Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cây xô thơm là cây gì? Cây xô thơm có tác dụng gì và dùng ra sao?

(VOH) – Dù mới ‘đặt chân’ tới nước ta song xô thơm rất nổi tiếng, được dùng trong các lĩnh vực đời sống, gồm cải thiện sức khỏe. Cùng tìm hiểu xem cây xô thơm có tác dụng gì với cơ thể ngay sau đây.

Thời gian gần đây, không ít gia đình Việt lựa chọn trồng cây xô thơm làm cảnh trang trí cho căn nhà, vừa tận dụng để thu hái nguyên liệu cho chế biến ẩm thực. Vậy cây xô thơm là cây gì và đem lại những lợi ích sức khỏe như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn giống cây thảo dược đặc biệt này.

1. Cây xô thơm là cây gì?

Cây xô thơm hay cây ngải đắng (tên khoa học: Salvia officinalis) là cây bụi thuộc họ Hoa môi, có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải. Theo ghi chép, tên gọi Salvia của xô thơm trong tiếng Latinh được chuyển biến từ “Salvere” với ý nghĩa chữa lành. Chính vì thế, hiện nay các gia chủ thường dành thời gian chăm sóc cây xô thơm bởi muốn tạo nên một không gian thư thái, dễ chịu cho căn nhà của mình.

cay-xo-thom-la-cay-gi-cay-xo-thom-co-tac-dung-gi-va-dung-ra-sao-voh-0
Xô thơm trắng (bên trái) và xô thơm xanh (bên phải) (Nguồn: Internet)

Có hai giống xô thơm được biết đến rộng rãi nhất đó là:

  • Xô thơm trắng (White Sage): lá xô thơm trắng khi dùng hun xông tỏa ra mùi hương trầm ấm. Đặc biệt xuất hiện khá phổ biến trong các nghi lễ thanh tẩy và cầu nguyện của một số nước phương Tây.
  • Xô thơm xanh (Blue Sage): còn được biết đến là xô thơm New Mexico hoặc Grandmother Sage, có sức sống rất mãnh liệt và sinh sống nhiều ở các sa mạc. Xô thơm xanh mang mùi tươi mát, phảng phất hương khá giống với lá bạc hà.

2. Cây xô thơm có tác dụng gì với sức khỏe?

Không chỉ hội tụ đa dạng hoạt chất tạo mùi thơm dễ chịu, xô thơm còn mang tới vô vàn dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, góp phần phòng ngừa và hỗ trợ điều trị một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:

2.1 Cải thiện sức khỏe răng miệng

Cây xô thơm có tác dụng cải thiện sức khỏe răng miệng vô cùng hữu hiệu. Điều này là bởi khi nhai trực tiếp lá xô thơm hoặc súc miệng với thức uống từ xô thơm, các chất kháng khuẩn mạnh được tiết ra sẽ trực tiếp tham gia tiêu diệt Streptococcus mutans – tác nhân chính gây sâu răng hay hôi miệng. Từ đây giúp bạn sớm lấy lại hơi thở thơm tho cùng sự tự tin khi giao tiếp.

Xem thêm: Cách ‘tạm biệt’ chứng hôi miệng cực chuẩn để bạn tự tin giao tiếp mỗi ngày

2.2 Cây xô thơm có tác dụng giảm stress

Không phải ngẫu nhiên mà xô thơm luôn có mặt trong những nghi lễ chữa lành hay các buổi tập thiền định. Theo đó, hương thơm dịu nhẹ, tươi mới len lỏi khắp không gian làm thư giãn tâm trí, giảm thiểu stress, đưa thân tâm trở về trạng thái cân bằng.

2.3 Khắc phục chứng mất ngủ

Ngoài các thảo dược quen thuộc như lá bạc hà, hoa cúc hay bồ công anh,…xô thơm cũng là gợi ý lý tưởng mà bạn có thể thêm vào liệu trình điều trị chứng mất ngủ. Nhâm nhi trà xô thơm hoặc xông tinh dầu xô thơm đều để lại tác động tích cực tới hệ thần kinh, giải tỏa căng thẳng, đồng thời kích thích sản sinh melatoin và tăng cảm giác buồn ngủ.

