- Ca dao về đường Trường Sơn
- Ca dao về các chiến sĩ trên đường Trường Sơn
- Thơ hay về đường Trường Sơn
- Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật)
- Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi)
- Ðêm Trường Sơn nhớ Bác (Nguyễn Trung Thu)
- Đêm gió Trường Sơn (Bằng Việt)
- Bài ca Trường Sơn (Gia Dũng)
- Hành quân giữa rừng xuân (Lê Anh Xuân)
- Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)
- Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu)
- Tôi đi trên những con đường rừng cũ (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
- Tiếng hát trong rừng (Hữu Thỉnh)
- Cái điểm sáng ấy (Trần Nhật Thu)
- Bầu trời vuông (Nguyễn Duy)
- Bướm Trường Sơn (Chế Lan Viên)
- Ngã ba Đồng Lộc (Huy Cận)
- Anh bộ đội và tiếng nhạc la (Hoàng Nhuận Cầm)
- Hành quân thần tốc (Nguyễn Đức Mậu)
Đường Trường Sơn (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh) là tuyến vận tải chiến lược quan trọng, nối liền Bắc - Nam, đóng vai trò huyết mạch trong việc chi viện lực lượng, vũ khí và lương thực cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Nhằm cản bước tiến của quân ta, Mỹ đã rải thảm B52, phun chất độc màu da cam (dioxin)... để phá hoại tuyến huyết mạch này. Thế nhưng, bằng tài năng, lòng dũng cảm và sự mưu trí, quân ta đã "vô hiệu hóa" các loại vũ khí của địch, kiên quyết bám trụ, giành giật từng thước đường, cho dù “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc” để làm nên mùa Xuân 1975 đại thắng. Trong bài viết sau, hãy cùng VOH điểm qua một số bài thơ hay, ca dao về đường Trường Sơn - "bát quái trận xuyên rừng" đánh Mỹ.
Ca dao về đường Trường Sơn
Địa hình đèo dốc cao liên tục, sương mù bao phủ quanh năm cũng không cản được bước chân kiên cường, ý chí chiến đấu của các chiến sĩ.
- Dốc Mèo:
Ai lên A Lưới Dốc Mèo
Mà xem bộ đội vượt đèo lên mây. - Dốc Bò:
Bò lên rồi lại bò lên
Bò đi bò lại cho quên nhọc nhằn. - Dốc Ông Bà:
Hỏi ông ông đứng nơi nao
Phải chăng dốc núi dựng cao lưng trời?
Hỏi bà bà chẳng trả lời
Vực sâu thăm thẳm biết người ở đâu. - Dốc 200:
Cheo leo đứng giữa Việt Lào
Hai bên đồn giặc vẫn vào vẫn ra
Hai trăm dốc đứng dốc tà
Vẫn ăn được cá rau cà thường xuyên. - Dốc Bô Phiên:
Bô Phiên dốc đứng đèo cao
Cheo leo khúc khuỷu bên đèo bên sông
Qua đây mới thấy lạ lùng
Tưởng như mình đã tới cùng trăng sao.
- Đỉnh Trường Sơn:
Cách nhau chỉ một cây sào
Trường Sơn hai mái Việt Lào chung lưng
Trường Sơn hai mái Tây - Đông
Việt Lào gắn bó thủy chung nghĩa tình. - Rừng Trường Sơn gắn bó với các chiến sĩ trong từng bước đi, từng giấc ngủ và từng bữa ăn:
Ban ngày khoác lá ngụy trang
Từng đàn bướm trắng, bướm vàng bay theo
Ban đêm gùi đạn vượt đèo
Trăng vàng sà xuống đập đèo trên lưng
Dừng chân mắc võng giữa rừng
Suối reo, chim hót chúc mừng ngủ ngon
Ơi người trẩy hội nước non
Trường Sơn là bạn sắt son đồng hành. - Bữa cơm giữa rừng:
Hành quân qua trạm dừng chân
Dân công bộ đội quây quần bên nhau
Cơm ngô bày giữa rừng sâu
Có đàn bướm ngỡ hoa ngâu sà vào
Trường kỳ kháng chiến gian lao
Đêm đêm bướm vẫn bay vào trong mơ. - Vì thằng giặc Mỹ Giôn-xơn
Nên ta phải vượt Trường Sơn qua Lào
Thủ đô xa tự năm nào
Giã từ Tam Đảo, vẫy chào Điện Biên
Nay mai chiến thắng trăm miền
Thủ đô, Tam Đảo, Điện Biên lại về.
Ca dao về các chiến sĩ trên đường Trường Sơn
Những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã trở thành bản hùng ca bất diệt trong lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
- Chiến sĩ binh trạm:
Binh trạm đóng giữa rừng sâu
Quanh năm chẳng thấy trăng sao mây trời
Ngày đêm con suối đưa lời
Con chim đưa tiếng, mua rơi đều đều
Quê hương gợi nhớ bao điều
Cây đa giếng nước nắng chiều mênh mang
Bóng tre mát rượi quanh làng
Câu hò giã gạo rộn ràng đêm trăng
Bao giờ quét sạch xâm lăng
Quê hương chín nhớ mười thương lại về. - Cao xạ pháo:
Mưu mô thằng Mỹ cuồng điên
Bắn ngày rồi lại bắn đêm giở trò
Bắn ngày, mày vụn ra tro
Bắn đêm, mày cũng gãy giò nát xương
Lòng ta đã cháy căm hờn
Lưới ta đã khép mày chuồn đi đâu
Mưu sâu thì họa càng sâu
Bảo cho giặc Mỹ một câu nhớ đời. - Công binh:
Đứng trên trọng điểm ta thề
Đường chưa thông suốt chưa về nghỉ ngơi
Mặc cho bom đạn ngút trời
Chẳng xa một tấc, chẳng rời một ly. - Lái xe:
Xe đâu xe lạ xe lùng
Đầu xe thì bẹp, chắn bùn lại không
Chỗ ngồi như tựa bàn chông
Thùng xe gỗ mục vô cùng thảm thương
Đêm nào cũng chạy trên đường
Kế hoạch vượt mức chẳng nhường cho ai. - Vận tải:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Tinh thần vận tải còn cao hơn đèo
Hàng ta, ta quý ta yêu
Hàng ra tiền tuyến, hàng tiêu diệt thù. - Cô gái dân công:
Em là cô gái Pacô
Trên vai trĩu nặng đôi bồ dân công
Gian nguy chẳng chút sờn lòng
Đạn bom vẫn vượt núi non vẫn trèo
Hỏi em đã có người yêu?
Em cười: Cái bụng ưng theo gùi hàng.
Thơ hay về đường Trường Sơn
Đường Trường Sơn không chỉ là tuyến đường vận tải chiến lược trong kháng chiến, mà còn là biểu tượng tinh thần của cả dân tộc, đại diện cho khát vọng độc lộc, tự do, ý chí "quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Bên cạnh những tên tuổi lớn của thơ ca thời kỳ chống Pháp như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Chính Hữu..., một thế hệ nhà thơ mới đã trưởng thành trong giai đoạn chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh...
Những người cầm bút ở hai thế hệ trên đã từng đến hoặc đã từng sống, bám trụ tại nơi ác liệt này suốt thời kỳ đánh Mỹ, và cho ra đời các tác phẩm hào hùng, sống mãi trong văn học Việt Nam.
Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật)
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi, em có lấy măng không?
Em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù.
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
Ðông sang Tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.
(1969)
Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi)
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường
Như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫn cười đôi mắt trong.
(12/1974)
Ðêm Trường Sơn nhớ Bác (Nguyễn Trung Thu)
Ðêm Trường Sơn
Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây.
Cảnh khuya như vẽ...
Bâng khuâng chúng cháu nghĩ
Bác như đã đến nơi này.
Ðêm Trường Sơn
Chúng cháu nghe tiếng suối
Trong như tiếng hát xa...
Chúng cháu ngỡ như từ Pắc Bó
Suối về đây ngân nga.
Bỗng chúng cháu bồn chồn thương nhớ Bác
Rừng khuya đã dậy tiếng gà
Súng trĩu nặng vượt dốc cao ngàn thước
Ðường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước
Con đường Bác mới đi qua...
