Ghép tạng - Công trình của tình nhân văn!

(VOH) - Đúng 32 năm sau khi phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính Việt – Đức vào năm 1988 thì năm 2020, ngành y tế TPHCM ghi dấu ấn ngoạn mục với cuộc đại phẫu thuật tách cặp "Song Nhi".

Với lần phẫu thuật tách đôi này, thành công ngoạn mục là ở sự tự chủ của cả ê - kíp với 1 ca có độ khó và phức tạp có thể xếp trong vào top 10 trên thế giới về các cặp song sinh dính tương tự. Cuộc phẫu thuật tách cặp song sinh này còn đánh dấu sự trưởng thành trong lĩnh vực ghép tạng sau hơn 32 năm ngành y tế Thành phố đã vươn vai lớn mạnh.

Hình ảnh đáng yêu của hai cô bé luôn là điều tích cực được cộng đồng mạng quan tâm theo dõi. (Ảnh BV Nhi Đồng Thành Phố)
Hình ảnh đáng yêu của hai cô bé luôn là điều tích cực được cộng đồng mạng quan tâm theo dõi. (Ảnh BV Nhi Đồng Thành Phố)

Khi đề cập đến dấu ấn của cuộc đại phẫu này là gì, Giáo sư Trần Đông A đã không ngần ngại trả lời rằng, đó chính là sự trưởng thành về chuyên môn của một đội ngũ y, bác sĩ phẫu thuật, gây mê, và hồi sức chuyên sâu trong lĩnh vực Nhi khoa nói riêng và của toàn bộ ê kíp tham gia nói chung.

Hơn ai hết, vào tháng 10/1988 ông cũng chính là thành viên trong ê kíp phẫu thuật tách đôi cặp song sinh Việt Đức lúc bấy giờ, cho nên sự cảm nhận đánh giá của vị giáo sư đầu ngành ngoại khoa này vô cùng rõ nét. Cảm nhận để rồi ông tự hào mà nói rằng, giờ đây ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn tự tin có thể làm chủ những kỹ thuật khó. Bên cạnh đó là sự quan tâm đầu tư để Thành phố có được rất nhiều cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới. Tự hào biết bao khi Trúc Nhi – Diệu Nhi được phẫu thuật, chăm sóc trước và sau phẫu thuật tại một bệnh viện chuyên khoa Nhi có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị thuộc loại hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đây là bệnh viện công lập được Nhà nước đầu tư nguồn lực không thua bất cứ một bệnh viện nào trong khu vực để chăm lo sức khỏe cho tất cả trẻ em, không phân biệt điều kiện kinh tế giàu nghèo, trẻ em nào cũng được thụ hưởng điều kiện chăm sóc quyền lợi như nhau.

Nói đến lĩnh vực ghép tạng, ngoài dấu son chói lọi mà ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã làm được trong năm 2020 chúng ta không khỏi tự hào mà nói rằng, ghép tạng là thế mạnh của các cơ sở y tế chủ lực đóng trên địa bàn Thành phố như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2, ghép tạng người lớn có Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố… Đó không chỉ thể hiện của bước tiến triển lên đỉnh cao của y học với chuyên ngành ngoại khoa có độ khó cao mà còn thể hiện đó là một công trình y tế rất nhân văn, đậm tình người. Không thể thành công nếu như không có sự phối hợp giữa các ê kíp với nhau, trên tất cả phải là sự đoàn kết và đồng lòng.

