Chờ...

'Khám phá' tác dụng của cây rau sắng cùng những cách chế biến món ăn ngon

(VOH) – Mặc dù không phải là loại rau phổ biến với tất cả mọi người, cây rau sắng vẫn được ưa chuộng và sử dụng làm nguyên liệu cho bữa ăn gia đình, bên cạnh những bài thuốc dân gian tốt cho sức khỏe.

Là một loại rau rừng đặc sản của vùng núi cao, rau sắng hiện đang trở thành loại rau phổ biến trong ẩm thực. Hơn thế, những dưỡng chất có trong rau sắng cũng vô cùng có lợi cho sức khỏe con người.

1. Rau sắng là rau gì?

Rau sắng (hay còn gọi là cây mì chính, rau ngót rừng, rau ngót quế, tắc sắng, pắc van, lai cam...) có tên khoa học là Melientha suavis, thuộc bộ Đàn Hương.

Cây rau sắng là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên núi, chủ yếu là vách đá của núi đá vôi. Đây là một loại cây khá đặc biệt khi cả cây cái và cây đực đều ra những chùm hoa trắng, nhưng chỉ có hoa của những cây cái mới kết quả.

tac-dung-cua-cay-rau-sang-voh-0
Rau sắng là loại rau rừng đặc sản của vùng đất Lạng Sơn (Nguồn: Internet)

Lá sắng mọc so le, hình ngọn giáo, thu hẹp tù lại cả hai đầu, rất nhẵn. Quả gần như nạc, thuôn hay hình trứng. Khi chín quả sắng chuyển sang màu vàng có hạch cứng chứa một hạt. Vì vậy, khi muốn hái lá sắng non người ta thường trèo lên cây để hái.

Tại Việt Nam, cây rau sắng mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La,  Lai Châu... Ở miền Nam, có thể tìm thấy cây rau sắng ở núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu).

2. Ăn rau sắng có tác dụng gì?

Khi nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của cây rau sắng, người ta phát hiện trong rau sắng có 82.4% nước, 5.5-6.5% protid, 5.3-5.5% glucid, 2.2% cellulose cũng như các loại amino axit cần thiết cho cơ thể như lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin và isoleucin. Chính vì thế, ăn rau sắng có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như:

2.1 Giúp lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt cơ thể

Đông y cho biết, cây rau sắng có vị bùi, tính mát, rễ cây rau sắng hơi ngăm đắng, cho nên ăn rau sắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể và lợi tiểu.

2.2 Chữa nhiệt miệng

Nhờ có tính mát nên cây rau sắng cũng có tác dụng chữa nhiệt miệng rất hiệu quả. Khi thấy bị nhiệt, bạn có thể giã nát rau sắng, vắt lấy nước cốt, uống trong khoảng 2 ngày là được.

2.3 Chữa táo bón

Nhờ có đặc tính mát nên ăn rau sắng có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Uống nước cây rau sắng hoặc ăn những món ngon từ rau sắng sẽ có tác dụng cải thiện đường ruột, ngăn ngừa táo bón cũng như tốt cho hệ tiêu hóa nói chung.

2.4 Giảm cân

Một trong những tác dụng của rau sắng là giúp giảm cân. Cây rau sắng chứa nhiều chất xơ, vitamin, axit amin và một số hợp chất như lysine, protein, methionine, caroten,... nên ăn rau sắng có thể hỗ trợ việc giảm cân, nhất là ở phụ nữ.

2.5 Chữa tưa lưỡi

Dân gian truyền tai nhau kinh nghiệm dùng cây rau sắng để chữa tưa lưỡi. Khi bị tưa lưỡi và khó chịu, bạn chỉ cần giã nát rau sắng vắt lấy nước cốt rồi hòa với mật ong, sau đó dùng bông hoặc miếng gạc chấm vào hỗn hợp này, chà lên lưỡi. Thực hiện vài lần sẽ thấy hiệu quả.

2.6 Tốt cho phụ nữ sau sinh

Nhiều người cho rằng, rau sắng và rễ rau sắng có tác dụng làm co bóp tử cung nên sẽ tốt cho những phụ nữ sau sinh, nhằm chữa sót rau thai. Tuy nhiên, đây là những kinh nghiệm dân gian tính an toàn không cao cũng như chưa được kiểm chứng về độ hiệu quả.

Xem thêm: Tìm hiểu nhau thai và những bất thường về nhau thai mẹ bầu cần biết

3. Những món ngon từ rau sắng

Rau sắng không khó chế biến, bộ phận dùng làm món ăn thường là phần lá non, gần ngọn, thậm chí bạn có thể ăn cả phần hoa và quả non của cây rau sắng.

