Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

8 tác dụng của hoa hồng – loài hoa được ‘nâng niu’ ngàn năm qua

(VOH) - Hoa hồng là loài hoa đẹp tượng trưng cho tình yêu thương. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi ngoài những ý nghĩa tinh thần, tác dụng của hoa hồng với sức khỏe và làm đẹp như thế nào hay chưa?

Ngay từ thời cổ đại cho tới nay, hoa hồng luôn được “nâng niu” cũng như gắn liền với đời sống của chúng ta. Bởi cây hoa hồng không chỉ được trồng làm cảnh, tỏa hương thơm quyến rũ mà còn làm thuốc quý chữa bệnh.

1. Đôi nét về hoa hồng

Hoa hồng (hường) là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng cây bụi hoặc cây leo sống lâu năm thuộc chi Rosa, họ Rosaceae. Cây thường mọc đứng hoặc mọc leo. Thân và cành có gai. Lá hình bầu dục mũi mác, kép lông chim, có răng cưa viền ngoài, nhẵn cả hai mặt. Hoa có mùi thơm, nhiều cánh, màu sắc đa dạng từ đỏ, hồng, vàng hay trắng,...

Phần lớn hoa hồng có nguồn gốc bản địa châu Á, số ít còn lại có nguồn gốc bản địa châu Âu, Bắc Mỹ và Tây Bắc Phi. 

7-tac-dung-cua-hoa-hong-loai-hoa-duoc-nang-niu-ngan-nam-qua-voh-0
Hoa hồng vừa dùng làm cảnh vừa là cây thuốc quý chữa bệnh (Nguồn:Internet)

2. Tác dụng của hoa hồng với sức khỏe

Có thể bạn chưa biết, hoa hồng, đặc biệt là phần cánh hoa hồng “hội tụ” vô vàn dưỡng chất quý giá, kể đến như nhóm chất chống oxy hóa mạnh polyphenol, vitamin C, vitamin E, vitamin B cùng nhiều khoáng chất quan trọng. Dưới đây là một số tác dụng của hoa hồng mà bạn có thể tham khảo sử dụng để hỗ trợ cải thiện các vấn đề sức khỏe:

2.1 Giảm viêm họng

Trong y học cổ truyền, hoa hồng, điển hình là hoa hồng trắng thường được thu hái, phơi khô và làm dược liệu cho các bài thuốc trị viêm họng hay ho có đờm. Cụ thể, bạn dùng 10g cánh hoa hồng trắng, 2 - 3 quả quất chín và 20g đường phèn, hấp cơm hay chưng cách thủy khoảng 15 phút, rồi dầm nát quất trộn đều, uống nhiều lần trong ngày.

Xem thêm: Tắc chưng đường phèn – bài thuốc có từ lâu lắm rồi đấy, đang ho ‘khụ khụ’ nhấm một chút là dịu ngay!

2.2 Tác dụng của hoa hồng điều trị chứng mất ngủ

Để tinh thần tỉnh táo, tăng cường trí nhớ, một giấc ngủ ngon chắc chắn là phương pháp hoàn hảo dành cho bạn. Cách sử dụng rất đơn giản, bạn dùng tinh dầu hoa hồng xông lên rồi nằm thả lỏng cơ thể, từ từ chìm vào giấc ngủ. Phương pháp này rất tuyệt vời đối với những người đang mắc chứng mất ngủ.

2.3 Điều hòa kinh nguyệt

Một số nghiên cứu nhận thấy rằng, tác dụng của hoa hồng giúp điều hòa kinh nguyệt, làm dịu đau bụng kinh khá hữu hiệu.  Ly trà hoa hồng ấm nồng, thơm dịu vừa đem đến cảm giác dễ chịu, vừa “trợ giúp” tử cung co bóp dễ dàng hơn, từ đây đảm bảo lưu thông khí huyết.

Xem thêm: Mách chị em 7 cách làm giảm đau bụng nhanh nhất trong ngày ‘đèn đỏ’

2.4 Tác dụng của hoa hồng chữa hôi miệng

Tận dụng mùi hương dễ chịu của hoa hồng để cải thiện tình trạng hôi miệng mà bạn có thể xem xét thực hiện. Lúc này, hãy dùng ngâm cánh hoa hồng trong nước nóng, để nguội bớt rồi dùng phần nước này ngậm, súc miệng. Ngoài ra, nhai trực tiếp cánh hoa hồng cũng góp phần giảm bớt mùi hôi trong khoang miệng.

7-tac-dung-cua-hoa-hong-loai-hoa-duoc-nang-niu-ngan-nam-qua-voh-1
Các hoạt chất trong hoa hồng hỗ trợ cải thiện chứng hôi miệng (Nguồn: Internet)

2.5 Tốt cho hệ tiêu hóa

Nhờ chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, hoa hồng được đánh giá là dược liệu tốt cho hệ tiêu hóa. Theo đó, các hoạt chất kháng viêm mạnh này có khả năng làm lành các màng nhầy bị tổn thương, giúp chống lại vi khuẩn và cung cấp số men còn thiếu trong ruột và dạ dày. 

Xem thêm: 12 loại thực phẩm bạn nên ăn nếu muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

2.6 Hỗ trợ giảm cân

Nếu bạn đang “triển khai” kế hoạch ăn kiêng thì trước bữa ăn chính, nhâm nhi một ly trà hoa hồng cũng là gợi ý khá lý tưởng. Các dưỡng chất trong trà sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển hóa dưỡng chất từ thực phẩm và tăng cường đốt cháy năng lượng, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

2.7 Giảm đau nhức xương khớp

Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong hoa hồng còn có đặc tính xoa dịu cơn đau nhức và viêm xương khớp.

2.8 Tác dụng của hoa hồng trong làm đẹp

Nếu nhắc tới tác dụng của hoa hồng trong đời sống mà bỏ qua những vai trò trong làm đẹp thì quả là một điều thiếu sót. Với nguồn chất chống oxy hóa dồi dào, cánh hoa hồng phần lớn được tận dụng để điều chế thành các sản phẩm chăm sóc da, dưỡng ẩm và se khít lỗ chân lông.

Chưa hết, các tinh chất từ hoa hồng cũng có khả năng kích thích nang tóc phát triển, hạn chế tối đa hiện tượng tóc khô rối và gãy rụng.

Xem thêm: Nước hoa hồng hay toner là gì và sử dụng toner như thế nào để tốt cho da?

3. Hướng dẫn cách sử dụng hoa hồng tại nhà

Tùy theo mục đích và nhu cầu, bạn có thể sử dụng hoa hồng theo một trong ba phương pháp đơn giản dưới đây:

3.1 Tinh dầu hoa hồng

Tinh dầu hoa hồng là thành phẩm thu được sau quá trình chưng cấp hơi nước cánh hoa hồng, chiết xuất một cách trọn vẹn nhất lượng tinh dầu từ cánh hoa và thường thích hợp để thoa lên vùng da mặt hoặc vùng chân tóc.

7-tac-dung-cua-hoa-hong-loai-hoa-duoc-nang-niu-ngan-nam-qua-voh-2
Tinh dầu hoa hồng vô cùng quý giá (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Hoa hồng tươi: 30 - 40 bông
  • Nước sạch: 200ml
  • Đá lạnh

Cách làm tinh dầu hoa hồng

  • Nhẹ nhàng tách từng cánh hoa hồng rồi đem rửa sạch. Sau đó đặt cánh hoa vào vật đựng có khả năng chịu nhiệt tốt.
  • Đong nước vào nồi, cho cánh hoa hồng vào và tiến hành hấp cách thủy. Chú ý đậy ngược nắp nồi để khi nước sôi, ta sẽ cho đá lên đó, tinh dầu hoa hồng bay hơi lên gặp đá lạnh sẽ ngưng kết lại và chảy xuống vật đựng bên trong nồi.
  • Liên tục bổ sung đá để thu được nhiều tinh dầu nhất.
  • Quan sát thấy nước gần cạn thì tắt bếp. Lúc này tinh dầu nhẹ hơn nước nên sẽ nổi lên trên, bạn hãy dùng thìa gạn lấy tinh dầu và trút vào bình đựng, đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

