Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Điều mẹ cần biết khi thai nhi 42 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sinh

(VOH) – Thai nhi 42 tuần vẫn chưa chịu ‘ra’ khiến mẹ vô cùng lo lắng. Vậy em bé 42 tuần tuổi chưa sinh có sao không và mẹ cần phải làm gì để có thể sớm gặp được con yêu của mình?

Nếu mẹ mang thai lần đầu, trẻ thường sẽ chào đời ở bất cứ thời điểm nào trong khoảng từ 38 đến 40 tuần. Trong đó, theo sự phát triển của thai nhi thời điểm thai 39 tuần được cho là lý tưởng để sinh em bé, vì đây là lúc cả bé và mẹ đều có sức khỏe tốt nhất. Nếu thai nhi 42 tuần tuổi vẫn chưa chào đời, bác sĩ có thể sẽ tư vấn mẹ về phương pháp giục sinh để kết thúc thai kỳ.

1. Vì sao thai nhi 42 tuần tuổi vẫn chưa có dấu hiệu sinh?

Mặc dù mang thai 42 tuần chưa sinh có thể khiến cho mẹ cảm thấy lo lắng, nhưng thực tế, trường hợp này vẫn có thể xảy ra. Nguyên nhân khiến thai kỳ của mẹ quá ngày dự sinh có thể là do:

  • Mẹ mang thai lần đầu
  • Mẹ có tiền sử sinh con đủ tháng
  • Mẹ bị béo phì
  • Bé yêu trong bụng mẹ là con trai
  • Ngày dự sinh của mẹ tính không chính xác

2. Mang thai 42 tuần có bình thường không?

Khi thai nhi chạm mốc 42 tuần tuổi, em bé của mẹ hiện đang nặng khoảng 3.7kg và dài khoảng 52cm.

dieu-me-can-biet-khi-thai-nhi-42-tuan-van-chua-co-dau-hieu-sinh-voh-0
Thai nhi 42 tuần chưa sinh sẽ tiếp tục phát triển trong bụng mẹ (Nguồn: Internet)

Nếu bé chào đời ở tuần thai 42, cơ thể bé sẽ có một vài sự khác biệt so với những em bé sinh đúng kỳ hạn. Những khác biệt thường thấy là bé sẽ có làn da khô, bong tróc và có màu đỏ, móng tay và móng chân sẽ dài hơn. Những em bé sinh quá ngày dự sinh, lượng nước ối thường sẽ ít hơn, nên bé có thể phải đi qua phân su của mình để đi ra ngoài, vì thế bé sẽ có màu xanh khi sinh ra.

Trong trường hợp bé vẫn chưa chào đời, thai nhi 42 tuần tuổi vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên, bé có thể gặp phải một số rủi ro như:

  • Trẻ to hơn đáng kể so với mức trung bình khi sinh, làm tăng nguy cơ sinh mổ. Nếu sinh thường, bé có thể gặp phải chứng lệch vai (vai bị kẹt sau xương chậu của mẹ không sinh).
  • Lượng nước ối thấp gây ảnh hưởng đến nhịp tim của bé, khiến dây rốn bị nén trong quá trình co thắt, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho thai nhi.
  • Phân su có thể xuất hiện trong phổi của bé, gây ra các vấn đề về hô hấp.
  • Thai chết lưu.

Xem thêm: Nhận biết sớm 7 dấu hiệu thai lưu và cách phòng ngừa để không xảy ra những hậu quả nghiêm trọng

3. Cơ thể mẹ bầu ở tuần thai 42 có những thay đổi gì?

Thai nhi 42 tuần tuổi có thể khiến cho vòng bụng và tử cung của mẹ căng đến mức tối đa. Các triệu chứng khi mang thai tuần 42 thường sẽ giống với những triệu chứng mà mẹ đã gặp phải trong vài tuần trước, chẳng hạn như:

dieu-me-can-biet-khi-thai-nhi-42-tuan-van-chua-co-dau-hieu-sinh-voh-1
Bà bầu tuần 42 có thể bị chuột rút thường xuyên (Nguồn: Internet)
  • Chuột rút ở chân
  • Khó ngủ
  • Đau lưng
  • Tiêu chảy
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Tăng áp lực vùng chậu
  • Bị bệnh trĩ
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Có các cơn co thắt có thể xuất hiện thường xuyên hơn

Xem thêm: Nhận diện 3 cơn gò tử cung khác nhau trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết

Bên cạnh đó, mẹ sẽ luôn trong trạng thái căng thẳng và lo lắng vì em bé mãi chẳng chịu “ra ngoài”. Tuy nhiên, hãy yên tâm vì bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao thai kỳ của mẹ, và mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Hơn nữa, mọi hoạt động hằng ngày của mẹ ở tuần này sẽ khó khăn nhiều hơn vì chiếc bụng to quá cỡ. Do đó, đừng ngại nhờ sự giúp của chồng hoặc người thân, vì ở thời điểm này, bé con của mẹ có thể chào đời bất cứ lúc nào.

