Nhắc đến cà chua có lẽ phần lớn chúng ta sẽ nghĩ tới một sản phẩm nông nghiệp được canh trồng rộng rãi cũng như tiêu thụ nhiều ở khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên cà chua “ra đời” thế nào và đem lại những lợi ích sức khỏe gì mà lại được yêu thích tới vậy?
1. Tìm hiểu về cà chua
Cà chua có tên khoa học là Solanum lycopersicum, cùng thuộc họ Cà (Solanaceae) giống như cà tím hay ớt chuông.
1.1 Nguồn gốc
Cà chua được tìm thấy phổ biến đầu tiên ở một số quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ, tuy nhiên ngay trên “đất mẹ” chúng lại được coi như một loại quả chứa độc tố.
Sau đó vào khoảng những năm đầu thế kỉ XIX, các nhà nghiên cứu nhận thấy cà chua hoàn toàn không gây nguy hại tới sức khỏe, thậm chí loại quả đỏ mọng, chua chua này còn đem đến nhiều dưỡng chất quý giá.
1.2 Đặc điểm
Có thể bạn chưa biết dù được sử dụng như một loại rau trong chế biến ẩm thực song cà chua thực chất là một loại trái cây bởi quả cà chua hình thành từ hoa của cây cà chua, đồng thời chứa rất nhiều hạt bên trong. Quả khi còn non thường có màu xanh, vị chua, rồi dần chuyển sang màu vàng, màu cam và khi chín là màu đỏ tươi.
Hiện nay với những phát triển trong lai tạo giống, bên cạnh loại cà chua thông thường, bạn còn có thể tìm mua cà chua bi, cà chua tím, cà chua socola, cà chua bạch tuộc, cà chua trái tim,…
2. Tác dụng của cà chua với sức khỏe
Cà chua được ví như một “nhà máy” cung cấp vô vàn chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, kể đến như vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin K, các nhóm vitamin B cùng đa dạng nhóm chất chống oxy hóa. Nhờ vậy nếu duy trì bổ sung đều đặn, đúng cách loại thực phẩm này, bạn sẽ nhận được những lợi ích sức khỏe tuyệt vời sau:
2.1 Tốt cho tim mạch
Các phân tích dinh dưỡng tìm thấy trong cà chua có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa lycopene với đặc tính “đánh tan” cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch, thúc đẩy hoạt động luân chuyển máu tới tim. (1)
Ngoài ra, hoạt chất lycopene còn kết hợp với khoáng chất kali cân bằng nồng độ chất lỏng trong tế bào, kiểm soát huyết áp ổn định, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Xem thêm: Đột quỵ - dấu hiệu nhận biết sớm nhất để ‘bảo toàn’ tính mạng và tránh tàn phế
2.2 Bảo vệ đôi mắt
Beta – carotene (thành tố tạo nên màu cam đỏ của cà chua) và zea-xanthin được đánh giá là hai dưỡng chất đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng giúp bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Theo đó, chúng sẽ tham gia vào quá trình sản sinh sắc tố ở võng mạc, tăng tiết nước mắt, đồng thời hạn chế tỉ lệ mắc bệnh quáng gà. (2)
2.3 Phòng chống ung thư
Không chỉ hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch, lượng chất lycopene được tìm thấy trong cà chua còn có khả năng trung hòa nồng độ gốc tự do gây tổn thương tế bào, ngăn ngừa hình thành khối u gây ung thư. (3)
Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư
2.4 Kiểm soát đường huyết
Cà chua là một trong những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn 55 nên hoàn toàn “thân thiện” với người đang điều trị bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu nhận thấy rằng chất xơ cùng lycopene từ cà chua góp phần không nhỏ giúp giảm tốc độ hấp thu đường glucose vào máu, nhằm kiểm soát nồng độ đường huyết ở mức an toàn. (4)
2.5 Cải thiện xương chắc khỏe
Bổ sung cà chua trong khẩu phần ăn là cách giúp bạn hấp thu thêm hàm lượng lớn kali, canxi và photpho cực kì cần thiết cho hệ vận động. Những nhóm chất này có nhiệm vụ kích thích hình thành tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương, góp phần củng cố xương chắc khỏe, dẻo dai hơn.
Xem thêm: Top 15 loại thực phẩm ăn vào là khỏi lo đau nhức xương khớp
2.6 Tăng cường sức đề kháng
Cà chua cung cấp hàm lượng vitamin C khá lớn, tương đương với khoảng 21% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Chính vì thế để cải thiện sức đề kháng cũng như hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bạn nên tăng cường thêm loại quả này trong thực đơn hàng ngày.
2.7 Thúc đẩy giấc ngủ ngon
Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng nếu bạn mắc chứng khó ngủ, thường thức giấc vào ban đêm thì sau bữa tối khoảng 30 phút, hãy uống một ly nước ép hoặc sinh tố cà chua. Lúc này những dưỡng chất của cà chua sẽ thúc đẩy sản sinh melatonin, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu.
Xem thêm: Bí quyết ‘đánh bay’ chứng mất ngủ từ những loại thực phẩm tự nhiên
3. Tác dụng của cà chua trong làm đẹp
Cà chua vừa là “mỹ phẩm” có giá thành không quá đắt đỏ, dễ tìm kiếm, lại cung cấp vô vàn dưỡng chất lành tính nên không khó hiểu vì sao các chị em phụ nữ rất tin tưởng lựa chọn phương pháp làm đẹp bằng cà chua.
Tận dụng hàm lượng lớn vitamin E, vitamin C và lycopene mà loại quả này mang lại, phái đẹp thường dùng làm mặt nạ cà chua dưỡng da, điều chế hỗn hợp trị mụn hay tẩy tế bào chế bằng cà chua.
Đặc biệt, những thức uống như nước ép cà chua hay sinh tố cà chua cũng thường xuyên “góp mặt” trong thực đơn giảm cân, duy trì vóc dáng thon gọn của chị em, chẳng những đơn giản, kinh tế mà còn an toàn, hiệu quả.
Xem thêm: Sở hữu eo thon, dáng đẹp, da sáng hồng tự nhiên với tuyệt chiêu giảm cân bằng cà chua
4. Bà bầu ăn cà chua được không?
Lựa chọn loại rau củ nào để thêm vào thực đơn dưỡng thai luôn là công đoạn khiến mẹ bầu cảm thấy khá “bối rối” vì phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho thai kì, song cũng cần tạo cảm giác ngon miệng và hợp khẩu vị của mẹ.
Vì vậy nếu mẹ thích vị chua chua, thanh mát của cà chua thì hãy yên tâm rằng mẹ hoàn toàn có thể sử dụng loại thực phẩm này trong thời gian mang thai. Tiếp nạp cà chua với lượng vừa đủ, đúng cách sẽ giúp mẹ chủ động phòng chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp như:
- Giảm táo bón, ngăn ngừa bệnh trĩ
- Tăng cường thị lực
- Phòng chống tiền sản giật
- Hạn chế đau nhức xương khớp
- Ngăn ngừa viêm đường tiết niệu
Xem thêm: 9 lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn cà chua và những lưu ý khi ăn
5. Gợi ý món ngon từ cà chua
Với hương vị chua dịu cùng màu đỏ đẹp mắt, các món ăn từ chua “được lòng” rất nhiều người, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Chỉ cần chuẩn bị cà chua, thêm vài nguyên liệu dễ tìm kiếm như trứng gà, đậu phụ hay chút rau mùi là bạn sẽ ngay món ngon hấp dẫn, lạ miệng.
Một số món ăn với công đoạn chế biến đơn giản dưới đây bạn có thể tham khảo và tự chế biến ngay tại nhà:
- Canh cà chua trứng
- Sốt cà chua
- Trứng chiên cà chua
- Đậu phụ sốt cà chua
- Salad cà chua
Xem thêm: 7 món ngon từ cà chua cực hợp khẩu vị, lạ miệng và 'đưa' cơm
6. Một số tác hại của cà chua cần phòng tránh
Có thể nói cà chua là một nguyên liệu lành mạnh, bổ dưỡng và hỗ trợ cải thiện sức khỏe hữu hiệu. Thế nhưng những rủi ro tiềm ẩn vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta dùng sai cách và lạm dụng với liều lượng lớn.
Lời khuyên là mỗi bữa chỉ sử dụng khoảng 300g cà chua (khoảng 2 – 3 quả), trong tuần tốt nhất dùng từ 2 – 3 lần, nhằm hạn chế mắc phải các tác hại của cà chua như trào ngược dạ dày, dị ứng ngứa ngáy, sỏi thận hay biến đổi màu da.
Xem thêm: Tác hại của cà chua khi ăn nhiều khiến ai cũng phải dè chừng
7. Thành phần dinh dưỡng của cà chua
Hàm lượng một số chất dinh dưỡng trong 100g cà chua được tính toán như sau:
- Năng lượng: 17kcal
- Natri: 5mg
- Kali: 237mg
- Chất xơ: 1.2g
- Vitamin C: 13.7mg
- Canxi: 10mg
- Sắt: 0.3mg
- Vitamin B6: 0.1mg
- Magie: 11mg
Cà chua dường như đã trở thành nguyên liệu nổi tiếng trong thế giới ẩm thực, đồng thời cũng là “người bạn” gắn bó với các tín đồ làm đẹp. Hãy chú ý sử dụng loại rau quả gần gũi, giàu dưỡng chất này thật khoa học, hợp lý để bảo vệ an toàn sức khỏe và chăm sóc nhan sắc hiệu quả nhất nhé.