Body shaming là gì? Cách nhận biết và xử lý tình huống bị body shaming

(VOH) – Body shaming là thuật ngữ được rất nhiều người trẻ sử dụng hiện nay, nhưng ý nghĩa của cụm từ này lại không hề tốt đẹp. Vậy body shaming là gì?

Mỗi người sinh ra trên đời đều có một hình thể, vóc dáng khác nhau, có người cao, người thấp, người mập, người gầy, có người da trắng và có người da ngăm… Thế nhưng, rất nhiều người hiện nay lại có sở thích bình phẩm về vẻ bề ngoài của người khác, họ xem đó là thú vui tiêu khiển mà không hề biết rằng những hành động Body shaming của mình có thể làm tổn thương người khác, thậm chí là cuộc sống của họ.

1. Body shaming là gì?

Body shaming là một thuật ngữ tiếng Anh, khi dịch sang tiếng Việt mang ý nghĩa là miệt thị ngoại hình. Đây là cụm từ chỉ những hành động bằng ngôn ngữ, cử chỉ như nhận xét, đánh giá, phán xét, chế giễu, chê bai ác ý về ngoại hình của người khác.

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 1
Cụm từ Body shaming dịch sang tiếng Việt có nghĩa là miệt thị ngoại hình

Những nạn nhân của Body shaming thường cảm thấy khó chịu, xấu hổ, tự ti, thậm chí là bị tổn thương tinh thần, đau khổ, hình thành những suy nghĩ, ám ảnh tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp vì liên tục bị những lời lẽ xấu xí Body shaming mà dẫn đến những hành động cảm tính như đánh nhau, t.ự t.ử…

Ngoài ra, Body shaming cũng là thuật ngữ được dùng để chỉ những tồn tại suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tự ti về chính ngoại hình của mình. Tình trạng này gặp nhiều ở những người có tính cách rụt rè, hướng nội.

Xem thêm: Ý nghĩa của sự dũng cảm đối mặt với khó khăn trong cuộc sống

2. Body shaming xuất hiện từ khi nào?

Theo các tài liệu ghi chép, cụm từ Body shaming được sử dụng lần đầu từ những năm 1997. Ở thế kỷ 19 và 20, những người sở hữu một cơ thể to béo, lớn khỏe không còn là biểu tượng của sự sang trọng, giàu có mà thay vào đó nó lại được xem là khuyết điểm. Những người có thân hình mảnh mai, thon gọn trở thành biểu tượng của cái đẹp.

Chính vì thế, những người có thân hình to béo thường bị mọi người mang ra chế giễu, bình phẩm ác ý. Đặc biệt vào năm 2011, một quảng cáo đã đăng tải tấm hình của một người mẫu với thân hình béo ú lên tạp chí, khiến cho người mẫu nữ phải gánh chịu hàng loạt chỉ trích, chê bai thậm tệ. Từng là một người có sự tự tin và thoải mái với ngoại của mình, cô trở nên e dè, sợ hãi và xấu hổ vì những lời bàn tán của mọi người.

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 2
Trước đây Body shaming chỉ dành riêng cho những đối tượng có thân hình "quá khổ"

Từ thời điểm này, cụm từ Body shaming dần sử dụng rộng rãi và cho đến hiện tại, nó vẫn được dùng để chỉ các hành vi xúc phạm có ác ý với ngoại hình của người khác.

Khoảng năm 2016, thuật ngữ Body shaming xuất hiện trên hệ thống Google ở Việt Nam bởi việc loạt các ngôi sao nổi tiếng bị miệt thị về ngoài hình.

Xem thêm: Ý nghĩa của nhân phẩm đối với đạo đức cá nhân của mỗi người

3. Body shaming thường gặp ở những hình thức nào?

Có rất nhiều kiểu miệt thị ngoại hình (Body shaming) đang tồn tại ngoài xã hội. Body shaming có thể là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ trích, châm biếm về vóc dáng người khác hoặc là chê bai chính mình.

Body shaming người khác rất thường gặp trong đời sống bởi bất cứ bộ phận nào trên cơ thể con người cũng thể trở thành mục tiêu bị công kích, chẳng hạn: thân hình, làn da, màu da, mái tóc…

  • Miệt thị về vóc dáng, ngoại hình: Những câu nói chê bai người khác như “mập như heo”, “gầy như con nghiện”,… đều được xem là Body shaming.
  • Miệt thị về làn da: Bình phẩm về làn da của người khác như “da đen như than”, “da mụn nhiều thấy ghê”… cũng là một hình thức của Body shaming.
  • Miệt thị về các bộ phận trên gương mặt (Face shaming): Đây là một dạng Body shaming dùng để chê bai về các đặc điểm trên gương mặt của người khác như môi thâm, mũi to, răng hô, mắt híp…

Body shaming bản thân tương đối ít gặp hơn trong xã hội, bởi chúng chỉ xuất hiện ở những người tự ti, không hài lòng với ngoại hình của chính mình. Thông thường, những người này luôn có thói quen đánh giá thấp bản thân, luôn so sánh mình với người khác, họ thường bất an trước đám đông và cố gắng để người khác không chú ý tới mình.

