Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì?

VOH - Câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” nói đến một kiểu người ai cũng từng thấy nhưng không ai muốn kết giao. Vậy “Giậu đổ bìm leo” là gì?

Cuộc đời dài rộng, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người. Có những kiểu người nên kết thân nhưng cũng có những kiểu người nên tránh xa, ví như người “Giậu đổ bìm leo”. Trước hết, hãy cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì?

“Giậu đổ bìm leo” là gì?

Muốn hiểu “Giậu đổ bìm leo” có nghĩa là gì, trước hết chúng ta cần biết tới câu chuyện kể về nguồn gốc của câu thành ngữ này.

Hàng giậu bao quanh khu vườn được con người chăm sóc kỹ lưỡng nên luôn tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ bị đổ. Cạnh hàng giậu có cây bìm bìm, loại cây dây leo cần nương tựa vào tường, giậu hoặc cây khác để đón ánh nắng. Nhưng mỗi lần bìm bìm muốn bám vào hàng giậu để hưởng chút ánh nắng thì hàng giậu lại bực bội, không cho nó nương tựa.

Hàng giậu còn mách người, nói bìm bìm sắp lấn át nó, nếu hàng giậu đổ thì chó, gà sẽ vào phá rau. Người cho là đúng nên cấm bìm bìm leo lên hàng giậu. 

Sau khi người thu hoạch hết rau trong vườn, hàng giậu chịu nắng, chịu mưa lại không được chăm sóc nên xiêu vẹo, nghiêng ngả xuống gần cây bìm bìm. Bìm bìm liền hùa nhau bám vào khiến giậu bị nặng nghiêng hẳn xuống. Cả họ bìm bìm nói rằng: “Xưa giậu hắt hủi họ bìm bìm nhà ta, lúc ta cần thì chẳng cho nương tựa, giờ giậu nhà ngươi đổ kêu người nào có thấy ai. Không là hàng giậu ngăn chó, ngăn gà thì cứ để họ nhà ta leo lên, dẫu sao cũng còn có ích.”

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì? 1
Dùng hình ảnh quen thuộc, người xưa dạy con cháu nhiều bài học ý nghĩa qua câu thành ngữ "Giậu đổ bìm leo" - Ảnh: Canva

Kể từ đó, khi gặp kẻ lợi dụng lúc người khác gặp khó khăn, hoạn nạn, thất thế để lấn lướt, áp đảo, kiếm chác, thực hiện ý đồ xấu… người ta lại liên tưởng đến câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo”.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy được cách sống chỉ biết mình của hàng giậu và sự trả đũa, lợi dụng của bìm bìm. Đặc biệt, ngoài ý nghĩa phê phán những kẻ cơ hội, nhân lúc người khác gặp điều không may để làm hại, chiếm lợi thì câu thành ngữ này cũng thể hiện nỗi niềm thở than của người sa sút bị kẻ khác thừa cơ trục lợi.

Tuy nhiên, nếu chỉ giải thích “Giậu đổ bìm leo” theo nghĩa đen và nghĩa bóng thì chưa đủ. Phải lĩnh hội được những bài học được gửi gắm thì chúng ta mới thấy hết được cái hay của câu thành ngữ này cũng như sự tài tình của người xưa trong việc truyền tải bài học cuộc sống.

Xem thêm:
Giải thích thành ngữ "Đục nước béo cò" và bài học cuộc sống
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Mượn gió bẻ măng” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Há miệng chờ sung’ phê phán đức tính nào?

Phê phán thói “Giậu đổ bìm leo”

Trong cuộc sống, có rất nhiều người giống như cây bìm bìm, nhân lúc người khác gặp nạn không chỉ không giúp đỡ mà còn được đà lấn tới, tìm cách kiếm lợi cho bản thân. Một số kẻ thậm chí còn làm hại, chà đạp khiến người ta thêm khốn đốn. Ấy là những kẻ tiểu nhân, hẹp hòi, ích kỷ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình và sẵn sàng hy sinh người khác để đạt được mục đích.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì? 2
Kiểu người "Giậu đổ bìm leo" chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân - Ảnh: Internet

Kiểu người sống lợi dụng này không có tình cảm hay mối quan hệ chân thành, chỉ có sự toan tính, vụ lợi. Khi người khác gặp chuyện không may, họ sẽ lập tức bộc lộ bản chất. Đọc câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo”, chúng ta có thể thấy hàm ý phê phán, chê trách được thể hiện rất rõ ràng.

Bài học về lòng người, phòng kẻ “Giậu đổ bìm leo”

Người xưa có câu “Dò sông dò biển dễ dò/Đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Lòng người khó đoán, kẻ “Giậu đổ bìm leo” tâm cơ nhưng thường mang vẻ ngoài vô hại. Cho nên, trong cuộc sống có thăng có trầm này, con người phải biết “chọn bạn mà chơi”, biết đề phòng những kẻ lòng dạ tiểu nhân.

Kiểu người trước mặt tươi cười, xây dựng cho bản thân vỏ bọc tử tế, tốt đẹp nhưng sau lưng lại phản bội, hả hê khi người khác gặp nạn hay làm những chuyện xấu xa. Đây chính là biểu hiện của kẻ “Giậu đổ bìm leo”, bạn cần tránh xa. Với những người, những mối quan hệ chưa hiểu rõ, chúng ta cũng nên cẩn trọng, không nên quá tin tưởng.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì? 3
Trong cuộc sống, chúng ta cần học cách nhìn người - Ảnh: Internet

Tóm lại, trong các mối quan hệ, chúng ta cần học cách nhìn nhận, đánh giá con người đồng thời có cách đề phòng, ứng xử với những kẻ có ý đồ xấu. Vì dù mỗi cú vấp ngã đều là một bài học đáng giá nhưng có được trải nghiệm với mức giá thấp nhất bao giờ cũng tốt hơn so với việc phải trả giá đắt. 

Xem thêm:
110 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về con người xã hội được sử dụng hằng ngày
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người
50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về sự giả tạo, lời nói dối

Bài học về đối nhân xử thế, giúp đỡ, chia sẻ

“Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, sống tốt sẽ gặp người tốt, sống sai thì sẽ nhận hậu quả tương ứng. Nếu bạn biết cách đối nhân xử thế, biết giúp đỡ, sẻ chia với người khác thì khi gặp khó khăn, ắt sẽ được giúp đỡ lại. 

Cho nên, bên cạnh ý nghĩa phê phán, dạy bảo, câu thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” còn khuyến khích chúng ta sống thiện, sống có tình người, lòng nhân ái. Đi cùng với đó là việc bài trừ lối sống hèn hạ, tâm cơ, lợi dụng, hãm hại người khác để làm lợi cho mình.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì? 4
Người sống tốt sẽ gặp được người tốt - Ảnh: Internet

Nên nhớ, đời có biến số cũng có luật nhân quả. Đặc biệt, sống đúng với những giá trị, chuẩn mực đạo đức, lan tỏa giá trị tốt đẹp, chúng ta không chỉ được người khác yêu mến, quý trọng mà còn có cuộc sống an lạc, hạnh phúc, không lo âu, không hối hận.

Những câu thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa

Nói về những kẻ chuyên lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để kiếm lợi, làm việc xấu, ngoài “Giậu đổ bìm leo” người xưa còn có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thú vị khác. Vẫn mượn những hình ảnh, hiện tượng gần gũi trong đời sống để thể hiện vấn đề nhưng mỗi câu lại có cái hay riêng, mời bạn đọc VOH tham khảo.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Giậu đổ bìm leo” là gì? 5
Một số câu thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa tương đồng "Giậu đổ bìm leo" - Ảnh: Canva

1. Đục nước béo cò: lợi dụng tình thế lộn xộn, rối ren để kiếm chác, vơ vét lợi lộc.

2. Đắm đò nhân thể giặt mẹt: nhân cơ hội, nhân sự cố xảy ra làm một việc khác.

3. Té nước theo mưa: lợi dụng cơ hội để làm việc xấu, kiếm lợi cho bản thân.

4. Mượn gió bẻ măng: lợi dụng cơ hội kiếm lợi, làm việc xấu.

5. Thừa nước đục thả câu: hành vi trục lợi khi người khác đang gặp khó khăn, hoạn nạn.

6. Càng quen, càng lèn cho đau: lợi dụng quen biết để bắt chẹt nhau, chỉ kiểu ăn ở không có tình nghĩa.

7. Cháy nhà cùng sưởi: kẻ cơ hội, lợi dụng việc chung đổ vỡ để kiếm một chút lợi nhỏ mà không quan tâm đến tổn thất lớn.

8. Một người đứng đàng, cả làng nhằm ăn: thấy hoạn nạn thì nghĩ đến cách lợi dụng.

Mong rằng phần giải thích “Giậu đổ bìm leo” là gì của VOH Sống đẹp đã giúp bạn hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ này là phê phán những kẻ cơ hội, thấy người khác gặp khó khăn thì trục lợi, làm việc xấu. Đặc biệt là các bài học sống đắt giá được người xưa đúc kết và gửi gắm. 

Bình luận