Thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi” chỉ một kiểu người đáng phê phán nhưng thời đại nào cũng có. Vậy “Đá đưa đầu lưỡi” là gì và chúng ta nên ứng xử như thế nào với thói xấu này?
“Đá đưa đầu lưỡi” nghĩa là gì?
“Đá đưa đầu lưỡi” là câu thành ngữ được dân gian đúc kết thông qua việc quan sát, nhận sức về sự vật, hiện tượng trong đời sống. Chúng sở hữu kết cấu đăng đối (đá đưa – đầu lưỡi) và được giải nghĩa như sau:
- Đá đưa (động từ): nghĩa đen là hành động đánh sang bên nọ, đưa sang bên kia hay chuyển động qua lại mang tính chất không ổn định; nghĩa bóng chỉ giọng điệu khéo léo nhưng không thành thật, chỉ muốn làm vừa lòng người nghe (theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên – Vietlex).
- Đầu lưỡi: “chỉ là ở lời nói, không thật bụng” (theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên – Vietlex).
Như vậy, “Đá đưa đầu lưỡi” là một cách nói nhấn mạnh, chỉ giọng điệu đong đưa khôn khéo, dùng xảo ngôn, miệng lưỡi “đường mật” tinh vi của những người xảo trá, giả dối.
Kiểu người này thường nói lời không thật lòng với mục đích đánh lừa, che đậy sự thật, đôi khi cầu lợi cho bản thân hoặc tạo ra ảo tưởng, thậm chí thao túng người khác. Đây là được xem là hành vi có tính toán, một thói quen xấu và bị phê phán.
Ngoài ý nghĩa được sử dụng tương đối phổ biến ở trên, khi giải thích về thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi”, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, câu thành ngữ này còn có nghĩa là "suy nghĩ thận trọng cân nhắc đi cân nhắc lại".
Bài học từ thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi”
Phê phán sự giả dối, thiếu chân thành
Giao tiếp là phương thức giúp con người trao đổi, chia sẻ thông tin, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, học hỏi, giải quyết xung đột, thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ xã hội… Tuy nhiên, nếu gặp phải kiểu người “Đá đưa đầu lưỡi”, khôn khéo nhưng không thành thật thì mục đích giao tiếp của chúng ta sẽ không thể thực hiện được.
Không chỉ dừng lại ở đó, sự dối trá, lừa lọc còn có thể gây tổn thương, làm mất uy tín, danh dự, lòng tin từ đó ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thậm chí liên quan đến mặt pháp lý. Cho nên, thông qua câu thành ngữ “Đá dưa đầu lưỡi”, người xưa vừa muốn nhắc nhở con người tránh xa thói xấu này vừa muốn phê phán kiểu người khéo léo nhưng xảo trá, biến chuyện này thành chuyện chuyện kia.
Đề cao giá trị của sự trung thực, chân thành
Người Việt coi trọng sự chân thành và các giá trị đạo đức. Sự trung thực cũng được xem là nền tảng để xây dựng và duy trì mọi mối quan hệ. Cho nên, bên cạnh ý nghĩa phê phán, câu thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi” còn làm nổi bật, đề cao sự thẳng thắn, thành thật. Từ đó khuyến khích và hướng con người đến việc sống thành thật, không xu nịnh.
Biểu hiện và cách ứng xử với kiểu người “Đá đưa đầu lưỡi”
“Đá đưa đầu lưỡi” là câu thành ngữ chỉ những người nói năng khéo léo nhưng không thật lòng, họ thường có một số đặc điểm như:
- Lời nói không nhất quán, đôi khi mâu thuẫn.
- Thường né tránh các câu hỏi trực tiếp hoặc trả lời một cách mơ hồ.
- Có thói quen biện minh và giải thích, cố gắng thuyết phục người khác tin tưởng.
- Thiếu sự chân thành, không mang lại cảm giác tin cậy.
- Có thể thay đổi lời nói, câu chuyện theo hoàn cảnh hoặc đối tượng khác nhau.
- Thường xuyên bị phát hiện nói dối, nói không đúng sự thật.
Khi giao tiếp với kiểu người này, chúng ta nên:
- Lắng nghe và chú ý đến sự nhất quán trong lời nói để nắm bắt và xác định những điểm không phù hợp, từ đó đặt câu hỏi cụ thể hơn để làm rõ vấn đề đồng thời khiến đối phương từng bước để lộ sơ hở, không thể tiếp tục nói dối.
- Kiên nhẫn, bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và tình hình, tránh phản ứng thái quá.
- Khi cần thiết, hãy yêu cầu bằng chứng.
- Tránh tranh luận trực tiếp, nếu có thể nên tìm các giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng và trên tinh thần hòa bình.
- Giữ vững sự trung thực, tránh để bản thân bị ảnh hưởng bởi hành vi của đối phương đồng thời dùng luôn điểm này để tác động lại.
- Cân nhắc giữ khoảng cách với những người không đáng tin cậy, không thành thật, thường xuyên nói dối.
Thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa và trái nghĩa với “Đá đưa đầu lưỡi”
“Đá đưa đầu lưỡi” là một trong những câu thành ngữ điển hình bàn đến chuyện giao tiếp, ứng xử giữa người với người trong cuộc sống. Tuy nhiên “túi khôn dân gian” vẫn còn rất nhiều câu nói hay chứa đựng kinh nghiệm quý giá của người xưa, mời bạn cùng VOH khám phá.
- Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo: ám chỉ người thiếu trung thực, điêu toa, lật lọng.
- Đầu môi chót lưỡi: chỉ thấy trong lời nói mà không thấy trong việc làm, bẻo lẻo cửa miệng, không thực chất.
- Khua môi múa mép: nói năng ba hoa, khoác lác, không có căn cứ.
- Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa: giỏi ăn, giỏi khua môi múa mép, ba hoa nhưng làm thì dở.
- Nói dối như Cuội: chỉ người nói dối thường xuyên, trắng trợn.
- Miệng hùm gan sứa: miệng nói hùng hổ, bạo dạn nhưng thực tế lại sợ sệt.
- Nói hươu nói vượn: khoác lác, không thực tế.
- Nói một đằng, làm một nẻo: lời nói và hành động không đồng nhất, trái ngược nhau.
- Một tấc đến trời: chỉ người nói nhiều, ba hoa, khoác lác, khoe khoang nhưng thực chất không có có tài cán gì.
- Miệng nam mô, bụng bồ dao găm: miệng nói từ bi, nhân nghĩa nhưng lòng thì nham hiểm, chỉ những người giả dối.
- Nói tràng ba, khoát bảy: chỉ người khoác lác, ba hoa, không đưa lại được hiệu quả gì.
- Chưa được ăn bánh, bóc lá đã từng: khoe khoang, khoác lác.
- Đi nói dối cha, về nhà nói dối chú: dùng để miêu tả người trí trá, không thật thà, không trung thực với người trên.
- Ăn ngay nói thẳng: ăn ở thật thà, ngay thẳng.
- Thẳng như ruột ngựa: chỉ người thẳng thắn, bộc trực không quanh co, lắt léo, giấu diếm điều gì cũng không kiêng nể ai.
- Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng: thuốc đắng bệnh mau khỏi, lời thật lòng khó nghe nhưng bổ ích.
Qua câu thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi”, chúng ta không chỉ biết thêm về một kiểu người, một hành vi, một lối giao tiếp đáng bị phê phán trong mọi thời đại mà còn thấy được giá trị của sự chân thành, thẳng thắn, trung thực. Đây chính là lời nhắc nhở của người xưa cũng là điều mà mỗi cá nhân nên tự nhắc nhở chính mình để xây dựng các mối quan hệ bền vững, đáng tin cậy.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để đọc thêm nhiều bài viết hay!