2.4 Phòng chống ung thư

Theo phân tích dinh dưỡng, xô thơm (đặc biệt là lá xô thơm) có chứa tới hơn 160 chất chống oxy hóa khác nhau của nhóm polyphenol. Những hoạt chất này khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò ngăn chặn sự tấn công của gốc tự do tới các tế bào, hạn chế tối đa nguy cơ hình thành khối u gây ung thư.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

2.5 Hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp

Một trong những công dụng của cây xô thơm cũng nhận được nhiều tín nhiệm đó chính là hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như ngạt mũi, hen suyễn, cảm lạnh. Cụ thể, hãy kết hợp tinh dầu xô thơm với oải hương hoặc bạc hà, xoa ấm vùng ngực hoặc dùng hít ngửi trực tiếp.

cay-xo-thom-la-cay-gi-cay-xo-thom-co-tac-dung-gi-va-dung-ra-sao-voh-1
Xông hoặc hít ngửi tinh dầu xô thơm giúp cải thiện các bệnh hô hấp (Nguồn: Internet)

2.6 Kiểm soát đường huyết

Dù các nghiên cứu về tác dụng của cây xô thơm tới việc kiểm soát đường huyết chỉ mới dừng lại trên động vật song vẫn khiến các nhà khoa học rất kỳ vọng. Các chiết xuất từ cây có đặc tính hoạt động tương đồng với metformin với khả năng giảm kháng insulin cũng như quản lý tốt quá trình chuyển hóa đường vào máu.

Xem thêm: Chỉ số đường huyết bao nhiêu là an toàn? Cách giúp bạn kiểm tra đường huyết tại nhà

2.7 Cây xô thơm có tác dụng bảo vệ tim mạch

Thêm thắt xô thơm trong chế biến món ăn hoặc thưởng thức trà xô thơm cũng được xem như phương pháp tự nhiên bảo vệ sức khỏe tim mạch. Lúc này, những hoạt chất chống oxy từ cây sẽ bám dính phân tử cholesterol xấu rồi đảo thải ra ngoài, từ đây khơi thông dòng tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng tắc nghẽn mạch máu.

2.8 Tốt cho phụ nữ mãn kinh

Xô thơm thuộc nhóm thảo mộc lành tính tốt cho phụ nữ đang ở trong thời kì mãn kinh. Với hương thơm tươi mát làm dịu cảm giác bức bối, xô thơm cũng đem tới các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động sản xuất hormone estrogen nhằm khắc phục triệu chứng khó chịu như bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều, khô âm đạo.

Xem thêm: Sự thật về mãn kinh mà mọi phụ nữ đều cần biết

2.9 Tốt cho hệ tiêu hóa

Có thể bạn chưa biết, với vị đắng đặc trưng, lá xô thơm xanh là rau gia vị không thể thiếu để chế biến nên các món ăn hấp dẫn và tốt cho hệ tiêu hóa. Theo đó, trong một số y văn cổ, tinh chất từ xô thơm sẽ tăng độ dày niêm mạc ruột và trị tiêu chảy hiệu quả.

2.10 Xua đuổi côn trùng

Nhờ chứa hoạt chất caryophyllene mà xô thơm thường được trồng với mục đích xua đuổi côn trùng. Khi đó, hương xô thơm tỏa ra làm tê liệt thần kinh của côn trùng, giúp bạn sớm “tạm biệt” chúng.

