Chờ...

Chất lượng sữa mẹ như thế nào là tốt?

(VOH) – Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng cực kỳ tốt cho sự lớn lên và phát triển. Chính vì thế, sữa mẹ như thế nào là tốt luôn là vấn đề được rất nhiều bà mẹ quan tâm.

Trong tất cả các loại sữa, sữa mẹ luôn được đánh giá cao nhất vì đảm bảo được gần như đầy đủ nhất hàm lượng vitamin và chất dinh dưỡng giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

1. Sữa mẹ như thế nào là tốt?

Sữa mẹ tốt là dòng sữa đảm bảo được thành phần dinh dưỡng, chất lượng và nguồn sữa về dồi dào. Theo các nhà khoa học, sữa mẹ tốt hay không tốt được đánh giá cụ thể thông qua thành phần có trong sữa theo từng giai đoạn:

  • Tuần đầu tiên sau sinh: Đây là giai đoạn sữa non tiết ra từ cơ thể người mẹ. Dòng sữa non tốt là khi đảm bảo chứa nồng độ cao các chất kháng thể để giúp nâng cao hệ miễn dịch và cung cấp lượng calo lớn cho sự phát triển của trẻ.
  • Từ tuần thứ 2 - tháng thứ 4: Sữa mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất đáp ứng cho nhu cầu phát triển của bé.
  • Từ tháng thứ 4 - 9: Trong giai đoạn này, sữa mẹ cần đáp ứng đủ các axit omega để giúp cho sự phát triển não bộ của bé.
  • Giai đoạn tháng thứ 9 - 12: Sữa mẹ cần cung cấp nhiều calo hơn cho bé để giúp bé vận động và hỗ trợ bé trong những bước đi đầu tiên
  • Từ 12 tháng trở về sau: Sữa mẹ thay đổi với nhiều omega hơn các giai đoạn trước nhằm giúp bé thông minh và phát triển hơn .

2. Làm sao biết sữa mẹ như thế nào là tốt?

Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ phát triển, cung cấp kháng thể để tăng cường hệ miễn của trẻ. Sữa mẹ cũng rất dễ tiêu hóa và hấp thu. Chính vì thế, để biết chất lượng sữa mẹ như thế nào là tốt, các mẹ có thể đánh giá qua màu sắc sữa, lượng sữa tiết ra, tình trạng sức khỏe của mẹ và thông qua sự phát triển của trẻ.

2.1 Màu sắc sữa mẹ

Trong vài tuần đầu sau sinh, sữa mẹ có sự thay đổi nhanh chóng cả về thành phần, số lượng lẫn màu sắc và được biết đến với 2 dạng sữa phổ biến:

  • Sữa non: Sữa non thường xuất hiện trong giai đoạn cuối thai kỳ và những ngày đầu sau sinh. Sữa non thường có màu vàng nhạt do trong sữa có chứa rất nhiều thành phần kháng thể.
  • Sữa trưởng thành: Khoảng 2 tuần sau sinh, sữa mẹ sẽ chuyển thành sữa trưởng thành. Lúc này sữa mẹ lại chia ra thành sữa đầu dòng (là lượng sữa đầu tiên chảy ra trong mỗi lần cho bé bú, sữa có màu xanh nhạt hoặc xanh non, hoặc ngả sang màu trắng trong) và sữa cuối dòng (là lượng sữa chảy ra khi mẹ tiếp tục cho bé bú, lúc này sữa có màu trắng đục).

chat-luong-sua-me-nhu-the-nao-la-tot-voh

Chất lượng sữa mẹ cũng được thể hiện qua màu sắc sữa (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, do chế độ ăn uống và sức khỏe mà trong suốt quá trình cho con bú hoặc hút sữa, mẹ còn có thể bắt gặp sữa có những màu sắc khác như:

  • Màu hồng: Do mẹ ăn rất nhiều thực phẩm có màu đỏ như rau dền... Cũng có trường hợp do đầu ti của mẹ bị nứt nên sẽ lẫn một ít máu vào sữa, khiến cho sữa có màu hồng.
  • Màu vàng: Do mẹ ăn nhiều thực phẩm có màu vàng, da cam như cà rốt, bí ngô...
  • Màu xanh non: Do mẹ ăn nhiều thực phẩm có màu xanh như rong biển...
  • Màu ngả đục, xám: Do mẹ sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh.
  • Màu trắng, vón cục: Nếu sữa mẹ vắt ra bình hoặc túi, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hiện tượng vón cục thì nhiều khả năng mẹ đang bị mắc bệnh viêm tuyến vú. Hiện tượng này mẹ nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