3.2 Làm nước hoa hồng

7-tac-dung-cua-hoa-hong-loai-hoa-duoc-nang-niu-ngan-nam-qua-voh-3
Nước hoa hồng - mỹ phẩm dưỡng da an toàn (Nguồn: Internet)

Công đoạn làm nước hoa hồng không quá cầu kì như chưng cất tinh dầu hoa hồng, song vẫn đảm bảo đem đến một mỹ phẩm dưỡng da tự nhiên và rất an toàn.

Xem thêm: 3 cách làm nước hoa hồng tại nhà siêu đơn giản để làm đẹp da

3.3 Pha trà hoa hồng

7-tac-dung-cua-hoa-hong-loai-hoa-duoc-nang-niu-ngan-nam-qua-voh-4
Trà hoa hồng ngát hương, ngọt dịu (Nguồn: Internet)

Có thể nói, cùng với trà hoa cúc, trà sen hay trà hoa nhài,…trà hoa hồng cũng thuộc nhóm trà thảo mộc rất “được lòng” chúng ta. Ly trà với hương thơm phảng phất, vị dịu nhẹ, ngọt thanh và cực kì cuốn hút.

Xem thêm: 6 cách làm trà hoa hồng ngát hương, giàu dưỡng chất – giúp bạn ‘đẹp như hoa’ và khỏe hơn mỗi ngày

4. Một số lưu ý khi dùng hoa hồng

Trong quá trình dùng hoa hồng, bạn nên “nằm lòng” một vài lưu ý nhỏ dưới đây để tận dụng tối ưu nhất các tác dụng của hoa hồng:

4.1 Lựa chọn nguồn cung cấp hoa uy tín

Nếu bạn có một mảnh vườn nhỏ và tự trồng những cây hoa hồng rực rỡ rồi thu hái để sử dụng thì thật tuyệt vời. Tuy nhiên, trong trường hợp phải mua hoa hồng từ bên ngoài, hãy tìm hiểu và lựa chọn nguồn cung cấp hoa uy tín, canh trồng theo phương pháp hữu cơ nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

Xem thêm: Những bí kíp vàng trong việc trồng và chăm sóc hoa hồng leo tại nhà

4.2 Không sử dụng nếu có tiền sử dị ứng

Dị ứng hoa hồng không phải là triệu chứng hiếm gặp, vì thế nếu bạn từng có tiền sử mắc chứng dị ứng này, tốt nhất cần hạn chế sử dụng nhé.

4.3 Hạn chế cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dùng

Cho tới nay tác động của hoa hồng tới sức khỏe trẻ nhỏ vẫn cần phải nghiên cứu chuyên sâu và kĩ lưỡng hơn nữa. Chính vì thế, lời khuyên là bạn nên hạn chế cho trẻ sử dụng, đặc biệt với các bạn nhỏ dưới 5 tuổi.

4.4 Không thay thế thuốc đặc trị

Các phương pháp sử dụng hoa hồng trên đây chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, hoàn toàn không thay thế thuốc đặc trị. Do đó, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc thầy thuốc để nhận được sự tư vấn đúng đắn nhất.

Rực rỡ sắc hương lại mang tới những lợi ích sức khỏe tuyệt vời nên từ ngàn năm nay hoa hồng vẫn luôn được mệnh danh là “nữ hoàng” của muôn loài hoa. Bên cạnh bày biện để trang trí, bạn cũng đừng bỏ qua những tác dụng của hoa hồng cực kì đáng quý trên đây nhé.

Bình luận