8 giải đáp cho bạn nếu chưa biết ăn rau húng lủi có tác dụng gì

(VOH) – Rau húng lủi vốn được biết đến là ‘thành viên’ khá quen thuộc trong nhóm các rau thơm của ẩm thực Việt. Nhưng ăn rau húng lủi có dụng gì với sức khỏe thì chưa hẳn ai cũng rõ đâu đấy!

Giống như nhiều loại rau thơm khác, rau húng lủi cũng là một “gia vị” đi kèm với khá nhiều món ăn hấp dẫn, tuy nhỏ nhưng nếu bỏ sót thì sẽ không còn trọn vị. Đặc biệt, khi nhắc đến rau húng lủi, các chuyên gia dinh dưỡng thường xếp loại rau này vào nhóm dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Cùng khám phá thêm trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn lý do vì sao tác dụng của rau húng lủi vẫn luôn được đánh giá cao như vậy nhé.

1. Rau húng lủi và bạc hà có giống nhau?

Rau húng lủi (húng dũi hay húng nhủi) là một loại rau húng thuộc họ Hoa môi, chi Bạc hà, phần lá nhỏ, màu xanh đậm và quanh viền có răng cửa, thân thuôn tròn, màu nâu tím. Cùng thuộc chi Bạc hà, lại có hình dáng tương đối giống nhau nên rau húng lủi và bạc hà (lá bạc hà) rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, đây là hai loại rau khác nhau, bởi nếu “tinh ý” bạn sẽ nhận thấy kích thước của lá bạc hà “nhỉnh hơn” rau húng lủi và có vị cay, ngát hương hơn.

8-giai-dap-cho-ban-neu-chua-biet-an-rau-hung-lui-co-tac-dung-gi-voh-0
Rau húng lủi nhỏ, ít cay hơn lá bạc hà (Nguồn: Internet)

2. Ăn rau húng lủi có tác dụng gì với sức khỏe?

Tưởng chừng chỉ là loại rau ăn kèm dân dã song thực tế rau húng lủi lại được xếp vào danh sách thảo dược quý, cung cấp đa dạng chất chống oxy hóa cùng các vitamin thiết yếu. Chính vì thế, “thêm thắt” rau húng lủi trong bữa ăn hàng ngày sẽ mang tới cho bạn những lợi ích sức khỏe tuyệt vời như:

2.1 Giảm viêm họng

Cũng như lá bạc hà, rau húng lủi có chứa hoạt chất tạo menthol với đặc tính kháng khuẩn, làm dịu cổ họng và giảm các cơn ho dai dẳng khá hiệu quả. Lúc này, bạn hãy ăn kèm rau trong bữa ăn, cố gắng nhai thật nhuyễn nhỏ để hấp thu tối đa lượng tinh chất.

2.2 Kích thích tiêu hóa

Vừa góp phần gia tăng hương vị cho các món ăn, rau húng lủi vừa hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và tăng khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng của đường ruột. Tinh chất được tiết ra từ phần lá sẽ kích thích sản sinh dịch túi mật, đẩy nhanh quá trình bài tiết chất thải, hạn chế tối đa chứng đầy bụng khó tiêu.

Xem thêm: 12 loại thực phẩm bạn nên ăn nếu muốn có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh

2.3 Phòng chống ung thư

Theo phân tích dinh dưỡng, rau húng lủi là một trong những loại rau thơm rất giàu chất chống oxy hóa, kể đến như limonen hay cineol. Các dưỡng chất này khi vào cơ thể có nhiệm vụ tạo lớp bảo vệ tế bào không bị các gốc tự do tấn công, giảm thiểu tối đa tỉ lệ hình thành khối u và ngăn ngừa các bệnh ung thư nguy hiểm.

2.4 Tốt cho răng miệng

Cineol được tìm thấy từ rau húng lủi vốn có tính kháng viêm và sát khuẩn mạnh. Nhờ vậy, nếu chúng ta nhai kĩ rau, lượng chất sẽ thẩm thấu vào khoang miệng, “tiêu diệt” vi khuẩn gây mùi hôi miệng cũng như tình trạng viêm sưng chân răng. Từ đây giúp bạn chủ động bảo vệ hàm răng sáng khỏe, duy trì hơi thở thơm mát và tự tin giao tiếp hơn.

8-giai-dap-cho-ban-neu-chua-biet-an-rau-hung-lui-co-tac-dung-gi-voh-1
Tinh chất menthol từ rau húng lủi cũng có tác dụng giảm tình trạng hôi miệng (Nguồn: Internet)

2.5 Giảm mùi cơ thể

Không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe răng miệng, ăn rau húng lủi còn có tác dụng giảm mùi cơ thể. Tinh chất bạc hà menthol cùng các nhóm chất chống oxy hóa sẽ tham gia điều tiết hoạt động của tuyến mồ hôi, đồng thời ức chế vi khuẩn tạo mùi khó chịu.

Xem thêm: Nên và không nên ăn gì để cơ thể luôn thơm mát trong mùa hè?

2.6 Củng cố xương chắc khỏe

Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng nhận thấy rằng khoáng chất mà rau húng lủi đem lại tương đối phong phú, gồm canxi, đồng, magie hay kẽm. Tiếp nạp thêm những dưỡng chất này từ rau là cách bạn chủ động tăng cường độ dẻo dai của xương khớp, đảm bảo kết nối chặt chẽ giữa các khớp xương cũng như phòng ngừa loãng xương sớm.

2.7 Cải thiện thị lực

Một trong những tác dụng của rau húng lủi có thể bạn chưa biết tới đó là đáp ứng lượng lớn vitamin A mà cơ thể cần hàng ngày. Điều này sẽ đảm bảo hình thành sắc tố ở võng mạc, ngăn chặn tổn thương ở giác mạc và duy trì tốt thị lực của bạn.

2.8 Trị côn trùng cắn

Theo y học cổ truyền, hương thơm dịu nhẹ cùng tinh chất tiết ra từ rau húng lủi chính là “khắc tinh” của các loại côn trùng. Cụ thể, bạn có thể nấu nước rau húng lủi, để nguội rồi dùng khăn vải thấm nước, thoa nhẹ nhàng lên vùng da bị muối, kiến hay các côn trùng khác đốt, tình trạng sẽ cải thiện đáng kể đấy.

Xem thêm: Bác sĩ mách bạn mẹo chữa ngứa ngoài da vô cùng đơn giản và hiệu quả

3. Bà bầu ăn rau húng lủi được không?

Vốn là rau xanh có mùi thơm dễ chịu, dễ ăn và hợp vị với nhiều món ngon hấp dẫn, thế nhưng các chuyên gia dinh dưỡng thường không khuyến khích bổ sung rau húng lủi vào khẩu phẩn ăn dưỡng thai. Theo đó, bà bầu cần tránh ăn rau húng lủi trong thai kì, nhất là ở giai đoạn 3 tháng đầu (kì tam cá nguyệt thứ nhất), nhằm phòng ngừa tình trạng co thắt tử cung và nguy cơ xuất huyết, sảy thai.  

4. Hướng dẫn cách trồng rau húng lủi

Nhìn chung, giá thành của rau húng lủi không quá đắt đỏ và có thể tìm mua dễ dàng. Tuy vậy nếu có hứng thú với công việc làm vườn, muốn tự tay trồng rồi thu hái rau tại nhà thì bạn có thể tham khảo hướng dẫn cách trồng rau húng lủi đơn giản sau đây:

8-giai-dap-cho-ban-neu-chua-biet-an-rau-hung-lui-co-tac-dung-gi-voh-2
Trồng rau húng lủi tại nhà bằng chiết cành hoặc gieo hạt (Nguồn: Internet)

4.1 Cách trồng rau húng lủi bằng cành (nhánh)

Phương pháp trồng rau húng lủi bằng cành chính là cách chiết cành già của cây rồi trồng thành một cây mới.

  • Chọn các cành húng lủi già, cứng và dài khoảng 10 – 15cm, chú ý tỉa bớt lá.
  • Tiến hành trộn đất sạch với phân trùn quế theo tỉ lệ 1:1.
  • Cắm cành húng lủi nghiêng so với mặt đất khoảng 50 – 60 độ. Đặt cây trong bóng mát, có nắng nhẹ, duy trì tưới nước hàng ngày và bón phân 1 lần/tháng, sau khoảng 1.5 – 2 tháng tháng là có thể thu hoạch rau để thưởng thức.

Xem thêm: Hướng dẫn cụ thể về cách trồng rau xà lách tươi xanh mơn mởn

4.2 Cách trồng rau húng lủi bằng hạt

Bên cạnh cách giâm chiết cành, nhiều gia đình cũng lựa chọn cách trồng rau húng lủi bằng hạt. Tuy nhiên với phương pháp này thời gian thu hoạch sẽ lâu hơn một chút và bạn phải dành thời gian chăm sóc tỉ mỉ.

  • Chọn mua hạt giống rau húng lủi từ nguồn cung cấp uy tín.
  • Sau khi mua hạt về, tiến hành ngâm nở hạt trong nước ấm khoảng 50 độ C từ 3 – 4 tiếng, theo tỉ lệ nước nóng và nước lạnh là 2:3.
  • Trộn đất sạch với phân trùn quế với công thức 1:1, trút vào thùng xốp hoặc chậu.
  • Gieo hạt xuống đất sâu khoảng 1 – 2cm, đặt ở khu vực mát mẻ, không nắng gắt. Chú ý tưới nước đều đặn hàng ngày và bón phân 1 lần/tháng.

5. Một số lưu ý cần biết khi ăn rau húng lủi

Không thể phủ nhận rằng rau húng lủi nhỏ bé mang đến cho cơ thể khá nhiều chất dinh dưỡng quý giá, song để chúng có thể phát huy tốt công dụng của mình thì bạn phải đảm bảo sử dụng hợp lý, khoa học. Do vậy, xin nhắc bạn một vài lưu ý an toàn sau khi ăn rau húng lủi:

5.1 Tránh sử dụng quá nhiều

Chỉ nên dùng húng lủi như một loại rau thơm ăn kèm, tuyệt đối không lạm dụng quá nhiều hay ăn liên tục nhiều ngày. Mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 30 – 50g rau húng lủi, trong tuần khoảng 2 – 3 lần là tốt nhất.

Xem thêm: Ăn rau sống như thế nào để không gây hại cho sức khỏe?

5.2 Không nên cho trẻ nhỏ ăn

Khi chế biến các món ăn cho trẻ ăn dặm, cha mẹ nên hạn chế thêm rau húng lủi để phòng tránh tối đa các rủi ro sức khỏe.

5.3 Không thay thế thuốc đặc trị

Ăn rau húng lủi có tác dụng cải thiện sức khỏe nhưng chỉ mang tính bổ trợ và không thay thế hoàn toàn cho thuốc đặc trị. Vì thế hãy tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời sử dụng rau húng lủi với lượng vừa phải.

6. Thành phần dinh dưỡng của rau húng lủi

Hàm lượng của một số chất dinh dưỡng điển hình có trong 100g rau húng lủi được phân tích như sau:

  • Vitamin A: 141%
  • Vitamin C: 53%
  • Canxi: 243 mg
  • Đồng: 329 µg
  • Sắt: 5.08 mg
  • Magiê: 80 mg
  • Mangan: 1.176 mg
  • Kẽm: 1.11 mg

Thật khó để tưởng tượng hương vị của món ăn Việt sẽ bớt hấp dẫn ra sao nếu không có sự “góp mặt” của các loại rau thơm độc đáo như rau húng lủi. Dù vậy bạn cũng hãy nhớ dùng rau với một lượng hợp lý để hấp thu trọn vẹn dưỡng chất và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất nhé!