Xem thêm: 10 câu nói hay giúp khơi dậy sự tự tin trong nội tại mỗi người

4. Ai dễ trở thành đối tượng của Body shaming?

Thời gian trước đây, những người to béo mới là đối tượng mà Body shaming công kích thì hiện nay bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của Body shaming. Không còn giới hạn ở nhóm đối tượng có thân hình quá khổ, giờ đây chỉ cần là người “không vừa mắt” thì đều có thể là đối tượng bị chê bai, bình phẩm hay miệt thị về ngoài hình.

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 3
Tất cả mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của Body shaming trong mắt người khác

Ở Việt Nam, thực trạng Body shaming xuất hiện khá nhiều, bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy ngoài xã hội những người khuyết tật, người không xinh đẹp, thậm chí người càng nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ,… càng dễ trở thành mục tiêu công kích của hình thức miệt thị này.

Với các nước phương Tây, tình trạng miệt thị ngoại hình cũng diễn ra thường xuyên và đương nhiên những đối tượng thuộc người của công chúng luôn là đối tượng được đem ra bàn luận nhiều nhất.

Tuy nhiên, tình trạng Body shaming nhiều nhất phải kể đến chính là Hàn Quốc - xứ sở kim chi, bởi phần lớn người dân Hàn Quốc đều quan trọng về ngoại hình, hình ảnh bản thân chính là danh tiếng của họ. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi việc phẫu thuật thẩm mỹ là một điều khá bình thường ở đất nước này.

Hình thức body shaming hình thành từ nỗi ám ảnh tự ti về ngoại hình, nhan sắc đối với mọi người xung quanh. Họ luôn mặc cảm và có xu hướng che giấu những khuyết điểm trên cơ thể như: sự gầy gò, mập béo, mặt to, chân to… Thế nhưng, một số người lại thích đem khuyết điểm của họ ra để trêu đùa, cười cợt.

Khi bị chê bai ngoại hình, các nạn nhân của Body shaming sẽ luôn suy nghĩ về những khuyết điểm của bản thân, luôn cảm thấy khó chịu, lâu dài sẽ dần hình thành tâm lý thua kém người khác, không muốn giao tiếp với mọi người, xã hội… Thậm chí, có thể dẫn đến trầm cảm và có thể t.ự t.ử.

Xem thêm: Định kiến thường gặp và cách vượt qua định kiến trong cuộc sống

5. Cách nhận biết hành vi của Body shaming

Chúng ta, ai cũng có thể trở thành “niềm vui” trong miệng người khác. Thế nhưng trong một buổi trò chuyện, làm sao để nhận ra mình đang là nạn nhân của Body shaming hay vô tình trở thành người Body shaming người khác?

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 4
Có rất nhiều lời nói tưởng chừng bình thường nhưng lại mang tính "sát thương" với người khác rất lớn

Dưới đây chính là một số hành vi, lời nói được xếp vào hành vi Body shaming:

  • Đối với người khác: “Sao trông bạn đen thế?”, “Nhìn bạn gầy trơ xương”, “Sao bạn có thể tìm được người yêu với ngoại hình thế này nhỉ?”, “Đã mập rồi còn ăn nhiều”, “Mặt bạn mụn nhiều nhìn ghê quá”,…
  • Đối với bản thân: “Sao mình lại lùn thế này”, “Người mập nhưng mình chẳng có ai muốn kết bạn”, “Mình mặc đồ quê mùa, xấu xí quá”,…

Bên cạnh những lời nói chê bai, chế giễu được ví dụ như trên thì Body shaming cũng có thể khởi phát từ những lời chọc ghẹo, đùa giỡn hàng ngày. Đó có thể chỉ là những lời nói vui giữa những người bạn bè và nó không làm đối phương cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu được lặp đi lặp lại quá nhiều lần sẽ vượt quá giới hạn của người nghe và trở thành “vũ khí” sắc nhọn làm tổn thương tâm hồn của người khác.

Do đó, trong tất cả các mối quan hệ dù có thân thiết tới đâu chúng ta cũng cần thận thận trọng trong lời ăn tiếng nói, không nên đem ngoại hình của người khác bàn luận, hay trêu chọc để tránh làm họ cảm thấy tủi thân.

Xem thêm: Lòng tự ái tiết lộ bí mật tính cách nào của con người?