Bình thường, người dân hay lấy lá non, lá bánh tẻ, hoa, quả non của cây rau sắng đem xào hay nấu canh ăn. Có thể nấu canh với thịt nhưng cũng có thể nấu canh suông, bát canh vẫn ngon ngọt, đậm đà. Lá rau sắng nấu canh rất ngon, khi thêm những chồi nụ vàng thì canh có đầy đủ hương vị bùi, thơm, ngon ngọt và dịu mát. Hạt rau sắng cũng ăn được, có vị béo, ngọt.

tac-dung-cua-cay-rau-sang-voh-1
Đọt và lá non của cây rau sắng chính là nguyên liệu để chế biến món ăn (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số món ngon từ rau sắng gợi ý dành cho bạn:

3.1 Rau sắng nấu canh thịt

Nguyên liệu

  • Thịt (thịt bò, thịt heo, gà, tôm... tùy thích): 200g
  • Rau sắng: 1 bó
  • Gia vị thông dụng

Cách chế biến

  • Rau sắng mua về nhặt lấy lá và ngọn non, rửa sạch, để ráo nước.
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng thì cho thịt vào xào sơ qua, nêm chút nước mắm cho thơm rồi đổ một lượng nước đủ ăn vào nồi, đun sôi.
  • Đun đến khi nước sôi thì thả rau sắng đã rửa sạch vào, chờ sôi bùng lên, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, chờ sôi lên lần nữa là có thể tắt bếp. Múc canh ra tô và thưởng thức khi còn nóng.

3.2 Rau sắng xào thịt bò

Nguyên liệu

  • Rau sắng: 1 bó
  • Thịt bò thăn: 200g
  • Tỏi
  • Gia vị thông dụng

Cách chế biến

  • Rau sắng mua về nhặt lá non và ngọn, bỏ lá già, hỏng. Sau đó đem rửa sạch, để ráo nước.
  • Tỏi đập dập, bóc vỏ, băm nhuyễn.
  • Thịt bò rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp cùng hạt nêm, dầu ăn với lượng theo khẩu vị, để yên trong khoảng 30 phút cho ngấm gia vị.
  • Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn đun đến nóng thì cho 1/2 lượng tỏi băm vào đảo đều, thêm một chút nước mắm cho dậy mùi rồi trút phần thịt bò đã ướp vào xào nhanh , khi thấy thịt bò vừa chín tới thì tắt bếp, trút thịt ra bát để riêng.
  • Tiếp tục bật bếp để xào phần rau sắng. Bạn vẫn cần phải thêm một ít dầu ăn vào chảo, bắc lên bếp. Đến khi dầu nóng thì thêm lượng tỏi còn lại vào chảo, phi thơm rồi cho rau sắng đã rửa sạch vào đảo đều. Nêm gia vị vừa ăn đảo đến khi rau chín tới thì cho thịt bò vào lại, đảo lại lần nữa, tắt bếp.
  • Múc món thịt bò xào rau sắng ra đĩa, rắc thêm tiêu và thưởng thức cùng cơm nóng.

3.3 Canh cua rau sắng

tac-dung-cua-cay-rau-sang-voh-2
Những món canh từ rau sắng luôn thơm ngon và bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Rau sắng: 1 bó
  • Cua đồng: 500g
  • Gia vị thông dụng

Cách chế biến

  • Rau sắng mua về nhặt bỏ lá già, hỏng, thì đem rửa sạch, để ráo nước.
  • Cua đồng mua về bỏ yếm, lấy gạch. Thân cua cho vào cối giã nhuyễn rồi đổ nước vào, lọc bỏ bã chỉ lấy nước.
  • Bắc nồi lên bếp, đổ nước cua giã vào nồi, thêm một chút muối. Khuấy đều tay đến khi nước sôi thì dừng khuấy, chờ gạch cua nổi lên, giảm nhỏ lửa chờ vài phút rồi vớt hết gạch cua ra đĩa.
  • Tiếp tục đun cho nước sôi lại thì thả rau sắng vào, đun sôi lần nữa đến khi rau sắng chín thì bạn nêm gia vị cho vừa ăn rồi thả gạch cua vừa vớt lên bề mặt, tắt bếp, múc canh ra bát và thưởng thức.

Xem thêm: Cua đồng hay cua biển đều tốt cho sức khỏe nếu bạn biết áp dụng 3 lưu ý ăn an toàn này

4. Ăn rau sắng cần lưu ý điều gì?

Cây rau sắng tuy là loại rau lành tính và chứa một số công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi bạn ăn rau sắng bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai không nên ăn rau sắng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
  • Những người bị huyết áp thấp cũng không nên ăn bởi có thể khiến huyết áp càng thêm thấp.
  • Người có đường ruột kém, yếu bụng, dễ bị tiêu chảy cũng cần hạn chế ăn cây rau sắng.

Khác với loại rau ngót được trồng, rau sắng có hương vị đặc trưng của loại rau rừng. Không chỉ ngon, mát, rau sắng lại còn giàu dinh dưỡng và mang đến khá nhiều lợi ích cho sức khỏe.