Chờ...

Xông cho trẻ bị bệnh cúm có nên không?

(VOH) - Xông chữa bệnh cúm rất hiệu quả. Nhưng cũng như bất kỳ phương pháp điều trị tại nhà nào, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ để sử dụng đúng lúc an toàn, nhất là khi áp dụng cho trẻ em.

1. Xông là gì?

Xông là một phương pháp dân gian chữa cúm. Sử dụng sức nóng và tinh dầu của một số vị thuốc để làm ra mồ hôi, từ đó giúp giảm các triệu chứng của bệnh cúm hoặc cảm lạnh.

Theo y học cổ truyền, xông đưa tà khí ra ngoài cơ thể bằng đường mồ hôi, để làm giảm bớt:

  • Đau đầu
  • Nghẹt mũi
  • Viêm họng
  • Khó thở do tắc nghẽn đường thở
  • Mũi bị khô hoặc khó chịu
  • Ho

2. Trẻ em có nên xông không?

Trẻ em có thể xông, nhưng với điều kiện trẻ phải trên 12 tuổi, do da trẻ nhỏ mong manh, rất dễ bị bỏng và kích ứng.

Ngoài ra, khi xông hơi sẽ giúp lưu lượng máu tăng lên, đặc biệt ở trẻ em. Trẻ em dưới 5 tuổi sức bơm của tim tăng mạnh khi xông. Mức tăng thấp hơn khi trẻ từ 7 tuổi trở lên, nhưng vẫn cao hơn người lớn.

Ngoài ra, trong khi hạ nhiệt sau khi xông, huyết áp của trẻ giảm chậm, do đó trẻ có thể bị chóng mặt thoáng qua. Tuy những triệu chứng này diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng với trẻ đang bị ốm, nó vẫn là một vấn đề đáng lưu tâm.

xong-cho-tre-bi-cum-co-nen-khong-voh-1
Trẻ dưới 12 tuổi dễ bị chóng mặt thoáng qua sau xông (Nguồn: Internet)

Trẻ trên 12 tuổi có thể áp dụng phương pháp chữa bệnh này. Tuy nhiên, khi xông cho bé cha mẹ không được chủ quan mà nên hết sức lưu ý những điều sau:

2.1 Giám sát trẻ khi xông

Bỏng là một nguồn lo ngại chính khi xông đối với trẻ em, bởi vì trẻ thường không biết được mức nhiệt nào là quá nóng và sẽ gây nguy hiểm, nên cha mẹ cần:

  • Tăng nhiệt độ từ từ, bằng cách mở hé nồi xông để hơi thoát ra từ từ, sau đó mới mở lớn hơn.
  • Thường xuyên kiểm tra xem bé có bị nóng quá không.
  • Nhắc bé giữ khoảng cách với nồi xông, không ngồi quá gần hay chạm vào nồi.

Nếu thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu như đau cơ, chóng mặt hoặc buồn nôn thì nên dừng lại ngay, không cho trẻ xông nữa. Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị quá nóng.

2.2 Giới hạn thời gian xông của trẻ

Trẻ em không nên dành quá 15 phút để xông. Tuy nhiên, nếu trước 15 phút, cha mẹ thấy bé ra nhiều mồ hôi hoặc trẻ có các dấu hiệu của việc quá nóng như đã nêu trên thì nên dừng xông.

Xem thêm: Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng và chăm sóc vết bỏng đúng cách

2.3 Cho trẻ uống đủ nước

Việc thoát một lượng lớn nước trong quá trình xông sẽ không tốt cho trẻ. Trẻ em nhiều khi không thấy khát sau khi xông, nên cha mẹ hãy nhớ bù nước cho trẻ cả trước và sau khi xông để phòng mất nước.

2.4 Không tắm cho trẻ ngay sau khi xông

Sau khi xông, lỗ chân lông đang mở, tắm ngay lúc này sẽ làm nước ngấm vào lỗ chân lông và làm cho tình trạng bệnh của trẻ càng nặng hơn, nên chỉ lau người cho bé bằng khăn bông khô.

xong-cho-tre-bi-cum-co-nen-khong-voh-2
Nên lau khô bằng khăn bông cho trẻ sau khi xông (Nguồn: Internet)

2.5 Không xông khi trẻ đang ra mồ hôi

Trường hợp trẻ cúm và kèm theo ra mồ hôi thì không nên xông. Xông lúc này không những không làm giảm triệu chứng mà còn khiến trẻ rất dễ bị thiếu nước và tệ hơn là tụt huyết áp do giảm thể tích máu.

3. Cách xông cho trẻ em

3.1 Nguyên liệu

Cho 1 nồi nước xông có thể bao gồm 4-5 loại dược liệu sau:

  • Lá bưởi
  • Cúc tần
  • Hương nhu
  • Ngải cứu
  • Tía tô
  • Lá sả
  • Lá tre
  • Lá chanh
  • Tía tô
  • Kinh giới 
  • Bạc hà

Mỗi thứ 1 nắm, không cần chính xác quá về liều lượng.

3.2 Quy trình

Các loại lá xông rửa sạch, cho vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi vài phút. Cho trẻ ở trong phòng kín, tránh gió lùa. Đặt nồi nước xông trên giường, trẻ trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. 

Khi tiến hành xông cần có một người ở bên cạnh giám sát bé và làm theo những lưu ý đã nên ở trên. Sau khi xông nên ăn cháo hành, lá tía tô, cho thêm chút muối, hoặc uống nước ấm, nghỉ ngơi.

Xông là phương pháp chữa cúm đã có từ lâu đời. Tuy nhiên nó vẫn được sử dụng vì hiệu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng cần thực hiện đúng thì mới phát huy được tác dụng. Trẻ em có thể sử dụng được phương pháp này nhưng cha mẹ cần chú ý quan sát, theo dõi bé để tránh những biến chứng không mong muốn.