9 lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn cà chua và những lưu ý khi ăn

(VOH) – Cà chua vốn rất ‘quen mặt’ trong các bữa ăn, vừa có công dụng như một loại rau, vừa được dùng giống một loại quả. Vậy bà bầu ăn cà chua được không hay đây là một loại thực phẩm cần tránh?

Từ lâu cà chua đã trở thành một trong những loại thực phẩm rất được yêu thích nhờ hương vị chua chua, thanh mát và có thể “biến tấu” thành đa dạng món ăn, thức uống.

Thế nhưng khá nhiều mẹ bầu còn lo lắng về tác động của thực phẩm này tới sức khỏe thai kì nên đã cắt giảm khỏi khẩu phần ăn. Liệu đó phải là quyết định sáng suốt? Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ giải đáp nỗi băn khoăn. 

1. Bà bầu ăn cà chua được không? 

Cà chua được biết đến như một nguồn cung cấp dồi dào các nhóm vitamin thiết yếu như vitamin A, vitamin E, vitamin C, vitamin K, vitamin B1, vitamin B2 cùng những khoáng chất quan trọng gồm kali, canxi hay photpho. Vì vậy theo các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ cà chua là thực phẩm lành mạnh mà bà bầu hoàn toàn có thể ăn được trong giai đoạn dưỡng thai. 

Ăn cà chua khi mang thai là an toàn nhưng ở mức độ vừa phải. Ngoài ra nếu bà bầu đang cần bổ sung sắt thì cà chua là lựa chọn hợp lý giúp hấp thụ chất sắt tốt.

9-loi-ich-suc-khoe-khi-ba-bau-an-ca-chua-va-nhung-luu-y-khi-an-0
Cà chua là thực phẩm lành mạnh bà bầu có thể ăn thêm (Nguồn: Internet)

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn cà chua

Bổ sung cà chua đúng cách với lượng an toàn trong khẩu phần ăn sẽ giúp mẹ bầu chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau: 

2.1 Kích thích tiêu hóa

Bồi bổ bằng các món ăn từ cà chua, nước ép cà chua hay sinh tố cà chua không chỉ giúp mẹ bầu có cảm giác ăn ngon miệng hơn mà còn hấp thu thêm lượng chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa. Theo đó, nhóm chất xơ không hòa tan trong cà chua sẽ lên men trong ruột già, nhằm thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và giảm thiểu tình trạng táo bón trong thai kì. (1) 

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

2.2 Tốt cho đôi mắt 

Trong thời gian mang thai, sự thay đổi nồng độ hormone progesterone có thể làm tăng lượng nước tích trữ ở sợi collagen trong giác mạc, dẫn tới thị lực của mẹ suy giảm. Lúc này bên cạnh việc nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện các bài tập yoga cho mắt, các chuyên gia luôn khuyến khích mẹ dùng thêm các thực phẩm giàu vitamin A và zea-xanthin như cà chua. 

2.3 Tăng cường sức đề kháng  

Các phân tích dinh dưỡng nhận thấy rằng trong cà chua có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa lycopene tương đối lớn. Hoạt chất này được đánh giá là thành tố quan trọng kích thích sản sinh các tế bào bạch cầu trung tính, góp phần hình thành nên “hàng rào” bảo vệ mẹ và bé khỏi những mầm bệnh nguy hiểm. (2) 

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.4 Ngăn ngừa tiền sản giật

Hàm lượng lớn kali được tìm thấy trong cà chua đảm nhiệm vai trò điều hòa lưu lượng máu, thúc đẩy hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả và kiểm soát huyết áp ổn định, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc tiền sản giật ở phụ nữ mang thai. (3) 

2.5 Phòng chống viêm đường tiết niệu

Hơn 95% thành phần dinh dưỡng của cà chua là nước nên loại thực phẩm này có đặc tính hoạt động như “thuốc lợi tiểu”. Vì vậy tiếp nạp thêm cà chua trong thực đơn hàng ngày sẽ kích thích bài tiết nước tiểu, từ đó làm giảm nguy cơ viêm đường tiết niệu ở thời kì mang thai

9-loi-ich-suc-khoe-khi-ba-bau-an-ca-chua-va-nhung-luu-y-khi-an-1
Bổ sung lượng nước từ cà chua giúp mẹ chủ động phòng chống viêm đường tiết niệu (Nguồn: Internet)

2.6 Kiểm soát đường huyết

Bà bầu ăn cà chua giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, lượng chất lycopene và chất xơ do cà chua cung cấp còn kết hợp với nhau để duy trì nồng độ đường huyết ở mức an toàn và không tăng cao đột ngột trong thai kì. (5) 

Xem thêm: Mắc tiểu đường thai kì mẹ nên biết những điều này để kiểm soát đường trong máu, tránh ảnh hưởng thai nhi

2.7 Cải thiện giấc ngủ

Vào thời điểm những tháng cuối của thai kì, lượng oxytocin cơ thể bài tiết ra ngày càng tăng cao, tạo ra các cơn gò tử cung dữ dội vào ban đêm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ của mẹ. 

Vì thế để khắc phục tình trạng này, sau bữa ăn tối khoảng 30 phút, mẹ có thể dùng khoảng 100ml nước ép hoặc sinh tố cà chua, điều này sẽ hỗ trợ tăng sản sinh melatonin và giúp mẹ ngủ ngon giấc hơn. (6)

2.8 Củng cố xương chắc khỏe

Tăng cường sử dụng cà chua trong thực đơn dưỡng thai là cách giúp mẹ hấp thu thêm lượng canxi và photpho tự nhiên. Những khoáng chất này sẽ tham gia vào quá trình hình thành tế bào xương, hộp sọ, răng của thai nhi, đồng thời tăng mật độ khoáng xương và hạn chế hiện tượng đau nhức, khó vận động ở mẹ. 

2.9 Dưỡng ẩm làn da

Cà chua vốn là một “mỹ phẩm” tự nhiên lành tính mà mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng. Vitamin C cùng lycopene từ loại thực phẩm này sẽ tăng độ đàn hồi cho lớp biểu bì dưới da, dưỡng ẩm làn da, giảm thô ráp và nứt nẻ ở vùng bụng hay bắp chân.

Xem thêm: Không cần đi spa mà vẫn có làn da sạch mụn, trắng mịn tự nhiên nhờ mặt nạ cà chua

3. Liệu ăn cà chua khi mang thai có gây hại cho sức khỏe ?

Cà chua là thực phẩm tốt cho sức khỏe mẹ bầu, nhưng cũng giống với các thực phẩm khác nếu ăn không đúng cách và lạm dụng quá mức thì cũng gây hại đến sức khỏe. Việc bà bầu ăn cà chua nhiều quá mức sẽ mang đến những tác hại sau đây:

  • Bị các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu và đau bụng.
  • Gây chứng ợ nóng do trong cà chua chứa nhiều axit.
  • Trong vài trường hợp nếu bà bầu ăn cà chua nhiều quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến sắc tố da.

4. Một số lưu ý cần nhớ khi bà bầu ăn cà chua

Cà chua là thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe, tuy nhiên, cũng giống như những thực phẩm khác nếu mẹ bầu lạm dụng, ăn quá nhiều thì nguy cơ cao vẫn có thể mắc phải các tác hại của cà chua

9-loi-ich-suc-khoe-khi-ba-bau-an-ca-chua-va-nhung-luu-y-khi-an-2
Mẹ bầu nên dùng cà chua với lượng hợp lý, tránh lạm dụng quá nhiều (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ăn cà chua khi mang thai thì mẹ bầu cũng cần thực hiện một số lưu ý sau: 

  • Không ăn cà chua sống: Nhiều người thường thắc mắc liệu "bà bầu ăn cà chua sống được không" ? Câu trả lời là không vì trong cà chua sống có chứa chất độc solanine, khi ăn vào cơ thể sẽ gây ra những triệu chứng ngộ độc như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn... Tuy nhiên, chất độc sẽ mất dần khi cà chua chín.
  • Không ăn cà chua trong lúc đói: Cà chua chứa nhiều pectin và nhựa phenolic. Nếu ăn cà chua trong lúc đói, các axit tiết ra từ dạ dày sẽ phản ứng với chất này và hình thành nên các cục không hòa tan, gây “căng thẳng” và khó chịu cho dạ dày, thậm chí có thể gây ra đau bụng, nôn mửa và bị sốc.
  • Không nên nấu cà chua quá kỹ: Nấu cà chua quá chín sẽ làm giảm đi các chất vitamin và giá trị dinh dưỡng mà cà chua mang lại trong món ăn.

5. Mách bà bầu cách chọn cà chua ngon

Khi ăn cà chua thì bà bầu cần phải chọn lựa cà chua tươi, ngon để đảm bảo tốt cho sức khỏe thai nhi và mẹ bầu. Khi mua cà chua bà bầu nên lưu ý vài điểm nhỏ sau để chọn được cà chua ngon:

  • Chọn những quả có màu đỏ tươi, căng mọng, có độ bóng và không bị bầm dâp hay móp méo. Tránh lựa những quả có lỗ đen vì trái cà chua đó đã hư và thối.
  • Để biết cà chua có bị nhũn hay không thì có thể dùng ngón tay ấn nhẹ quả để kiểm tra. Chọn những quả vừa phải, không chọn những quả có nếp nhăn hay mềm nhũn.
  • Ưu tiên sử dụng cà chua organic trong giai đoạn mang thai.
  • Bảo quản cà chua ở ngăn mát tủ lạnh.
  • Không nên dùng nồi nhôm, gang khi nấu cà chua vì lượng axit trong cà chua sẽ tác động với chất liệu của nồi gây phản ứng hóa học và làm giảm chất dinh dưỡng.

Mong rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn khi thêm cà chua vào chế độ ăn dưỡng thai. Cà chua là một loại thực phẩm tuyệt vời cho mẹ bầu nhưng sử dụng với số lượng hợp lý và thật khoa học nhé.