồn sữa khi mẹ bị nứt cổ gà (Nguồn: Internet)
Trong trường hợp, mẹ không thể cho bé bú mẹ trực tiếp thì mẹ hãy cố gắng duy trì nguồn sữa mẹ bằng cách vắt sữa mẹ vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Sau khi vết thương đã lành mẹ hãy cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.
3.3 Một số mẹo chữa nứt cổ gà khi cho bé bú
Trong dân gian cũng có lưu truyền một số mẹo giúp giảm đau nhức khó chịu khi bị nứt cổ gà mà mẹ có thể tham khảo:
- Trà xanh: Dùng nước trà xanh lau núm ti có thể giúp mẹ giảm đau đáng kể, bởi bên trong trà xanh có chất kháng khuẩn và dễ dàng làm lành các vết thương ngoài da.
- Mật ong: Dùng mật ong nguyên chất thoa lên phần bị đau sẽ giúp mẹ làm mềm và làm lành vết thương.
- Dầu dừa/ dầu ô-liu: Dùng dầu dừa ép lạnh hoặc dầu ô-liu nguyên chất cũng có tác dụng chữa nứt cổ gà hiệu quả.
4. Phòng ngừa tình trạng nứt cổ gà như thế nào?
Chăm sóc vú và cho con bú đúng cách là biện pháp phòng tránh tốt nhất. Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Mẹ chỉ cần nhớ thường xuyên vệ sinh bằng nước sạch là đủ.
Không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, bởi có thể khiến da bị khô và làm nứt núm vú.
Cần mặc áo ngực vừa vặn, phù hợp với kích cỡ ngực. Không nên mặc áo ngực có gọng kim loại để dòng sữa được lưu thông dễ dàng và tránh tổn thương vú do cọ xát.
Trước và sau mỗi lần cho con bú, cần sử dụng nước ấm cùng khăn mềm để lau rửa đầu vú và xung quanh bầu vú thật sạch sẽ, khô thoáng. Cho trẻ bú đều hai bên vú.
Nếu vú có biểu hiện sưng đau, nhức bầu vú, nứt núm vú,… bà mẹ cần tạm thời ngừng cho con bú và đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị.