Nóc nhà là gì? Câu nói "Nhà phải có nóc" phổ biến trên facebook mang ý nghĩa gì?

(VOH) - Thời gian gần đây, trên mạng xã hội nổi đình nổi đám với các câu nói vui, bắt tai của giới trẻ như “nhà phải có nóc”, “bật nóc nhà đi nào”... Vậy nóc nhà là gì?

Sau mỗi cuộc vui chơi, tụ tập cùng bạn bè, các ông chồng thường hay trêu đùa nhau rằng “Không sợ nóc nhà à?”, “Tối nay, nóc nhà cho ra phòng khách ngủ nhé!” Chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi nào, cụm từ “nóc nhà” lại trở nên phổ biến như vậy. Thế các bạn đã hiểu nóc nhà là gì chưa? Hãy cùng bài viết đi khám phá khái niệm và nguồn gốc của cụm từ thú vị này nhé!

1. Nóc nhà là gì?

Ở thời đại 4.0, khi các thiết bị điện tử thông minh như smartphone, tablet, đồng hồ thông minh,.. trở nên phổ biến thì việc cập nhật thông tin thuận tiện hơn rất nhiều. Do đó, giới trẻ dễ dàng nắm bắt và hưởng ứng các trào lưu một cách nhanh chóng. Thuật ngữ nóc nhà là một minh chứng cụ thể.

Nóc nhà là gì? Giải mã câu nói phổ biến của cư dân mạng ‘nhà phải có nóc’ 1

Theo nghĩa đen, nóc nhà (mái nhà) là phần cao nhất, nằm trên cùng của ngôi nhà. Nó có công dụng che chắn nắng mưa giúp bên căn nhà lúc nào cũng khô ráo và thoáng mát, mang đến một không gian an toàn cho chủ sở hữu. 

Tuy nhiên, với các thế hệ gen Z, giới trẻ ngày nay khi sử dụng cụm từ “nóc nhà” sẽ không mang hàm ý đơn giản như thế. Trong tình yêu, nóc nhà là chỉ người yêu hoặc vợ của mình. Đây là người phụ nữ có quyền lực cao nhất trong một mối quan hệ nam nữ hoặc vợ chồng. Thông thường, các bạn nữ có chiều cao thấp hơn các bạn nam nên khi ví von nóc nhà cao với các cô gái nấm lùn tạo ra sự hài hước, đáng yêu.

2. Quan niệm “nóc nhà” xưa và nay

Cha ông ta đã có câu “Con có cha như nhà có nóc” để nói lên trách nhiệm và vị trí quan trọng của các đấng mày râu trong gia đình. Lúc đó, người đàn ông đóng vai trò là trụ cột, là nóc nhà. Vì người cha là nguồn kinh tế chính của gia đình, là chỗ dựa vững chắc, là người che mưa chắn gió cho vợ con. 

Trong thời phong kiến, theo tam cương thì nóc nhà ; là các đấng mày râu - người có quyền lực tối cao trong mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Chẳng hạn, chồng nói vợ nghe, cha dạy bảo con cái phải vâng lời. Điều này thể hiện rõ quan niệm của người xưa về việc người đàn ông là người đưa ra mọi quyết định.

noc-nha-la-gi-voh-1
Quan niệm đàn ông là nóc nhà đã không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ý nghĩa này đã không còn phù hợp và không sử dụng nhiều như trước đây. Bởi phái yếu càng ngày càng giỏi giang, “nâng cấp bản thân” lên một tầm cao mới, lên phòng khách xuống nhà bếp. Họ vừa đảm đang vừa mạnh mẽ khi những việc phái nam làm được họ cũng làm được.

Từ những điều phái nữ chứng minh thì các ông chồng, anh người yêu trở nên quan tâm và cưng chiều bạn đời của mình hơn. Do đó, họ hay dùng từ nóc nhà nhằm bày tỏ tấm lòng với người yêu, vợ của mình. Họ gọi một nửa yêu thương là nóc nhà không phải vì sợ mà cho thấy sự yêu thương, cưng chiều và cũng chứa đựng sự nghiêm túc trong mối quan hệ đó.

Khi vợ hay người yêu được làm nóc nhà còn thể hiện sự thay đổi tư duy nam quyền của giới trẻ. Người phụ nữ không bị giày vò, khổ sở bởi khuôn khổ, tục lệ khắc nghiệt ngày xưa. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho những người phụ nữ hiện đại. Họ có tiếng nói hơn trong gia đình, được tôn trọng, được bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của bản thân.

Xem thêm: Cụm từ quần què (qq) được giới trẻ sử dụng với ý nghĩa gì?

3. Nguồn gốc và ý nghĩa của câu “Nhà phải có nóc” trong tình yêu

Dùng từ "nóc nhà" để gọi vợ đã có từ lâu nhưng chỉ đến khi từ này xuất hiện trong các chương trình truyền hình thì nó mới trở nên phổ biến rộng rãi trên MXH cũng như trong giao tiếp. 

Vào tháng 10 năm 2020, chương trình Rap Việt mùa 1 vừa phát sóng ca khúc Giàu vì bạn, sang vì vợ của anh chàng rapper MCK, lập tức từ nóc nhà trở thành viral trên mạng xã hội. Ngay trong đêm, giới trẻ đua nhau gọi người yêu, vợ là 'nóc nhà' để bày tỏ tình yêu của mình. Trong bài hát có những câu đề cao phái nữ như: 

Ra đường anh là cá mập

Ở nhà anh là cá con

Chúng nó bảo anh sợ vợ

Anh bảo chúng nó quá non

Nhà nào mà chả có mái

Không phải sợ đấy là tôn trọng.”

Ở đây, từ “mái” có thể hiểu là mái nhà hoặc trống/mái chỉ nữ giới. “Nhà nào mà chả có mái” là định luật hiển nhiên trong cuộc sống vì nhà nào mà chẳng có phụ nữ. Tôn trọng vợ, bạn gái là điều đúng đắn, “đội vợ lên đầu” không giúp các ông chồng, bạn nam “trường sinh bất tử” nhưng chắc chắn sẽ “sang”.

Câu “Nhà phải có nóc” trở nên phổ biến hơn khi Đỗ Duy Nam và Thái Dương tung cho ra đời video parody hài hước, vui nhộn về nóc nhà. Cư dân mạng vô cùng thích thú và sử dụng câu nói ấy ngày càng nhiều.

Từ những cách gọi hài hước, đáng yêu đó cho thấy sự bình đẳng nam nữ. Giờ đây, công việc nhà chẳng phải là trách nhiệm, bổn phận của một mình người phụ nữ. Đàn ông không nên ỷ vào việc ra ngoài kiếm tiền rồi đùn đẩy việc nhà lên đầu bạn đời của mình.

Những tư duy phong kiến khô khan, trọng nam khinh nữ không còn phù hợp. Nếu để duy trì hạnh phúc trong tình yêu, hôn nhân gia đình thì cần có sự sẻ chia, quan tâm từ hai phía. Các phái mạnh không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên bạn gái, bà xã hay bát bỏ, lấn át ý kiến của họ khiến họ cảm thấy bản thân không được yêu thương, tôn trọng.

“Nhà phải có nóc” là câu nói hài hước, khẳng định giá trị của người phụ nữ. Đồng thời, còn cho thấy vai trò quan trọng của họ trong việc xây dựng mái ấm gia đình, đúng với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. 

Xem thêm: Bạn có phải người hay quạu quọ trong cuộc sống? Những meme mặt quạo dễ thương trên facebook

4. Sự quyền lực đáng yêu đến từ “nóc nhà” trong cuộc sống

Phái nam đã dần học được cách lắng nghe và thấu hiểu người phụ nữ của mình hơn. Họ biết nhường nhịn, yêu thương và chia sẻ áp lực công việc với bạn đời. Từ đó, giúp mối quan hệ yêu đương, vợ chồng trở nên gắn kết, bền chặt hơn. Bạn gái, người vợ sẽ hạnh phúc khi thấy bản thân đã tìm được mảnh ghép thích hợp của đời mình.

Các ông chồng, bạn nam từng trải qua sự trừng phạt “đáng yêu” của nóc nhà mình rồi chứ? Bạn đã bao giờ “bị phạt” ngủ ngoài phòng khách khi đi chơi về trễ hay làm việc nhà cả tuần vì lỡ bật lại nóc nhà không? Nếu có thì nóc nhà của bạn thật sự rất uy quyền và dễ thương đấy.

noc-nha-la-gi-voh-2
Hình phạt đáng yêu đến từ vị trí "nóc nhà"

Xem thêm: Người khiêm tốn thật sự là người thế nào mà ai cũng thích thế nhỉ?

5. Những câu nói dùng nóc nhà vừa hóm hỉnh, vừa dễ thương

Cụm từ nóc nhà vừa mang ý nghĩa hài hước, dễ thương, vừa thể hiện được tình cảm cũng như sự tôn trọng của người đàn ông đối với phụ nữ. Không chỉ chủ xuất hiện thường xuyên trên các trang mạng xã hội, mà ngay cả trong đời sống hàng ngày, cụm từ nóc nhà của được các bạn trẻ sử dụng rất thường xuyên như:

  1. Nóc nhà ơi! Giờ em muốn anh làm gì nào?
  2. Bố ơi! Con muốn mua cái xe này
    Để bố về hỏi nóc nhà mình đã nhé.
  3. Em ơi! Nhà anh thiếu nóc, chờ em về làm
noc-nha-la-gi-voh-3
  1. Nóc nhà uống trà sữa hay hồng trà?
  2. Alo, nóc nhà ơi!
  3. Anh trai ngồi cạnh góc bàn
    Xin cho em hỏi nóc nhà anh đâu?
    Em hỏi anh cũng xin thưa
    Nhà anh chưa nóc chờ em lên nè!
  4. Em ơi, anh nói em nghe
    Nhà anh thiếu nóc, chờ em về làm.

Hy vọng qua bài viết này, các đấng mày râu sẽ yêu thương và trân trọng nóc nhà của mình hơn. Để họ cảm thấy bản thân đã lựa chọn đúng người. Trong tình yêu, hôn nhân cần có sự sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu từ hai phía. Nếu bạn chỉ biết áp đặt, ra lệnh cho bạn đời thì mối quan hệ đó không sớm thì muộn cũng đổ vỡ. Nó giống như việc bạn cầm một nắm cát trong tay, càng siết chặt cát lại càng dễ rơi.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet