Sóng gió vẫn còn đó với Taliban

(VOH) - Ngày 23/11, lực lượng Taliban chính thức trải qua 100 ngày lãnh đạo đất nước đầu tiên. Dù hơn 3 tháng trôi qua, giới phân tích nhận định lực lượng này chưa thực sự “làm chủ” Afghanistan.

Trong khi đó, các dự báo cho thấy tình hình chính trị Afghanistan sắp tới có nhiều biến động. 

Sóng gió vẫn còn đó với Taliban 1

Một thành viên Taliban cầm súng đứng gác trên đường tại Kabul, Afghanistan, hôm 4/9. Ảnh: Reuters.

Lực lượng Taliban đang cầm quyền tại Afghanistan ngày 21/11 ra một sắc lệnh yêu cầu các kênh truyền hình tại nước này ngừng phát sóng các chương trình có sự tham gia của các nữ nghệ sỹ. Các học giả nữ cũng phải mang khăn trùm đầu theo cách mà Taliban diễn giải từ luật Hồi giáo.

Sắc lệnh này là một phần trong loạt hướng dẫn mới do Bộ Đức hạnh và Phòng chống tội phạm ban hành. 1 trong 8 chỉ thị do cơ quan này ban hành khẳng định các phim điện ảnh và truyền hình không nên có sự xuất hiện của các diễn viên nữ.

Chính sách mới được cho là nhằm ngăn chặn các đài truyền hình trình chiếu hình ảnh những người phụ nữ bị coi là hở hang hoặc ‘không mảnh vải che thân’ từ đầu gối đến ngực. Taliban bảo vệ quyết định của mình, cho rằng chỉ thị này nhằm chống lại việc tuyên truyền ‘vô đạo đức’ và phát sóng các hình ảnh ‘đi ngược lại các nguyên tắc của Luật Hồi giáo Sharia’.

Phong trào Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan từ giữa tháng 8 sau cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ. Trái ngược với các lời hứa về một chính phủ bao trùm, Taliban đã lập ra một nội các toàn nam giới. Lực lượng này cũng xóa bỏ Bộ Phụ nữ và lấy trụ sở của cơ quan này để dành cho Bộ Đức hạnh và Phòng chống tội phạm.

Ngay lập tức, việc Taliban thành lập Bộ mới này cũng như công bố các điều luật ngăn cấm vai trò của phụ nữ trong xã hội đã gặp phải các phản ứng của dư luận. Hồi tuần trước, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi xây dựng một chính phủ bao trùm hơn ở Afghanistan khi chứng kiến các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái bị cắt giảm dưới sự cai trị của Taliban.

Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy một Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan do Taliban dựng lên chưa thực sự hoàn hảo. Nó cho thấy 100 ngày tồn tại đầu tiên của Tiểu vương quốc Hồi giáo (tên gọi của Nhà nước do Taliban thành lập ở Afghanistan) diễn ra không hề êm đẹp.

Ở trong nước, tình hình an ninh liên tục xáo trộn, bất an với mối đe dọa khủng bố do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (ISIS-K) tạo ra. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang ngày càng mở rộng hoạt động ra hầu hết địa phương trên khắp Afghanistan, thách thức khả năng điều hành an ninh của Taliban trong thời gian tới.

Trong khi đó, người dân Afghanistan phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng với nạn đói, thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế và hệ thống phúc lợi xã hội gần như đã sụp đổ.

Nguồn lực duy nhất mà Taliban có thể hy vọng để vực dậy nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng nhân đạo là hơn 9 tỷ đô la Mỹ tài sản gửi ở nước ngoài. Tuy nhiên, khối tài sản thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Afghanistan này đã bị Mỹ phong tỏa kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước. Các khoản vay và viện trợ nhân đạo cho Afghanistan của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã bị đóng băng kể từ thời điểm đó.

Chính vì thế, nỗ lực đáng kể nhất của chính quyền Taliban trong 100 ngày qua là việc thúc đẩy đối thoại với thế giới bên ngoài, tìm kiếm khả năng được quốc tế công nhận.

Các quan chức ngoại giao Taliban đã hết sức nỗ lực tiếp cận và thuyết phục các quốc gia trong khu vực hỗ trợ cho Afghanistan. Mục tiêu là tìm kiếm khả năng đối thoại và xây dựng hình ảnh của Nhà nước Hồi giáo mới này với thế giới bên ngoài.

Ở chiều ngược lại, đại diện của ít nhất 6 quốc gia cũng đã tới Kabul để trực tiếp làm việc với Chính phủ do Hebatullah Akhundzada, lãnh tụ Tối cao của Taliban đứng đầu. Trong 100 ngày qua, đã có 6 hội nghị ở quy mô khu vực và quốc tế bàn về tương lai của Afghanistan được tổ chức.

Iran, Pakistan, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc đều đã đứng ra chủ trì các cuộc họp bàn về tình hình và khả năng giúp đỡ người dân tại đây. 

Dù vậy, chưa cho một quốc gia nào, một thể chế nào đứng ra công nhận chính quyền do Taliban lập ra từ ngày 15/8. Các hội nghị quốc tế tập trung và nhấn mạnh chủ yếu vào các chủ đề khác như việc thành lập chính phủ bao trùm, nhân quyền, tự do biểu đạt, quyền giáo dục và vấn đề việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, cũng như làm sao để Afghanistan không trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố và nổi loạn.

Trả lời hãng tin TOLONews, cựu cố vấn của bộ Ngoại giao Afghanistan Fakhruddin Qarizada cho rằng: “Chính sách đối ngoại và bang giao của Taliban đang bị giới hạn trong một số quốc gia láng giềng và khu vực trong vòng 100 ngày vừa qua. Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi xem liệu Taliban có thực hiện các cam kết mà họ đã hứa trước đó hay không”.

Thực hiện các cam kết đã hứa hẹn với cộng đồng quốc tế. Đó chính là thách thức lớn nhất đối với Nhà nước Aghanistan do Taliban điều hành hiện nay. 

Chừng nào Taliban chưa cho thấy được quyết tâm và sự tin cậy trong lời nói và hành động của mình, rất khó để chính quyền do họ lập được thế giới công nhận chứ đừng nói tới việc hỗ trợ.