Chờ...

Sơ cứu đuối nước ở trẻ em sao cho đúng cách?

( VOH ) - Theo các số liệu thống kê thì có khoảng 50% tình trạng trẻ em bị đuối nước ở Việt Nam. Vậy làm thế nào để ngăn chặn và sơ cứu kịp thời tình trạng đuối nước ở trẻ em hiện nay ?

Ở nước ta, vấn đề đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em đã và đang khiến xã hội rất quan tâm. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới vào năm 2015, Việt Nam có hơn 11.500 trẻ em bị chết đuối, tỉ lệ đứng thứ 2 trên thế giới.

Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc cho biết, đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước khi đi tắm biển, tắm hồ,… rất thương tâm. Tuy nhiên, nếu trong các trường hợp đuối nước ở trẻ em được phát hiện và xử lý kịp thời thì vẫn sẽ có khả năng cứu sống.

1. Cơ chế khi một người bị đuối nước như thế nào?

Đuối nước (chết đuối) là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc làm tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước.

Khi một người bị ngộp nước, phản xạ đầu tiên của cơ thể là làm ngưng thở, tim đập chậm lại để nước không tràn vào bên trong. Tuy nhiên, vì tim đập chậm khiến cho máu và oxy cung cấp đến các cơ quan và não bị ít đi và chính việc này mới là nguyên nhân gây nguy hiểm cho cơ thể.

so-cuu-tai-cho-dung-cach-voi-tinh-trang-duoi-nuoc-o-tre-em-VOH

Trẻ bị đuối nước cần phải được sơ cấp cứu kịp thời trong 5 phút đầu tiên (Nguồn: Internet)

Thông thường, cơ thể chúng ta chỉ có thể ngưng thở đối đa trong khoảng thời gian là 5 phút. Sau 5 phút nếu chúng ta không thở trở lại thì cơ thể con người sẽ chết dần, não bắt đầu đi vào hôn mê. Do đó, trong những trường hợp trẻ bị đuối nước quá 5 phút nếu không được sơ cấp cứu kịp thời sẽ rất khó cứu chữa.

2. Đuối nước ở trẻ em – Giải pháp sơ cứu tại chỗ

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê cho biết, với những trường hợp trẻ bị đuối nước thì  5 phút đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần phải đưa nạn nhân ra khỏi vùng nước và xử lý sơ cấp cứu trong vòng từ 1 – 4 phút đầu tiên.

  • Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước, hãy ném cho nạn nhân một cái phao, một khúc gỗ, hoặc một sợi dây để giúp họ lên bờ (trong trường hợp bạn không biết bơi).
  • Nếu nạn nhân đã bất tỉnh thì có thể dùng thuyền (nếu có) hoặc hô hoán, nhờ sự giúp đỡ của người khác. Trong trường hợp biết bơi thì có thể bơi ra để cứu người.

Khi đưa được nạn nhân lên bờ, đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt đất bằng phẳng. Nếu thấy nạn nhân tím tái không tự thở được, ngực nạn nhân không nhấp nhô, các vị trí cổ tay, hai bên cổ không thấy mạch đập thì cần phải tiến hành cấp cứu ngay.

2.1 Cách sơ cấp cứu người bị đuối nước

Đối với người bị đuối nước, ấn tim là bước cực kỳ quan trọng. Để thực hiện động tác ấn tim cần tìm đúng vị trí một nửa dưới xương ức để thực hiện ấn tim. Đối với người lớn nên dùng 2 tay đặt chồng lên nhau để ấn. Với trẻ nhỏ thì có thể dùng 1 tay. Còn với em bé thì chỉ cần dùng 2 ngón tay xếp sát nhau hoặc 1 ngón tay là đã đủ lực ấn.

so-cuu-tai-cho-dung-cach-voi-tinh-trang-duoi-nuoc-o-tre-em-1-VOH

Với trẻ nhỏ chỉ cần dùng 2 ngón tay xếp sát nhau hoặc 1 ngón tay để thực hiện động tác ấn tim (Nguồn: Internet)

Khi thực hiện ấn tim cần lưu ý:

  • Nếu chỉ thực hiện sơ cấp cứu một mình thì sau khi ấn nhịp tim 30 nhịp sẽ tiến hành hà hơi thổi ngạt 2 lần.
  • Nếu thực hiện 2 người, sau khi ấn nhịp tim 15 lần sẽ hà hơi thổi ngạt 2 lần.

Quá trình ấn tim và hà hơi thổi ngạt cần được thực hiện liên tục cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài ra, trong quá trình sơ cấp cứu đuối nước ở trẻ em hay người lớn cũng cần nhớ phải khai thông đường thở của nạn nhân bằng cách dùng gạc hay khăn vải để móc đờm, dị vật ra khỏi miệng.

Tuy nhiên, tuyệt đối không được móc dị vật mù (dị vật không nhìn thấy được) hoặc xốc cõng nạn nhân vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bị đuối nước.

2.2 Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện sơ cấp cứu đuối nước

Sau khi đã thực hiện sơ cứu đuối nước thành công cho bệnh nhân chúng ta cần chú ý để việc giữ ấm cơ thể để thân nhiệt bệnh nhân không bị xuống thấp, cơ thể mệt mỏi.

Một vấn đề khác cần đặc biệt lưu ý là tình trạng phù phổi cấp sau khi đuối nước. Đó là lý do vì sao sau khi thực hiện sơ cấp cứu đuối nước cần đưa ngay nạn nhân đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra chuyên sâu bên trong.

Không nên nhảy xuống nước nếu bạn không biết bơi, hoặc không được huấn luyện cách đưa người đuối nước còn tỉnh lên bờ.

Ngoài ra, để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, bác sĩ Hạnh Lê khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ tập bơi nếu trẻ đến tuổi tập bơi hoặc tạo điều kiện để trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi. Không để trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ… để giảm thiểu tối đa những trường hợp xấu xảy ra.

Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê tại audio bên dưới:

Bình luận