Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tác dụng của trần bì trong y học cổ truyền

(VOH) - Vỏ quýt thường được vứt đi sau khi ăn nhưng ít ai biết tác dụng của trần bì ( vỏ quýt phơi khô ) là vô cùng đa năng, trị được rất nhiều bệnh thường gặp.

1. Trần bì là gì ?

Trần bì là vỏ quýt khô (tên khoa học Pericarpium Citri Reticulatae) là một vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền đồng thời cũng là một gia vị truyền thống trong ẩm thực Trung Hoa.

Tập tục sử dụng vỏ cam quýt trong y học cổ truyền Trung Quốc có nguồn gốc từ thời nhà Tống và đã tồn tại bảy trăm năm, nổi tiếng nhất ở thời đại nhà Minh và nhà Thanh.

Theo Đông y, vỏ quả quýt vị cay đắng, tính ôn, vào tỳ, phế, có tác dụng làm ấm dạ dày, kiện tỳ, lý khí, hoá đờm, tiêu tích, chỉ khái, có mùi thơm độc đáo nhờ chứa nhiều tinh dầu, có vị ngọt nhưng dư vị là cay nồng và đắng. Trần bì giòn, dễ bẻ gãy và để càng lâu thì càng tốt.

bat-ngo-voi-tac-dung-cua-vo-quyt-phoi-kho-tran-bi-mang-den-cho-suc-khoe-voh

Trần bì giòn, dễ bẻ gãy và để càng lâu thì càng tốt (Nguồn: Internet)

Cách làm trần bì rất đơn giản, chỉ cần cắt nhỏ vỏ quýt, vỏ cam sau đó đem phơi khô hoặc sấy khô rồi lưu trữ lại để dành trị bệnh hay làm gia vị.

2. Thành phần hóa học của trần bì

Tinh dầu chiếm 2% và là thành phần chính của trần bì.

Các hoạt chất đóng vai trò quan trọng trong thành phần tinh dầu bao gồm: limonene, isopropenyl-toluen, humulene, hesperidin, vitamin B1, vitamin C.   

Ngoài ra vỏ quýt khô còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, C, E, K, B3, canxi, đồng, sắt, magie, mangan, beta carotene, kẽm, kali và nhiều chất khác.

3. Tác dụng của trần bì ( vỏ quýt khô ) qua các bài thuốc đông y

bat-ngo-voi-tac-dung-cua-vo-quyt-phoi-kho-tran-bi-mang-den-cho-suc-khoe-voh

Vỏ quýt phơi khô (trần bì) là một vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền (Nguồn: Internet) 

3.1 Chữa đầy bụng, khó tiêu

Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15 - 20 phút là có thể dùng được.

Chỉ uống khi nước còn nóng và bỏ xác.

3.2 Chữa rối loạn tiêu hóa do ăn uống không tiêu

Nguyên liệu: 10g trần bì, 10g thương truật, 10g hậu phác, 10g sinh khương, 6g thảo quả (nướng), 4g cam thảo, đại táo 3 quả.

Cách làm: Sắc uống ngày 1 thang, dùng khoảng 5 ngày.

3.3 Giúp ôn vị, chống nôn, dùng khi dạ dày lạnh, nôn ợ hơi

Thang quất bì: Quất bì 12g, gừng tươi 8g. Sắc uống.

3.4 Chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, tiêu chảy do tỳ hư

Nguyên liệu: Vỏ quýt sao thơm 12g, vỏ bưởi sao thơm 12g, gừng 3 lát.

Cách làm: Nấu vỏ quýt, vỏ bưởi, gừng với 200ml, sắc lấy 100ml chia 2 lần uống trong ngày và uống lúc nóng.

3.5 Chữa viêm họng, ho, viêm phế quản nhẹ

Trần bì 6g, cát cánh 6g, tô diệp 6g, cam thảo 4g,  sắc uống trong ngày.

3.6 Chữa ho có đờm (do cảm hàn)

Trần bì 6g, bạch linh 12g, khương bán hạ 6g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát, sắc uống ngày 1 thang.

3.7 Chữa ho đờm vướng trong cổ không ra được

Trần bì 8g, bán hạ 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.

3.8 Chữa ho suyễn nhiều đờm, tức ngực khó thở

Trần bì 12g, vỏ rễ dâu (tang bạch bì) 12g, xa tiền 12g, mía chẻ nhỏ 100g nấu với 300ml nước, sắc còn 100ml nước thuốc, chia nhiều lần uống trong ngày.

3.9 Trị ho mất tiếng

Trần bì 12g sắc với 200ml nước còn 100ml thêm đường đủ ngọt, chia uống nhiều lần trong ngày.

3.10 Trị viêm phế quản cấp tính

Trần bì 500g, cát cánh 125g, tô diệp 125g, cam thảo 1000g. Nghiền bột mịn, làm hoàn. Uống lúc sáng sớm và tối, mỗi lần 8g.