Xem thêm: Tự trồng cây xô thơm để xông nhà thanh tẩy không khí 94% rất đơn giản

3. Cây xô thơm dùng để làm gì?

Vốn là thảo dược giàu dưỡng chất, bộ phận điển hình như lá thì hoàn toàn có thể ăn được nên ứng dụng của cây xô thơm trong đời sống khá phong phú. Dưới đây là một vài hướng dẫn sử dụng cây xô thơm mà bạn có thể tham khảo:

3.1 Trà xô thơm

Pha chế trà xô thơm có lẽ là phương pháp tận dụng dễ dàng, đơn giản nhất dành cho ai yêu thích loài thảo mộc ngát hương này. Từ lá xô thơm tươi hoặc lá xô thơm khô, ngâm ủ trong nước ấm, hòa thêm chút nước cốt chanh cùng mật ong ngọt dịu, bạn sẽ có ngay một ly trà cực kì tốt cho sức khỏe.

cay-xo-thom-la-cay-gi-cay-xo-thom-co-tac-dung-gi-va-dung-ra-sao-voh-2
Trà xô thơm ngát hương, giúp thư giãn tinh thần (Nguồn: Internet)

3.2 Tinh dầu xô thơm

Giống như những loại tinh dầu thiên nhiên khác, tinh dầu xô thơm cũng được chiết xuất từ bộ phận lá và hoa của cây thông qua quy trình chưng cất tương đối phức tạp. Tinh dầu ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu làm sạch không khí hay đưa vào các liệu trình xông hơi.

Ngoài ra, nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể thu hái lá xô thơm, đặt trong khay đựng chống cháy rồi đốt để thanh tẩy, xua tan năng lượng xấu trong nhà.

3.3 Chế biến món ăn

Vì có đặc tính của rau thơm nên ăn kèm lá xô thơm cùng các thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như phô mai, thịt gia cầm hay thịt heo là gợi ý bạn nên thử một lần đấy!

Xem thêm: Nếu là ‘tín đồ’ phô mai bạn nhất định nên trổ tài chế biến ngay 14 món ngon từ phô mai này!

4. Các lưu ý cần biết khi dùng xô thơm

Các tác dụng của xô thơm với sức khỏe có phát huy hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào thói quen sử dụng hợp lý và khoa học của chúng ta. Do vậy, xin nhắc bạn các khuyến cáo an toàn sau:

4.1 Tránh lạm dụng

Dù tự trồng xô thơm hay tìm mua từ các nguồn bên ngoài, bạn cũng không nên lạm dụng thảo dược này. Lời khuyên là mỗi lần chỉ tiêu thụ từ 100 – 150g lá xô thơm, dùng từ 2 – 3 lần trong tuần.

4.2 Hạn chế cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai dùng

Tuy tới nay chưa có nghiên cứu nào ghi nhận tác dụng phụ của xô thơm tới sức khỏe trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, song để đảm bảo an toàn tối đa, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng phù hợp.

4.3 Không dùng khi bị dị ứng

Trong thời gian sử dụng xô thơm, nếu nhận thấy bất cứ biểu hiện bất thường nào hoặc bị dị ứng ngứa ngáy, phải tạm dừng ngay rồi nhanh chóng tới cơ sở y tế thăm khám.

5. Thành phần dinh dưỡng của xô thơm

Hàm lượng các thành phần dinh dưỡng nổi bật của xô thơm được phân tích như sau:

  • Vitamin K: 10% giá trị hàng ngày
  • Sắt: 1.1% giá trị hàng ngày
  • Vitamin B6: 1.1% giá trị hàng ngày
  • Canxi: 1% giá trị hàng ngày
  • Mangan: 1% giá trị hàng ngày

Cùng với đó, chiết xuất tinh dầu từ xô thơm có chứa một số hoạt chất như monoterpen, thujon, camphor, cineol, borneol, sesquiterpen.

Là một “gương mặt” thảo dược khá mới mẻ nhưng cây xô thơm đang ngày càng được yêu thích và trở thành cây cảnh trang nhã gắn bó với nhiều gia đình. Hy vọng rằng các thông tin trên đây sẽ thật sự hữu ích, giúp bạn không còn băn khoăn cây xô thơm có tác dụng gì với sức khỏe cũng như nằm lòng phương pháp sử dụng khoa học nhé!

Bình luận