4. Thai nhi 42 tuần chưa sinh mẹ cần làm gì?

Nếu mẹ đã bị trễ ngày dự sinh, mẹ cần đến gặp bác sĩ nhiều hơn bình thường. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm một số kiểm tra chẳng hạn như: kiểm tra kích thước của em bé, theo dõi nhịp tim thai nhi, vị trí thai nhi và cử động thai.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sẽ làm thêm các siêu âm, xét nghiệm trong giai đoạn này gồm:

  • Monitor sản khoa: Sử dụng máy monitor để theo dõi đáp ứng thai nhi, giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe của em bé khi quá ngày dự sinh. Máy monitor có thể được kết hợp cùng quá trình siêu âm thai.
  • Thử nghiệm Non-Stress Test: Giúp đo nhịp tim thai nhi trong khoảng 20 phút. Kết quả có thể là có phản ứng (kết quả tốt) hoặc không có phản ứng (kết quả xấu). Tuy nhiên, kết quả xấu không có nghĩa là thai nhi không khỏe mạnh. Bác sĩ cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm khác mới có thể chẩn đoán chính xác sức khỏe của bé.
  • Trắc đồ sinh vật lý: Đây là bảng trắc nghiệm liên quan đến theo dõi nhịp tim thai nhi cũng như siêu âm thai. Xét nghiệm này sẽ cho ra các chỉ số về nhịp tim thai nhi, hơi thở, chuyển động, trương lực cơ.
  • Xét nghiệm CST: Xét nghiệm giúp bác sĩ theo dõi đáp ứng của tim thai khi các cơn gò tử cung xuất hiện.

5. Có nên giục sinh khi mang thai 42 tuần?

Thông thường, nếu thai kỳ của mẹ đã chạm mốc 42 tuần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ có thể sẽ tư vấn các biện pháp giục sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kết quả của các siêu âm và xét nghiệm mà bác sĩ sẽ đưa ra một biện pháp giục sinh an toàn nhất cho mẹ.

dieu-me-can-biet-khi-thai-nhi-42-tuan-van-chua-co-dau-hieu-sinh-voh-2
Bác sĩ sẽ theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi 42 tuần sát sao hơn (Nguồn: Internet)

Các biện pháp giục sinh thường được áp dụng bao gồm:

  • Lóc ối: Là biện pháp can thiệp tự nhiên bằng cách bác sĩ sẽ dùng ngón tay để tách màng ối ra khỏi tử cung người mẹ.
  • Phá vỡ túi nước ối: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng thủ thuật để tạo một lỗ nhỏ trên túi nước ối, nhằm làm vỡ ối, từ đó kích thích chuyển dạ.
  • Sử dụng Oxytocin: Là một loại thuốc có thể tạo ra các cơn co thắt chuyển dạ cả về tần số lẫn cường độ. Thuốc được tiêm theo đường tĩnh mạch tại vị trí cánh tay sản phụ. Liều lượng sẽ được tăng dần nhưng cần có sự giám sát từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.
  • Sử dụng chất làm giãn nở tử cung: Bác sĩ có thể sẽ sử dụng các chất tương tự như prostaglandin để đặt vào bên trong âm đạo nhằm giúp cổ tử cung giãn nở.
  • Đặt túi nước: Sử dụng một ống thông có gắn một quả bong bóng rất nhỏ vào cuối cổ tử cung, sau đó bác sĩ sẽ bơm nước vào để quả bóng phồng to, gây ra tác động áp lực giúp cổ tử cung mở ra và khởi phát chuyển dạ.

Trước khi quyết định đề nghị thực hiện biện pháp giục sinh, bác sĩ sẽ tính đến các yếu tố như tuổi tác, tiền sử sức khỏe, sức khỏe thai kỳ cũng như mong muốn sinh con của mẹ.

6. Những điều lưu ý khi mang thai tuần 42

Mặc dù ở tuần thai 42 khả năng sinh thường sẽ khó xảy ra, nhưng mẹ vẫn có thể làm một số điều sau đây để giúp bé yêu của mẹ nhanh chóng chào đời:

  • Tập thể dục
  • Kích thích núm vú
  • Hoạt động cơ thể nhẹ nhàng
  • Thư giãn, hạn chế căng thẳng
  • Không nên quá bận tâm đến vấn đề sinh thường hay sinh mổ
  • Tránh ăn những món cay nóng, vì chúng dễ gây khó tiêu hoặc táo bón

Lưu ý: Không thực hiện các biện pháp giục sinh tại nhà vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và bé. 

Như vậy, có thể thấy rằng nếu mẹ đang mang thai tuần 42 thì đây chính là những ngày cuối cùng bé yêu còn ở trong bụng mẹ. Do đó, mẹ cần chuẩn bị đầy đủ mọi thứ và chắc chắn mình đã sẵn sàng cho việc kết thúc thai kỳ. Đồng thời, nên tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, vì tất cả những quyết định của bác sĩ đều giúp hỗ trợ mẹ có một kế hoạch sinh nở an toàn.

Bình luận