4. Tác dụng của trần bì ( vỏ quýt khô ) qua các món ăn

Ngoài công dụng chữa bệnh, trần bì ( vỏ quýt khô ) còn được sử dụng trong nấu ăn, trà và các loại đồ uống. Bạn có thể chế biến trần bì dưới dạng trà, nước giải khát hoặc làm các món mặn như salad và nước xốt.

bat-ngo-voi-tac-dung-cua-vo-quyt-phoi-kho-tran-bi-mang-den-cho-suc-khoe-voh

Các món ăn mang vị trần bì chẳng những lạ miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

4.1 Cháo trần bì

Chữa đầy bụng đau quặn, buồn nôn, nôn, ho có nhiều đờm.

Nguyên liệu: Trần bì 15 - 20g, gạo tẻ 150g

Cách làm:

  • Sắc hoặc hãm trần bì lấy nước. 
  • Đem nước sắc được nấu với gạo thành cháo. 
  • Khi ăn thêm chút đường, muối gia vị, tùy theo khẩu vị.

4.2 Gà hầm

Điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn

Nguyên liệu: Trần bì 3g, hồ tiêu 3g, riềng 6g, gà trống 1 con khoảng 1kg.

Cách làm:

  • Gà làm sạch, chặt miếng nhỏ, các vị thuốc cho vào túi vải xô.
  • Cho tất cả vào nồi, thêm nước, gia vị, đun nhỏ lửa, hầm nhừ.

4.3 Cháo trần bì, phục linh, đại táo

Chữa tinh thần phân liệt, trầm uất, kích động trong bệnh tâm thần

Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, đại táo 10 quả, trần bì 10g, phục linh 15g.

Cách làm: Trần bì, phục linh gói trong vải xô, đem nấu cháo cùng gạo tẻ và đại táo.

Khi cháo chín nhừ, lấy bỏ gói dược liệu, chia 2 lần ăn trong ngày.

4.4 Gà kho trần bì hương phụ

Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng đau loét dạ dày, tá tràng, trướng bụng đầy hơi, đau vùng thượng vị, đau thần kinh liên sườn, đau tức vùng ngực.

Nguyên liệu: Thịt gà 800g, trần bì 20g, hương phụ (sao dấm) 15g

Cách làm:

  • Trần bì, hương phụ nấu lấy nước, bỏ bã.
  • Thịt gà rửa sạch, chặt miếng.
  • Đem nước sắc kho với thịt gà đến khi cạn nước, cho thêm ít gừng tươi (đập vụn), hành, gia vị, đảo đều là được.

4.5 Gà hầm trần bì nhục quế

Dùng cho bệnh chứng lưu đàm (tương đương các chứng bệnh lao xương, lao khớp).

Nguyên liệu: Gà 1 con, trần bì 10g, nhục quế 6g

Cách làm:

  • Gà làm sạch, chặt miếng.
  • Trần bì rửa sạch thái mỏng.
  • Quế tán bột hoặc đập vụn.
  • Cho tất cả vào nồi, thêm nước, hầm chín, cho muối gia vị.

Ăn trong ngày, liên tục đợt 5 ngày.

4.6 Canh cá diếc trần bì

Dùng cho các trường hợp viêm thần kinh hậu nhãn cầu, viêm võng mạc trung tâm có các biểu hiện thị lực giảm, có cảm giác ruồi bay và ám điểm trước mắt, đau đầu đau nhức mắt, buồn nôn nôn.

Nguyên liệu: Cá diếc (hoặc cá chép) 1 con (khoảng 500g), trần bì 12g, quyết minh tử 10g.

Cách làm:

  • Cá đánh vảy bỏ ruột.
  • Trần bì, quyết minh tử gói trong vải xô cùng nấu với cá.
  • Khi cá chín nhừ lấy bỏ gói bã thuốc, thêm gia vị phù hợp.

Mỗi ngày cho ăn 1 lần, liên tục một đợt 5 - 10 ngày.

5. Những lưu ý khi sử dụng vỏ quýt (trần bì)

bat-ngo-voi-tac-dung-cua-vo-quyt-phoi-kho-tran-bi-mang-den-cho-suc-khoe-voh

Vỏ quýt phơi khô nhìn chung không có nhiều tác dụng phụ, nhưng vẫn cần lưu ý khi sử dụng (Nguồn: Internet)

  • Người âm hư ho khan không có đờm, thổ huyết không dùng trần bì.
  • Chỉ nên sử dụng trần bì đúng liều lượng vì việc dùng thuốc nhiều hơn sẽ không làm cải thiện tình trạng của bạn mà thậm chí còn có thể gây ra ngộ độc hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Nếu quên sử dụng 1 liều thuốc thì hãy dùng ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu khi nhớ ra quá gần thời điểm uống liều tiếp theo thì dùng liều tiếp theo và bỏ qua liều thuốc đã quên và không dùng thêm thuốc để bù vào liều đã quên. Sau đó tiếp tục dùng thuốc đúng lịch trình.
  • Theo Đông y, trong một số trường hợp sử dụng trần bì quá liều trong thời gian dài có thể gây hại đến nguyên khí. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng bất thường.

Mặc dù tác dụng của trần bì tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng sai cách hoặc lạm dụng quá mức sẽ gây ra các tác hại không mong muốn. Vì thế khi sử dụng trần bì để chữa bệnh thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Bình luận