2.2 Lượng sữa mẹ tiết ra

Một trong những yếu tố có thể giúp mẹ nhận diện sữa mẹ có tốt không chính là lượng sữa mẹ tiết ra mỗi khi cho bé bú. Cụ thể:

  • Trong suốt 24 giờ sau sinh, thận của bé còn rất non nớt nên chưa thể xử lý được một lượng lớn chất lỏng. Vì thế, trong suốt 24 giờ đầu tiên, mẹ thường tiết ra khoảng 35ml sữa non và em bé bú khoảng 7 – 14ml mỗi lần.
  • Từ 1 – 6 tháng tiếp theo, mỗi ngày em bé cần 600 – 900ml sữa. Vì vậy, lượng sữa của mẹ sinh ra cần cung cấp đủ tối thiểu cho nhu cầu mỗi ngày của bé.
  • Từ tháng thứ 6 – 12, mỗi bé trung bình cần 700 – 1200ml sữa mỗi ngày kết hợp với việc ăn dặm. Vì thế, mẹ cần sản sinh lượng sữa tối thiểu này để bé được hưởng đầy đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ.

chat-luong-sua-me-nhu-the-nao-la-tot-1-voh

Lượng sữa mẹ tiết ra khi cho bé bú cũng có thể giúp mẹ đánh giá sữa mẹ có tốt không (Nguồn: Internet)

2.3 Tình trạng sức khỏe của mẹ

Mẹ cũng có thể đánh giá được sữa mẹ chất lượng và tốt không thông qua sức khỏe của mình. Trong suốt thời gian cho con bú, nếu mẹ thật sự khỏe mạnh, tâm lý thoải mái, ăn uống ngon miệng...thì sữa mẹ sẽ luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn mẹ hấp thụ sẽ được chuyển hóa tới nguồn sữa.

Tuy nhiên, nếu trong thời gian cho con bú, mẹ bị ốm phải sử dụng bất cứ một loại thuốc nào thì sữa mẹ có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Một số trường hợp được các bác sĩ khuyến cáo không nên cho con bú sữa mẹ là:

  • Mẹ bị sốt, cảm lạnh không sử dụng thuốc theo chỉ định.
  • Mẹ bị động kinh.
  • Mẹ bị viêm gan.
  • Mẹ mắc bệnh HIV.

2.4 Thông qua sự phát triển của con

Sự phát triển của trẻ cũng có thể đánh giá được phần nào chất lượng của sữa mẹ. Bởi khi sữa mẹ tốt, về nhiều và giàu dinh dưỡng sẽ giúp bé phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn trí tuệ. Vì thế, mẹ có thể quan sát cân nặng và sự nhanh nhạy của trí não trẻ để nhận định về chất lượng lượng sữa mẹ:

  • Trong 3 tháng đầu đời, trẻ tăng khoảng 1 – 1.2kg/tháng. Từ tháng thứ 3 – 6 tăng khoảng 600g. Càng về sau cân nặng của bé sẽ càng tăng chậm hơn, mỗi tháng chỉ tăng từ 300 – 400g.
  • Trong vòng 12 tháng đầu tiên, chiều dài của bé sẽ tăng lên khoảng 1.5 lần. Chu vi vòng đầu tăng lên khoảng 11cm khi bé được 12 tháng tuổi.

3. Làm thế nào để cải thiện chất lượng sữa mẹ?

Mẹ có thể cải thiện chất lượng sữa bằng cách áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm. Nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu sắt, canxi và những thực phẩm làm mát sữa như cà rốt, gạo lứt... Ngoài ra, cũng nên tránh những loại thức ăn có tính cay, nóng.
  • Nên ăn các loại  thực phẩm có khả năng làm tăng tiết sữa để bé yêu có được nguồn dinh dưỡng dồi dào.
  • Duy trì tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng để giúp sữa ổn định.
  • Dành nhiều thời gian cho bé
  • Cho bé bú theo nhu cầu và bú đúng cách. Nếu đi làm xa, mẹ hãy vắt sữa mẹ và trữ sữa đúng cách để giúp bé có thể hưởng được nguồn dinh dưỡng quý giá này.