Chờ...

Dầu óc chó có tác dụng gì và cách dùng đúng cách cần biết

(VOH) – Phần lớn chúng ta có lẽ mới chỉ biết tới cách ăn trực tiếp hạt óc chó hoặc đem làm nguyên liệu xay sữa hạt, và còn khá ‘lạ lẫm’ với dầu óc chó. Vậy dầu óc có tác dụng gì với sức khỏe?

Lựa chọn loại dầu ăn nào khi chế biến thực phẩm cũng đòi hỏi bà nội trợ phải cân nhắc cẩn thận bởi chúng có thể để lại tác động tới sức khỏe của cả gia đình. Theo đó, thời gian trở lại đây, một số loại dầu thực vật, trong đó phải kể tới dầu óc chó, đang nhận được nhiều sự tín nhiệm và đưa vào sử dụng. Quy trình sản xuất dầu óc chó như thế nào và dầu óc chó có tác dụng gì với sức khỏe? Hãy cùng khám phá nhé!

1. Dầu óc chó là dầu gì?

Dầu óc chó có màu vàng nhạt, hương thơm đặc trưng, là dầu được chiết xuất trực tiếp từ hạt óc chó thông qua nhiều công đoạn tương đối phức tạp của công nghệ CO2 siêu tới hạn, do đó rất khó có thể tách chiết tại nhà nếu không có thiết bị chuyên dụng. Trên thị trường hiện nay dầu óc chó chủ yếu được nhập khẩu trực tiếp từ các quốc gia châu Âu như Đức và Nga.

dau-oc-cho-co-tac-dung-gi-va-cach-dung-dung-cach-can-biet-voh-0
Dầu óc chó được chiết xuất từ chính hạt óc chó bằng nhiều công đoạn phức tạp (Nguồn: Internet)

So với các nhóm dầu thực vật khác như dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu đậu nành hay dầu mè,…điểm bốc khói của dầu óc chó khá thấp, chỉ ở mức 160 độ C. Chính vì thế, dầu hạt này thường được khuyến khích dùng trực tiếp và không cần đun nấu quá lâu.

2. Dầu óc chó tác dụng gì với sức khỏe?

Bổ sung dầu óc chó vào khẩu phần ăn hàng ngày được xem là phương pháp giúp bạn hấp thu thêm các dưỡng chất quý giá từ chính hạt óc chó, điển hình như chất béo lành mạnh omega-3, chất chống oxy hóa và các vitamin. Nhờ vậy, sử dụng dầu óc chó có tác dụng cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau:

2.1 Tốt cho tim mạch

Dầu óc chó thuộc nhóm dầu thực vật rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này là bởi lượng axit béo omega-3 từ dầu khi vào cơ thể sẽ làm giảm nồng độ chất béo trung tính ở thành mạch máu, đồng thời tăng lượng cholesterol tốt. Từ đó có thể hạn chế tối đa nguy cơ bị xơ vữa động mạch, hỗ trợ bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.

2.2 Phòng chống ung thư

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, ăn hạt óc chó hay sử dụng các thành phẩm từ hạt như dầu óc chó có thể góp phần phòng chống ung thư khá hữu hiệu. Lúc này, chất chống oxy hóa ellagitannin sẽ ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do, bảo vệ tế bào không bị tổn thương và giảm nguy cơ hình thành khối u nguy hiểm.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.3 Tăng cường trí nhớ

Dầu óc chó có tác dụng duy trì vận hành tốt các chức năng não bộ và tăng cường khả năng ghi nhớ. Lượng chất omega-3 từ dầu trở thành thành tố quan trọng tham gia bảo vệ các tế bào thần kinh không bị oxy hóa cũng như kết nối chặt chẽ với nhau hơn, phòng ngừa tình trạng hay quên hay nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

2.4 Cải thiện giấc ngủ

Tuy hàm lượng hoạt chất melatonin trong dầu hạt óc không quá lớn song rất cần thiết để làm thư giãn tâm trí và cải thiện giấc ngủ. Tiếp nạp melatonin sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy buồn ngủ, giảm tần suất thức khuya, trằn trọc hay mất ngủ ban đêm, nhằm đảm bảo sự tỉnh táo và đem lại tinh thần sảng khoái.

Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên

2.5 Kiểm soát đường huyết

Một trong những tác dụng của dầu óc chó được đánh giá cao đó là khả năng kiểm soát đường huyết ổn định. Cụ thể, theo thống kê cho thấy, trong vòng 3 tháng, mỗi ngày người bệnh tiểu đường tuýp 2 hấp thu khoảng 10 – 15g dầu óc chó sẽ chủ động giảm được tình trạng kháng insulin cũng như làm chậm quá trình chuyển hóa đường vào máu. (1)

dau-oc-cho-co-tac-dung-gi-va-cach-dung-dung-cach-can-biet-voh-1
Dầu óc chó là thực phẩm lành mạnh dành cho người bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

2.6 Hỗ trợ giảm cân

Nếu bạn đang tìm kiếm một loại dầu ăn phù hợp với chế độ ăn kiêng, giảm cân thì dầu óc chó là một gợi ý lý tưởng. Bổ sung lượng chất béo tốt từ dầu vừa giúp bạn cảm thấy no lâu, hạn chế cơn thèm ăn, vừa hạn chế hấp thu chất béo bão hòa hay chất béo chuyển hóa từ các thực phẩm không lành mạnh và dễ gây tăng cân.

Xem thêm: Điểm danh 15 thực phẩm giảm cân ăn 'thả ga' mà không sợ béo

2.7 Dưỡng ẩm làn da

Giống như dầu dừa hay dầu ô liu, dầu óc chó cũng là dầu dưỡng da mà các chị em phụ nữ có thể tham khảo sử dụng. Chất kháng viêm, chất chống oxy hóa được tìm thấy từ dầu óc chó sẽ thẩm thấu vào da, dưỡng da mềm mịn và xóa mờ nếp nhăn.

2.8 Dầu óc chó cho bé ăn dặm

Thông thường, các bậc cha mẹ khá “e ngại” về việc sử dụng dầu ăn trong chế biến món ăn dặm cho bé vì không muốn còn tiêu thụ quá nhiều chất béo. Tuy nhiên, thực tế cơ thể trẻ rất cần chất béo, đó là chất béo bão hòa để sản sinh năng lượng và hình thành các mô mỡ giúp điều hòa thân nhiệt.

Theo đó, thật may rằng dầu óc chó được xếp vào nhóm dầu thực vật rất giàu chất béo bão hòa nên mẹ hãy yên tâm lựa chọn dầu óc chó cho bé ăn dặm. Ở thời kì đầu khi bé mới làm quen với thực đơn ăn dặm, mẹ chỉ cần trộn 1 – 2 thìa cà phê dầu vào cháo hoặc cơm, nhằm tăng thêm hương vị và kích thích vị giác của con.

Xem thêm: Gợi ý mẹ các loại gia vị an toàn cho bé ăn dặm

3. Tác dụng phụ của dầu óc chó

Mặc dù dầu óc chó an toàn với nhiều người nhưng khi lạm dụng quá mức sẽ gây các tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Những người có dạ dày yếu khi dùng dầu óc chó có thể gây nên tình trạng khó tiêu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và thậm chí là nôn mửa.
  • Vì là loại thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường nên khi sử dụng nhiều quá mức sẽ khiến cho lượng đường huyết trong cơ thể giảm xuống mức báo động.
  • Những người đang bị huyết áp không nên dùng dầu óc chó vì loại thực phẩm tương tác làm giảm tác dụng của thuốc và quá trình điều trị các bệnh tim mạch.

4. Hướng dẫn cách sử dụng dầu óc chó

Như đã chia sẻ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chúng ta không nên dùng dầu óc chó để chế biến ở nhiệt độ cao. Có 2 cách sử dụng dầu óc chó đơn giản và hiệu quả dưới đây mà bạn nên tham khảo:

4.1 Trộn với món ăn chín

Dầu óc chó không phải là dầu ăn thích hợp với các món chiên xào, bạn chỉ nên trộn trực tiếp với món ăn sau khi đã chế biến chín hoặc làm dầu trộn salad. Tận dụng theo phương pháp này sẽ không làm biến đổi dưỡng chất, giảm thiểu nguy cơ gặp những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.

4.2 Dùng dầu óc chó làm mặt nạ

Bên cạnh “thêm thắt” vào món ăn, chúng ta còn có thể điều chế dầu óc chó kết hợp với một số mỹ phẩm tự nhiên như mật ong, sữa chua để làm mặt nạ dưỡng da. Hãy làm sạch da, rồi nhẹ nhàng thoa đều hỗn hợp dầu óc chó lên da và rửa lại với nước ấm, sức khỏe làn da sẽ được cải thiện đáng kể đấy!

Xem thêm: Da sạch mụn, mướt mát, hết thâm sẹo lại trắng hồng tự nhiên nhờ loại mặt nạ hết sức quen thuộc

5. Lưu ý an toàn khi dùng dầu óc chó

Cùng với việc sử dụng dầu óc chó đúng cách, bạn cũng cần ghi nhớ những lưu ý an toàn sau đây:

5.1 Tránh dùng quá nhiều

Dù dầu óc chó có tác dụng tốt với sức khỏe nhưng dùng quá nhiều và thường xuyên thì hoàn toàn không được khuyến khích. Lời khuyên là chỉ nên thêm từ 2 – 3 thìa cà phê dầu vào món ăn, dùng tối đa 3 tuần một lần.

dau-oc-cho-co-tac-dung-gi-va-cach-dung-dung-cach-can-biet-voh-2
Nên sử dụng óc chó với lượng vừa phải, tránh lạm dụng (Nguồn: Internet)

5.2 Bảo quản nơi thoáng mát

Bạn cần cất trữ dầu óc chó trong vật chứa làm bằng chất liệu thủy tinh hoặc sứ, đặt ở ví trị thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời. Nếu muốn sử dụng dài ngày hãy bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

5.3 Không sử dụng dầu bị hỏng

Thời hạn tốt nhất để dùng dầu óc chó là từ 6 tháng – 1 năm, tránh cất trữ quá lâu và tuyệt đối không sử dụng khi màu sắc của dầu trở nên vàng sẫm, có mùi hôi.  

5.4 Không dùng khi có tiền sử dị ứng

Trường hợp bạn từng có tiền sử dị ứng hạt óc chó hay các loại hạt khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng dầu óc chó.

Xem thêm: 6 triệu chứng điển hình khi bị dị ứng đậu phộng và cách phòng ngừa

6. Thành phần dinh dưỡng của dầu óc chó

Hàm lượng của một số chất dinh dưỡng điển hình trong 13g dầu óc chó bao gồm:

  • Lượng calo: 120
  • Chất béo: 14g
  • Axit béo Omega-3: 1.4g

Ngoài ra, các phân tích cũng nhận thấy thành phần của dầu óc chó có chứa vitamin E, vitamin K, khoáng chất magie, photpho và đặc biệt là selen.

Có thể rằng dầu óc có dụng tốt cho sức khỏe của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trong gia đình. Thế nhưng để hấp thu trọn vẹn nguồn dưỡng chất quý từ loại dầu ăn “hảo hạng” này, bạn đừng quên thực hiện đúng các hướng dẫn an toàn được chia sẻ trong bài viết trên nhé!