- Đạm bạc là gì? Bữa cơm đạm bạc là gì?
- STT, những câu nói hay về bữa cơm đạm bạc
- Những bài thơ về bữa cơm đạm bạc
- Nắng bên sông (Nguyễn An Bình)
- Cơm quê của mẹ (Bách Tùng Vũ)
- Mái nhà xưa (Xuân Quỳ)
- Bông súng mùa nước nổi (Bùi Thị Ngọc Điệp)
- Bờ mương mướp trổ hoa vàng (Bùi Thị Ngọc Điệp)
- Con thuyền lênh đênh (Thanh Hải)
- Bài thơ tình mùa bão... (Nguyễn Bùi Vợi)
- Cơm chay (Đinh Văn Lành)
- Cơm chiều (Công Chinh)
- Tức cảnh Pác Bó (Hồ Chí Minh)
- Cảnh nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
- Bữa ăn sáng Bác Hồ (Hải Như)
- Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)
Đạm bạc là cụm từ thường được dùng để mô tả bữa cơm của con người thời còn khó khăn, cực nhọc. Thế nhưng ngày nay, khi cuộc sống đã đủ đầy, sung túc con người vẫn cứ hoài niệm, theo đuổi và nhắc đến lối sống này.
Đạm bạc là gì? Bữa cơm đạm bạc là gì?
Trong tiếng Việt, tính từ đạm bạc có nghĩa là sơ sài, giản dị. Trong đó, đạm được hiểu là nhạt, lợt còn bạc là mỏng.
Đạm bạc thường được dùng để chỉ việc ăn uống, lối sống, nếp sống của con người. Bữa cơm đạm bạc là bữa cơm không có những món ngon, món đắt tiền mà chỉ dừng ở mức đơn giản, tối thiểu đôi khi nghèo nàn. Lối sống đạm bạc là lối sống khiêm tốn, khiêm nhường, tiết kiệm, không xa hoa.
Ngày nay, ngoài cách dùng trên từ đạm bạc còn được dùng theo một cách khác khá thú vị. Khi chia sẻ những bức ảnh chụp cơm nhà lên mạng xã hội, mọi người thường dùng từ đạm bạc để mô tả. Tuy nhiên, đây đều là những mâm cơm nhiều món, đủ chất, được trình bày đẹp mắt, khác với ý nghĩa chuẩn của từ này.
Vì vậy, cách nói đó được xem là một cách nói ngược mang tính chất vui vẻ. Nó được nhiều người lý giải khá hóm hỉnh rằng cũng là đạm bạc mà là “nhiều đạm” và “nhiều bạc”.
Song, nếu để ý kỹ hơn một chút chúng ta cũng nhận ra những bữa cơm này tuy không đúng chuẩn đạm bạc nhưng đa phần đều là những món ăn thôn quê, dân dã, gắn với tuổi thơ của nhiều người. Về cơ bản vẫn đáp ứng được tiêu chí dễ thực hiện, không quá cầu kỳ, không tốn thời gian, thanh đạm.
Có thể nói, so với thời còn khốn khó, vất vả thì cách dùng từ đạm bạc ngày nay đã có chút thay đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn và chất lượng cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, ý nghĩa tích cực của nó thì vẫn vẹn nguyên.
Xem thêm:
Sống vội - lối sống gấp gáp của giới trẻ hiện nay
Sống chậm là gì? Bí quyết sống chậm giữa cuộc đời nhanh
Sống là gì? Những lẽ sống ở đời và ý nghĩa của cuộc sống có giá trị
STT, những câu nói hay về bữa cơm đạm bạc
Bữa cơm thuở xưa tuy giản dị, có lúc sơ sài, túng thiếu nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa, mang lại cho con người nhiều bài học giá trị trong cuộc sống. Cũng như những câu nói hay về bữa cơm đạm bạc tuy không có gì đặc biệt nhưng luôn có khả năng khơi dậy những cảm xúc trong lòng mỗi người con đất Việt.
1. Sau một ngày tất bật, ai cũng mong được trở về với gia đình, cùng quây quần bên mâm cơm nhà, dù bữa cơm ấy có đạm bạc đến mấy.
