Hạt kê vốn nằm trong danh sách các loại lương thực được canh trồng và tiêu thụ khá rộng rãi trên thế giới, chỉ xếp sau lúa gạo, lúa mì, ngô (bắp). Loại hạt nhỏ bé này có thành phần dinh dưỡng ra sao cũng như mang lại lợi ích sức khỏe nào mà được xếp vào “top” quan trọng trên? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp!
1. Hạt kê là hạt gì?
Hạt kê (tiểu mễ, cốc nha, cốc tử, túc cốc, bạch lương túc) là phần hạt của cây kê – một loại cây lương thực có nguồn gốc từ Ấn Độ, cũng thuộc họ lúa – Poaceae, có tên khoa học Setaria italica (L.) P Beauv.
Theo đó, tại Việt Nam ta, cây kê được trồng tại một số tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Nghệ An hay Quảng Trị với 2 loại phổ biến kê nếp và kê tẻ. Màu vàng của hạt kê nếp đậm hơn so với hạt kê tẻ nên cũng có tên gọi là hạt kê vàng.
2. Tác dụng của hạt kê với sức khỏe
Hạt kê vốn được mệnh danh là một trong những loại thực phẩm “trường thọ” nhờ có chứa nhiều dược tính tốt cho sức khỏe con người, điển hình phải kể đến như khoáng chất photpho, magie, sắt và các amino axit.
2.1 Cải thiện chứng mất ngủ
Một số phân tích thành phần nhận thấy rằng trong hạt kê có chứa melatonin rất cần thiết cho não bộ. Cụ thể, hoạt chất này sẽ giúp thư giãn các tế bào thần kinh, giảm căng thẳng và đưa bạn vào giấc ngủ dễ dàng, từ đó cải thiện chứng mất ngủ hữu hiệu.
2.2 Tốt cho hệ tiêu hóa
Theo Đông y, hạt kê thuộc nhóm dược liệu có vị ngọt, với công dụng kiện tì, ích vị nên thường được bổ sung vào các bài thuốc cải thiện các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa. Trong trường hợp đầy bụng khó tiêu, ăn uống không ngon miệng, bạn có thể đun nước hạt kê uống hoặc thêm vào các món canh, món súp thường ngày.
Xem thêm: 12 loại thực phẩm bạn nên ăn nếu muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh
2.3 Kiểm soát đường huyết
Hạt kê được đánh giá là loại hạt khá lành mạnh dành cho người bệnh đang điều trị tiểu đường. Bởi lượng chất xơ từ hạt khi vào cơ thể hỗ trợ tăng độ nhạy của insulin, đồng thời kiểm soát ổn định tốc độ hấp thu và chuyển hóa đường huyết vào máu.
2.4 Phòng ngừa thiếu máu
Tăng cường hạt kê trong khẩu phần ăn cũng góp phần giúp bạn phòng ngừa chứng thiếu máu và các bệnh lý liên quan. Điều này là vì trung bình trong khoảng 170 g hạt kê sẽ chứa lượng vi chất sắt tương đương với hơn 6% nhu cầu hàng ngày, trực tiếp tham gia sản sinh tế bào hồng cầu cũng như vận chuyển oxy đi nuôi tế bào của hệ cơ quan khắp cơ thể.
2.5 Tác dụng của hạt kê tăng tiết sữa sau sinh
Tắc tia sữa hay “sữa về” ít trong những ngày đầu sau sinh là tình trạng thường gặp ở các chị em phụ nữ. Lúc này, cùng với việc xoa bóp nhẹ nhàng bầu ngực, chủ động cho bé tập bú, mẹ nên tham khảo ăn thêm các món ăn từ hạt kê để kích thích tuyến sữa hoạt động.
Xem thêm: Bí quyết giúp ‘sữa về như suối’ cho bé ti thoải mái, không lo thiếu sữa
2.6 Hỗ trợ phục hồi thể lực
Có thể bạn chưa biết, dù với kích thước bé xíu song lượng vitamin B và protein mà hạt kê mang lại thì vô cùng quý giá. Chính vì thế, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến khích chúng ta tăng cường hạt kê vào thực đơn dinh dưỡng để chủ động cải thiện thể lực hoặc phục hồi sức khỏe sau thời gian điều trị bệnh.
