Cà gai leo là một vị thuốc nam quý được Y học cổ truyền ghi nhận về tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng của gan. Ngày nay y học hiện đại đã nghiên cứu, chứng minh cà gai leo còn giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tác dụng của cà gai leo qua bài viết sau.
1. Tìm hiểu chung về cà gai leo
Cà gai leo còn có tên gọi khác như cà vạnh, cà cườm, cà quánh, cà quýnh, cà gai dây, cà lù, với tên khoa học Solanum hainanense hoặc Solanum procumbens Lour. Đây là cây thuộc họ Cà (Solanaceae), phân bổ ở vùng đồi núi thấp ở các tỉnh miền Bắc cho tới Huế. Ngoài ra, thảo dược này còn được tìm thấy ở các nước lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc,...
Cà gai leo là cây nhỏ, sống nhiều năm, dài khoảng 1m, phân thành nhiều cành. Các cành này tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá loại cây này có hình bầu dục, màu xanh sẫm ở trên, mặt dưới nhạt, được mọc so le với nhau, toàn thân đều phủ đầy lông tơ màu trắng. Hoa màu trắng mọc thành xim, thường nở rộ vào tháng 4 - 9 hàng năm. Quả có dạng mọng bóng, hình cầu nhẵn, màu đỏ bên ngoài và có hạt màu vàng hình đĩa bên trong.
Cà gai leo được coi là loại thảo dược quý có tác dụng chữa bệnh hiệu quả (Nguồn:Internet)
2. Thành phần hóa học có trong cà gai leo
Trong thân cây và rễ cà gai leo chứa nhiều tinh bột và các hoạt chất khác như alcaloid, tinh bột, flavonoid. Cây được dùng trị phong thấp, đau nhức các đầu gân xương, cảm cúm, ho gà, dị ứng, trị rắn cắn, giải độc,... Đặc biệt, thảo dược này rất tốt cho người suy giảm chức năng gan và những người thường xuyên tiếp xúc với rượu bia.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cà gai leo
Theo đông y, bộ phận rễ, cành lá và cả quả đều có thể dùng làm thuốc trị bệnh hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc cà gai leo mà ít người biết đến.
3.1 Hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (viêm gan B, xơ gan...)
Hoạt chất trong cây cà gai leo có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào viêm gan và ức chế xơ gan. Bạn có thể dùng 30g cà gai leo (thân, rễ, lá), 10g cây dừa cạn và 10g cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu). Tất cả đem sao vàng, rồi sắc uống mỗi ngày một thang. Hoặc bạn lấy 35g rễ hoặc thân lá cà gai leo, sắc với 1 lít nước, còn 300ml chia uống 3 lần trong ngày, giúp hạ men gan, và giải độc gan rất tốt.
3.2 Hỗ trợ điều trị tê thấp, nhức mỏi, đau lưng
Cà gai leo khi kết hợp với một số loại thảo dược khác giúp hỗ trợ điều trị phong thấp, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bạn cần chuẩn bị 10g cà gai leo, 10g dây gấm, 10g thổ phục linh, 10g kê huyết đằng và 10g lá lốt. Đem tất cả nguyên liệu này đi sao vàng, rồi sắc uống mỗi ngày 1 thang, liên tục từ 10 - 30 tháng.
3.3 Giảm ho gà, chữa hen suyễn
Bên cạnh đó, tác dụng của cà gai leo trong việc giảm tình trạng ho gà, điều trị bệnh hen suyễn rất tốt. Bạn sử dụng 10g cà gai leo, 10g thiên môn và 10g mạch môn. Tất cả nguyên liệu trên đem sắc uống, liều dùng 3 lần/ngày.
3.4 Chữa ho do viêm họng
Để chữa ho do viêm họng, bạn có thể sử dụng 15g rễ hoặc thân và lá cà gai leo, 30g lá chanh. Tất cả đem sắc uống trong 5 - 7 ngày, mỗi ngày 2 lần và sử dụng bài thuốc này khi còn ấm.
Tác dụng của cà gai leo hỗ trợ điều trị ho do viêm họng (Nguồn:Internet)
3.5 Giúp giải rượu
Theo kinh nghiệm dân gian, dùng bài thuốc từ cây cà gai leo sẽ nhanh chóng tỉnh rượu, bảo vệ tốt tế bào gan. Bạn chỉ cần chuẩn bị 100g cà gai leo khô sắc với 400ml nước còn 150ml, uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Hoặc bạn lấy 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước.
3.6 Trị cảm cúm, bệnh dị ứng, rắn cắn
Ngoài ra, tác dụng của cây cà gai leo còn giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh khác như chữa cảm cúm, bệnh dị ứng, trị rắn cắn. Bạn lấy 16 - 20g rễ hoặc thân lá cà gai leo đem sắc uống và sử dụng hàng ngày là được.
4. Một số điều cần lưu ý khi sử dụng vị thuốc cà gai leo
- Cà gai leo có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn sử dụng cà gai leo.
- Nếu không phải người có chuyên môn, bạn có thể nhầm lẫn giữa các giống với nhau như cà tàu, cà độc dược, cà dại,... Điều này không những không cho hiệu quả mà còn có thể gây ngộ độc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
- Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.