Vào tháng 12/1992, 2 bệnh nhân ghép thận đầu tiên tại bệnh viện chợ Rẫy được tiến hành thành công với sự giúp đỡ của Giáo sư Chu Shu Lee, Đài Loan và các giáo sư Học viện quân y. Từ đó đến nay, với sự học hỏi và chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tự thực hiện và ghép thận thành một phẫu thuật thường quy của khoa Ngoại tiết niệu. Hiện nay, trung bình mỗi tuần bệnh viện thực hiện 4 đến 5 trường hợp ghép thận từ người cho sống. Chỉ tính riêng về ghép thận, Bệnh viện đã thực hiện hơn 500 trường hợp dẫn đầu cả nước về kỹ thuật này. Hay như với ghép gan, 2 năm kể từ ca ghép gan đầu tiên vào ngày 16/06/2018, đến nay Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công 16 trường hợp. Đặc biệt là từ ca ghép thứ 10, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Bệnh viện đã nỗ lực cứu sống người bệnh, tự thực hiện kỹ thuật phức tạp này mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài.

Ghép tạng - Công trình của tình nhân văn!
Ảnh minh họa: TTO 

Điều này đã minh chứng cho thành quả học tập và triển khai kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện. Để có được sự thành công của các ca ghép này, ê-kíp ghép gan của Bệnh viện đã được đào tạo bài bản, đồng bộ, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả từ Bệnh viện Asan Hàn Quốc, cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc và sự phối hợp hiệu quả giữa các Khoa, Phòng, Đơn vị có liên quan.Bệnh viện đã tự tin làm chủ kỹ thuật và trở thành một trong những bệnh viện đầu tiên của phía Nam có thể tự thực hiện kỹ thuật ghép gan, góp phần mang lại cơ hội sống, chất lượng sống ngày càng cao cho người bệnh xơ gan, ung thư gan cũng như giúp người dân thụ hưởng một phương pháp điều trị hiện đại, hiệu quả.

Trong suốt hành trình 2 năm vừa qua, 16 ca ghép là 16 câu chuyện cảm động và đầy tính nhân văn từ người hiến và người nhận gan tại Bệnh viện Đại học Y Dược. Những tấm lòng cao cả của người hiến cùng nỗ lực của các y bác sĩ đã giúp giành lại sự sống cho nhiều người bệnh xơ gan, ung thư gan. Người được ghép gan có thể là một người thân yêu trong gia đình, nhưng cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ đối với người hiến. Sau phẫu thuật, nỗi đau bệnh tật hay sự lo sợ phải đối diện với tử thần đã qua đi, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vỡ òa cho người bệnh, người nhà người bệnh và cho cả đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện. Hay như với ghép gan, ghép thận cho bệnh nhi, chúng ta không quên Bệnh viện Nhi đồng 2 là chiếc nôi đã tiên phong trong lĩnh vực này với nhiều ca tạo dấu ấn cho ngành ngoại nhi. Sau đó, bệnh viện bắt đầu triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật này cho thế hệ trẻ cũng là thế hệ kế thừa.

Khoa học ghép tạng được xếp vào thành quả vĩ đại của y khoa thế kỉ 20 sau việc tìm ra kháng sinh và ADN. Đến nay, sau phẫu thuật tách đôi cặp song sinh Việt Đức vào tháng 10/1988, với thành công ngoạn mục ca Trúc Nhi – Diệu Nhi, hòa chung dấu son ấy là cả một vườn hoa đầy màu sắc tô điểm cho sự phát triển vượt bậc trong chuyên ngành ghép tạng tại Thành phố mang tên Bác. Như chúng ta biết, góp phần cùng các lĩnh vực khác, khi y tế phát triển với nhiều mũi nhọn chuyên sâu, tạo sức bật không chỉ để người dân tin tưởng mà còn là vị thế của một ngành Y tại Thành phố đầu tàu về kinh tế của cả nước. Người dân ngày càng tin tưởng vào tay nghề đội ngũ thầy thuốc. Và khi có một nền tảng sức khỏe tốt, thì chất lượng cuộc sống người dân sẽ ngày càng cao.

Và giờ đây, chúng ta hoàn toàn tự tin để khẳng định rằng, y tế Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là vị trí tiên phong, đầu tàu với biết bao thành tựu, mang lại sự kỳ diệu cho sự sống từ bàn tay tài hoa của người bác sĩ mà ghép tạng là một minh chứng cho sự nhân văn đó!

Bình luận