Chờ...

Những căn bệnh nào gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em?

(VOH) – Đau bụng quanh rốn ở trẻ em có thể là những cơn đau xuất hiện bất ngờ hoặc đau âm ỉ. Tình trạng này có thể đại diện cho khá nhiều căn bệnh từ nhẹ đến nặng mà cha mẹ cần quan tâm, theo dõi.

Theo các bác sĩ, việc trẻ em bị đau bụng quanh rốn không hề hiếm gặp, mức độ nặng nhẹ sẽ phụ thuộc vào vấn đề cụ thể mà trẻ gặp phải. Để có thể đánh giá đúng cơn đau bụng quanh rốn trẻ đòi hỏi phải biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này cho trẻ.

1. Những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị đau bụng quanh rốn

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên các cơn đau bụng quanh rốn trẻ em như:

1.1 Viêm dạ dày, ruột

Viêm dạ dày, ruột là tình trạng viêm đường tiêu hóa. Nguyên nhân có thể là do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Ngoài việc trẻ bị đau bụng quanh rốn, viêm ruột dạ dày còn khiến trẻ bị sốt, tiêu chảy, da rịn mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn mửa.

Viêm dạ dày ruột phần lớn sẽ tự hết trong vài ngày. Tuy nhiên, bệnh lại có thể gây ra biến chứng là khiến cơ thể trẻ bị mất nước. Vì thế, trẻ mắc căn bệnh này cần phải được chăm sóc đặc biệt.

1.2 Viêm ruột thừa

Trẻ em đau bụng quanh rốn, có chiều hướng đau nhiều về phía bên phải cũng có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa. Cơn đau sẽ dữ dội hơn khi trẻ ho hoặc thực hiện một số cử động. Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa là sốt, bụng đầy hơi, ăn không ngon, buồn nôn hoặc nôn mửa, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy).

nhung-can-benh-nao-gay-dau-bung-quanh-ron-o-tre-em-voh

Trẻ bị viêm ruột thừa cần phải được điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)

Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu. Nếu không được điều trị nhanh chóng, ruột thừa có thể bị vỡ, gây ra những biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng trẻ.

1.3 Trẻ bị viêm loét dạ dày

Loét dạ dày là một loại đau có thể hình thành trong dạ dày hoặc ruột non (tá tràng). Loét dạ dày thường gây ra hiện tượng trẻ bị đau bụng quanh rốn và nôn, bị ợ hơi, ăn không ngon, cảm thấy mệt mỏi.

Muốn điều trị viêm loét dạ dày cần phải đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn phù hợp. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

1.4 Viêm tụy cấp ở trẻ

Trong một số trường hợp viêm tụy cấp có thể khiến trẻ em bị đau bụng xung quanh rốn. Ngoài ra, một số triệu chứng khác của viêm tụy cấp bao gồm: buồn nôn và nôn, nhịp tim tăng cao.

Thông thường viêm tụy cấp nhẹ có thể được điều trị bằng cách cho trẻ nằm nghỉ ngơi tại nhà, truyền dịch tĩnh mạch, thuốc giảm đau. Đối với những trường hợp nặng, bé có thể sẽ phải nhập viện và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.

1.5 Thoát vị rốn

Thoát vị rốn là hiện tượng mô bụng phình ra thông qua một lỗ ở cơ bụng quanh rốn. Trẻ sơ sinh dễ bị thoát vị rốn nhất, nhưng đôi khi chúng cũng xuất hiện ở các bé lớn hơn. Thoát vị rốn thường khiến bé hay bị đau bụng quanh rốn hoặc tại vị trí thoát vị.

Phần lớn tình trạng thoát vị rốn thường ít khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, ở một số trường hợp sẽ khiến cho một đoạn quai ruột bị kẹt và không thể nào quay trở lại vị trí cũ được nữa nên bé có thể cần phải được phẫu thuật nhằm ngăn chặn tình trạng tắc ruột.

1.6 Trẻ bị tắc ruột non

Tắc ruột non là tình trạng 1 phần hoặc toàn bộ ruột non của trẻ bị tắc nghẽn. Tình trạng này khiến cho thức ăn không thể tiến sâu được vào đường tiêu hóa. Trẻ bị tắc ruột non sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt, tăng nhịp tim, buồn nôn và ói mửa, đầy hơi ở bụng, mất nước, ăn không ngon, táo bón nặng.

Tắc ruột non nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng. Vì thế, nếu gặp phải căn bệnh này trẻ cần phải được nhập viện để bác sĩ thăm khám và điều trị.

1.7 Phình động mạch chủ

nhung-can-benh-nao-gay-dau-bung-quanh-ron-o-tre-em-1-voh

Trẻ bị phình động mạch chủ sẽ gặp phải hiện tượng đau bụng quanh rốn và rất khó chịu (Nguồn: Internet)

Đây là một tình trạng tương đối nghiêm trọng, gây ra bởi sự suy yếu hoặc phình ra của thành động mạch chủ, đe dọa tính mạng nếu động mạch chủ bị vỡ ra, khiến máu chảy vào nội tạng. Khi động mạch chủ bị phình lớn, trẻ sẽ gặp hiện tượng đau bụng quanh rốn và rất khó chịu. Ngoài ra, trẻ còn bị khó thở, huyết áp thấp, tăng nhịp tim, ngất xỉu...

Nếu trẻ bị phình động mạch chủ cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, việc điều trị sẽ do bác sĩ quyết định nhưng thông thường sẽ là phẫu thuật nhằm ngăn chặn các biến chứng xấu khác phát triển.

1.8 Trẻ bị thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu bị gián đoạn, thường do máu đông hoặc tắc mạch gây ra. Nếu bé bị thiếu máu cục bộ, bé sẽ cảm thấy đau ở khu vực quanh rốn. Bệnh phát triển nặng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như nhịp tim tăng cao, có máu trong phân.

Nếu nghi ngờ con đang mắc phải chứng bệnh trên, cha mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để được khám chữa bệnh kịp thời. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật và điều trị chống đông máu.

Ngoài những nguyên nhân về bệnh lý, tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em có thể xuất phát từ những nguyên nhân thường gặp khác như:

  • Khó tiêu: Khó tiêu là tình trạng có thể gặp ở rất đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em. Khi bị khó tiêu, trẻ thường cảm thấy khó chịu và đau ở vùng bụng, sau đó lan ra khắp bụng quanh rốn. Các cơn đau không kéo dài lâu nhưng lại lặp lại nhiều lần.
  • Táo bón: Táo bón cũng có thể gây ra tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em. Vấn đề này thường không nghiêm trọng, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, cho trẻ ăn nhiều chất xơ thì chứng táo bón sẽ tự hết.

2. Khi nào trẻ bị đau bụng quanh rốn cần đến gặp bác sĩ?

Nếu tình trạng trẻ đau bụng quanh rốn kéo dài hơn một vài ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ có các biểu hiện sau đây bên cạnh triệu chứng đau bụng:

  • Trẻ bị sốt cao
  • Có biểu hiện vàng da
  • Đau bụng dữ dội
  • Có máu trong phân
  • Sút cân không rõ lý do
  • Buồn nôn và nôn không dứt
  • Sưng hoặc đau phần bụng dưới.

Như vậy, có khá nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng đau bụng quanh rốn ở trẻ em và dù là lý do gì thì cha mẹ cũng không nên xem nhẹ. Hãy quan sát và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, nhằm giúp phòng tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.