Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng của sữa ong chúa và một số điều cần biết trước khi sử dụng.
1. Sữa ong chúa là gì?
Sữa ong chúa là sản phẩm được tiết ra từ tuyến trong hầu dưới của ong thợ 7 ngày tuổi trở đi, được chứa trong một ổ riêng để nuôi ong chúa hoặc ấu trùng ong chúa. Tuy trong 2 – 3 ngày, lượng sữa ong thợ tiết ra chỉ khoảng 0.5ml, song các nhà sản xuất đã “đánh lừa” bằng cách thiết kế lỗ đựng sữa ong giả từ sáp ong và ấu trùng ong để thu chiết được nhiều sữa nhất.
Hiện nay có hai loại sữa ong chúa chính, gồm:
- Sữa ong chúa tươi: ở nhiệt độ thường, sữa ong chúa tươi sền sệt, quyện lại như các loại bơ, màu hơi ngà vàng, vị hơi chua nhẹ và nhanh tan.
- Sữa ong chúa viên: đã được chưng cất, làm khô và khử nước thành dạng bột rồi đóng thành viên nang.
2. Sữa ong chúa có tác dụng gì với sức khỏe?
Là thành phẩm quý giá từ quá trình “chắt chiu” kì công và cần mẫn của những chú ong thợ, sữa ong chúa được đánh giá là nguồn cung cấp đa dạng dưỡng chất, gồm các axit amin, vitamin B, vitamin E hay chất chống oxy hóa. Theo đó, nếu sử dụng sữa ong chúa với lượng hợp lý và khoa học, chúng ta có thể nhận được những tác dụng tuyệt vời như sau:
2.1 Phục hồi năng lượng
Đối với người mới ốm dậy hoặc bị suy nhược cơ thể, bổ dung sữa ong chúa có tác dụng phục hồi năng lượng khá hữu hiệu bằng cách tăng tiếp nạp nhiều nhóm axit amin quan trọng. Lúc này, bạn có thể tham khảo pha sữa ong chúa với nước ấm, thêm chút mật ong rồi uống vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để tăng cường sức khỏe.
2.2 Tốt cho não bộ
Một số nghiên cứu đã nhận thấy tác dụng tiềm năng của sữa ong chúa trong việc giảm thiểu stress và tăng cường khả năng ghi nhớ. Hoạt chất phenolic được tìm thấy trong loại sữa này sẽ tăng kết nối các tế bào thần kinh, đồng thời bảo vệ mô thần kinh không bị tổn thương, từ đây đảm bảo duy trì tốt chức năng não bộ.
Xem thêm: Thường xuyên hỏi lại những câu hỏi mà người khác đã trả lời có nguy cơ bị mất trí nhớ tạm thời
2.3 Điều hòa kinh nguyệt
Theo phân tích dinh dưỡng, lượng vitamin E được tìm thấy trong sữa ong chúa tương đối dồi dào, trung bình 100g sữa chứa khoảng 5mg vitamin E, đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu hàng ngày mà nữ giới cần. Dưỡng chất này khi vào cơ thể sẽ góp phần điều tiết đủ lượng estrogen, giảm co thắt tử cung và xoa dịu cơn đau bụng kinh.
2.4 Kiểm soát đường huyết
Sữa ong chúa được xếp vào nhóm thực phẩm khá lành mạnh dành cho người bệnh tiểu đường. Sữa mang mùi thơm dịu, vị chua nhẹ, đặc biệt các tinh chất của sữa có khả năng tăng độ nhạy insulin và làm chậm tốc độ chuyển hóa đường glucose vào, hạn chế tình trạng đường huyết tăng cao đột ngột.
Xem thêm: Công dụng tuyệt vời của sữa ong chúa chỉ dành riêng cho người bệnh tiểu đường
2.5 Tăng cường sức đề kháng
Bổ sung sữa ong chúa vào chế độ dinh dưỡng là cách giúp bạn chủ động tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Theo đó, các vitamin nhóm B điển hình mà sữa ong chúa mang lại như vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3 hay vitamin B5 đều đảm nhiệm vai trò không nhỏ đối với hệ miễn dịch, tăng khả năng “chống chọi” với mầm bệnh cũng như giảm tỉ lệ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
2.6 Bảo vệ tim mạch
Duy trì sử dụng sữa ong chúa đúng cách có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch, phòng chống tình trạng xơ vữa động mạch. Đặc biệt, điều này cũng để lại tác động tích cực tới sức khỏe tim mạch, tăng cường sức co bóp cơ tim và duy trì huyết áp ổn định.
2.7 Cải thiện thị lực
Một trong những tác dụng của sữa ong chúa không thể quên nhắc tới đó là bảo vệ đôi mắt cũng như cải thiện thị lực hiệu quả. Các dưỡng chất từ sữa sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ kích thích tiết nước mắt, khắc phục hiện tượng khô mắt, mỏi mắt, nhằm ngăn chặn các tổn thương ở giác mạc.
2.8 Phòng chống ung thư
Nhờ chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa, điển hình như vitamin C và vitamin E, sữa ong chúa có tác dụng ức chế hoạt động của gốc tự do, ngăn ngừa sự tấn công tế bào. Từ đó hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
2.9 Hỗ trợ làm lành vết thương
Không chỉ “giúp sức” phòng chống sự phát triển của tế bào ung thư, vitamin C cùng vitamin E còn tham gia tổng hợp collagen, gia tăng tế bào sừng để đẩy nhanh quá trình lành vết thương.