2. Bữa cơm nhà đạm bạc, có chút thiếu thốn nhưng lại dư giả tình yêu thương.
3. Một canh, một mặn, bữa ăn đơn giản đặt trên chiếc mâm cũ trong gian bếp lách tách tiếng lửa chính là điều khiến nhiều người hoài niệm.
4. Kỳ lạ là dù cuộc sống có đủ đầy, chúng ta vẫn cứ nhớ những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc thuở nhỏ. Càng trưởng thành, càng đi xa lại càng nhớ mong bữa cơm nhà.
5. Bữa cơm của ngày khó khăn độn khoai, độn sắn, chỉ có bát canh rau với đĩa cá kho mặn nhưng cho đến mãi sau này, chúng ta vẫn cứ nhớ thương, thèm thuồng. Nhớ hương vị thân thuộc, nhớ không khí đầm ấm, nhớ những câu chuyện vụn vặt nhưng đầy hương vị cuộc sống… và chẳng thể nào quay trở lại ấy.
6. Mâm cơm nhà không có sơn hào hải vị nhưng có hương vị của nhà, có tình yêu của mẹ, có lòng bao dung của cha, có không khí ấm cúng mà chẳng đâu có được.
7. Thuở xưa lam lũ, cực nhọc, bữa cơm đạm bạc chỉ có rau dưa. Nhưng với những đứa con xa quê, cơm nhà ngày còn thơ ấu luôn là mỹ vị.
8. Càng lớn, càng đi xa, người ta càng nhớ càng hoài niệm về mâm cơm đạm bạc, giản dị nơi quê nhà. Nỗi nhớ ấy luôn thúc giục đôi chân bước trở về.
9. Mâm cơm nơi miền quê trong ký ức mỗi người là mâm cơm sắp trên manh chiếu cũ, trên chiếc sạp tre, cả gia đình cùng quây quần chứ không phải mâm cơm đặt trên những bộ bàn ghế ngay ngắn.
10. Sau này, khi đã được ăn nhiều món ngon, nhiều thức quà lạ, tôi vẫn cứ nhớ, cứ thèm cơm mẹ nấu. Bữa cơm ngày ấy chẳng hề cầu kỳ nhưng ấm nồng tình mẹ, đậm đà tình quê và đượm vị tuổi thơ.
11. Người ta cứ mải kiếm tìm hạnh phúc ở những nơi xa xôi mà quên mất rằng nó luôn hiện diện ở quanh mình. Đó có thể là một lời nói, một ánh mắt, một lời chào, một nụ cười, một chốn để đi về hay một bữa cơm đơn giản do mẹ nấu…
12. Cuộc sống không thể lúc nào cũng như ý muốn. Hãy sống với lòng biết ơn. Những điều tốt đẹp luôn hiện diện quanh bạn, dù là những bữa ăn đơn giản, đạm bạc nhất.
13. Ngoài trời có lạnh giá, gió giật mưa dông thế nào, chỉ cần được cùng người yêu thương ngồi bên mâm cơm thì đạm bạc đến mấy cũng thấy ấm lòng và bình yên đến lạ!
14. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng quý giá như được chồng nấu cho một bữa cơm đơn giản có thể xua đi mọi mỏi mệt, ấm ức của một ngày tồi tệ.
15. Không cần mâm cao cỗ đầy, không cần cao lương mỹ vị, chỉ cần ngày nào cũng có bữa cơm ấm nóng, chỉ cần có một người sẵn sàng nấu ăn cho bạn là đã đủ hạnh phúc rồi.
16. Sẽ chẳng có chốn nào bình yên bằng gia đình và cũng chẳng có bữa ăn nào ngon hơn bữa cơm nhà.
17. Mâm cơm dù đơn giản đến đâu thì cũng chứa đầy tình yêu thương của người nấu.
18. Để có một cuộc sống hạnh phúc thật ra rất đơn giản. Bạn chỉ cần có một góc nhỏ ấm áp để đi về, có một gian bếp xinh xắn để tự tay nấu những món ngon. Bữa ăn có thể đạm bạc nhưng đổi lại, trong lòng lại thoải mái, ấm áp, bình yên và mãn nguyện vô cùng.
19. Cơm nhà không cầu kỳ, cơm nhà dù đạm bạc đến mấy cũng là bữa cơm ngon nhất trần đời!
20. Sau khi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng bữa cơm cầu kỳ hay đơn giản thực chất không quan trọng. Quan trọng là mọi người có thể quây quần bên nhau, cùng nhau trải qua khoảnh khắc bình dị nhưng đáng giá ấy.
Xem thêm:
Tổng hợp những câu thơ về ăn uống hay và hài hước nhất
Thơ về cơm nhà, về bữa cơm gia đình ấm áp, cảm động
30 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lối sống giản dị, khiêm tốn
Những bài thơ về bữa cơm đạm bạc
Bữa cơm gia đình là nơi lưu giữ những kỷ niệm, tình cảm thậm chí là cả truyền thống, nét văn hóa của con người Việt Nam. Những bài thơ về bữa cơm đạm bạc, bữa cơm nhà đã giúp chúng ta lưu giữ lại những giá trị này.
Nắng bên sông (Nguyễn An Bình)
Em có về đón nắng bên sông
Ngày cuối năm nắng vàng tươi màu mật
Con chuồn ớt ngày xưa bay đâu mất
Để mình tôi giữa ngọn sóng mênh mông.
Thương cánh bèo ơn nghĩa một dòng sông
Bừng sắc tím trong một ngày đông muộn
Nhìn sợi khói bay nhà ai nghiêng tiếng võng
Lời ầu ơ làm con nước thêm buồn.
Em có về chở nắng qua sông
Ly rượu đắng bữa cơm chiều đạm bạc
Hoa khế rụng bên hiên nhà xao xác
Ô cửa đời mình ai len lén về ngang.
Mấy mươi năm sóng bủa mãi chỗ nằm
Mưa thối trời chỉ mong ngày hửng nắng
Đất lỡ bên nầy con đò đành thưa vắng
Biết ai còn khát vọng tuổi thanh xuân.
Em có về rót nắng sang sông
Tôi mắc cạn bài thơ tình thuở ấy
Mùa đi qua gió chập chờn hoang hoải
Cánh đồng khô cỏ cháy đến bây giờ.
Em ở đâu giữa nồi nhớ đôi bờ
Dấu thời gian hằn đau lên lồng ngực
Chiếc áo mỏng giấu tình nhau lưu lạc
Nắng qua sông chưa kịp ấm môi người.
Cơm quê của mẹ (Bách Tùng Vũ)
Chiều nay con đã về nhà
Ăn cơm Mẹ nấu, đậm đà vị quê
Dưa cà, cá mắm… Con mê…
Dù là đạm bạc, chẳng chê bao giờ…
Xa quê năm tháng mịt mờ…
Nhớ cơm Mẹ nấu… Con mơ về nhà…
Canh cua, cà ghém quê ta
Kho tiêu cá bống… Sao mà ngon ghê
Ngọc ngà cơm trắng lúa quê
Dẻo thơm từng hạt, con mê mẩn lòng
Ngọt ngào bát nước giếng trong
Dù đi trăm nẻo nhớ mong quê nhà.
Hạt cơm từ gạo mà ra…
Từ tay Mẹ bón, tay Cha vun trồng
Xanh tươi từng ngọn rau đồng
Ruộng sâu bắt được con còng con cua…
Cá lóc Mẹ nấu canh chua…
Ao nhà nuôi được, chẳng mua thứ gì…
Rẫy nương ngô, sắn, khoai mì…
Đến mùa thu hoạch Cha đi mang về…
Nhớ ngày còn bé ngô ngê…
Chăn trâu, cắt cỏ trên đê mỗi chiều
Cánh đồng lộng gió hiu hiu
Hoàng hôn đỏ thẫm… Sáo Diều vi vu…
Nhớ từng câu hát, lời ru…
Bao năm in dấu, cho dù xa quê…
Dòng sông uốn lượn quanh đê
Nhà ai khói bếp chiều về… Tỏa bay
Nồng nàn hương vị mê say…
Thơm mùi gạo mới của ngày mùa quê…
Chiều nay Mẹ bắt cá trê
Bầu non Mẹ hái đem về nấu canh…
Ôi…sao mát ngọt trong lành
Cơm quê Mẹ nấu để dành cho con…
Dù đi khắp núi cùng non…
Cơm quê Mẹ nấu…thơm ngon nhất đời…!