(6/1972)
Đêm gió Trường Sơn (Bằng Việt)
Tôi lại về đêm rất sâu Trường Sơn
Gió dữ xung quanh cồn cào như biển
Chỗ đất đồi lửa xém
Cỏ gianh mùa này lên cao
Cỏ gianh dâng phừng phừng như lao!
Sương dăng thành che lấp bóng sao
Mênh mông mùa gió
Nghe chim kêu chưa sáng mặt trời
Khí núi bay ra mờ đục mắt người
Đá đổ ầm ầm như sấm động
Lắm bữa thèm ăn bát cơm thật nóng
Hơ lửa bàn tay thấm thía thương nhau!
Ôi nhớ những khi xẻ núi bắc cầu
Đại bác địch nổ trên đầu toé lửa
Những đêm lấp bao hố bom dang dở
Con đường vươn như sống lúc trăng lên
Từng khúc đứt ra sâu hoắm lại liền
Lại quẫy khúc trườn lên phía trước
Nỗi vui lớn có gì đo được
Như gió ào dâng trong mắt, rưng rưng...
Lán phong phanh trong rừng
Dăm lần cháy lại dăm lần chuyển chỗ
Dao mài vẹt theo đường phát cỏ
Cuốc cùn trơ vét đá hầm hào,
Chưa khi nào, chưa nơi nào
Sức người căng đến thế!
Gió nóng hanh hao, lồ ô nứt nẻ,
Xác ve khô rơi rụng mùa hè
Bão đầu thu quật nát tranh tre
Sương giá đầm đầm cỏ đông nhọn sắc...
Sống duy nhất chỉ để mà đánh giặc
Cái cắn răng nơi đó đã anh hùng!
Ở đây không khí loãng hơn đồng bằng
Hơi thở người sâu hơn
Lòng yêu đời sâu lắm!
Ôi Trường Sơn! Đêm nay tôi thức trắng
Những bóng hình thân thuộc mãi theo đi
Gió dữ xung quanh cồn cào như biển
Hơi thở quanh tôi thương mến, thầm thì...
Qua gian khổ thấy mình dày dạn lớn
Thương nhau nhiều, thấm thía sức nhau hơn
Ngày mai, trở giấc nơi đâu nữa
Hẳn suốt đời, khát vọng vẫn Trường Sơn...
(1969)
Bài ca Trường Sơn (Gia Dũng)
Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người
Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo nghe suối hát
Ngắt đoá hoa rừng gài lên mũ, ta đi.
Trường Sơn! Đèo vút cao vượt trên mây gió
Đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân
Đi ta đi những trai làng Phù Đổng
Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!
Ôi những vì sao thức cùng ta đêm đêm không mỏi
Như mắt em mang trọn niềm tin yêu chờ đợi
Như hải đăng vời vợi ngàn trùng
Giục lòng ta vượt Trường Sơn
Đi luyện chí anh hùng.
Miền Nam gọi ta bằng tiếng pháo xé trời Đà Nẵng
Bằng đường lê ngang dọc Sài Gòn
Bằng Huế hiên ngang tung bay cờ Giải phóng
Từng phút từng giờ thôi thúc, Trường Sơn!
Trường Sơn ơi. Ta biết người còn mang gánh nặng
Nhức nhối nửa đầu đòn gánh: miền Nam!
Nhớ má Năm Căn, thương em Cửa Việt
Mười bốn năm - một giấc ngủ chưa tròn!
Miền Nam! Miền Nam! Lửa đốt lòng ta
Hỡi Trường Sơn hãy biến thành con ngựa sắt
Và rừng xanh thành vạn khóm tre ngà
Cho con cháu Bác Hồ làm Thiên Vương đuổi giặc
Đêm nay ta đi, Trường Sơn lộng gió
Trời vắng trăng sao nhưng trong tim rực lửa
Đi ta làm ngọn sóng giữa trùng dương
Quật xuống đầu thù bằng sức mạnh Trường Sơn!
Hành quân giữa rừng xuân (Lê Anh Xuân)
Rừng xa vọng tiếng chim gù,
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.
Ba lô nặng, súng cầm tay,
Đường xa biết mấy dặm dài nhớ thương.
