Tác dụng của quả vả những món ngon đặc sắc

(VOH) -  Thường hay bị nhầm lẫn với quả sung, thế nhưng thực tế quả vả không phải là quả sung và những tác dụng của quả vả dành cho sức khỏe cũng khác biệt so với quả sung.

Từ lâu, quả vả đã được xem như một loại dược liệu chữa bệnh trong nhiều bài thuốc Đông y lẫn dân gian. Mặc dù, có hình dáng bên ngoài khá giống với quả sung, nhưng đây vốn là 2 loại quả hoàn toàn khác nhau cả về mùi vị và những lợi ích sức khỏe.

1. Quả vả có đặc điểm gì?

Quả vả có tên khoa học là Ficus auriculata, thuộc cho Ficus. Đây là một quả có nguồn gốc từ Himalaya, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Cây vả là loại cây gỗ có thân và cành tương đối lớn, cao khoảng 5-10m. Là cây thường xanh nhưng nếu trồng ở những khí hậu lạnh cây vả có thể bị rụng lá vào mùa đông.

tac-dung-cua-qua-va-voh-0
Quả vả khi chín sẽ chuyển sang màu đỏ tím, thịt bên trong màu hồng đỏ (Nguồn: Internet)

Lá vả có hình tim. Hoa mọc dày đặc trên thân hoặc cành già, cụm hoa sẽ phát triển thành quả. Quả vả còn non có màu xanh kèm lông mịn bên ngoài, bên trong có một lớp cơm màu trắng. Khi quả vả chín sẽ chuyển sang màu đỏ tím, thịt bên trong màu hồng đỏ.

Quả vả có hình dáng bên ngoài rất giống với quả sung, nhưng có kích thước to hơn.

Xem thêm: Khám phá những tác dụng chữa bệnh của trái sung và các tác hại tiềm ẩn có thể bạn chưa biết

2. Những tác dụng của quả vả đối với sức khỏe

Cả phần quả, rễ và lá của cây vả đều được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền. Trong Đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình. Tác dụng của quả vả là giúp thanh nhiệt, nhuận tràng, ổn định tiêu hóa, giảm ho, kích thích ăn uống, giảm đau, tăng cường lưu thông máu. Có thể có hiệu quả trong việc điều trị bệnh trĩ, khó tiêu, táo bón....

Với y học hiện đại, quả vả được nghiên cứu và ghi nhận là có chứa protein, chất béo, vitamin nhóm B, hợp chất flavonoid, polyphenol, pectin và chất nhầy. Ngoài ra, loại quả này còn chứa nhiều khoáng chất và các nguyên tố vi lượng khác.

Với sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng, quả vả có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe như:

2.1 Cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa

Quả vả chứa nhiều chất xơ nên rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Chất xơ có tác dụng kích thích nhu động rộng và tăng khả năng co bóp bài tiết. Do đó, ăn quả vả sẽ giúp hoạt động của nhu động ruột diễn ra trơn tru, từ đó ngăn ngừa táo và khả năng hình thành bệnh trĩ do táo bón lâu ngày.

2.2 Chống loãng xương

Một trong những tác dụng của quả vả là giúp ngăn ngừa loãng xương nhờ vào nguồn canxi phong phú. Cơ thể chúng ta cần canxi để giúp xương và răng thêm chắc khỏe, đồng thời giúp phòng ngừa loãng xương.

2.3 Giảm cholesterol xấu trong máu

Nhờ có chứa hợp chất pectin nên ăn quả vả có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong máu. Hợp chất pectin giống như một chất bổ sung chất xơ hòa tan có thể giúp giảm mức cholesterol xấu trong máu và chất béo trung tính.

Ngoài ra, hợp chất pectin trong quả vả còn giúp cải thiện lượng đường trong máu, giúp giảm cân, cải thiện các vấn đề hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ ung thư ruột kết.

2.4 Phòng ngừa tiểu đường

Không chỉ giàu hợp chất pectin giúp cải thiện lượng đường trong máu, trong quả vả còn chứa nhiều chất kali, vì thế một trong những công dụng của quả và là giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận, nồng độ kali trong máu thấp chính là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Do đó, ăn quả vả là một trong những cách giúp bạn chủ động phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn

2.5 Ngăn ngừa thiếu máu

Ngăn ngừa thiếu máu được coi là một tác dụng của quả vả. Lý do là vì trong loại quả này chứa hàm lượng chất sắt cao, có thể giúp sản sinh tế bào hồng cầu khỏe mạnh, từ đó có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.

2.6 Tốt cho tim mạch

tac-dung-cua-qua-va-voh-1
Hàm lượng axit béo trong quả vả có lợi cho hệ tim mạch (Nguồn: Internet)

Mặc dù không nhiều nhưng quả vả chứa một lượng các axit béo omega-3 và omega-6 giúp làm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh liên quan đến hệ tim mạch.

2.7 Có thể giúp giảm cân

Quả vả giàu chất xơ nhưng lại ít năng lượng cho nên chúng có thể có tác dụng giúp giảm cân. Ngoài ra, chất pectin trong quả vả có giúp hỗ trợ quá trình tiêu thụ chất chất béo diễn ra nhanh hơn, khi lượng chất béo dư thừa được đốt cháy, sẽ góp phần hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

2.8 Giảm viêm da dị ứng

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy, sử dụng các loại thuốc bôi có chiết xuất từ quả vả có thể giúp giảm triệu chứng ngứa ở người mắc bệnh chàm.

2.9 Giàu chất chống oxy hóa

Hợp chất flavonoid, polyphenol... đều là những chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể, giúp bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do gây hại cơ thể. Đồng thời cũng thể giúp làm giảm nguy cơ hình thành một số loại ung thư.

3. Lợi ích của quả vả với bà bầu

Dân gian truyền rằng, bà bầu ăn quả vả có thể giúp lợi sữa, nhưng dường như mẹo dân gian này khiến cho nhiều mẹ bầu “hiện đại” lo ngại vì tính an toàn cũng như hiệu quả.

Thực tế, cho đến hiện tại các nghiên cứu y học hiện đại vẫn không thấy nhắc gì đến những tác dụng của quả vả đối với bà bầu. Tuy nhiên, theo quan niệm Đông y, trái vả là loại quả không độc. Hơn nữa, trong trái vả cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể giúp kích thích tuyến sữa để sữa về được nhiều và đặc hơn.

Thông thường, các mẹ bầu có thể dùng trái vả hầm chung với sườn hoặc móng heo để ăn, nhằm phát huy “sức mạnh lợi sữa” từ trái vả.

Xem thêm: Bí quyết giúp ‘sữa về như suối’ cho bé ti thoải mái, không lo thiếu sữa

4. Những cách chế biến quả vả trong ẩm thực

Quả vả có thể chế biến thành nhiều kiểu món ăn khác nhau. Nếu như trước đây người ta chỉ ăn những quả trái vả đã chín ngọt, thì giờ đây người dân còn biến tấu thêm rất nhiều món ngon khác nhau từ trái vả xanh.

tac-dung-cua-qua-va-voh-2
Quả vả có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau (Nguồn: Internet)

Một số món ngon từ trái vả mà bạn có thể tham khảo là:

  • Canh vả
  • Vả kho thịt
  • Vả hầm thịt
  • Vả trộn
  • Vả muối chua
  • Vả ngâm chua ngọt
  • Trà vả
  • Mứt quả vả

5. Ăn quả vả nhiều có tốt không?

Có thể nói, quả vả lại loại trái cây giàu dưỡng chất, những chất dinh dưỡng rất có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn có thể lạm dụng ăn nhiều quả vả, bởi chúng có thể gây tác dụng ngược nếu tiêu thụ quá nhiều.

  • Quả vả khi chín rất ngọt, nếu ăn khi đói hoặc ăn quá nhiều có thể bị say, với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn....
  • Cho trẻ em ăn quả có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc sâu răng
  • Ăn nhiều trái vả cùng lúc có thể bị đầy bụng

Như vậy, quả vả là loại trái cây được dùng rất nhiều trong các món ăn của người Việt. Loại trái cây này cũng có thể sử dụng để làm thuốc trong Đông y, tuy nhiên trước khi sử dụng bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự tiện dùng.