Những cái cây cao nhất thế giới này không chỉ là một bộ phận của cả cánh rừng rộng lớn mà còn đóng vai trò quan trọng. Chúng cung cấp hạt giống, nuôi dưỡng những cây non, điều chỉnh chu trình nước thông qua quá trình thoát hơi nước, tạo ra oxy, lưu trữ carbon và ổn định đất thông qua hệ thống rễ…
Hãy cùng VOH điểm qua danh sách 10 cây cao nhất trên thế giới (danh sách này chỉ bao gồm cây cao nhất của mỗi loài).
Cây cao nhất thế giới: Hyperion - 116,07m
Hyperion thuộc loài gỗ đỏ ven biển (sequoia sempervirens). Nó được phát hiện vào ngày 25/8/2006 ở một khu vực hẻo lánh của Công viên quốc gia Redwood (California, Mỹ) bởi hai nhà tự nhiên học Chris Atkins và Michael Taylor.
Một nhóm các nhà khoa học của Đại học Humboldt cùng nhà sinh thái học Steve Sillett đã áp dụng khá nhiều phương pháp đo đạc và xác minh được chiều cao của Hyperion là 115,55m (2016). Năm 2019, chiều cao đã tăng lên 116,07 m. Người ta cũng ước tính cái cây này chứa 530 mét khối gỗ được khoảng 600 - 800 tuổi.
Đến nay, Hyperion vẫn đang nắm giữ danh hiệu cái cây cao nhất của kỷ lục Guinness thế giới.
Cây cao nhất thế giới Hyperion nằm sâu trong rừng của công viên và không có một con đường mòn nào dẫn tới đây. Vị trí của nó cũng được hoàn toàn giữ bí mật để tránh bị ảnh hưởng bởi lượng du khách ghé thăm tăng đột biến.
Mới đây, Công viên quốc gia Redwood đã đóng cửa toàn bộ khu vực xung quanh cái cây, với lý do "sự tàn phá môi trường sống xung quanh Hyperion" do du khách gây ra. Bất kỳ du khách nào tới gần cây Hyperion có thể phải đối mặt với án tù và khoản tiền phạt lên đến 5.000 USD (khoảng hơn 117 triệu đồng).
Top 10 cây cao nhất thế giới
Cây bách cao nhất châu Á - 102,8m
Cây bách cao nhất châu Á có chiều cao 102,3m, được tìm thấy ở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Yarlung Zangbo Grand Canyon, Trung Quốc. Nhóm chuyên gia đã sử dụng máy bay không người lái và radar laser để vẽ bản đồ khu vực cây bách và xác nhận sự tồn tại của một trong những cái cây cao nhất thế giới này.
Kỷ lục mới này được công bố vào tháng 5/2023. Trước đó, danh hiệu cây cao nhất châu Á thuộc về một cây nhiệt đới sống ở Malaysia có tên là “Menara”.
Menara - 100,8m
Menara ( nghĩa là “tháp” trong tiếng Malaysia) là tên của một loại cây Meranti vàng (shorea faguetiana) - một loài thực vật thuộc họ Dipterocarpaceae. Loài này khá phổ biến ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Menara được tìm thấy trong Khu bảo tồn Thung lũng Danum ở bang Sabah, Malaysia vào tháng 8/2018 với độ cao 100,8m. Nó được biết đến là cây nhiệt đới sống cao nhất và cái cây cao nhất ở châu Á.
Centurion - 100,5m
Centurion (Eucalyptus regnans) là cái cây cao thứ ba trên thế giới. Chúng được phát hiện tại một khu rừng quốc gia ở bang Tasmania, Úc vào tháng 8/2008.
Centurion được đo bằng thước dây lần đầu tiên và được xác định cao 99,6m vào năm 2008. Năm 2018, nó được đo lại bằng tia laser và cho kết quả cao đến 100,5m. Đường kính thân của Centurion là 4,05m.
Centurion nắm giữ một số kỷ lục thế giới bao gồm cây có hoa cao nhất và cây gỗ cứng cao nhất. Năm 2019, nó sống sót sau trận cháy rừng ở Tasmania, dù lửa đã quét sạch phần lớn hệ thực vật xung quanh và nó cũng bị cháy xém một chút.
Sitka spruce - 100,2m
Sitka spruce (picea sitchensis) hay cây vân sam Sitka đứng vị trí thứ 4 trong số những loài cây cao nhất thế giới. Cái cây cao nhất hiện nằm ở Công viên tiểu bang Prairie Creek Redwoods, California, Hoa Kỳ.
Vân sam Sitka là một loài cây thường xanh lớn, lá kim, cao tới gần 100m với đường kính thân có thể vượt 5m. Cho đến nay, đây là loài cây vân sam lớn nhất, cây lá kim lớn thứ năm trên thế giới và cây lá kim cao thứ ba.
Vân sam Sitka là một trong số ít loài được ghi nhận có chiều cao vượt quá 90m. Tên gọi của loài cây này bắt nguồn từ cộng đồng Sitka ở đông nam Alaska, nơi nó rất phổ biến. Vân sam Sitka thường sống ở bờ biển phía tây của Canada và Hoa Kỳ và tiếp tục trải về phía nam đến cực bắc California.
Xem thêm:
Ngỡ ngàng trước kích thước ‘khổng lồ’ những cây to nhất thế giới
Điểm danh 10 loại gỗ đắt nhất thế giới, có tiền cũng khó mua
10 cánh đồng hoa, vườn hoa đẹp nhất thế giới ai cũng nên đến thăm một lần
Doerner Fir - 99,7m
Doerner Fir hay linh sam Doerner là loài linh sam bờ biển Douglas đã lập kỷ lục ở Oregon (tiểu bang của Hoa Kỳ) là một trong những loài cây cao nhất được biết đến trên thế giới với chiều cao 99,7m. Linh sam Doerner mọc trong khu rừng của Cục quản lý đất đai (BLM) ở quận Coos. Trước đây, nó được đo và xác nhận cao 100,3m (1991) nhưng sau lần đo mới nhất vào năm 2008 thì chiều cao đã giảm 0,6m.
Giant sequoia - 96,3m
Giant Sequoia - cự sam (còn được gọi là Giant Redwood, Sierra Redwood, California big tree, Wellingtonia hoặc đơn giản là big tree) là một trong những loại gỗ đỏ sống lâu nhất và lớn nhất. Cây cự sam cao 96,3m được phát hiện ở Rừng quốc gia Sequoia, California, Hoa Kỳ.
Neeminah Loggerale Meena - 90,7m
Neeminah Loggerale Meena thuộc loài Eucalyptus globulus, là một loài cây thường xanh cao, đặc hữu của miền đông nam nước Úc. Chúng thường cao tới 70m nhưng trong điều kiện lý tưởng có thể cao tới 90 – 100m. Đó là lý do vì sao Neeminah Loggerale Meena có thể đạt chiều cao ấn tượng như vậy.
Noble Fir - 89,9m
Noble Fir hay Abies procera, linh sam đỏ là một loài linh sam bản địa của dãy núi Cascade và dãy núi bờ biển Thái Bình Dương (thuộc Bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương), Hoa Kỳ. Loài cây này thường sống ở độ cao 300 – 1.500m. Noble Fir là một loài cây lá kim thường xanh lớn với tán hình nón hẹp, cao tới 70m, đường kính thân là 2m.
Người ta đã phát hiện một cây linh sam cao 89,9m ở Khu tự nhiên nghiên cứu đầm lầy Goat, Washington, Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Top 10 dãy núi có đỉnh cao nhất thế giới hiện nay
Top 10 hang động lớn nhất thế giới hiện nay
Top 10 hòn đảo tự nhiên và nhân tạo lớn nhất thế giới
White Knight - 89m
White Knight thuộc loài Eucalyptus viminalis - một loài đặc hữu của vùng đông nam của Úc. Eucalyptus viminalis thường phát triển đến độ cao 50m, đôi khi đến 90m và tạo thành một củ thân gỗ. White Knight cao 89m và nằm ở khu bảo tồn rừng Evercreech, Tasmania, Úc.
Dinizia excelsa - 88,5m
Dinizia excelsa là một loài cây rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ thuộc họ Fabaceae, có nguồn gốc chủ yếu ở Brazil và Guyana. Cây cao nhất thế giới thuộc loài Dinizia excelsa cao 88,5m và có chu vi 5,5m. Nó nằm trong khu bảo tồn Dinizia thuộc cánh rừng Paru State ở phía bắc Brazil và được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2019.
Hy vọng danh sách VOH tổng hợp đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi cây gì cao nhất thế giới. Tương lai, chắc chắn danh sách cây cao nhất hành tinh chắc chắn sẽ còn thay đổi, chúng ta sẽ có thêm những cái cây hùng vĩ hơn nữa. Và ấy chính là điều kỳ diệu cũng là quy luật tự nhiên của thiên nhiên.
Nguồn ảnh: Internet