Giờ này mẹ ở quê hương,
Cũng chừng đang dõi theo đường ta đi.
Đêm mưa, ngày nắng sá gì,
Quân thù còn đó, ta đi chưa về.
Chim rừng thánh thót bên khe,
Nhìn lên xanh biếc bốn bề rừng xuân.
Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá,
Tình yêu thương bồi đắp cao lên...
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Đất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau.
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh.
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Đã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!
(Trường Sơn, 10/1972)
Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu)
Trên đường ta đi đánh giặc
Ta về Nam hay ta lên Bắc
Ở đâu
Cũng gặp
Những ngọn đèn dầu
Chong mắt
Đêm thâu
Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ tắt,
Như miền Nam
Hai mươi năm
Không đêm nào ngủ được,
Như cả nước
Với miền Nam
Đêm nào cũng thức...
Soi cho ta đi
Đánh trận trường kỳ
Đèn ta thắp niềm vui theo dõi
Đèn ta thắp những lời kêu gọi
Đi nhanh, đi nhanh
Chiến trường đã giục
Đầy núi đầy sông
Đèn ta đã mọc.
Trong gió trong mưa
Ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi, nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía truớc.
(1965)
Tôi đi trên những con đường rừng cũ (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Ai hành quân qua đây?
Đất vẫn in mòn lối cũ
Ai dừng chân nơi đây
Đá vẫn nguyên hình bếp lửa
Đồng chí nào chia tay nơi đây?
Ngã ba rừng hoang lá đầy
Ôi những con đường chỉ một lần qua
Hai mươi năm biết ai còn nhớ
Nhưng từ đó cây hoang rừng già
Thương mãi đàn con gian khổ
Đất nhớ chân người thiết tha
Mẹ Trường Sơn tóc mây bạc phơ
Chiều khói xanh mưa nguồn chớp bể
Hai mươi năm dài trên trán mẹ
Những con đường rừng vẽ nét ưu tư
Ôi những con đường không tên
Dưới ngàn cây im lặng
Vẫn nối dài đất nước hai miền
Vẫn âm thầm đưa máu về tim
Tôi đi trên những con đường ấy
Mang Việt Nam trong linh hồn
Cuộc hành trình hai mươi năm chân chưa hề mỏi
Nên tôi theo đường rừng mê mải vượt Trường Sơn
Hôm nay trên đường đánh Mỹ
Tôi dừng chân mắc võng qua đêm
Nghe suối khuya động tiếng thì thầm
Đang cùng tôi có mặt đêm nay
Quên một ngày đường dài dốc đổ
Trong giấc mơ thơm mùi cỏ lá
Ai người xưa một lần qua đây
Đang cùng tôi có mặt đêm nay
Người trước qua đây hành quân giết giặc
Người sau qua đây thấy dấu ông cha
Trên vết chân người nhọc nhằn gian khổ
Loài lan rừng mùa xuân nở hoa.
Tiếng hát trong rừng (Hữu Thỉnh)
Nhạc làm trong rừng em hát giữa Trường Sơn
Người sốt rét hát cho người sốt rét
Đường ngổn ngang đường đất còn cháy khét
Cây mát cho người người mát cho nhau
Nhạc ở trong đàn đàn có gì đâu
Rừng bỗng chao nghiêng trước sợi dây mỏng mảnh
Người bỗng bồn chồn tốt tươi náo động
Tay vẫy tay mình mà tưởng nắm tay ai
Em hát về rừng em hát về cây
Em hát về người đang nghe em hát
Anh bỗng quên vừa qua cơn sốt
Rừng bỗng quên vừa trận bom đau
Anh vịn vào tiếng hát vượt gian lao
Những năm Trường Sơn bạn bè trong trẻo quá
Tiếng hát đi rồi căn hồm còn đó
Thành chiếc hộp đàn giữa lòng đất âm sâu.
(Trường Sơn, 1974)
Cái điểm sáng ấy (Trần Nhật Thu)
Cái điểm sáng ấy anh từng gặp bao đêm
Trên những con đường đuổi giặc
Xe đi qua thung lũng mờ sương
Dốc đèo cheo leo nơi nào cũng gặp
Ôi những cánh rừng lạ như thời cổ sơ
Anh chưa thuộc đường, thuộc tên, thuộc lối
Một bóng nhỏ thoáng qua khi xe lao vội
Một bàn tay vẫy gọi cuối con đường
Cái điểm sáng lạ lùng dẫn xe anh lên
Anh nói với bạn bè chắc chắn là em
Khi những cánh rừng bên đường cháy trụi
Dáng em nhỏ nhoi đứng trong tầm bom dội
Bằng cảm giác khác thường anh nhận ra tay em
Năm ngón tay, năm tia sáng đầu tiên
Qua trọng điểm đầu tiên anh đã gặp
Đến "Cửa tử" trời ơi! anh vẫn gặp
Màu áo trắng ngời lên trong chớp bom
Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn
Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi
Những cọc tiêu là những cô em gái
Thanh thản đứng bên đường trọng điểm - xe lên
Cái điểm sáng lạ lùng phát sáng tự tay em
(1/4/1971)
Bầu trời vuông (Nguyễn Duy)
Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng
Khoái nào bằng phút ngả lưng
Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn lúc rơi mưa
Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em
Thức là ngày, ngủ là đêm
Nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa
Ở đây là tấm lòng ta
Sông dài núi rộng cũng là ở đây
Vuông vuông chỉ một chút này
Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi
(Ái Tử, 5/1971)
Bướm Trường Sơn (Chế Lan Viên)
Cả một mùa xuân theo bóng xe
Cánh trắng cánh vàng đậu vào tay lái
Nhớ quê hương đâu có thể quay đầu lại
Ép một con bướm Trường Sơn mà gửi thư về.
Ngã ba Đồng Lộc (Huy Cận)
Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta,
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của
một đại châu, sóng dựng trùng trùng;
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng
văn minh lớn, đông, tây, kim cổ....
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết
(trong sách địa dư, trên những bản đồ),
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhó đến ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc:
Là ngã ba nhưng nào có phân vân
Nào có đắn đo do dự!
Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt
Nhưng hướng đi đã quyết
Không phải cho một lần
Mà cho tất cả mọi lần
Không phải cho một người
Mà cho tất cả quê hương, đất nước:
Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc
Các ngã ba khác trên đời làm bằng nước, bằng
sông, bằng thuỷ triều lên xuống,
Hay bằng đá, bằng đất
Bằng xi măng cốt sắt
Bằng vôi trắng, gạch nâu
Bằng đèn xanh đèn đỏ đủ màu
Hay bằng những sự chênh vênh vấp ngã,
Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.
Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ người cô kề bên đường đỏ.
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hồ bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm.
Các cô để lại tuổi thanh niên
Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi
Cho đất nước, quê hương
Hồn trong như suối,
Bình minh đời sáng rực vừng dương...
Con sẽ tìm thăm mời cô La Thị Tám
Từ trường học lại về trận địa đầu non
Đứng giữa đàn bò bê mũm mĩm
Trên sườn núi cao cỏ đã mượt màu xanh
Như mảng da non trên thân thể đang lành
Cô sẽ chỉ con xem
Những hồ bom loang lổ
Như đất trên mặt trăng
Mỗi thước vuông ba quả bom to bự
Cô sẽ chỉ con xem
Nghìn vạn điểm lăn bom nổ chậm
Cô từng đến cắm cờ
Mỗi lần chạy đua với cái chết.
Đôi chân cô nhanh hơn kíp nổ,
Cô là một ngọn cờ đỏ của quê ta.
Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi
Những năm tháng chiến tranh ác liệt
Nghìn vạn chuyến xe đi
Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc
Máu qua tim máu lọc
Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam.
Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man:
Bạn bè ta trong cơn gió lốc
Hẳn cũng đang vượt những ngã ba Đồng Lộc,
Những ngã ba Việt Nam.
Dọc đường dài kẻ địch còn găm
Nhiều bom nổ chậm
Nhưng chẳng hề chi!
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám.
Nhiều Võ Thị Tần
Đường sẽ thông xe đi về cách mạng.
(Hà Tĩnh, 1971)
Anh bộ đội và tiếng nhạc la (Hoàng Nhuận Cầm)
Anh bộ đội xắn quần đi trong mưa
Bầy la theo rừng già, rừng thưa
Rừng đâu chỉ có giọng chim lạ
Còn có tiếng nhạc trên cổ la.
Những cây nấm nâu, màu nâu già
Tự dưng thức dậy bên vòm lá
Những bông hoa chưa có tên hoa
Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng.
Tiếng nhạc trên cổ la rung rung
Đã sáu năm là bài hát của rừng
Có những con đường hoang dại lắm
Chỉ in chân la và chân anh.
Những con đường xa, con đường xanh
Sáng lên viên đạn vàng căm giận
Cần mẫn bầy la đi ra trận
Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng...
(Bài thơ này nằm trong chùm thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tại chiến trường được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972 - 1973.)
Hành quân thần tốc (Nguyễn Đức Mậu)
Ồ mới hôm qua, xa lắm đâu
Chật đường xe tải nối đuôi nhau
Đội hình chủ lực hành quân gấp
Đi dọc Trường Sơn xanh chất ngất
Đường xóc đèo cao, núi lắc lư
Lính ngồi xe tải ngỡ như mơ
Sài Gòn phía trước đang gần lại
Khắp ngả rừng sâu đã đỏ cờ
Giờ nghỉ ven đường bếp nhóm vội
Nấu chưa chín, lệnh hành quân
Bê nồi cơm sống lên xe tải
Không cần đũa bát, chẳng cần mâm
Đường dài xe chạy, người ăn bốc
Một miếng cơm nhai có bụi lầm
Nước chưa kịp nấu bi đông cạn
Ngầm rộng, xe qua chậm đội hình
Múc nước sông cùng nhau uống tạm
Mũ cối chuyền tay tôi với anh
Những chàng lính xế trong buống lái
Suốt tuần ngồi ghế rã rời chân
Đường dài mắt xóc tung đồi núi
Mặt như lửa bén, ngực phanh trần
Ca-bin nào khác lò nung gạch
Bụi lùa, da thịt mốc mùi xăng
Xe qua vực thẳm, xe bò dốc
Cung chặng Trường Sơn ít đoạn bằng
Ngỡ như lạc tới hành tinh khác
Trường Sơn sức gió nối nhau về
Ầm ầm sắt thép rung trời đất
Một luồng gió lớn thổi say mê
Rừng già dày lá, thêm rừng áo
Cơn gió xoay vòng quay bánh xe
Gió lùa đêm rộng sao trôi dạt
Gió thổi qua ngày lấp tiếng ve
Núi bớt chênh vênh rừng mở cửa
Đường mở thênh thang đón gió về
Bụi nhuộm rừng cây, màu áo lính
Đỏ vào mái tóc, đỏ bàn tay
Lợn kêu sặc sụa không thành tiếng
Khẩu pháo trùm thêm lớp bạt dày
Con đường chợt hoá thành sông rộng
Ngỡ dải Ngân Hà rơi xuống đây
Không gian màu đỏ, mây thôi trắng
Xe chạy mờ trong làn bụi bay
Hôm qua uống nước dòng sông Bạc
Rừng khộp khô cong ngọn gió Lào
Nay đã gặp sông Ba tắm mát
Tây Nguyên thế núi chắn trời cao
Ô vừa chợp mắt: màn đêm khép
Bồng bềnh giấc ngủ lẫn trời sao
Cánh rừng dòng suối trôi đi mất
Thức giấc, bình minh mọc lúc nào
Đây cuộc hành quân hùng vĩ nhất
Đi từ phương Bắc tới phương Nam
Bánh xe lăn suốt hai vùng đất
Một dải Trường Sơn gió thổi tràn
Bánh xe lăn suốt vòng đêm rộng
Sức người chuyển núi vượt thời gian
Đội ngũ dập dồn vào trận lớn
Sài Gòn xanh áo lá Trường Sơn.
Những bài thơ, ca dao về đường Trường Sơn là dấu ấn không phai mờ, lưu lại bao tháng năm hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai" (Tố Hữu). Các tác phẩm về đề tài này sẽ mãi hiện hữu sáng ngời trong nền văn học Việt Nam, là minh chứng sống động cho sức mạnh tinh thần và ý chí kiên cường của dân tộc ta.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.