Không còn quá xa lạ trong thực đơn hàng ngày của mỗi gia đình, trái dưa leo ngọt thơm luôn được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ yêu thích và “đón nhận”. Cùng tìm hiểu thêm về loại rau quả thân quen này trong bài viết dưới đây nhé.
1. Tìm hiểu về trái dưa leo
Dưa leo hay còn gọi là dưa chuột, có tên khoa học là Cucumis sativus, có dạng thân leo và cùng thuộc họ bầu bí giống như bí đao, bí đỏ, mướp hay bầu. Nhiều tài liệu ghi chép cho thấy dưa leo có nguồn gốc từ khu vực Nam Á, song cho tới nay, dưa leo đã có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành một trong những cây trồng phổ biến nhất.
Thực tế dưa leo vốn sinh trưởng với đặc tính như một loại trái cây vì có hoa và lá, tuy nhiên đây cũng là nguyên liệu “đa năng” trong ẩm thực nên còn được xem như một loại rau.
2. Tác dụng của dưa leo với sức khỏe
Khác với các loại rau quả trong họ bầu bí, dưa leo có kích thước “khiêm tốn” hơn (chỉ dài khoảng 10 – 15cm) nhưng cung cấp nguồn chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào, kể đến như chất xơ, chất chống oxy hóa beta – carotene, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B6 hay vitamin E.
Nhờ vậy nếu bổ sung đúng lượng và đúng cách, bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời này:
2.1 Ngăn ngừa mất nước
Có thể nói dưa leo là loại rau quả khá mọng nước bởi hàm lượng nước chiếm tới hơn 95% tổng thành phần dinh dưỡng của trái. Vì lẽ đó, thưởng thức trái dưa leo ngọt giòn vừa giải tỏa cơn khát, đem lại cảm giác sảng khoái, vừa giảm thiểu tối đa tình trạng mất nước xảy ra. (1)
Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ
2.2 Điều hòa huyết áp
Dưa leo được biết đến như một thực phẩm lành mạnh dành cho đối tượng thường xuyên gặp các vấn đề về huyết áp, nhất là đang điều trị huyết áp cao.
Theo đó, lượng lớn khoáng chất kali được tìm thấy trong dưa leo (tương đương với 13% nhu cầu hàng ngày của cơ thể) có khả năng đào thải lượng muối natri dư thừa, giảm tích trữ nước gây áp lực lên thành mạch máu và duy trì huyết áp ổn định. (2)
2.3 Cải thiện tiêu hóa
Bên cạnh hàm lượng nước lớn, trong dưa leo còn có nhóm chất xơ hòa tan pectin – thành tố góp phần không nhỏ giúp kích thích sản sinh lợi khuẩn trong đường ruột, cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. (3)
Xem thêm: Phương pháp giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh 'táo bón' mà không cần dùng thuốc nhuận trường
2.4 Tốt cho sức khỏe răng miệng
Để bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn thêm dưa leo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Dưa leo có hàm lượng nước, chất xơ dồi dào, giúp răng nướu khỏe mạnh, răng trắng sáng. Bên cạnh đó, chất phytochemcial có trong dưa leo còn “tiêu diệt” các vi khuẩn – tác nhân gây hôi miệng.
2.5 Phòng chống ung thư
Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy cùng với beta – carotene, dưa leo có chứa các chất chống oxy hóa nhóm flavonoid rất cần thiết với quá trình bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do. Từ đây sẽ hạn chế tỉ lệ hình thành khối u gây nên các bệnh ung thư nguy hiểm. (4)
Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư
2.6 Giảm căng thẳng
Như đã chia sẻ, bổ sung dưa leo trong chế độ dinh dưỡng sẽ giúp bạn chủ động hấp thu thêm vitamin B1, vitamin B2 hay vitamin B5. Đây đều là dưỡng chất vô cùng quan trọng tham gia sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và hormone giảm căng thẳng, lo âu hữu hiệu. (5)
2.7 Giải rượu bia
Một trong những tác dụng của dưa leo không thể quên nhắc tới đó là hỗ trợ giả rượu bia nhanh chóng. Để tránh khi thức dậy sau cơn say bị uể oải và đau nhức đầu, nên ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ.
Xem thêm: ‘Bỏ túi’ 12 bí kíp giải rượu bia này đảm bảo bạn không còn say xỉn triền miên nữa
3. Tác dụng của dưa leo trong làm đẹp
Tận dụng dưa leo để dưỡng nhan hay cải thiện vóc dáng có lẽ là “tuyệt chiêu” làm đẹp mà chị em phụ nữ nào cũng biết, bởi không chỉ tiết kiệm mà còn rất dễ dàng áp dụng.
Không cần phải thực hiện các liệu trình phức tạp, tốn kém, ngay tại nhà, chị em có thể đặc chế mặt nạ dưa leo để dưỡng ẩm cho làn da, trị mụn, se khít lỗ chân lông hoặc giảm quầng thâm, sưng bọng mắt.
Ngoài ra, nếu muốn lên thực đơn ăn kiêng an toàn với các loại rau quả thì bạn không nên bỏ qua dưa leo. Hãy kết hợp dưa leo với bông cải xanh, bắp (ngô), cà chua bi,... làm salad tươi mát, thanh đạm để giảm cân hiệu quả.
