Hóc dị vật và 3 sai lầm thường gặp khi sơ cứu trẻ

(VOH) – Hóc dị vật là một tai nạn thường gặp nhất ở trẻ. Chính vì thế việc hạn chế được những nguyên nhân cũng như sai lầm trong cách xử trí tại chỗ sẽ bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của trẻ.

1. Nguyên nhân nào gây hóc dị vật ở trẻ em?

Có thể nói dị vật đường thở là một trong những tai nạn thường gặp và phổ biến ở trẻ em, và thậm chí gây nguy hiểm tính mạng của trẻ nếu không được xử trí đúng cách. 

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến (BV Nhi Đồng TP) trẻ bị hóc dị vật có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

  • Trẻ khóc, la hoặc đùa giỡn trong lúc ăn uống.
  • Trẻ uống thuốc dạng viên, không được nghiền nhuyễn. 
  • Trẻ chơi những loại đồ chơi nhỏ, có thể bỏ vừa vào miệng.

hoc-di-vat-va-3-sai-lam-thuong-gap-khi-so-cuu-tre-voh

Hóc dị vật là tai nạn thường gặp nhất ở trẻ nhỏ (Nguồn: Internet)

Đây là những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị hóc dị vật đường thở. Cha mẹ cần phải lưu ý để giúp ngăn chặn hoặc có thể nhận biết sớm những dấu hiệu cho thấy trẻ bị hóc dị vật đường thở để giúp xử trí kịp thời.

2. Cách xử trí trẻ bị hóc dị vật và những sai lầm thường gặp

Bác sĩ Minh Tiến cho biết, những trẻ nhỏ khi bị hóc dị vật sẽ biểu hiện ra bên ngoài đầu tiên là: ho sặc sụa kéo dài, tím tái (gọi là hội chứng xâm nhập). Tuy nhiên, trẻ bị hóc dị vật sẽ phân là 2 nhóm và mỗi nhóm sẽ có những hướng xử trí khác nhau:

2.1 Hóc dị vật gây tắc nghẽn một phần đường thở

Là trường hợp trẻ bị hóc dị vật nhưng vẫn còn nói được, khóc được, la được (đường thở trẻ còn thông). 

Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ ngồi trong 1 tư thế phù hợp, thường sẽ là tư thế bé ngồi vào lòng cha/mẹ, cha/mẹ dùng cánh tay ôm bé, để bé chồm người về phía trước hoặc là bồng theo kiểu vác trên vai. Vừa trấn an con vừa nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

2.2 Hóc dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở

Là trường hợp trẻ bị hóc dị vật nhưng không thể khóc, la hoặc nói được, bé trợn mắt, tím tái. Trường hợp này có nghĩa là đường thở của bé đã bị tắc nghẽn do dị vật chèn ngang.

Với những trẻ bị hóc dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn thì bắt buộc phải thực hiện sơ cứu tại chỗ, bởi chậm trễ có thể khiến bé gặp nguy hiểm tính mạng.

  • Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên: Thường sẽ được áp dụng thủ thuật Heimlich. Cụ thể, người sơ cứu sẽ nắm một bàn tay thành hình nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại. Sau đó ấn mạnh vô vùng thượng vị của trẻ. Người sơ cứu đứng ở phía sau trẻ và vòng tay lại phía trước để ấn từ dưới lên trên. Ấn một cách dứt khoát 5 cái liên tiếp trong một đợt. Kỹ thuật này có thể sử dụng từ 6 - 10 đợt nếu như dị vật chưa bị đẩy ra ngoài.  
  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Thì có thể sử dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

hoc-di-vat-va-3-sai-lam-thuong-gap-khi-so-cuu-tre-1-voh

Lấy dị vật đường thở cần phải được thực hiện đúng kỹ thuật (Nguồn: Internet)

2.3 Những sai lầm thường gặp khi xử trí trẻ bị hóc dị vật

Bác sĩ Minh Tiến cho rằng, mặc dù sơ cứu trẻ bị hóc dị vật là rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, không vì thế mà các bậc cha mẹ có thể làm bừa bãi. Việc áp dụng sai kỹ thuật, sai phương pháp có thể khiến dị vật vào sâu bên trong, hoặc nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy não vô cùng nguy hiểm.

