- Hào khí Đông A là gì?
- Bối cảnh lịch sử của Hào khí Đông A là gì?
- Ý nghĩa của Hào khí Đông A là gì?
- của Trần Quốc Tuấn
- Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" của Trần Quang Khải
- Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ "Thuật hoài" (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão
- Hào khí Đông A ngày nay thể hiện như thế nào?
Vào thời Trần, với tinh thần nồng nàn yêu nước, không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm, nhân dân ta đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược. Bối cảnh lịch sử đó đã tạo ra Hào khí Đông A. Cùng VOH tìm hiểu Hào khí Đông A là gì và các biểu hiện của tinh thần này nhé.
Hào khí Đông A là gì?
Xuyên suốt thời đại lịch sử, nhân dân Việt Nam ta đã trải qua biết bao cuộc chiến chống quân xâm lược hào hùng. Trong số những cuộc đấu tranh đầy dũng khí ấy, không thể không nhắc đến nét son oanh liệt trong lịch sử - Hào khí Đông A. Đây là hào khí ngất trời của triều đại nhà Trần vào thế kỉ XIII.
Hào khí Đông A được phân tích như sau:
- Hào khí: Ý chí mạnh mẽ, khí phách hào hùng, không đầu hàng, khuất phục trước bất cứ thế lực nào.
- Đông A: Theo lối chiết tự, họ Trần (chữ Hán: 陳) còn được gọi ẩn dụ là Đông A (do chữ Trần 陳 được ghép từ hai thành phần là Đông (東) và A (阿).
Hào khí Đông A là hiện thân của một thời đại lịch sử vàng son với khí thế chiến đấu anh dũng. Đây là kết tinh sức mạnh toàn dân, bùng lên sức mạnh dân tộc tự lập tự cường, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta.
Bối cảnh lịch sử của Hào khí Đông A là gì?
Những năm cuối cùng thời Lý, Lý Huệ Tông không có con trai. Vì thế, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi hoàng đế. Hai năm sau, hoàng đế nhường lại ngôi cho nhà Trần.
Trần Cảnh (Trần Thái Tông) trở thành hoàng đế đầu tiên của nhà Trần. Một thời kỳ mới trong lịch sử nước nhà được mở ra. Đây là một trong những triều đại lớn mạnh, phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Trong 175 năm trị vì, nhà Trần có rất nhiều thành tựu về văn hóa, tôn giáo cũng như quân sự. Nổi bật nhất là việc lãnh đạo nhân dân đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông đến 3 lần (năm 1258, 1285, 1288). Và cũng chính từ đây, Hào khí Đông A ra đời.
Xem thêm:
24 bài thơ về lòng yêu nước hào sảng, khí thế của các thi sĩ Việt Nam
Bộ sưu tập 63 câu đố lịch sử Việt Nam hay nhất
20+ bài thơ về người lính Việt Nam anh hùng, bất khuất
Ý nghĩa của Hào khí Đông A là gì?
Thời nhà Trần, tinh thần đoàn kết của nhân dân hiện lên rất nổi bật. Từ vua tôi, từ quân đến dân, từ già đến trẻ đều đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử chống giặc ngoại xâm. Lúc bấy giờ, dù đứng trước kẻ địch cường mãnh, nhân dân Đại Việt vẫn thể hiện được sức mạnh của mình, không sợ bất kỳ kẻ địch nào.
Hào khí Đông A biểu trưng cho tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân - thần - dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không thể để mất nước.
Biểu hiện Hào khí Đông A trong "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn
Hịch tướng sĩ sáng ngời Hào khí Đông A, có tác dụng khích lệ, động viên tướng sĩ quyết chiến quyết thắng Nguyên Mông. Đây có thể xem như tiếng kèn xung trận vang dội núi sông, thúc đẩy sức mạnh của đoàn dũng sĩ Sát Thát lập nên bao chiến công oai hùng.
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.”
Có thể nói, đây là một trong những đoạn văn hay nhất, hùng tráng nhất trong Hịch tướng sĩ thể hiện một cách tuyệt vời Hào khí Đông A, biểu lộ khí phách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết chiến quyết thắng quân xâm lược.
Xem thêm:
131 câu nói hay của Bác Hồ về đạo đức, lối sống
Những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam
Cuộc đời và sự nghiệp kháng chiến của Võ Thị Sáu, nữ anh hùng miền đất đỏ
Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" của Trần Quang Khải
Sau hai chiến thắng Hàm Tử và Chương Dương, Trần Quang Khải là người hộ giá vua Trần trở về kinh đô. Trong không khí ngày khải hoàn,Trần Quang Khải đã cảm hứng làm bài thơ này.
Chương Dương và Hàm Tử là hai trận địa diễn ra cuộc chiến ác liệt của quân dân nhà Trần với quân xâm lược Nguyên Mông. Hai chiến thắng ấy là những chiến công hiển hách, lẫy lừng, vang tiếng bốn phương của nhân dân đã làm thay đổi tình thế giữa ta và địch. Câu thơ ngập tràn niềm vui niềm hứng khởi, hân hoan trong chiến thắng vẻ vang.
"Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan."
Dịch nghĩa:
"Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù."
(Trần Trọng Kim dịch)
Trải qua bao nhiêu vất vả, chiến đấu anh dũng nhưng khi giành được thắng lợi thì vẫn không quên nhiệm vụ củng cố đất nước, tiếp tục rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc được Trần Quang Khải đúc kết thông qua hai câu thơ cuối. Hào khí Đông A ở đây chính là khát vọng muốn xây dựng, phát triển đất nước trong hoà bình và niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước.
"Thái Bình tu chí lực
Vạn cổ thử giang san."
Dịch nghĩa:
"Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu."
(Trần Trọng Kim dịch)
Hào khí chiến thắng và khát vọng hòa bình là tư tưởng chủ đạo âm vang xuyên suốt tác phẩm. Bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư tuy ngắn nhưng ý nghĩa đong đầy, chứa đựng ước mong, suy nghĩ của một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn.
Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ "Thuật hoài" (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão
Bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão đã thể hiện thành công hào khí Đông A lừng lẫy một thời. Bài thơ mang đậm sắc màu anh dũng hào hùng, lòng tự hào dân tộc, hào khí của con người và thời đại nhà Trần.
Hào khí Đông A trong Tỏ lòng được thể hiện rõ trong hai câu thơ đầu:
"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu."
Dịch nghĩa:
"Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu."
(Bùi Văn Nguyên dịch)
Qua tư thế của người con trai Đại Việt cùng khí thế xung trận của quân đội thời Trần, Hào khí Đông A được thể hiện rõ nét. Phạm Ngũ Lão đã tái hiện không khí đoàn quân Sát Thát ra trận trong tư thế hùng dũng, hiên ngang, sẵn sàng xông lên. Chính vì đồng lòng mà ba quân nhà Trần mạnh như hổ, khí thế vượt cả sao Kim Ngưu trên trời. Luồng khí đó dường như có thể nuốt chửng cả một con trâu lớn.
Có thể nói, đây cũng là hình ảnh tượng trưng cho con người Việt Nam mạnh mẽ, kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục, hào khí sáng ngời của lòng yêu nước, yêu chính nghĩa.
Xem thêm:
47 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng yêu nước, yêu quê hương
100 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam
25 bài thơ về Đảng sâu sắc, tràn đầy tình yêu quê hương đất nước
Hào khí Đông A ngày nay thể hiện như thế nào?
Ngày nay, Hào khí Đông A vẫn tiếp tục được tỏa sáng, cho thấy tinh thần dân tộc đoàn kết của những người con Việt Nam dành cho nhau.
Cụ thể, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, tinh thần Hào khí Đông A lại được phát huy. Những người chiến sỹ áo trắng đầy dũng cảm không quản ngày đêm gian khổ, xung phong lên tuyến đầu để diệt “giặc” Covid-19. Hàng vạn chiến sĩ thuộc lực lượng quân đội và công an… tham gia công cuộc chống và kiểm soát dịch bệnh. Nhiều cây “ATM gạo” do người dân khởi xướng đã giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn…
Tất cả đã chứng minh được tinh thần yêu thương và đùm bọc lẫn nhau của người Việt trong lúc khốn khó. Những điều trên cho thấy, Hào khí Đông A truyền qua bao đời đã giúp cho dân tộc Việt Nam đứng vững trước đại dịch, là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Hy vọng những thông tin về Hào khí Đông A là gì mà VOH cung cấp sẽ giúp bạn hiểu thêm những ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa bên trong tinh thần bất khuất của dân tộc. Từ đó, khơi gợi niềm tự hào và lòng yêu nước trong mỗi cá nhân.
Cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.