2.7 Tác dụng của hạt kê giảm chứng bí tiểu
Một trong những tác dụng của hạt kê nhất định phải nhắc tới đó là hỗ trợ giảm chứng bí tiểu và tiểu rắt. Loại hạt có tính ngọt mát này sẽ giúp bạn khắc phục hiện tượng nóng trong người, giảm tình trạng bí bách khó chịu, thúc đẩy bài tiết nước tiểu.
3. Hướng dẫn cách nấu hạt kê
Hạt kê không phải là thực phẩm “khó tính” bởi dù món súp, món canh hay nấu cơm, bạn cũng có thể kết hợp với loại hạt này. Điển hình phải kể tới những món ngon từ hạt kê dưới đây:
- Bánh đa kê
- Xôi kê
- Cơm kê
- Cháo hạt kê
- Sữa hạt kê
- Thịt gà hầm hạt kê
Xem thêm: Chỉ cần biết cách nấu hạt kê thành 9 món thơm ngon này, cả nhà ai cũng ‘mê mẩn’
4. Hạt kê cho bé ăn dặm có tốt không?
Nhiệm vụ xây dựng thực đơn ăn dặm của bé vốn không dễ dàng với các mẹ “bỉm sữa”, nhất là khi có khá nhiều mẹ băn khoăn vì chưa biết có nên cho bé dùng món ăn từ các loại hạt hay không. Theo đó, nếu mẹ đang xem xét bổ sung hạt kê vào khẩu phần của con thì hãy yên tâm rằng đây là hạt kê cho bé ăn dặm hoàn toàn được nhé!
Xem thêm: Gợi ý 7 cách nấu cháo hạt kê cho bé ăn dặm – thơm ngọt, giàu dưỡng chất mẹ nên ‘cập nhật’ ngay
5. Một số lưu ý an toàn khi sử dụng hạt kê
Nhìn chung tác dụng của hạt kê với sức khỏe khá lành tính, nhưng để tận dụng hiệu quả và an toàn nhất, xin nhắc bạn thực hiện một số lưu ý quan trọng sau trong quá trình sử dụng:
5.1 Bảo quản nơi khô ráo
Giống như những thực phẩm khô khác, sau khi mua hạt kê về, nếu muốn tích trữ để dùng dài ngày, bạn cần chú ý bảo quản hạt trong túi giấy hoặc lọ đựng thủy tinh, bọc kín rồi đặt ở nơi thông thoáng hay ngăn mát tủ lạnh.
5.2 Không sử dụng quá nhiều
Hạt kê có tác dụng phòng ngừa và cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe nhưng khuyến cáo bạn không nên ăn quá nhiều. Mỗi lần chỉ nên dùng tối đa 150g, ngâm rửa sạch và rang thơm trước khi đem chế biến.
5.3 Hạn chế ăn vào buổi tối
Như đã chia sẻ, hạt kê có tính mát và lợi tiểu nên thích hợp nhất là dùng vào các bữa ăn ban ngày, hạn chế ăn vào buổi tối.
Xem thêm: Tiểu đêm nhiều lần là do những căn bệnh này gây ra
5.4 Tránh dùng khi có tiền sử dị ứng
Tỉ lệ bị dị ứng khi ăn hạt kê rất hiếm gặp, song nếu bạn từng có tiền sử dị ứng bất cứ loại hạt nào thì lời khuyên là nên thận trọng theo dõi chuyển biến sức khỏe khi sử dụng hạt kê. Trường hợp nổi ban đỏ, ngứa ngáy hoặc khó thở nên tạm ngưng ăn và nhanh chóng tới thăm khám tại các cơ sở y tế.
6. Thành phần dinh dưỡng của hạt kê
Hàm lượng một số chất dinh dưỡng nổi bật được tìm thấy trong 170g hạt kê như sau:
- Lượng calo: 207
- Carbs: 41g
- Chất xơ: 2.2g
- Chất đạm: 6g
- Chất béo: 1.7g
- Phốt pho: 25% giá trị hàng ngày
- Magiê: 19% giá trị hàng ngày
- Folate: 8% giá trị hàng ngày
- Sắt: 6% giá trị hàng ngày
Nhờ có dược tính tốt cho sức khỏe nên loại hạt này không chỉ được sử dụng làm thực phẩm mà còn dùng trong trị liệu nhiều bệnh lý. Mong rằng những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về hạt “nhỏ nhưng có võ” này nhé.