3. Tác dụng của sữa ong chua trong làm đẹp
Bên cạnh các công dụng cải thiện sức khỏe, sữa ong chúa còn nổi tiếng là một mỹ phẩm tự nhiên giúp nuôi dưỡng làn da trắng sáng và mịn màng. Thông thường chúng ta sẽ pha chế sữa ong chúa để uống, song trong liệu trình chăm sóc da, bạn có thể áp dụng đắp mặt nạ sữa ong chúa. Tinh chất từ sữa thẩm thấu vào da, tái tạo da và “bật sáng” vùng da xỉn màu, thâm sạm.
4. Ai không nên dùng sữa ong chúa
Mặc dù sữa ong chúa có tác dụng tốt cho sức khỏe song đối với một số nhóm đối tượng sau đây cần cân nhắc và hạn chế dùng sữa ong chúa.
4.1 Hạn chế cho trẻ em sử dụng
Vì sữa ong chúa có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể nên đối với trẻ em và thanh thiếu niên có sự phát triển bình thường thì không nên dùng. Nếu trẻ em dùng nhiều sữa ong chúa thì dễ bị phát dục sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và tâm sinh lý sau này.
Sữa ong chúa thích hợp cho những trẻ em chậm phát triển cơ thể, còi cọc, biếng ăn, suy dinh dưỡng,…hơn là những đứa trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ chưa đủ 2 tuổi thì cũng không nên bổ sung loại sữa này vào khẩu phần ăn của con.
Xem thêm: Dấu hiệu giúp kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và người lớn
4.2 Người dị ứng phấn hoa
Mặc dù phấn hoa đem lại nhiều công dụng hữu hiệu với sức khỏe nhưng nếu bạn có tiền sử dị ứng với các loại mật ong tự nhiên, dị ứng phấn hoa thì không nên sử dụng sữa ong chúa, vì bạn có thể bị những phản ứng nghiêm trọng khi sử dụng sữa ong chúa.
4.3 Người bệnh hen suyễn
Người bị bệnh hen suyễn có thể gặp những triệu chứng bệnh nặng hơn khi sử dụng sản phẩm này, đặc biệt là đối với sữa ong chúa tươi hoặc sữa ong chúa nguyên chất.
4.4 Người bệnh ung thư vú
Sữa ong chúa cũng được chứng minh tác dụng cải thiện estrogen, tốt cho phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Thế nhưng với những người bị ung thư vú thì việc tăng estrogen lại kích thích sự phát triển của tế bào ung thư.
4.5 Người bị huyết áp thấp
Sữa ong chúa có tác dụng hạ huyết áp nên không thích hợp cho những người bị huyết áp thấp.
4.6 Người đau bụng đi ngoài
Trong sữa để nuôi ong chúa có chất độc của nọc ong, gây rối loạn công năng của đường ruột. Vì vậy, người đau bụng đi ngoài không nên dùng sữa ong chúa.
5. Hướng dẫn cách bảo quản sữa ong chúa
Thông thường, người ta đựng sữa ong chúa trong các bình thủy tinh và đặt trong tủ lạnh để bảo quản trong vòng 1 năm, nếu nhiệt độ ở mức - 20 độ C thì có thể bảo quản trong vài năm. Nếu không có tủ lạnh thì nên trộn sữa ong chúa với mật ong để bảo quản với tỷ lệ 5 phần sữa ong chúa và 95 phần mật ong.
Khi sữa ong chúa chuyển sang màu đen hoặc những màu khác màu trắng ngà hay màu sắc của hỗn hợp sữa ong chúa không đều màu, vị chua gắt, mùi khó chịu,…là sữa ong chúa đã bị hư, bạn không nên sử dụng. Sữa ong chúa bị hư khi hòa tan với nước và mật ong sẽ không tan đều, tạo ra sự phân lớp rõ rệt. Đây là cách để bạn kiểm tra xem sữa ong chúa có bị hư hay không.
Xem thêm: Giới hạn thời gian khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh là bao lâu?
6. Thành phần dinh dưỡng của sữa ong chua
Hàm lượng một số vitamin được tìm thấy trong 100g sữa ong chúa được phân tích như sau:
- Vitamin A: 1.10 mg
- Vitamin B1: 2.06 mg
- Vitamin B2: 2.77 mg
- Niacin (B3): 42.42 mg
- Vitamin B5: 52.80 mg
- Vitamin B6: 11.90 mg
- Vitamin B9: 0.40 mg
- Vitamin B12: 0.15mg
- Vitamin C: 2.00 mg
- Vitamin D: 0.2 mg
- Vitamin E: 5.00mg
Có thể nói rằng, sữa ong chúa chính là một siêu thực phẩm mang tới vô vàn dưỡng chất tinh túy và rất cần thiết cho sức khỏe đúng không nào?! Hãy nhớ sử dụng đúng cách, đúng thời điểm để tận dụng trọn vẹn những lợi ích tuyệt vời từ loại sữa hảo hạng này nhé!