Tảo mộ là gì? Phong tục này có ý nghĩa như thế nào?

VOH - Tảo mộ là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt. Qua đó thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu dành cho ông bà tổ tiên.

Tảo mộ là một tục lệ cổ truyền trong "đạo thờ ông bà" của dân tộc ta. Vào các dịp lễ Tết quan trọng, người người, nhà nhà lại vác cuốc, xẻng, chuẩn bị lễ vật để tu bổ, cúng kiếng tại phần mộ của những người quá cố trong gia đình. Vậy tảo mộ là gì và có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh của người Việt? Hãy cùng VOH tìm hiểu qua bài viết sau.

Tìm hiểu về tục tảo mộ

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã răn dạy: "Bách thiện hiếu vi tiên", nghĩa là trong trăm việc thiện, hiếu thảo là việc tốt đẹp nhất. Vì vậy mà người Việt Nam luôn đề cao tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Vẹn tròn đạo hiếu không dừng lại ở việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc tại thế, mà còn nằm ở sự chăm lo chu toàn khi các cụ đã khuất bóng.

Nhiều người cũng quan niệm “sống sao thác vậy”, tức là lúc sống ai cũng muốn ở nơi sạch sẽ, khang trang thì khi khuất núi, họ muốn "ngôi nhà bên kia" được như thế. Vì vậy, việc chăm lo mộ phần ngoài là một hình thức thờ phụng, còn thể hiện đạo hiếu của phận con cháu. Trong đó, tục tảo mộ đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của nước ta. 

voh-tao-mo-la-gi-2
Tìm hiểu về tục tảo mộ - Ảnh: Internet

Tảo mộ là gì?

Theo cuốn Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ Điển Học - 2003), "tảo mộ" chỉ việc thăm viếng và sửa sang mồ mả hằng năm theo phong tục cổ truyền.

Ví dụ: Đi tảo mộ / Tảo mộ vào tiết Thanh Minh. 

Tảo mộ tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, lễ tảo mộ được gọi là Festival for Tending Graves (Lễ Tảo Mộ), Tomb Sweeping Day (Ngày Lau Dọn Mộ).

Hoạt động tảo mộ gồm dọn dẹp, tu bổ phần mộ tổ tiên được gọi là "clean and decorate the ancestral graves".

Ý nghĩa của tục tảo mộ là gì?

Tại các nước Á Đông như Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản..., xây dựng và chăm lo mồ mả gia tộc là nhu cầu và trách nhiệm của tất cả thế hệ hậu bối. Họ tin rằng, việc chọn nơi chôn cất có phong thủy tốt, chăm lo chu toàn cho mộ phần gia tộc sẽ giúp người đã khuất an yên siêu thoát, con cháu về sau được hưởng phúc lộc, gia tộc vì thế mà vượng phát, hưng thịnh.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Cao nấm ấm mồ" hay "Có cao nấm thì mới ấm mồ", nghĩa là nấm mả cao dày thì mộ phần bền vững, người mất được yên nghỉ. Vì vậy, tục tảo mộ rất được coi trọng, thể hiện lòng hiếu đạo, biết ơn và sự kính trọng của các thế hệ sau dành cho đấng sinh thành, các bậc tổ tiên đã khuất. 

Theo phong tục, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín nhất dòng họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng lễ vật, đốt vàng mã và khấn vái trước khi động thổ. Do đó mà tảo mộ còn là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong gia đình, dòng họ. Điều này thể hiện tính nhân văn trong văn hóa Việt: Coi các tiền nhân đã khuất như vẫn đang hiện diện, nhắc nhở mọi người không nên làm những việc phải hổ thẹn với gia tiên tiền tổ.

voh-tao-mo-la-gi-1
Tạo mộ đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt - Ảnh: Internet

Tục lệ này còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Đặc biệt với những dòng tộc lớn thường có ngày tảo mộ được quy định cụ thể, được ghi trong gia phả để con cháu tiếp nối và bảo tồn giá trị truyền thống của dòng tộc; cũng như thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết. Đây là bản sắc độc đáo trong đời sống tâm linh, là một nếp văn hóa mang đậm ý nghĩa đạo lý cội nguồn của dân tộc. Người ta ví: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu” là vậy.