Dưới đây là một số sai lầm khi xử trí tình trạng hóc dị vật ở trẻ mà cha mẹ thường gặp:

  1. Lấy tay móc dị vật

Lấy tay móc dị vật là một sai lầm mà rất nhiều người thường mắc phải. Việc dùng tay móc dị vật vốn không thể lấy được dị vật ra ngoài mà còn có thể gây sang chấn tại chỗ, gây chảy máu, sưng nề xung quanh khoang miệng, đường thở càng sưng sẽ càng bị chít hẹp và điều đó càng làm trẻ khó thở hơn.

  1. Cho bé uống nước

Đây cũng là một trong những sai lầm thường gặp ở những trẻ bị hóc dị vật, nhất là đối với nhóm trẻ ăn bột bị sạc hít vô đường thở. Nhiều phụ huynh cho rằng, khi trẻ bị hít sặc bột nếu uống nước sẽ làm cho bột trôi xuống dưới. Tuy nhiên, thực tế không đúng, khi trẻ uống nước sẽ khiến bột trong khoang miệng, đường thở càng nở ra và nó sẽ càng khiến cho đường thở bị chèn ép nhiều hơn.

  1. Xử trí hóc dị vật bằng cách “Chổng ngược bé xuống”

Theo bác sĩ Minh Tiến, việc dốc ngược trẻ xuống để đẩy dị vật ra ngoài là vô cùng nguy hiểm. Xét về mặt kỹ thuật, đây là một phương pháp khó, đòi hỏi người thực hiện phải nắm vững các kỹ năng thực hiện. Việc cầm chân trẻ và chổng ngược bé xuống trong trường hợp trẻ đã vùng vẫy là không hề dễ dàng, nếu chẳng may rớt xuống sẽ vô cùng nguy hiểm vì có thể gây chấn thương sọ não hoặc nặng hơn.

Chưa kể đến việc vùng đầu của trẻ em thường sẽ nặng tương đối hơn so với đầu người lớn và những cơ xung quanh để giúp giữ phần đầu cũng rất là mỏng manh do dây chằng còn rất yếu. Vì thế, nếu vùng cổ trẻ bị tác động mạnh có thể sẽ gây gãy, trật các đốt sống, đặc biệt là C1 đến C3 (tức là những đốt sống nằm gần với hộp sọ), sẽ khiến trẻ bị chấn thương cột sống cổ và có thể gây liệt.

3. Có thể phòng ngừa trẻ bị hóc dị vật bằng cách nào?

Điều đầu tiên là cha mẹ cần phải hạn chế được những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị hóc dị vật. Theo đó, với những trẻ dưới 5 tuổi cha mẹ cần nhớ:

  • Khi cho trẻ ăn trái cây nên lấy hết hột ra, cắt thành miếng vừa ăn để tránh tình trạng dị vật đường thở.
  • Khi sử dụng thuốc nên dùng thuốc dạng siro hoặc dạng thuốc gói pha nước. Nếu dùng thuốc viên phải nghiền nhuyễn trước khi cho bé uống.
  • Khi cho trẻ chơi đồ chơi nên cho trẻ chơi các loại đồ chơi có kích thước lớn để tránh tình trạng trẻ ngậm vô miệng. Trẻ càng nhỏ thì các loại đồ chơi của bé phải càng lớn và kích thước đường kính nhỏ nhất phải đạt 5cm để ngăn ngừa tình trạng trẻ nuốt đồ chơi.

Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải có sự giám sát, không được chủ quan bởi điều đó sẽ giúp rất nhiều trong việc phòng ngừa những tai nạn đối với trẻ nhỏ nói chúng và hóc dị vật nói riêng.