Mái nhà xưa (Xuân Quỳ)
Chiều vơi, hoa dại rụng đầy sân
Tôi nhặt hoa rơi đã mấy lần
Nhìn ra quạnh bóng trên đường vắng
Chim khách bên nhà gọi tiếng khan.
Mẹ già còm cõi bên giàn mướp
Tóc bạc lơ phơ hái nụ cà
Bữa cơm đạm bạc vui con cháu
Rộn tiếng gà trưa ấm cửa nhà...
Bông súng mùa nước nổi (Bùi Thị Ngọc Điệp)
Ruổi rong trên những chiếc xuồng,
Nhổ từng cọng súng khơi nguồn mưu sinh.
Những bông súng trắng quê mình,
Thương người lam lũ mặc tình sinh sôi.
Giữa thênh thang nước và trời,
Hồn nhiên sắc trắng tinh khôi nao lòng.
Xuồng trôi mải miết theo dòng,
Ắp đầy khoang những cuộn bông nghĩa tình.
Canh chua bông súng, cá linh,
Món ăn dân dã đậm tình nước non.
Nhai từng cọng súng non giòn,
Vị phù sa quyện thật tròn vị quê.
Ai đi xa vẫn mơ về,
Bữa cơm đạm bạc miền quê Tháp Mười.
Cọng rau quà tặng của trời,
Góp bao hương vị cho người nhớ nhung.
Nhớ cây bông súng lạ lùng,
Nhớ câu mẹ hát đi cùng tuổi thơ.
“Muốn ăn bông súng mắm kho,
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm.”
Bờ mương mướp trổ hoa vàng (Bùi Thị Ngọc Điệp)
Tôi sẽ về ru lại tuổi thơ tôi
Thương bóng nắng rập rờn trên cánh lá
Thương cuộc sống ngày qua ngày êm ả
Thương ngoại già tóc bạc trắng thời gian.
Bờ mương xưa giàn mướp trổ hoa vàng
Xập xòe nụ con ong bầu bối rối
Ngoại rắc phấn bắc cầu cho mai mối
Mùa sang mùa, lúc lỉu trái tươi ngon.
Bếp chiều quê sậy lóc bóc nổ dòn
Mùi gạo mới, mùi mướp thơm ngào ngạt
Ngày hai bữa chỉ cơm canh đạm bạc
Niềm vui nào đầy ắp tuổi thơ tôi?
Bước xa quê biền biệt bấy năm rồi
Còng lưng ngoại chuyện cuộc đời, cơm áo
Vẫn dõi mắt theo dặm dài con cháu
Giàn mướp buồn heo hắt mỗi mùa sang.
Tôi sẽ về vớt lại nụ hoa vàng
Buộc chặt lại khung giàn bờ mương cũ
Dắt tay ngoại đếm mướp non lủ khủ
Cạn chung trà mừng mùa vụ bội thu.
Tôi sẽ về xóa ngày tháng âm u
Cho mắt ngoại thôi đượm sầu ly cách
Nhánh sầu đâu con chim sâu chí chách
Gọi mùa về trong sắc nắng rưng rưng.
Con thuyền lênh đênh (Thanh Hải)
Ôi con thuyền lênh đênh
Rời bờ đi đâu đó?
Bến bờ mình nghèo khó
Nhưng có lũy tre xanh
Đạm bạc đôi bữa ăn
Nhưng mình cầm đôi đũa
Trái ớt cay đo đỏ
Miếng cà giòn thơm thơm.
Ôi con thuyền lênh đênh
Quên rồi mùa toóc rơm
Quên rồi bông sen trắng
Quên rồi khi trăng lặng
Quên rồi con cá chuồn
Quên rồi những con đường
Tết nào về quê ngoại...
Sóng xô rồi sóng gọi
Thuyền ơi thuyền tìm ai
Nhà cao và phố dài
Thuốc thơm và rượu ngọt
Đêm xập xình tiếng nhạc
Ngày vun vút tiếng xe
Những cặp chân quay đi
Cuống cuồng trong điệu nhảy
Thuyền bão thuyền đi đấy
Rẽ sóng tìm tự do
Bến bờ xa, đất xa
Tha hồ thuyền buông thả.