Tảo mộ và Chạp mả có giống nhau không?

Chạp mả là cách gọi khác của tảo mộ vào dịp cuối năm, được tổ chức sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo đến chiều 30 Tết hoặc 29 Tết, trước khi làm cơm cúng Tất niên. Ngoài ra, đây cũng là cách thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị về cùng gia đình ăn Tết. 

Vậy nên, cứ vào khoảng thời gian này, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh các gia đình cùng nhau đi thăm viếng, tu bổ mộ phần những người quá cố, các vị tổ tiên trong gia đình. Lâu dần, tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. 

banner-bottom-thuongthuc

Vì sao người Việt đi tảo mộ Tết Thanh Minh?

Thanh Minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí trong năm, thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5/4 đến hết ngày 20 hoặc 21/4 Dương lịch. Ngày đầu tiên của tiết khí này sẽ được chọn là Tết Thanh Minh.

Nói đến Tết Thanh Minh, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tục tảo mộ. Bởi vào khoảng thời gian này, tiết trời thường ôn hòa, sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Đây là thời điểm thích hợp để người Việt ra thăm, sửa sang lại mộ phần của những người thân đã khuất.

Thông thường, vào Tết Thanh Minh, các thành viên trong gia đình sẽ phân chia với nhau, mang theo xẻng, cuốc… ra nghĩa trang để đắp lại mộ cho đầy đặn, quét dọn sạch sẽ, rẫy bỏ cỏ dại, tránh để rắn, chuột đào hang, trâu bò đến phá, quấy rối hay xâm phạm tới linh hồn người đã khuất. Đồng thời chuẩn bị mâm cúng gồm lễ vật, các món mặn hoặc chay tùy vào từng gia đình để thắp hương, làm lễ cúng mộ.

Tết Thanh minh 2023 là ngày nào? Mâm cúng và văn khấn Tết Thanh minh 3
Tết Thanh Minh là dịp con cháu nhớ về ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất để tỏ lòng hiếu kính - Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội

Ngoài những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không ai thăm viếng. Người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng, thường thắp một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ, gọi là Am chúng sinh, và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.

Đi Tảo mộ ngày Tết Thanh Minh, không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng được theo cha mẹ, ông bà đi thăm viếng mộ phần. Trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho trẻ sự kính trọng tổ tiên, tiếp nối phong tục truyền thống qua tục viếng mộ. 

Với những gia đình xa quê, vì nhiều lý do khác nhau không có điều kiện để về đúng dịp Tết Thanh Minh thì có thể thu xếp ngày về tảo mộ thuận tiện xung quanh thời gian này.

Những lưu ý khi đi tảo mộ

Theo quan niệm dân gian, khi đi tảo mộ, bạn cần lưu ý những điều sau để tránh gặp xui xẻo.

  • Khi đi ngang mộ phần của người khác, không được giẫm đạp, đá đồ cúng. Điều này sẽ mang đến vận xui cho bạn, nhất là trẻ nhỏ, thanh niên cần lưu ý. 
  • Phụ nữ đang trong kỳ hành kinh, phụ nữ có thai hay người bị phong hàn thấp khớp thì không nên đi tảo mộ, bởi khí lạnh, năng lượng xấu ở đây.
  • Nhiều gia đình thường chụp ảnh làm kỷ niệm khi đi tảo mộ, nhưng điều này không được khuyến khích tại khu vực nghĩa trang. 
  • Khi dọn dẹp mộ phần nên thành tâm, dọn dẹp sạch sẽ trước sau, đồng thời kiểm tra tình trạng mộ để tránh bị chuột, rắn, rết bò vào bên trong. 
  • Không nên bàn tán, chỉ trỏ vào mộ người khác để tránh gặp xui xẻo. Đây cũng là việc bày tỏ sự tôn trọng với người đã khuất. 

Tảo mộ là nét đặc trưng trong văn hóa cổ truyền Việt Nam không nên và không được phép mai một. Tục lệ này dạy dỗ các thế hệ sau về truyền thống của dân tộc, đề cao lòng hiếu kính, biết ơn các bậc tiền nhân, giúp gắn kết thành viên trong gia đình, đồng thời nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông". 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.