Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ bị viêm họng: Nguyên nhân và cách điều trị

(VOH) – Mùa lạnh trẻ thường hay bị viêm họng. Tuy nhiên không phải lúc nào bé bị viêm họng cũng cần dùng kháng sinh, bởi nhiều trường hợp dùng kháng sinh là vô hiệu.

Viêm họng thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng hiếm khi xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi mà chủ yếu là những trẻ ở lứa tuổi đi học. 

Các triệu chứng chung thường gặp khi trẻ bị viêm họng là:

  • Cổ họng trẻ bị sưng đỏ hoặc có mụn mủ.
  • Khó nuốt nước miếng và không thể mở miệng rộng.
  • Chán ăn, có dấu hiệu mất nước, cáu kỉnh và chảy nước dãi thường xuyên.
  • Có trường hợp bị khó thở.

Viêm họng thường do nhiễm virus, vi khuẩn, hay gặp nhất là Streptococcus (được gọi là viêm họng liên cầu).

1. Nguyên nhân trẻ bị viêm họng

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu, vì vậy dễ bị các tác nhân bên ngoài tấn công và gây bệnh. Một số nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng là:

1.1 Viêm họng do virus

Khoảng 90% ca viêm họng là do nhiễm virus. Thường gặp nhất là các virus gây bệnh cảm lạnh và bệnh cúm ở trẻ: Rhinovirus, Influenza A, B, C, D.

tre-bi-viem-hong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh
Viêm họng là một bệnh viêm đường hô hấp trên (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, cũng có các trường hợp viêm họng do các virus khác, với rất nhiều triệu chứng nghiêm trọng, cần có phác đồ kháng virus như:

  • Bệnh bạch cầu đơn nhân: virus Epstein-Barr (EBV)
  • Bệnh sởi: Polinosa morbillarum
  • Bệnh thủy đậu: Varicella zoster virus 
  • Bệnh tay chân miệng: Enterovirus A71 (EV - A71)

1.2 Viêm họng do vi khuẩn

Có khoảng 15 – 30% trường hợp trẻ bị viêm họng do vi khuẩn liên cầu, phế cầu và tụ cầu gây ra. Trong đó, vi khuẩn tụ cầu nhóm A (Group A Streptococcus) là loại vi khuẩn thường gặp nhất.

Viêm họng do loại vi khuẩn này thường gặp nhiều ở trẻ em trong độ tuổi đi học và phổ biến nhất là từ 6 – 12 tuổi. Thông thường, nếu bé bị viêm họng do tụ cầu nhóm A sẽ có các triệu chứng như:

  • Sốt cao
  • Đau họng đột ngột.
  • Amidan sưng viêm có mủ.
  • Hạch cổ sưng to và đau.
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện ban đỏ mịn trên da.

Nếu không điều trị, các triệu chứng bệnh có thể sẽ tự hết trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là một loại bệnh cần được chẩn đoán đúng mực và điều trị kháng sinh hợp lý, đúng ngày để có thể kiểm soát và khống chế loại vi khuẩn này kịp thời, nhằm hạn chế nguy cơ tái phát hoặc những biến chứng có thể xảy ra.

Các biến chứng của tình trạng viêm họng do vi khuẩn tụ cầu nhóm A gây ra thường không liên quan đến hầu họng, mà là những tổn thương ở các cơ quan khác trong cơ thể. Những biến chứng thường gặp nhiều nhất là:

  • Bệnh sốt thấp cấp – gây sốt cao, viêm khớp, tổn thương lâu dài các cấu trúc của tiêm như màng tim, cơ tim và các van tim, gây tổn thương khớp và suy tim về lâu dài.
  • Viêm cầu thận sau nhiễm tụ cầu – là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thận cấp ở người, có thể dẫn đến suy thận mãn tính.
  • Hội chứng sốc độc do tụ cầu – gây trụy tim mạch và tổn thương đa cơ quan.
  • Áp xe vùng hầu họng, amidan...

1.3 Một số nguyên nhân khác

Ngoài hai nguyên nhân chính trên, trẻ em có thể bị viêm họng do một số nguyên nhân khác:

  • Dị ứng: Những tác nhân xuất hiện trong môi trường sống của trẻ như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa, lông động vật... có thể khiến trẻ viêm họng sốt, ho nhiều, sổ mũi.
  • Trẻ có thói quen ngủ mở miệng: Thói quen mở miệng khi ngủ rất dễ khiến trẻ bị viêm họng, họng luôn trong tình trạng khó nuốt do họng bị khô.
  • Viêm nướu răng: Các bệnh về răng miệng thường gặp ở trẻ em cũng là một trong những nguyên nhân gây đau họng cho bé. Dấu hiệu nhận biết là các bé bị viêm họng nhưng không ho.

Xem thêm: Cách giúp mẹ nhận biết và điều trị nhanh bệnh dị ứng ở trẻ em

2. Điều trị viêm họng trẻ em

2.1 Phương pháp điều trị

Điều trị viêm họng ở trẻ em sử dụng 2 nhóm thuốc chính là thuốc điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng.

Điều trị nguyên nhân

Điều trị tình trạng trẻ bị viêm họng cần phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh mới có thể đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

tre-bi-viem-hong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1voh
Không phải bệnh viêm họng nào cũng cần uống kháng sinh (Nguồn: Internet)

Do virus thì không cần dùng kháng sinh. Nếu trẻ viêm họng do vi khuẩn, nhất là vi khuẩn tụ cầu nhóm A thì cần phải được điều trị bằng kháng sinh để trẻ nhanh khỏi bệnh, tránh biến chứng.

Điều trị triệu chứng

Viêm họng thường đi kèm với các triệu chứng khác, tùy theo triệu chứng của trẻ mà sử dụng các thuốc:

  • Chống viêm
  • Hạ sốt
  • Giảm ho

Lưu ý, dù là kháng sinh hay bất kì thuốc nào, không nên tự ý mua mà nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

2.2 Thời điểm nên gặp bác sĩ

Các triệu chứng của viêm họng do virus và viêm họng do vi khuẩn có thể chồng chéo lên nhau và khó phân biệt rõ ràng. Vì vậy, đối với những trường hợp trẻ bị viêm họng và sốt cao kèm theo những dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

  • Sốt trên 38 ° C
  • Ho dai dẳng
  • Bị đau tai
  • Bị phát ban trên tay, miệng, thân mình hoặc mông
  • Chảy nước dãi bất thường
  • Lừ đừ, ngủ nhiều hoặc quấy khóc liên tục không rõ nguyên nhân.
  • Khó thở hoặc thở nhanh, co rút lồng ngực.
  • Khó nuốt dịch lỏng, khó mở miệng.
  • Nôn nhiều, đau cổ, nhức đầu.
  • Có dấu hiệu mất nước, tiểu ít, môi khô...

Với trẻ dưới 3 tháng, nên tới cơ sở y tế khi có dấu hiệu đầu tiên của chứng đau họng, chẳng hạn như bỏ ăn hoặc quấy khóc sau khi ăn. Trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh dưới 3 tháng chưa có hệ thống miễn dịch phát triển đầy đủ, vì vậy cần được điều trị và theo dõi bởi các bác sĩ và nhân viên y tế.

3. Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng tại nhà

Việc chăm sóc trẻ viêm họng tại nhà là một trong những bước quan trọng có thể giúp trẻ hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Vì vậy, khi trẻ bị viêm họng cha mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

3.1 Cho trẻ uống nhiều nước

Hàng ngày mẹ cần cho trẻ uống đủ nước. Tuy nhiên, khi trẻ bị viêm họng cấp sốt cao lại càng cần được bù nước nhiều hơn. Nước sẽ làm trơn và tạo lớp màng nhầy bảo vệ phổi, họng, làm giảm đau rát họng, đồng thời giúp hạ sốt nhanh hơn. Mẹ có thể pha nhiều loại nước khác nhau cho bé uống trong thời kỳ bé đang điều trị viêm họng.

3.2 Súc miệng bằng nước muối

Nước muối có tác dụng làm giảm sưng cổ họng và tiêu đờm. Ngoài ra, nó còn giúp đào thải chất kích thích và vi khuẩn, làm săn niêm mạc, giảm phù nề, chống viêm, thay đổi độ pH của niêm mạc họng. Vì thế, trẻ bị viêm họng mẹ nên cho súc miệng bằng nước muối mỗi ngày 3 lần.

Xem thêm: Hướng dẫn mẹ rửa mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý chuẩn nhất

3.3 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị viêm họng rất quan trọng. Mẹ nên nấu các món canh thanh mát từ rau đay, bầu, bí để làm giảm ho, bớt đau rát họng, đồng thời dễ ăn, dễ nuốt.

Ngoài ra những món súp nóng giàu dinh dưỡng sẽ cung cấp một lượng vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng khi trẻ đang ốm.

tre-bi-viem-hong-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-2voh
Súp rau củ rất tốt cho trẻ em (Nguồn: Internet)

Rau, củ, quả là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là nguồn vitamin C dồi dào. Nếu bé bị viêm họng, mẹ cũng nên cho bé ăn tăng cường các loại hoa quả, rau, củ này để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng.

3.4 Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm

Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm cho không khí nếu không khí phòng bé quá khô. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho thêm một vài giọt tinh dầu như húng tây, bạch đàn… vào máy phun sương để giúp làm dịu cơn đau họng của bé.

4. Cách phòng tránh viêm họng ở trẻ em

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn chứng viêm họng, nhưng thực hiện các biện pháp sau đây có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh của trẻ:

  • Tập cho trẻ có thói quen rửa tay thường xuyên để tránh tiếp xúc với vi khuẩn.
  • Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ ngoài trời thay đổi đột ngột cần hạn chế đưa trẻ ra ngoài. Nên cho trẻ đeo khẩu trang khi đi ngoài đường.
  • Chủ động vệ sinh tai mũi họng cho trẻ hàng ngày, nhất là trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát hoặc trẻ có cơ địa dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Vệ sinh phòng ngủ của trẻ hàng ngày. Tránh để trẻ tiếp xúc với người hút thuốc lá hoặc đang mắc bệnh viêm họng.
  • Trẻ bị viêm họng đã khỏi bệnh nên thay bàn chải đánh răng mới để ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh trở lại.
  • Giữ trẻ tránh xa anh chị em hoặc người lớn khác có dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh hoặc đau họng.
  • Thường xuyên làm sạch đồ chơi và núm vú giả.
  • Rửa tay trước khi cho con bú hoặc chạm vào em bé.
  • Tập cho con che miệng và mũi khi chúng hắt hơi hoặc ho.
  • Không dùng chung đồ dùng hoặc bàn chải đánh răng.

Bệnh viêm họng ở trẻ em thường không đáng lo ngại. Trong hầu hết các trường hợp, bé sẽ bình phục trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan, nên theo dõi sức khỏe của bé thường xuyên để phát hiện các triệu chứng bất thường và đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời.

Bình luận