Nhắc đến những hủ tục lạc hậu, cần được xóa bỏ trong xã hội hiện đại thì không thể bỏ qua “tảo hôn”. Đây là hủ tục có từ thời xưa nhưng hiện nay ở một số vùng dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Vậy tảo hôn là gì, việc tảo hôn sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật… Cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Tảo hôn là gì?
Tảo hôn là trường hợp kết hôn, trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người chưa đến tuổi kết hôn. Theo điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi kết hôn là: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên.
Như vậy, nam nữ kết hôn thuộc một trong 3 trường hợp sau đây sẽ được xếp vào hành vi tảo hôn:
- Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi
- Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi
- Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Hủ tục tảo hôn có từ đâu?
Tảo hôn là hủ tục có từ thời xa xưa, nó xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tảo hôn thường đi kèm với một phong tục khác là hôn nhân sắp đặt.
Thời xưa, do mang nặng tư tưởng phong kiến các gia đình đều mong muốn con gái lấy chồng càng sớm càng tốt. Các gia đình phong kiến cho rằng “Gái thập tam, nam thập lục” - người con gái 13 tuổi, trai 16 tuổi là độ tuổi thích hợp để dựng vợ gả chồng.
Có nhiều lý do để các gia đình quyết định gả con gái khi chỉ mới 13, 14 tuổi, phổ biến nhất là để nối dõi tông đường cho gia đình nhà trai. Ngoài ra, một vài lý do ít phổ biến hơn như giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình, lý do trinh tiết hay vì khả năng sinh sản của phụ nữ kết thúc sớm hơn so với nam giới.
Vấn đề tảo hôn tại các nước hiện nay
Ngày nay, trên thế giới vấn đề tảo hôn vẫn còn tồn tại ở một số vùng thuộc châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Nam Mỹ.
Ở vùng Tây Á mà cụ thể là đất nước Yemen, phụ nữ thường làm hôn thú trước 18 tuổi, một số trường hợp từ lúc 8 tuổi. Thực tế, luật tại Yemen cho phép các thiếu nữ, con gái làm hôn thú bất cứ độ tuổi nào, nhưng cấm việc có quan hệ tình dục với họ cho tới khi họ đủ phát triển.
Còn tại đất nước Indonesia, tòa án tôn giáo có quyền cho phép đám cưới với các trường hợp còn nhỏ tuổi hơn luật quy định. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc năm 2017, khoảng 14% phụ nữ Indonesia kết hôn khi chưa được 18 tuổi và 1% kết hôn trước tuổi 15.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia trên thế giới hiện nay đều khẳng định, tảo hôn là vi phạm nghiêm trọng quyền con người của trẻ em, bao gồm quyền đi học, quyền sức khỏe, quyền có thu nhập trong tương lai và quyền được đảm bảo an toàn. Với nữ giới, tảo hôn gây ra những hậu quả mang tính tàn phá, một trong số đó là việc mang thai sớm.
Nguyên nhân tảo hôn
Tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do:
- Hủ tục lạc hậu đã tồn tại hàng ngàn năm, cần có thời gian để xóa bỏ hoàn toàn.
- Do trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa kịp tiếp thu những thay đổi tiến bộ, phù hợp hơn.
- Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục và kiến thức pháp luật về vấn đề tảo hôn chưa được rộng rãi, thường xuyên và chưa sâu sắc.
- Chính quyền địa phương tại một số nơi khi phát hiện trường hợp tảo hôn chưa có sự can thiệt mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.
- Ngoài ra, một phần nguyên nhân khách quan dẫn đến tảo hôn là do các quy định của pháp luật hiện hành về việc xử lý vi phạm hành chính trong những trường hợp liên quan việc kết hôn sớm vẫn còn ở mức rất thấp, không đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời.
Xem thêm:
Tục tuẫn táng, một trong những hủ tục tàn độc nhất nhì lịch sử Trung Hoa
Minh hôn là gì? Đám cưới ma dành cho người chết ở Trung Quốc
Lăng trì tùng xẻo là gì? Những vụ án nổi tiếng bị xử lăng trì trong lịch sử!
Hậu quả của tảo hôn là gì?
Tảo hôn gây ra nhiều tác hại và hệ lụy cho cả cá nhân, gia đình và xã hội.
Đối với cá nhân
- Ảnh hưởng sức khỏe: Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể đang còn phát triển và hoàn thiện, việc kết hôn sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ sẽ khiến cơ thể dễ mắc các bệnh phụ khoa, bệnh sinh sản, bệnh hậu sản…
- Ảnh hưởng đến học tập và phát triển: Kết hôn sớm trong độ tuổi còn đi học có thể dẫn đến tình trạng bỏ học để chăm sóc gia đình, con cái. Điều này khiến người tảo hôn bị thiếu hụt kiến thức và kỹ năng, tương lai khó tìm kiếm việc làm và phát triển bản thân.
- Mất cơ hội hạnh phúc: Tảo hôn do sự ép buộc của gia đình, không dựa trên cơ sở tình yêu và tự nguyện sẽ dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả hai bên.
Đối với gia đình
- Gây suy thoái giống nòi: Trẻ em sinh ra khi cơ thể người mẹ chưa phát triển toàn diện thường có sức khỏe yếu, dễ mắc các bệnh di truyền, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
- Khó khăn trong phát triển kinh tế: Gia đình có trẻ tảo hôn thường gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con cái, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của gia đình.
Đối với xã hội
- Tăng tệ nạn xã hội: Tảo hôn tạo điều kiện có nhiều tệ nạn xã hội phát triển như bạo lực gia đình, mại dâm…
- Suy giảm đạo đức xã hội: Kết hôn sớm là hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện lối sống thiếu hiểu biết, không tôn trọng quyền con người.
Mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
Tại Khoản 2, Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã xếp tảo hôn là hành vi bị cấm. Nếu ai cố tình thực hiện hành vi tảo hôn, hoặc cưỡng ép kết hôn sớm đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật định.
Xử phạt hành chính
Theo Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ có mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
- Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Xử phạt hình sự
Theo Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn như sau:
- Người tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ xử phạt hành chính. Nếu còn vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng.
- Hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Xem thêm:
Kết hôn vội vàng vì đến tuổi, bạn có biết cả một đời là quá dài!
Điều cần biết để quyết định có nên kết hôn hay không
Thách cưới: “Vật cản” của người trẻ trên con đường đi đến hôn nhân
Làm gì để ngăn chặn tình trạng tảo hôn?
Việc ngăn chặn và xóa bỏ hủ tục tảo hôn là một công việc khó khăn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ, cũng như kiên trì thực hiện với sự tham gia của các cơ quan liên quan cùng toàn thể người dân.
Bên cạnh việc can thiệp bằng các biện pháp pháp luật, các cấp chính quyền cần đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết cho người dân, đặc biệt là các em gái ở vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc nâng cao nhận thức và chấp hành đúng quy định pháp luật chính là cách tốt nhất để giảm thiểu tình trạng kết sớm hôn và xóa bỏ dần hủ tục tảo hôn trong cộng đồng.
Tảo hôn - hủ tục lạc hậu, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, đồng thời gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, dẫn dẫn đói nghèo, trì trệ sự phát triển của đất nước. Mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về vấn đề hôn nhân, tuyệt đối nói KHÔNG với tục tảo hôn để góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh.
Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.