Ăn sò huyết có tác dụng gì? Bí kíp chọn mua và lưu ý dùng đúng

(VOH) – Nhắc đến các loại hải sản khiến bao người mê mẩn ‘đứng ngồi không yên’ thì hẳn không nên bỏ qua sò huyết. Song bên cạnh vị ngọt giòn hấp dẫn thì ăn sò huyết có tác dụng gì với sức khỏe?

Sò huyết (sò trứng hay sò tròn) là một loại sò cùng thuộc họ sò Arcidae với sò lông và sò gạo, với phần thịt và dịch màu đỏ đậm, khá giống màu máu.

Sò huyết thường sống tập trung ở khu vực bùn cát gần các cửa sông hoặc đầm phá ven biển – nơi ít sóng gió và không có nhiều sự biến đổi về độ mặn. Trong điều kiện sinh trưởng thuận lợi, sò huyết khi trưởng thành thường dài khoảng 5 – 6cm, rộng độ 4 – 5cm. Tuy nhiên dù kích thước khá nhỏ bé song loại sò này mang đến cho cơ thể hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng thiết yếu và góp phần cải thiện sức khỏe hiệu quả đấy nhé!

1. Ăn sò huyết có tác dụng gì với sức khỏe?

Bên cạnh các loại hải sản “quen mặt” như tôm, cua hay cá, sò huyết cũng là một nguyên liệu ẩm thực giàu dinh dưỡng bạn có thể tham khảo bổ sung vào khẩu phần ăn. Theo đó, ăn sò huyết với lượng hợp lý và đúng cách sẽ mang đến cho bạn những lợi ích sức khỏe quý giá này:

1.1 Bổ máu

Tên gọi sò huyết ra đời không phải chỉ bởi sắc đỏ đặc trưng của phần thịt sò mà còn nhờ vào hàm lượng  chất sắt dồi dào, với công dụng bổ máu. Theo phân tích dinh dưỡng, khoáng chất sắt được tìm thấy trong sò huyết cực kì lớn, tương đương với hơn 300% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần, giúp tăng cường sản sinh tế bào hồng cầu và giảm tỉ lệ mắc chứng thiếu máu.

an-so-huyet-co-tac-dung-gi-bi-kip-chon-mua-va-luu-y-dung-dung-voh-0
Sò huyết cung cấp lượng lớn khoáng chất sắt, hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ mắc chứng thiếu máu (Nguồn: Internet)

1.2 Tốt cho xương khớp

Giống như nhiều loại hải sản khác, sò huyết cũng là một trong những nguồn cung cấp canxi tự nhiên vô cùng quý giá (đạt khoảng hơn 300mg trên một đơn vị thể tích). Dưỡng chất này sẽ kích thích sự hình thành nguyên bào xương, củng cố các khớp nối xương chắc khỏe, từ đó duy trì một hệ vận động dẻo dai. (1)

Xem thêm: Những điều thú vị về khoáng chất canxi đối với cơ thể mà nhiều người chưa biết

1.3 Tăng cường sản sinh nội tiết tố

Ngoài canxi, trong sò huyết còn chứa lượng lớn vi chất kẽm – thành tố cực kì cần thiết thúc đẩy sản sinh nội tiết tố ở cả nam giới và nữ giới.

Với nam giới, kẽm sẽ tác động tới chức năng của tuyến tiền liệt, đảm bảo duy trì số lượng và sức khỏe của tinh trùng. Còn ở nữ giới, hấp thu thêm hoạt chất này góp phần hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt ổn định, xoa dịu các cơn đau bụng trong kì kinh nguyệt.

1.4 Cung cấp protein

Có thể bạn chưa biết, sò huyết được xếp vào nhóm thực phẩm rất giàu protein – chiếm tới hơn 22% tổng thành phần dinh dưỡng. Chính vì thế, ăn sò huyết có tác dụng cung ứng thêm lượng protein cho quá trình  hình thành và tái tạo các mô trong cơ thể, rất đáng để cân nhắc tăng cường thêm trong thực đơn.

Xem thêm: 9 chức năng của protein và nhu cầu hàng ngày của cơ thể

1.5 Phòng chống ung thư

Cùng với vai trò điều hòa hoạt động sản sinh nội tiết tố, vi chất kẽm cùng selen từ sò huyết sẽ kết hợp với nhau tạo thành “hàng rào” bảo vệ tế bào không bị oxy hóa bởi các gốc tự do. Từ đây hạn chế nguy cơ bị mầm bệnh xâm nhập và giảm thiểu tỉ lệ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.

an-so-huyet-co-tac-dung-gi-bi-kip-chon-mua-va-luu-y-dung-dung-voh-1
Vi chất kẽm và selen được tìm thấy trong sò huyết có tính chống oxy hóa mạnh, góp phần phòng chống các bệnh ung thư nguy hiểm (Nguồn: Internet)

1.6 Hỗ trợ chức năng tuyến giáp

Vốn là loại sinh sống chủ yếu ở môi trường nước mặn nên trong sò huyết có lượng khoáng chất i-ốt tương đối dồi dào – yếu tố quan trọng để tuyến giáp tổng hợp hormone thyroxin, ngăn ngừa các bệnh lý như bướu cổ hay cường giáp.  

Xem thêm: Mức độ nguy hiểm của các bệnh lý tuyến giáp, ai cũng nên biết

2. Bà bầu ăn sò huyết được không?

Tuy nổi tiếng là loại hải sản giàu dinh dưỡng và được “biến tấu” thành khá nhiều món ăn hấp dẫn nhưng nhiều mẹ bầu lại không mấy “mặn mà” với sò huyết, vì e ngại sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thai kì. Thế nhưng theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, sau 3 tháng đầu mang thai, bà bầu vẫn ăn được sò huyết, song phải đảm bảo sơ chế sạch và nấu chín kĩ càng.

Mẹ bầu không cần kiêng khem tuyệt đối sò huyết khi mang thai mà hãy cân đối liều lượng hợp lý để chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

  • Thiếu máu thai kì
  • Đau, nhức mỏi xương khớp
  • Tăng cường protein, thúc đẩy tái tạo tế bào
  • Phòng nguy cơ sinh non

Xem thêm: ‘Đẩy lùi’ nỗi lo bà bầu ăn sò huyết được không với 5 lý giải này

3. Cách chọn sò huyết tươi ngon

Chọn mua được sò huyết tươi ngon là một trong những yếu tố quyết định hương vị của các món ăn cũng như giúp bạn hấp thu trọn vẹn chất dinh dưỡng mà sò mang lại. Do vậy, để giúp bạn tự tin chọn mua những chú sò tươi ngon, thịt chắc và ngọt, dưới đây “bật mí” một vài mẹo đơn giản:

  • Tránh chọn sò huyết có mùi hôi khó chịu bởi khả năng cao sò đã chết hoặc đã được đánh bắt lâu ngày.
  • Quan sát kĩ miệng sò hoặc gõ nhẹ, nếu thấy sò thò lưỡi ra, tiết dịch đỏ thì sò còn sống và tươi ngon.
  • Chọn sò có kích thước vừa phải, không quá lớn hoặc quá nhỏ để khi chế biến thịt sò không bị dai.

Thời gian thu hoạch sò huyết thường vào độ từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau, nên nếu chọn mua đúng thời điểm thì giá thành của 1kg sò huyết chỉ dao động từ khoảng 70.000 – 120.000VND.

an-so-huyet-co-tac-dung-gi-bi-kip-chon-mua-va-luu-y-dung-dung-voh-2
Nên chọn sò huyết còn sống, kích thước vừa phải từ nguồn cung cấp uy tín, an toàn (Nguồn: Internet)

4. Các món ngon từ sò huyết dễ chế biến

Chỉ từ những chú sò huyết nhỏ bé nhưng nếu biết cách hòa trộn nguyên liệu và các loại gia vị nêm nếm thì bạn có thể tạo nên hàng loạt “kiệt tác” món ngon từ sò huyết với công đoạn chế biến đơn giản, chẳng mấy cầu kì. Điển hình phải kể đến như:

  • Sò huyết hấp bia
  • Sò huyết rang me
  • Sò huyết xào rau muống
  • Cháo sò huyết
  • Gỏi sò huyết chua cay
  • Canh sò huyết nấu chua
  • Sò huyết xào bơ tỏi
  • Sò huyết nướng mỡ hành

Xem thêm: 10 công thức nên 'ghim sẵn' nếu chưa biết sò huyết làm gì ngon

5. Những lưu ý cần biết khi ăn sò huyết

Với bất kì loại thực phẩm nào, khi ăn bạn cần phải tìm hiểu thật kĩ những kiến thức về nó để chế biến sao cho vừa ngon, vừa bổ dưỡng, vừa không gây hại cho sức khỏe. Đối với sò huyết cũng vậy, bên cạnh những lợi ích tuyệt vời vẫn có những rủi ro “rình rập” nếu chúng ta ăn không đúng cách.

Vì thế, hãy ghi nhớ một số lưu ý an toàn dưới đây khi thêm sò huyết vào thực đơn bồi bổ sức khỏe:

5.1 Sơ chế kĩ càng

Sò huyết sống trong bùn, nước nên nguy cơ bị nhiễm các loại vi khuẩn và virus gây bệnh cao, bao gồm cả viêm gan A, thương hàn, kiết lỵ tả, E.coli, giun. Do đó, tốt nhất sau khi mua về, phải tiến hành rửa sạch vỏ và ngâm trong nước muối loãng (nước vo gạo) từ 2 – 3 tiếng để sò nhả hết nhớt bần, bùn cát.

an-so-huyet-co-tac-dung-gi-bi-kip-chon-mua-va-luu-y-dung-dung-voh-3
Rửa sạch vỏ, ngâm sò huyết với nước muối loãng hoặc nước vo gạo để sò nhả hết nhớt, bùn cát bẩn (Nguồn: Internet)

5.2 Hạn chế ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều sò huyết và liên tục trong thời gian dài là thói quen hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, cần sớm thay đổi ngay. Chỉ nên ăn sò huyết khoảng 2 – 3 bữa một tháng, từ 500 – 700g mỗi bữa là hợp lý nhất.

5.3 Không ăn khi có tiền sử dị ứng

Nếu thuộc đối tượng có tiền sử dị ứng hải sản hay các loại sò thì tốt nhất bạn nên cân nhắc và xem xét không bổ sung sò huyết trong khẩu phần ăn.

Xem thêm: Mách bạn cách xử lý an toàn khi bị dị ứng hải sản (cua, tôm, ốc,…)

5.4 Tránh ăn nếu đang bị tiêu chảy

Trường hợp đang bị lạnh bụng hoặc mắc chứng tiêu chảy kéo dài cũng nên tạm dừng sử dụng các món ăn từ sò huyết, để tránh làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn, gây mất nước và mệt mỏi.

6. Thành phần dinh dưỡng của sò huyết

Hàm lượng của một số chất dinh dưỡng điển hình có trong 100g sò huyết được tính toán như sau:

  • Vitamin B12: 3133% giá trị hàng ngày
  • Iốt: 114% giá trị hàng ngày
  • Sắt: 322% giá trị hàng ngày
  • Selen: 57% giá trị hàng ngày
  • Phốt pho: 25% giá trị hàng ngày
  • Đồng: 25% giá trị hàng ngày
  • Protein: 22% giá trị hàng ngày

Hy vọng rằng nếu còn chưa biết ăn sò huyết có tác dụng gì với sức khỏe thì những thông tin được chia sẻ trong bài viết nào đã phần nào giải đáp giúp bạn. Tranh thủ chọn mua và chế biến những món ăn thật ngon từ loại sò này để đãi cả nhà nhé!