Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị lột da?

(VOH) – Không ít mẹ cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy da của con yêu bị bong tróc. Vậy nguyên nhân vì sao trẻ sơ sinh bị lột da và cách chăm sóc như thế nào là an toàn nhất?

Khi vừa chào đời, làn da của trẻ sơ sinh thường mỏng manh và rất mẫn cảm với môi trường xung quanh. Vì thế, việc chăm sóc làn da của bé như thế nào để da bé không bị tổn thương là điều mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm.

Nếu nhận thấy trẻ sơ sinh bị lột da hay có dấu hiệu bong tróc thì đây có thể là hiện tượng bình thường hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý. Việc cha mẹ cần làm là tìm hiểu nguyên nhân để có cách chăm sóc phù hợp nhất.

1. Tại sao trẻ sơ sinh bị tróc da?

Bề ngoài của trẻ sơ sinh trong đó có làn da sẽ thay đổi rất nhiều trong vài tuần đầu đời. Tóc của bé có thể thay đổi màu sắc và da chuyển sang đậm hoặc nhạt hơn, thậm chí khô và bong tróc. Do đó, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị tróc da tay, chân hay một một phận nào đó trên cơ thể là bình thường.

Khi còn trong bụng mẹ, da của trẻ sơ sinh được bao phủ một lớp sáp trắng, được gọi là lớp vernix caseosa – lớp áo sinh học giúp bảo vệ làn da của bé trong môi trường nước ối.

nguyen-nhan-nao-khien-tre-so-sinh-bi-lot-da-voh

Phần lớn trẻ sơ sinh bị lột da là hiện tượng bình thường (Nguồn: Internet)

Ngay sau khi sinh, lớp vernix này sẽ được lau sạch và biến mất cùng những chất dịch khác. Làn da mỏng manh của bé lúc này chưa thể thích nghi được với môi trường bên ngoài nên sẽ bị khô, bong tróc trong khoảng 1 – 3 tuần đầu tiên.

Những em bé sinh non thường sẽ ít bị bong tróc da hơn so với những em bé sinh sau 40 tuần, vì các lớp vernix có nhiều và tồn tại trên da lâu hơn.

2. Những nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh bị lột da (bong tróc da)

Ngoài trường hợp trẻ sơ sinh bị tróc da do tự nhiên thì cũng có một số trường hợp là do một số bệnh lý gây ra. Cụ thể là:

2.1 Bệnh chàm da

Tình trạng trẻ sơ sinh bị bong tróc da có thể do bệnh chàm da gây nên. Khi bị chàm da, bé sẽ có các hiện tượng như đỏ da, da bị bong tróc và ngứa. Bệnh này rất hiếm khi xuất hiện sau khi sinh nhưng có thể hình thành phát triển sau đó. Bệnh không nguy hiểm nhưng sẽ khiến bé yêu bị khó chịu.

nguyen-nhan-nao-khien-tre-so-sinh-bi-lot-da-1-voh

Trẻ bị chàm da thường bị đỏ da, ngứa và da bong tróc (Nguồn: Internet)

2.2 Bệnh vảy cá

Một trong những nguyên nhân có thể khiến da trẻ sơ sinh bong tróc đến từ một loại bệnh có tên rất lạ, bệnh vảy cá. Căn bệnh này sẽ khiến da bé nổi vảy, ngứa và bong tróc ra.

Để xác định được đúng nguyên nhân bác sĩ cần phải chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng và dựa vào tiền sử của gia đình. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị nhưng có các phương pháp giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện làn da của trẻ.

2.3 Hội chứng bong tróc da do tụ cầu

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu hay Staphylococcal scalded skin syndrome (SSSS) là bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu (Staphylococcus aureus). Triệu chứng thường gặp là da bị đỏ, phỏng nước, bong vảy da lan tỏa. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nặng đối với trẻ sơ sinh.

Bệnh này thường bắt nguồn từ vi khuẩn của chính người mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc bé sơ sinh. Do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên khi tiếp xúc với vi khuẩn trẻ rất dễ bị lây nhiễm bệnh.

Mặc dù tỷ lệ tử vong do căn bệnh này không cao nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể trở thành dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng.

3. Phương pháp chữa trị khi trẻ sơ sinh bị lột da do sinh lý

Trong trường hợp này, tình trạng em bé sơ sinh bị tróc da thường không gây nguy hiểm và sẽ tự biến mất sau một thời gian mà không cần phải áp dụng bất cứ một phương pháp điều trị nào.

Tuy nhiên, nếu lo lắng mẹ cũng có thể giúp cải thiện tình trạng da trẻ sơ sinh bị bong tróc bằng các cách sau đây:

3.1 Tắm cho con bằng nước ấm

Tắm cho con bằng nước ấm và chỉ tắm cho trẻ trong khoảng 5 phút. Mẹ nên nhớ nhiệt độ nước càng cao sẽ càng khiến cho da của con mất đi độ ẩm và lớp dầu tự nhiên.

3.2 Dùng kem dưỡng ẩm cho bé

Mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh ngay sau khi vừa tắm cho bé xong để giúp làm mềm và giữ ẩm làn da.

3.3 Sử dụng máy tạo độ ẩm cho bé

Hơi ẩm trong không khí sẽ giúp bé không bị khô da, vì thế ba mẹ nên sử dụng máy tạo độ ẩm để ngăn ngừa bệnh, giảm ngứa và từ đó tránh tình trạng bị lột, bong tróc da.

3.4 Không bật điều hòa ở mức quá thấp

Nếu nhiệt độ trong phòng quá lạnh dễ dẫn đến tình trạng da trẻ khô, dẫn đến việc trẻ dễ bị bong da. Nên ba mẹ chú ý nhiệt độ trong phòng và không nên chỉnh nhiệt độ xuống mức thấp quá.

3.5 Cho bé bú mẹ

Mẹ cho bé bú đủ cữ vì đây là một trong những cách giúp làm giảm khô da ở trẻ. Khi bú sữa mẹ thì bé sẽ cấp ẩm cho da thông qua sữa công thức hoặc sữa mẹ.

3.6 Lựa chọn quần áo phù hợp cho bé

Trẻ sơ sinh bị bong tróc da không nên có sự tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh và gió lạnh. Vì thế mẹ hãy chú ý đeo găng tay và tất chân cho bé, dùng khăn che mặt bé khi đi ngoài đường.

3.7 Tránh sử dụng hóa chất mạnh

Vì là da trẻ sơ sinh khá mỏng manh, nhạy cảm nên ba mẹ cần tránh sử dụng các hóa chất gây kích ứng da và không nên thoa dầu thơm hay sử dụng các sản phẩm có mùi thơm lên da trẻ sơ sinh.

Không dùng xà phòng có độ kiềm mạnh khi giặt quần áo cho trẻ vì dễ gây kích ứng cho làn da mỏng manh của bé.

Với những trường hợp trẻ sơ sinh bị lột da, bong tróc da do những nguyên nhân từ bệnh lý thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế được thăm khám và điều trị đúng phương pháp. Không nên tự ý mua các loại thuốc bôi lên người trẻ khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ vì có thể sẽ khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái
Bình luận