Thiếu xương phải làm sao?

(VOH) - Thiếu xương là tình trạng khối lượng xương thấp hơn so với bình thường, tuổi càng cao càng có nguy cơ bị thiếu xương. Vậy bị thiếu xương phải làm sao?

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ! 

Tôi năm nay 75 tuổi, cách đây 4 năm tôi có đi đo mật độ xương, kết quả T-score là -3.5. Sau khi bác sĩ cho tôi uống thuốc một thời gian, tôi đi đo lại thì T-score còn -3. Cách đây khoảng 1 tháng, tôi đi đo lại thì T-score là -2.2, vậy tiến triển này có tốt không bác sĩ? Ngoài ra, cột sống thắt lưng từ L1 – L4, người ta ghi là thiếu xương. Vậy thiếu xương là gì và làm sao để khắc phục? nhờ bác sĩ giải đáp.

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Tiến triển như chị vừa mô tả là rất tốt. Tình trạng của chị là đã có loãng xương rồi và quá trình điều trị như vậy là hiệu quả. Từ T-score –3.5 và cho đến bây giờ chỉ còn -2.2. Người ta kết luận loãng xương khi T-score là -2.5 và bây giờ chị đã lùi về trước loãng xương, tức là T-score -2.2. 

Thông thường, T-score từ -1.8 đến -2.5 đó là tình trạng thiếu xương. Việc điều trị của chị có hiệu quả, vì vậy chị nên tiếp tục để chấm dứt tình trạng thiếu xương luôn, điều này sẽ tốt cho chị.

Nếu chị đã qua giai đoạn loãng xương rồi thì hãy vận động lại nhiều hơn một chút để không còn bị thiếu xương nữa, đồng thời giữ cho xương được chắc khỏe. Việc vận động hợp lý có thể giúp chị phòng ngừa loãng xương quay trở lại và tránh được những biến chứng do loãng xương gây ra. 

thieu-xuong-phai-lam-sao-voh

Phụ nữ mãn kinh dễ bị thiếu xương và loãng xương (Nguồn: Internet)

Do chị đang ở cái tuổi 75 nên có nhiều yếu tố nguy cơ như mãn kinh rồi thì nội tiết tố bị suy giảm, không còn thành phần ức chế các hoạt động hủy xương. Do đó, nếu chị ngừng điều trị, không cung cấp đủ các thành phần của canxi, vitamin D,…cũng như không vận động, không tập luyện thì nó sẽ trở lại với tình trạng thiếu xương và đưa đến loãng xương.

Như vậy, chị vẫn sẽ tiếp tục các chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nếu quá trình lão hóa làm răng rụng thì chúng ta hãy làm răng hoặc nếu không thì chúng ta hãy xay nhuyễn các thực phẩm để dễ ăn và hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn.

Bên cạnh đó là vấn đề tập luyện, ở cái tuổi này thì chị nên tập dưỡng sinh hoặc đi bộ và chú ý đến việc phơi nắng. Buổi sáng, chị có thể ra ngoài hiên nhà ngồi phơi nắng, mặc áo cánh để cơ thể hấp thu ánh nắng mặt trời, thời gian thích hợp là từ 7 giờ đến 8 giờ sáng hoặc có thể kéo dài đến 9 giờ. Ngoài việc ngồi phơi nắng thì chị có thể tập luyện, vung tay, vung chân hoặc vịn vào một cây cột hay một cái cây nào đó cho chắc rồi đong đưa cái chân. Chị nói cột sống thắt lưng L1 – L4 bị thiếu xương thì việc tập luyện này cũng có thể giảm đau và mỏi lưng hơn cho chị. 

Tóm lại, chị cần tập luyện đúng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, phơi nắng và duy trì việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó bộ xương của chị sẽ chắc khỏe. 

Bạn có thể nghe trực tiếp lời giải đáp của bác sĩ Bay tại audio bên dưới: