Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Trẻ sinh non và những vấn đề sức khỏe thường gặp

(VOH) – Trẻ ra đời càng sớm càng có nhiều nguy cơ mắc phải bệnh tật. Vậy lý do nào khiến trẻ sinh non và chăm sóc ra sao để trẻ có thể an toàn cũng như phát triển một cách nào bình thường?

Những vấn đề này sẽ được Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình (Trưởng khoa hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng TP) giải đáp cụ thể ngay sau đây:

1. Tại sao có tình trạng trẻ sinh non?

Trẻ sinh non là trẻ được sinh ra trước 37 tuần tuổi thai. Ngoài ra, nếu trẻ sinh trước 32 tuần được gọi là trẻ sinh rất non, và trước 28 tuần sẽ gọi là trẻ sinh cực non. Trẻ sinh càng non mức độ trưởng thành của trẻ càng kém, khả năng thích ứng của trẻ với môi trường cũng thấp và điều đó khiến cho trẻ có nguy cơ tử vong cao cũng như những di chứng về lâu dài.

tre-sinh-non-va-nhung-van-de-suc-khoe-thuong-gap-voh

Trẻ ra đời trước tuần thai 37 được gọi là trẻ sinh non (Nguồn: Internet)

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh non và cũng có trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Một số nguyên nhân thường gặp có thể gây ra sinh non là:

  • Thai phụ mắc các bệnh lý cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ,...
  • Thai phụ bị nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai.
  • Thai phụ bị stress, mệt mỏi, căng thẳng,...

2. Một số vấn đề trẻ sinh non có thể gặp phải sau sinh

Trẻ sinh non được sinh ra khi cơ thể chưa trưởng thành nên trẻ sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ. Những nguy cơ trẻ có thể gặp phải đó là:

2.1 Giai đoạn mới sinh 

  1. Vấn đề về hô hấp

Trẻ sinh non có thể bị suy hô hấp do phổi của trẻ sau khi sinh không nở ra được, không lấy được oxy vào cơ thể hoặc trẻ có những cơn ngưng thở do não chưa trưởng thành. Suy hô hấp sau sinh có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy và ảnh hưởng đến tính mạng. 

  1. Vấn đề giữ thân nhiệt

Trẻ sinh non thường không có khả năng giữ thân nhiệt do không có lượng mỡ nâu để giúp giữ thân nhiệt giống như trẻ sinh đủ tháng. Ngoài ra, da trẻ sinh non rất mỏng và dễ bị mất nước, mất nhiệt cũng là một lý do khiến thân nhiệt trẻ sinh non rất khó có khả năng tự giữ ấm. Một khi trẻ bị hạ thân nhiệt sẽ có thể gây suy hô hấp, suy tuần hoàn.

  1. Vấn đề nhiễm khuẩn

Trẻ sinh non dễ bị nhiễm khuẩn và khi bị nhiễm khuẩn sẽ là nhiễm khuẩn toàn thân. Nguyên nhân là do hàng rào bảo vệ cơ thể của trẻ rất kém. Hàng rào bảo vệ cơ thể của trẻ bao gồm: Hàng rào bên ngoài và hàng rào bên trong. 

  • Hàng rào bên ngoài giúp chống vi khuẩn từ môi trường bên ngoài thông qua các bộ phận như da, rốn, mắt. Tuy nhiên, với trẻ sinh non, các bộ phận da, rốn, mắt đều còn rất mỏng manh và dễ tổn thương nên sẽ dễ bị nhiễm khuẩn nếu không được chăm sóc và giữ vệ sinh đúng cách. .
  • Hàng rào bên trong chính là lớp niêm mạc. Nhưng niêm mạc trẻ sinh non chưa được trưởng thành, hệ thống bạch huyết vẫn chưa đủ nên cũng rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập và tấn công. 

tre-sinh-non-va-nhung-van-de-suc-khoe-thuong-gap-1-voh

Trẻ sinh non dễ mắc phải nhiều nguy cơ bệnh lý hơn trẻ sinh đủ tháng (Nguồn: Internet)