6. Những ảnh hưởng của body shaming

Body shaming không chỉ đơn giản là hành động, lời nói trêu chọc người khác để “vui mình vui người” mà nó có thể gây ra rất nhiều những tác động tiêu cực đến những người có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân.

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 5
Hành động Body shaming mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người bị nhắc đến

Sự ảnh hưởng của Body shaming với một người được chia thành nhiều mức độ:

  • Mức độ 1: Người bị miệt thị ngoại hình có thể chỉ cảm thấy không thoải mái, khó chịu nhưng vẫn có thể chấp nhận được.
  • Mức độ 2: Người bị miệt thị ngoại hình sẽ có những cảm xúc tiêu cực, tức giận, thậm chí chửi hoặc đánh lại người có những lời nói, cử chỉ, hành động chê bai mình.
  • Mức độ 3: Người bị miệt thị ngoại hình sẽ vô cùng tự ti, mặc cảm về cơ thể mình, dần dần hình thành thói quen xa lánh, không muốn tiếp xúc với cộng đồng. Đôi khi còn trở nên trầm cảm hoặc làm ra những hành vi gây tổn thương cho bản thân thì chỉ vì không muốn nhìn thấy khuyết điểm của mình, điển hình nhất chính là việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Xem thêm: Làm thế nào để có lối sống đẹp như những bông hoa tô điểm cho đời

7. Cần làm gì khi bị Body shaming?

Thực tế, trên thế giới hiện nay có hơn 7 tỷ người và sẽ không có ai là tuyệt đối hoàn hảo, bởi mỗi người đều có những ưu điểm nhược điểm riêng. Vì thế, không nên so sánh bản thân mình với bất kỳ ai, chúng ta chỉ cần cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình ngày hôm qua là được.

Với những lời nói ác ý thì không cần quan tâm và suy nghĩ quá nhiều, hãy học cách vượt qua nó bằng những việc làm, hành động như:

7.1 Yêu bản thân nhiều hơn

Hầu như rất nhiều người trong chúng ta đều không hài lòng với cơ thể mình và với chính những người hay miệt thị ngoại hình người khác cũng vậy. Do đó, không cần phải buồn hay xấu hổ về lời nói của người khác.

Mỗi người sẽ sở hữu một vẻ đẹp và giá trị khác nhau, nếu chúng ta có khuyết điểm hãy cố gắng cải thiện nó một cách lành mạnh. Đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp mà mình đang có để giúp nâng cao sự tự tin của bản thân.

7.2 Chăm sóc tốt cho bản thân mình

Body shaming là gì? Vì sao loại bỏ nó khỏi xã hội hiện nay? 6
Học cách bỏ qua những lời nói ác ý từ người khác

Yêu thương và chăm sóc tốt bản thân chính là cách để bạn vượt qua nỗi sợ Body shaming đang ngự trị trong tâm hồn. Lúc này bạn cũng dễ dàng tiếp nhận những lời nói, những góp ý mang tính xây dựng để bản thân ngày một tốt hơn.

Đừng bao giờ có suy nghĩ hạ thấp bản thân mình, bởi nếu chính bạn còn không yêu quý cơ thể mình thì người khác cũng sẽ không yêu quý cơ thể bạn.

Xem thêm: Hãy học cách kiềm chế cảm xúc để làm chủ cuộc đời

7.3 Học cách bảo vệ bản thân và lên án hành vi Body shaming

Những người hay đem khuyết điểm trên cơ thể, hay ngoại hình của bạn ra để bình phẩm, dù cho họ có là bạn bè nhưng nếu bạn không thích và cảm thấy khó chịu thì hãy nói rõ cảm nhận của bạn hoặc tỏ rõ thái độ để đối phương biết bạn đang không thoải mái trước những lời nói như thế. Người thật sự quan tâm, yêu thương bạn sẽ luôn tôn trọng cảm giác của bạn và họ sẽ không bao giờ lặp lại điều đó.

Ngoài ra, cần nhắc nhở, thậm chí là lên án bạn bè nếu trong một cuộc nói chuyện họ có những hành vi, lời nói, hành độ Body shaming người khác.

Body shaming là một hành vi cực kỳ xấu xí và chúng vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Vì vậy, chúng ta-những người đang sống trong một xã hội văn minh và đầy tiến bộ cần chung tay lên án mạnh mẽ hành vi này để đẩy lùi, xóa bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ của cộng đồng.

Mỗi người sinh ra trên đời đều có những nét đẹp riêng của mình, không ai giống ai, do đó, đừng dùng những thước đo vô căn cứ để làm tổn thương nhau. Hãy tôn trọng người khác, bởi đó cũng là bạn đang tôn trọng chính mình.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet