Prebiotic là gì? Prebiotic và probiotic khác nhau như thế nào?

(VOH) – Thuộc nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa, song ‘prebiotic là gì’ vẫn là thắc mắc rất phổ biến. Vậy tác dụng của prebiotic với sức khỏe thế nào và hoạt động ra sao?

Tuy là một thuật ngữ không mấy quen thuộc với chúng ta nhưng trên thực tế, cơ thể luôn cần phải được cung cấp đủ lượng prebiotic thông qua khẩu phần ăn hàng ngày. Do đó, việc tìm hiểu kĩ lưỡng về tác dụng của prebiotic cùng cách bổ sung an toàn sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả nhất.

1. Prebiotic là gì?

Theo các tài liệu nghiên cứu, prebiotic là chất dinh dưỡng từ thực phẩm, hoạt động với các đặc tính khá tương đồng với chất xơ, không dễ tiêu hóa ở ruột non và dạ dày. Nhiệm vụ chính của nhóm chất này sẽ thúc đẩy sự phát triển của những lợi khuẩn kí sinh trong ruột già của hệ tiêu hóa. Hiện nay, prebiotic chủ yếu được phân loại thành 2 nhóm:

  • Galacto-oligosaccharides (GOS): nhóm prebiotic này được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, với cấu trúc hóa học gồm galactose và lactose liên kết với nhau.
  • Fructo-oligosaccharides (FOS): đây là nhóm prebiotic điển hình mà thực phẩm thuộc nhóm thực vật đem lại, chủ yếu có sự liên kết giữa glucose và fructose trong cấu trúc.
prebiotic-la-gi-prebiotic-va-probiotic-khac-nhau-nhu-the-nao-voh-0
Nhóm chất prebiotic từ thực phẩm khi vào cơ thể sẽ trở thành nguồn sống cho các lợi khuẩn kí sinh ở đường ruột (Nguồn: Internet)

2. Prebiotic và probiotic khác nhau như thế nào?

Phần lớn nhiều người trong chúng ta có thể sẽ nhầm lẫn prebiotic với probiotic, thế nhưng prebiotic và probiotic hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

  • Probiotic: cách gọi chung cho tập hợp các chủng vi khuẩn có lợi tồn tại trong đường ruột để cân bằng hệ vi sinh, đồng thời điều hòa hoạt động tiêu hóa.
  • Prebiotic: được biết như nguồn thức ăn quan trọng nuôi sống probiotic, từ đây gián tiếp tác động tới các cơ quan của hệ tiêu hóa.

Xem thêm: Probiotic là gì? 6 tác dụng của probiotic với sức khỏe người lớn và cả trẻ nhỏ

3. Tác dụng của prebiotic với sức khỏe

Nhờ có những đặc điểm nổi bật trên đây, các tác dụng của prebiotic đã và đang để lại các ảnh hưởng tích cực tới sức khỏe, hỗ trợ phòng ngừa cũng như cải thiện một số vấn đề thường gặp như:

3.1 Cải thiện hoạt động tiêu hóa

Như đã phân tích, prebiotic khi vào cơ thể sẽ trở thành “nguồn sống” của những lợi khuẩn probiotic đang kí sinh ở đường ruột, nuôi dưỡng chúng khỏe mạnh nhằm ức chế hoạt động của vi khuẩn có hại. Từ đây góp phần kích thích nhu động ruột, bảo đảm quá trình hấp thu, chuyển hóa thực phẩm và bài tiết chất thải diễn ra trơn tru.

3.2 Phòng chống ung thư ruột kết

Một trong những tác dụng của prebiotic nhất định phải kể tới chính là giúp phòng chống ung thư ruột kết. Prebiotic sẽ tái tạo và làm vững chắc hơn các tế bào lót của ruột kết, bảo vệ thành ruột không bị tổn thương, giảm thiểu tối đa sự phát triển khối u.

prebiotic-la-gi-prebiotic-va-probiotic-khac-nhau-nhu-the-nao-voh-1
Prebiotic góp phần "làm dày" lớp lót ở ruột kết, phòng ngừa ung thư (Nguồn: Internet)

3.3 Bảo vệ tim mạch

Rất nhiều phân tích y khoa nhận thấy rằng prebiotic rất cần thiết cho sức khỏe hệ tuần hoàn nói chung và tim mạch nói riêng. Khi cơ thể được cung ứng đủ prebiotic, lượng lợi khuẩn axit lactic sẽ tăng lên, từ đó đảo thải lượng cholesterol xấu tích tụ ở thành mạch và bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.

Xem thêm: Nếu muốn có một hệ tim mạch khỏe mạnh hãy làm ngay những điều này

3.4 Hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng

Trong các phương pháp hỗ trợ điều trị viêm da dị ứng, đặc biệt với nhóm trẻ sơ sinh, việc tăng lượng probiotic cũng thường được xem xét tới. Lúc này, bổ sung prebiotic để “chăm sóc” lợi khuẩn probiotic lớn mạnh là điều cần ưu tiên thực hiện.  

3.5 Kiểm soát đường huyết

Vốn mang nhiều đặc tính của chất xơ (chất xơ hòa tan) nên tác dụng của prebiotic giúp kiểm soát đường huyết được đánh giá khá cao. Theo đó, các thực phẩm giàu prebiotic thường đòi hỏi thời gian phân giải ở đường ruột lâu hơn, giảm tốc độ chuyển hóa đường glucose vào máu và ngăn ngừa tình trạng gia tăng đường huyết đột ngột.

Xem thêm: Bệnh tiểu đường nên ăn gì để kiểm soát đường huyết hiệu quả?

3.6 Tăng hấp thu khoáng chất

Tác dụng của prebiotic với quá trình hấp thu khoáng chất tới nay vẫn đang được tiến hành nghiên cứu sâu rộng hơn. Dù vậy, một số thí nghiệm trên động vật cho thấy cả 2 nhóm prebiotic FOS cùng GOS đều tham gia thủy phân axit phytic, tăng khả năng tiếp nạp các khoáng chất, nhất là canxi.

4. Các thực phẩm chứa prebiotic nên bổ sung

Prebiotic không phải là chất dinh dưỡng “xa xôi” bởi các chuyên gia sức khỏe chia sẻ rằng nguồn thực phẩm cung cấp dưỡng chất này vô cùng phong phú và dễ tìm kiếm. Hãy tham khảo tìm mua các nhóm thực phẩm dưới đây để chủ động bổ sung prebiotic cho cơ thể:

4.1 Rau củ

Đứng đầu trong danh sách thực phẩm chứa prebiotic chắc chắn không thể bỏ qua nhóm rau củ. Điều này là bởi lượng prebiotic được tìm thấy trong hầu hết các loại rau củ đều chiếm từ 20 – 50% thành phần dinh dưỡng, giúp cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột.

prebiotic-la-gi-prebiotic-va-probiotic-khac-nhau-nhu-the-nao-voh-2
Rau củ là nguồn cung cấp dồi dào prebiotic (Nguồn: Internet)

4.2 Trái cây

Bên cạnh rau xanh, bạn cần phải tăng cường ăn đa dạng các loại trái cây bởi đây là nhóm thực phẩm giàu prebiotic không hề “kém cạnh”. Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm bất cứ loại quả nào vào thực đơn dinh dưỡng, song quả táoquả chuối là nguồn prebiotic rất dồi dào được khuyến khích bổ sung.

4.3 Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt cũng là nhóm thực phẩm chứa prebiotic mà bạn nên xem xét bổ sung vào khẩu phần ăn. Điển hình phải kể đến yến mạch, lúa mạch, hạt kê hay gạo lứt,…

Xem thêm: Ngũ cốc nguyên hạt: Thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được

4.4 Các loại đậu

Thưởng thức các món ăn từ các loại đậu vừa giúp bạn tiếp nạp nguồn chất đạm thực vật lành mạnh vừa mang tới lượng lớn prebiotic tốt cho hệ tiêu hóa nữa đấy!

5. Một số khuyến cáo khi bổ sung prebiotic

Có thể thấy rằng vai trò của prebiotic với cơ thể con người vô cùng quan trọng nhưng nếu chúng ta không bổ sung đúng khoa học thì vẫn để lại tác động xấu tới sức khỏe. Vì vậy, đừng quên thực hiện đúng các lưu ý an toàn này:

  • Hạn chế sử dụng các chế phẩm sinh học hay thuốc bổ sung prebiotic khi chưa có chỉ định chuyên khoa.
  • Không dùng thực phẩm giàu prebiotic quá nhiều trong một bữa, tránh tình trạng bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi chướng bụng hoặc tiêu chảy cấp.
  • Nếu đang điều trị bệnh và uống thuốc đặc trị, cần tham khảo bác sĩ về liều lượng thực phẩm chữa prebiotic phù hợp trong thực đơn.

Để “nâng cấp” hoạt động của hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể, cơ thể chúng ta không chỉ cần riêng lẻ các chủng lợi khuẩn probiotic mà còn đòi hỏi có đủ lượng prebiotic – “nhiên liệu” đầu vào nuôi sống chúng. Hy vọng những thông tin về prebiotic được chia sẻ trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn vai trò và cách bổ sung điều độ, hợp lý nhóm dưỡng chất này nhé!