2.2 Giai đoạn sau này

Về lâu dài, trẻ sinh non có thể gặp những tổn thương tại một số cơ quan, chẳng hạn như:

  • Não: Trẻ dễ bị xuất huyết não.
  • Phổi: Trẻ dễ bị bệnh phổi mãn tính.
  • Gan: Trẻ dễ bị tổn thương gan, suy gan, vàng da.
  • Mắt: Có thể mắc bệnh lý võng mạc gây mù lòa.
  • Tai: Có thể bị ảnh hưởng về vấn đề thính lực, gây điếc.

Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cho trẻ sinh non cũng vô cùng khó khăn, bởi trẻ sẽ rất dễ gặp phải tình trạng chậm tăng cân. Khi trẻ bị chậm tăng cân, có nghĩa là trẻ không được phát triển như trong tử cung và điều đó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động về lâu về dài của trẻ.

3. Chăm sóc trẻ sinh non như thế nào?

Sinh non là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Do đó, trẻ sinh non là một trong những đối tượng cần phải được chăm sóc y tế đặc biệt. Đối với nhóm trẻ sinh non, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 32 tuần tuổi cần phải nằm viện theo dõi trong một khoảng thời gian nhất định.

Hiện nay, một số bệnh viện đã triển khai phương pháp “da kề da”, có nghĩa là đối những trẻ sinh rất non hoặc cực non thì cùng với việc hỗ trợ hô hấp với máy thở Cpap hoặc với oxy thì ba/mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể thực hiện phương pháp “da kề da” tối thiểu là 2 lần một ngày, mỗi lần ít nhất 1 tiếng. Với phương pháp này, cha/mẹ sẽ được tiếp xúc với em bé để nắm rõ  tình trạng của bé và giúp gắn kết tình cảm cha/mẹ với con nhiều hơn ngay từ lúc mới sinh.

tre-sinh-non-va-nhung-van-de-suc-khoe-thuong-gap-2-voh

"Da kề da" là phương pháp mang đến hiệu quả tích cực cho sức khỏe của mẹ và bé (Nguồn: Internet)

Trong quá trình chăm sóc tại nhà, cha mẹ cũng cần nhớ một số nguyên tắc sau đây:

  • Đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh tay khi chăm sóc trẻ.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn lây. Ví dụ: mẹ/cha hoặc người chăm sóc trẻ bị bệnh thì không nên tiếp xúc với trẻ, hoặc phải mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên hơn.
  • Cố gắng duy trì việc nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Sữa mẹ không chỉ tốt cho trẻ sinh non do dễ hấp thu mà còn giúp làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ.
  • Tái khám đúng hẹn. Việc tái khám không chỉ đánh giá dinh dưỡng, đánh giá bệnh lý mà còn để thực hiện chủng ngừa nhằm hạn chế việc trẻ có thể mắc phải các bệnh lý khác.

4. Tiêu chuẩn xuất viện đối với trẻ sinh non

Theo TS, BS Hồ Tấn Thanh Bình, để một em bé sinh non được xuất viện cần phải đạt được những tiêu chuẩn sức khỏe dưới đây:

  • Bé phải nặng trên 1.8kg và trên 34 tuần tuổi.
  • Bé tăng cân đầy đủ.
  • Không bị thiếu máu.
  • Không có vấn đề về bệnh lý.

Bên cạnh đó, cha/mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ phải nắm vững ít nhất những vấn đề như sau:

  • Nắm được các kỹ năng chăm sóc trẻ sinh non, chẳng hạn như: biết cách cho bé bú, biết cách đút muỗng cho bé...
  • Biết cách cấp cứu, đặc biệt là cấp cứu khi bé bị sặc sữa.
  • Đã được huấn luyện để có thể nhận biết được những dấu hiệu nặng của trẻ nhằm đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
  • Có được lịch khám cụ thể từ bác sĩ.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây: