Chờ...

Pressing là gì? Cách thoát pressing hiệu quả cho gen Z

VOH - “Pressing” là một trong những thuật ngữ mới nổi và đang được các bạn trẻ sử dụng rộng rãi. Vậy “pressing” là gì?

Những ngày gần đây, khi lướt mạng xã hội, dân tình sẽ dễ dàng bắt gặp từ “pressing” hay “thoát pressing”. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và hiểu rõ các thuật ngữ này. Hãy cùng VOH tìm hiểu “pressing” là gì cũng như cách “thoát pressing” hiệu quả khi gặp “flex” nhé!

“Pressing” là gì? 

“Pressing” nghĩa là gì? Đây là một thuật ngữ xuất hiện trong bóng đá, là một lối chơi được nhiều đội bóng yêu thích. 

Khi dịch sang tiếng Việt, “pressing” có nghĩa là ép, ấn vật gì đó. Hiểu đơn giản, nó là chiến thuật đá bóng mà trong đó các cầu thủ phải liên tục di chuyển, áp sát để lấy bóng từ chân đối thủ. Đôi khi việc “pressing” không giúp bạn đoạt được bóng nhưng có thể tạo áp lực khiến cầu thủ đối phương khó có cơ hội phối hợp và phản công. 

Lối đá “pressing” thường được chia làm 3 loại, gồm có:

  • Pressing tầm thấp
  • Pressing tầm trung
  • Pressing tầm cao
Pressing là gì? Cách thoát pressing hiệu quả cho gen Z 1
Pressing là một lối đá được nhiều đội bóng ưa chuộng và áp dụng trong thi đấu - Ảnh: Canva

Pressing tầm thấp

“Pressing” tầm thấp (low-press) là tạo áp lực lên đối phương ngay tại phần sân nhà để cướp bóng. Sau khi kiểm soát được bóng thì cả đội sẽ tổ chức phản công nhanh.

Lối chơi này vô cùng phù hợp với các đội bóng ưa chuộng chiến thuật phòng thủ phản công. Bởi nó mang lại sự vững chắc, an toàn cho khung thành đội nhà. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ghi bàn, đội bóng cần có những “nhân tố” tốc độ, khả năng tấn công nhanh.

Pressing tầm trung

“Pressing” tầm trung (midfield-press) là tạo áp lực và làm chủ toàn bộ khu vực giữa sân, không cho đội bạn cơ hội tổ chức tấn công. Lối chơi này không chỉ đảm bảo phòng ngự tốt mà còn tổ chức tấn công hiệu quả. 

Pressing tầm cao

“Pressing” tầm cao (high-press) là tạo áp lực tối đa trên phần sân của đối phương. Một số cầu thủ tấn công đảm nhận nhiệm vụ áp sát, tấn công liên tục về phần sân đội bạn. Lúc này, các cầu thủ trung vệ sẽ được đẩy lên chơi ở vị trí giữa sân để phòng thủ và thu hồi bóng. 

Xem thêm:
‘Ô dề’ là gì? Ý nghĩa cụm từ ‘làm quá nó ô dề lố lăng’ trên tiktok, facebook
Ý nghĩa của cụm từ "Mãi đỉnh", "Đỉnh kout" trên MXH facebook, tiktok là gì?
“Khét đấy” và “Khét lẹt” là gì? Nguồn gốc cụm từ “Khét đấy” trên facebook

“Thoát pressing” là gì?

Nếu “pressing” là gây sức ép thì “thoát pressing” là cách thoát khỏi áp lực mà đối thủ tạo ra. Các cầu thủ có thể “thoát pressing” thường có kỹ thuật cá nhân, khả năng kiểm soát bóng tốt và biết xử lý bóng để vượt qua đối phương.

Trong cuộc sống hằng ngày, thuật ngữ “pressing” và “thoát pressing” được sử dụng khá phổ biến. Ví dụ, trong một cuộc tranh luận, khi đối phương dùng những lý lẽ, luận điểm để gây áp lực lên bạn, đó gọi là “pressing”. Ngược lại, nếu bạn có thể vượt qua những áp lực đó và chiếm thế chủ động thì bạn đã “thoát pressing” thành công

Pressing là gì? Cách thoát pressing hiệu quả cho gen Z 2
Các cầu thủ có kỹ năng tốt thường sẽ biết cách vượt qua đối thủ để thoát pressing - Ảnh: Canva

Lối chơi “pressing” bắt nguồn từ đâu?

Bàn về nguồn gốc của lối đá “pressing”, có nhiều giả thuyết cho rằng, chiến thuật này đã xuất hiện trong những năm 1960 và 1970. Nó được tạo ra bởi 2 huấn luyện viên Hennes Weisweiler và Rinus Michels khi dẫn dắt các đội bóng ở Đức (Borussia Dortmund, Bayern Munich).

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại nhận định, huyền thoại người Áo - Ernst Happel chính là cha đẻ của lối chơi “pressing”. Năm 1970, ông đưa Feyenoord tham dự giải cúp C1 với đội hình chủ yếu dựa trên 2 yếu tố là bẫy việt vị và “pressing”.

Vì sao “pressing” trở nên phổ biến?

Bóng đá được xem là môn thể thao vua. Vì vậy, những nội dung xoay quanh các trận bóng cũng được mọi người quan tâm và bàn tán sôi nổi. Sở dĩ, thuật ngữ “pressing” trở nên phổ biến như hiện nay là nhờ vào bình luận hài hước, dí dỏm của một ký giả nổi tiếng về bóng đá. Bình luận đó được “giang cư mận” chụp lại và nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ trên khắp cõi mạng. 

Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn lập ra các fanpage để “đu” trào lưu “pressing” khi lục lại một số bình luận với những pha “hỏi xoáy đáp xoay” của người ký giả này. Từ đó, kéo theo hàng trăm meme giải trí ra đời. 

Xem thêm:
“Ủa gì dợ” là gì? Cụm từ "Ủa gì dợ" trên facebook, tiktok bắt nguồn từ đâu?
'Tới công chuyện' - câu nói hot trend khuấy đảo cộng đồng mạng
‘Chằm Zn’ là gì mà ai ai cũng nói thế? Trầm cảm với teencode của Gen Z!

Cách “thoát pressing” đỉnh cao cho gen Z

Sau khi nắm rõ ý nghĩa cũng như nguồn gốc về “pressing”, bạn đã biết cách để “thoát pressing” hiệu quả chưa? Dưới đây là 5 nguyên tắc vượt qua áp lực khi ai đó gây sức ép lên bạn. 

Giữ bình tĩnh và đáp trả hài hước

Khi ai đó tạo áp lực hay dùng lời lẽ xúc phạm, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh. Sau đó, hãy ứng đáp khéo léo, tinh tế bằng cách đưa ra câu trả lời mang tính chất hài hước và thông minh. 

Pressing là gì? Cách thoát pressing hiệu quả cho gen Z 3
Thiền mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm stress, giải tỏa căng thẳng hiệu quả - Ảnh: Canva

Đừng sử dụng ngôn từ quá sắc bén, gây tổn thương như đối phương. Thay vào đó, những lời nói cà khịa nhưng dí dỏm sẽ giúp họ hiểu ra rằng, bạn không thích bị cư xử như vậy. 

Thừa nhận một số lời chỉ trích

Đôi khi đối phương không cố ý tạo áp lực, có thể là do họ chưa biết cách diễn đạt cảm xúc của bản thân thật khéo léo và nhẹ nhàng. Điều này đã vô tình khiến bạn khó chịu.

Khi rơi vào tình huống đó, bạn có thể chấp nhận lời chỉ trích của đối phương. Tuy nhiên, hãy thể hiện cho họ biết những lời nói ấy đã gây ra hậu quả gì và ảnh hưởng như thế nào đến bạn.

Gây áp lực ngược lại

Nếu bạn bị đối phương “pressing” thì cách nhanh nhất để “thoát pressing” chính là đặt câu hỏi ngược lại bằng những câu hỏi tại sao, vì sao, hỏi để làm gì. Bạn hãy để đối phương trải qua cảm giác tương tự và xem họ phản ứng như thế nào.

Bằng cách này, bạn sẽ có nhiều thời gian suy nghĩ và tìm ra đáp án phù hợp để đáp trả đối phương.

Thay đổi chủ đề nói chuyện

Khi ai đó nói điều gì khiến bản thân không thoải mái, bạn hãy tìm cách thay đổi nội dung cuộc trò chuyện. Nếu chủ đề hấp dẫn, người kia có thể sẽ làm theo sự dẫn dắt của bạn đấy.

Pressing là gì? Cách thoát pressing hiệu quả cho gen Z 4
Hãy cố gắng thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện để đối phương không còn quá tập trung vào vấn đề cũ - Ảnh: Canva

Đây là một trong những cách “thoát pressing” hiệu quả. Đồng thời, hạn chế được việc đối phương gây tổn thương, xúc phạm hay can thiệp vào chuyện đời tư của bạn. 

Giải quyết dứt điểm vấn đề

Nếu người nào đó xúc phạm bạn mà họ không nhận ra, bạn nên trao đổi thẳng về hành vi ấy. Hãy cho đối phương biết rằng, bạn cảm thấy bị tổn thương, không thoải mái với những gì họ đang nói. 

Điều này không những thể hiện sự tôn trọng mà còn tạo cơ hội để đối phương xem xét và thay đổi hành vi của bản thân. 

Ngôn ngữ của giới trẻ ngày càng đa dạng và sống động. Hy vọng những thông tin bổ ích trên đây, bạn đã hiểu hơn về “pressing” là gì cũng như biết cách “thoát pressing” thành công. 

Đừng quên theo dõi VOH - Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.