Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cây bình bát: Công dụng chữa bệnh thế nào?

(VOH) – Cây bình bát là loại cây dân dã, thường mọc nhiều tại các miền quê. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến loại cây này cũng như những công dụng hữu ích của nó dành cho sức khỏe.

Những ai sống ở miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ chắc hẳn sẽ không thể nào quên được loại trái cây có hình dáng giống như hình trái tim, hương thơm nhẹ nhàng, mùi vị vô cùng đặc biệt. Cây bình bát gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân miền Tây và dần trở thành thức quà bình dị với những công dụng diệu kỳ.

1. Cây bình bát là cây gì?

Cây bình bát hay còn gọi là cây nê, na xiêm, na vàng, na dại.... có tên khoa học là Annona reticulata L. Ngoài ra, chúng còn được gọi với một số tên khác như Sita, quả tim bò đối với một số ngôn ngữ châu Âu.

1.1 Đặc điểm

Bình bát là loại cây thân gỗ, với chiều cao trung bình từ 2 – 5cm, sống ở vùng có điều kiện thời tiết thích hợp chúng có thể cao lên đến 10m.

Lá bình bát là loại lá đơn, mọc so le thuôn hình mác, nhọn ở 2 đầu, dài khoảng 12 – 15cm, rộng từ 5 – 10cm, trên lá xuất hiện khoảng 8 – 10 cặp gân phụ.

Hoa bình bát có màu vàng, đài hoa có 3 phiến hình tam giác, 2 vòng cánh, nhiều nhị. Hoa thường trổ vào khoảng tháng 5 – 6 và cây sẽ cho trái vào khoảng tháng 7 – 8 hàng năm.

Trái bình bát có hình tim, mùi thơm khá đặc trưng. Trái non có màu xanh, mùi hơi nồng. Khi chín, trái chuyển sang màu vàng tươi bắt mắt, mùi thơm nhẹ thoang thoảng. Thịt quả bình bát có màu trắng vàng, ăn được, vị ít ngọt có hậu chua, hơi nồng.

1.2 Phân bố

Cây bình bát là một loại thực vật thuộc chi Na (annona), có nguồn gốc ở các khu vực nhiệt đới như châu Mỹ, Ấn Độ và một số nước châu Á.

Ở Việt Nam, cây bình bát xuất hiện nhiều các khu vùng vực miền Đông và Tây Nam bộ. Loại cây này mọc hoang tại các bờ kênh, con rạch, ven sông, tại các vùng nước lợ, nước phèn trên cả nước.

cay-binh-bat-cong-dung-chua-benh-the-nao-voh-0
Cây bình bát mọc hoang khác các tỉnh thành vùng Tây Nam bộ (Nguồn: Internet)

Bình bát là loại cây dễ phát triển, rễ ăn sâu xuống lòng đất nên bám chắc. Do chịu được phèn nên cây bình bát còn được làm gốc để ghép với mãng cầu xiêm.

Ngoài có tác dụng chống sạt lở, làm bờ chắn sóng, cây bình bát còn có nhiều công dụng chữa bệnh.

1.3 Thu hái và sử dụng làm thuốc

Cây bình bát có thể được sử dụng cả phần lá, rễ, thân, quả và hạt để dùng làm dược liệu chữa bệnh.

Bình bát thường được thu hái quanh năm tùy vào từng bộ phận. Lá bình bát có thể thu quanh năm. Rễ bình bát thường được lấy ở những cây có rễ to khỏe. Trái bình bát sẽ thu hái tùy vào mục đích sử dụng, chẳng hạn: muốn lấy hạt và ăn quả thì thu hát trái chín; muốn làm dược liệu thì thu hái trái xanh; muốn lấy hạt thì hái trái chín, bỏ phần thịt và lấy phần hạt.

1.4 Sơ chế và bảo quản

Sau khi thu hái bình bát, bạn mang về nhà rửa sạch để ráo nước. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.

Bình bát có mùi thơm đặc trưng nên dễ thu hút côn trùng, do đó cần bảo quản cẩn thận. Sau khi sơ chế, dược liệu cần được bọc trong túi kín, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để nơi có độ ẩm không khí cao vì có thể khiến nguyên liệu bị ẩm mốc.

1.5 Thành phần dược lý

Trong mỗi bộ phận của cây bình bát đều có chứa các thành phần dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và thành phần hóa học khác nhau chẳng hạn như:

  • Hạt bình bát chứa nhiều acetogenin, chất thuộc nhóm N-acyl truy amin béo.
  • Lá bình bát có chứa các chất annoreticuin-9-on, solamin, annomonicin....
  • Vỏ và thân bình bát có chứa ulinastatin-2, articulacion....
  • Rễ bình bát chứa alcaloid như asimilobine, aequalis...
  • Quả bình bát xanh có chứa acid kaur 16-en-19 oic, sesquiterpenoid.

Chính nhờ có sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng, thành phần hóa học nên toàn thân cây bình bát đều có những công dụng phòng và điều trị một số bệnh lý.

2. Cây bình bát trị bệnh gì?

Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, các chất trong cây bình bát có thể mang đến các dụng như: kháng khuẩn, chống nấm, tiêu diệt ấu trùng, côn trùng, ghẻ, chấy rận... Ngoài ra, chiết xuất từ vỏ, thân, rễ, hạt bình bát có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư phổi, ung thư hầu mũi, kết tràng, bạch hầu (dòng lympho).

Trong y học cổ truyền, cây bình bát có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, sát trùng, an thần, chống trầm cảm, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc và hỗ trỗ bài tiết.

Những công dụng cụ thể đối với từng bộ phận có thể kể đến là:

2.1 Quả bình bát xanh

Tác dụng của quả bình bát xanh là giúp kháng khuẩn, sát trùng, trừ giun và điều trị kiết lỵ. Quả bình bát xanh thường được thái mỏng, phơi khô, sắc thành thuốc để uống.

cay-binh-bat-cong-dung-chua-benh-the-nao-voh-1
Bình bát xanh là dược liệu chữa bệnh hữu hiệu (Nguồn: Internet)

2.2 Hạt bình bát

Hạt bình bát cũng có tác dụng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, nhưng trong hạt bình bát có chứa chất độc nên ít được sử dụng. Thông thường, người ta chỉ sử dụng hạt bình bát phơi khô, giã nhuyễn, nấu thành nước đặc để ngâm quần áo trừ côn trùng, hoặc sử dụng như một dạng nước trừ sâu tự nhiên.

2.3 Lá bình bát

Lá bình bát giã nát, ép lấy nước sẽ có tác dụng trừ chấy rận trên người và gia súc.

2.4 Rễ bình bát

Ở Philippines, người ta sử dụng vỏ thân và con của cây bình bát để chữa đau dạ dày, viêm lợi và chữa sốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất hiếm khi sử dụng phương pháp này.

2.5 Tác dụng của trái bình bát chín

cay-binh-bat-cong-dung-chua-benh-the-nao-voh-2
Bình bát chín là thức quả dân dã được nhiều bạn nhỏ yêu thích (Nguồn: Internet)

Trái bình bát chín vốn là loại trái cây dân dã và được sử dụng phổ biến hơn so với các bộ phận khác của cây bình bát. Không chỉ là thức quả ngon ngọt mà trái bình bát cũng có thể giúp hỗ trợ phòng và điều trị bệnh rất tốt.

3. Lợi ích khi bà bầu ăn bình bát

Bình bát là loại quả “thân thiện” với tất cả mọi người, kể cả phụ nữ mang thai. Vì chứa khá nhiều các dưỡng chất có lợi nên bà bầu ăn bình bát có thể nhận về các lợi ích sức khỏe như:

  • Nâng cao sức khỏe tổng thể
  • Giảm gặp phải các vấn đề về thị lực
  • Giúp giải nhiệt cơ thể
  • Làn da được chăm sóc từ bên trong
  • Ngăn ngừa một số vấn đề về phụ khoa

4. Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng cây bình bát

Nên nhớ rằng, bình bát vẫn là loại cây có độc, vì thế, khi sử dụng loại cây này bạn cần lưu ý:

  • Không để nhựa cây bình bát bắn vào mắt và tránh cho nhựa cây tiếp xúc trực tiếp với da vì chúng có thể gây kích ứng, ngứa, mề đay... Khi bị dính nhựa bình bát vào người, có thể giải độc bằng nước quả chanh.
  • Vì là cây mọc hoang nhiều nơi nên độc tính của cây bình bát ở mức độ nhẹ và hạt có vị chát.
  • Muốn sử dụng thảo dược bình bát để điều trị bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và cũng đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Dù là loại cây mọc hoang tại các bờ sông, kênh rạch nhưng cây bình bát không phải vô dụng, mà ngược lại chúng khá hữu ích đối với sức khỏe con người. Đặc biệt với trái bình bát chín cây, bởi đây chính là một món ăn vặt nhẹ nhàng nhưng lại cực kỳ bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Bình luận