Xem thêm: Giảm cân bằng dưa chuột: tuyệt chiêu sở hữu thân hình mảnh mai ‘siêu nhanh, siêu đơn giản’ tại nhà
4. Bà bầu ăn dưa leo có tốt không?
Nếu bà bầu ưa thích những trái dưa leo giòn giòn, mọng nước thì hãy tiếp tục duy trì sở thích này nhé bởi các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng đây là loại quả bổ dưỡng, an toàn và bà bầu có thể yên tâm ăn trong thai kì.
Tiếp nạp các chất dinh dưỡng mà dưa leo cung cấp sẽ giúp mẹ phòng tránh một số vấn đề sức khỏe sau:
- Tăng huyết áp thai kì
- Thanh nhiệt cơ thể, giảm tình trạng nóng trong người
- Ngăn ngừa táo bón thai kì
- Giải tỏa lo lắng, căng thẳng
Xem thêm: Bà bầu ăn dưa chuột có tốt không? 7 lợi ích và lưu ý mẹ nên biết
5. Hướng dẫn cách chọn dưa leo ngon
Vốn được canh trồng vào nhiều mùa vụ trong năm nên tìm mua dưa leo không quá khó và giá thành của dưa leo tương đối rẻ. Thế nhưng để chọn được trái dưa leo giòn ngọt, nhiều nước, bạn nhất định nên “nằm lòng” một vài mẹo nhỏ sau đây:
- Chú ý chọn những trái dưa leo còn non, đều màu, xanh tươi, không có đốm vàng ố hay thâm đen.
- Lựa chọn có hình dáng thuôn dài, to đều cả hai đầu, không bị cong vẹo hay có vết nứt, bởi đây là dấu hiệu của trái mọng nước, ít hạt và không bị đắng.
- Nên chọn trái dưa leo còn nguyên cuống, có lớp phấn trắng phủ bên ngoài vì trái còn tươi ngon, ngọt nước.
6. Một số món ngón từ dưa leo
Ăn trực tiếp dưa leo hay đem làm nước ép dưa leo có lẽ là phương pháp sử dụng đơn giản và quen thuộc rồi nhỉ.
Vì vậy nếu muốn thưởng thức các món ngon từ dưa leo mới lạ, hấp dẫn hơn, bạn có thể chuẩn bị thêm vài nguyên liệu như thịt bò, thịt heo, tôm hay một số loại rau thơm, rồi tự tay chế biến theo một vài gợi ý này:
- Dưa leo xào thịt bò
- Canh dưa leo nhồi thịt
- Dưa leo cuộn tôm
- Dưa leo muối
Xem thêm: 'Cập nhật' 7 món ngon từ dưa leo để đổi vị cho bữa cơm gia đình
7. Những lưu ý an toàn để phòng tránh tác hại của dưa leo
Không thể phủ nhận rằng dưa leo là một loại rau quả lành mạnh, giàu dưỡng chất, song sẽ không thể tránh khỏi những tác hại của dưa leo nếu dùng thiếu khoa học. Do đó, đừng quên thực hiện những lưu ý an toàn này trong quá trình sử dụng dưa leo:
7.1 Ngâm rửa sạch
Công đoạn ngâm rửa sạch dưa leo với nước muối loãng là bước tối quan trọng mà bạn không nên bỏ qua, nhằm đảm bảo loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Đồng thời sau khi làm sạch, bạn có thể yên tâm ăn dưa leo mà không cần gọt bỏ phần vỏ, giúp tận dụng tối đa dưỡng chất cũng như giữ được độ giòn của trái.
7.2 Không sử dụng quá nhiều
Tác dụng của dưa leo chỉ phát huy hiệu quả khi chúng ta sử dụng đúng liều lượng an toàn. Theo đó, một ngày ăn khoảng 1 – 2 trái, trường hợp uống nước ép dưa leo thì chỉ nên dùng tối đa 150ml.
7.3 Hạn chế ăn khi thể trạng hàn
Nếu thuộc đối tượng có thể trạng hàn hay đang mắc chứng tiêu chảy kéo dài, bạn cũng cần cân nhắc và hạn chế ăn dưa leo để không làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Xem thêm: Ăn gì khi bị tiêu chảy? 7 loại thực phẩm sẽ giúp giải quyết vấn đề trên
8. Thành phần dinh dưỡng của dưa leo
- Nước: 95 g
- Năng lượng: 16 Kcal
- Chất đường bột: 2.9 g
- Chất xơ: 0.7 g
- Đường tổng hợp: 1.67 g
- Canxi: 23 mg
- Sắt: 1 mg
- Magie: 15 mg
- Mangan: 0.25 mg
- Photpho: 27 mg
- Kali: 169 mg
- Natri: 13 mg
- Kẽm: 0.18 mg
- Vitamin C: 5 mg
- Vitamin B1: 0.03 mg
- Vitamin B2: 0.04 mg
- Vitamin PP: 0.1 mg
- Vitamin B5: 0.259 mg
- Vitamin B6: 0.04 mg
- Vitamin E: 0.03 mg
- Beta-caroten: 138 µg
Với những công dụng cải thiện sức khỏe và làm đẹp trên đây, không khó hiểu vì sao dưa leo trở thành loại rau quả gắn bó với mọi nhà đúng không nào. Hãy nhớ sử dụng dưa leo thật hợp lý, đúng liều lượng theo lưu ý an toàn để tận dụng hiệu quả các lợi ích tuyệt vời nhé.