Rượu đây thuyền ơi thuyền
Thuyền tự do sa ngã
Tuổi trẻ đây thuyền ơi
Thuyền tự do tiêu phá
Buồm cứ xuôi theo gió
Rồi về đâu, về đâu?
Sóng xung quanh một màu
Sóng có quê hương: biển
Người dù đi trăm bến
Người có quê hương mình
Còn con thuyền lênh đênh
Cúi đầu lúc chiều lặng
Bây giờ thèm tiếng mắng
Của mẹ những ngày thơ
Bây giờ thèm miếng dưa
Chua chua mùi khế ủ
Bây giờ thèm chiếc ngõ
Có ai đứng đợi về
Bây giờ thèm làng quê
Hương mùa bay bịn rịn
Ôi con thuyền lênh đênh
Sóng dồi ngoài mặt biển
Đi về đâu, về đâu
Có nghe lời của bến
Bến chẳng giận thuyền đâu
Bến thương thuyền trên biển
Bến thương thuyền lênh đênh
Bến dặn thuyền đừng quên
Miền quê mình nhân hậu
Ôi con thuyền lênh đênh.
Bài thơ tình mùa bão... (Nguyễn Bùi Vợi)
Ba tuần em đi biên giới
Hà Nội suốt một tuần mưa
Cơn bão số 9 vừa lặng
Cơn bão số 10 ập đến.
Câu thơ anh viết bên đèn
Xót đồng Thanh Chương nước trắng
Mùa này ở Hoàng Liên Sơn
Đã cuối thu rồi, cớm lạnh.
Ngày bận bao nhiêu công việc
Đêm em lại nghĩ về con
Cái nết của em là thế
Chẳng có đêm nào ngủ ngon
Ở rừng, em lo về xuôi
Lụt lội, Mất mùa, Gạo kém
Dưới xuôi thương lên miền rừng
Ăn mì với măng giữ đất.
Ở nhà các con chăm ngoan
Đứa lớn biết nhường đứa nhỏ
Bữa cơm đạm bạc thường ngày
Gắp ngọn rau non, nhắc mẹ.
Em ơi, lòng ta mãi mãi
Vẹn nguyên vẫn một sắc trời
Bão đang tan dần, em ạ
Bão nào rồi cũng tan thôi.
Cơm chay (Đinh Văn Lành)
Từ quả, từ hoa, từ cỏ cây
Chiết ra thành những bữa cơm chay
Nâu sồng, giản dị, đời thanh bạch
Cuộc sống bình yên giữa tháng ngày.
Cơm chiều (Công Chinh)
Nhà mình còn có bữa cơm
Mỗi chiều ngan ngát mùi thơm hương tình
Bữa cơm sum họp gia đình
Cao lương chẳng có nhưng mình ngồi chung
Rau canh đạm bạc theo cùng
Ngon vì tình nghĩa, tình chung tràn đầy
Ngon vì cả nhà quanh đây
Ngon vì chia sẻ cùng bầy cháu con
Ngon vì vuông méo thành tròn
Gia đình hạnh phúc thì còn bữa cơm!
Tức cảnh Pác Bó (Hồ Chí Minh)
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Cảnh nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Bữa ăn sáng Bác Hồ (Hải Như)
Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc
Một bát cháo hoa
Một khúc sắn quê nhà
Sướng chưa đều Bác sẻ khổ cùng ta
Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục
Ôi Bác lánh xa mọi xa hoa: đời tục
Mà chúng ta nhiều lúc
Lại... sa vào.
Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến)
Đã bấy lâu nay bác tới nhà.
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Đạm bạc là gì, theo sự thay đổi của cuộc sống cũng như tiêu chuẩn của thời đại có lẽ chúng ta sẽ có thêm cách hiểu và cách sử dụng. Tuy nhiên, những giá trị, ý nghĩa tốt đẹp và tích cực của nó vẫn sẽ mãi vẹn nguyên!
Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị và bổ ích bạn nhé!