Tiêu điểm: Nhân Humanity

‘Tránh xa’ tác hại của ớt chuông với sức khỏe nhờ các lưu ý này

(VOH) – Phần lớn các tác hại của ớt chuông thường xảy ra khi ta sử dụng thiếu khoa học. Do vậy, để hạn chế gặp phải ‘rắc rối’ về sức khỏe, bạn cần nằm lòng những lưu ý an toàn trong bài viết sau.

Với màu sắc rực rỡ, bắt mắt cùng hương vị giòn ngọt và nguồn vitamin dồi dào, các loại ớt chuông đã trở thành nguyên liệu rau quả độc đáo cho các món xào, món kho, salad hay thậm chí là nước ép. Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy, song nếu chúng ta quá lạm dụng ớt chuông trong khẩu phần ăn hàng ngày thì nguy cơ cao vẫn có thể mắc phải các tác dụng phụ.

1. Tác hại của ớt chuông cần biết và phòng tránh

Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa thực sự hiểu rõ nên ăn ớt chuông bao nhiêu là đủ để hấp thu trọn vẹn chất dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả nhất. Theo đó, các khuyến cáo dinh dưỡng chỉ ra rằng mỗi bữa chỉ nên ăn 1 – 2 trái ớt chuông, trong tuần khoảng 2 lần là hợp lý nhất.

Duy trì sử dụng theo liều lượng hợp lý này sẽ giúp bạn chủ động “tránh xa” một số tác hại của ớt chuông dưới đây:

1.1 Chướng bụng đầy hơi

Ớt chuông vốn thuộc nhóm rau quả khá giàu chất xơ, rất cần thiết cho hoạt động chuyển hóa dưỡng chất và bài tiết chất thải ở hệ tiêu hóa. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng, khi chúng ta tiếp nạp một lượng quá lớn chất xơ từ ớt chuông, dẫn tới dư thừa chất xơ thì tình trạng no căng, chướng bụng và ợ hơi rất dễ xuất hiện.

tranh-xa-4-tac-hai-cua-ot-chuong-voi-suc-khoe-nho-cac-luu-y-nay-voh-0
Ăn quá nhiều ớt chuông có thể khiến bạn bị đầy bụng, ợ hơi (Nguồn: Internet)

1.2 Không tốt cho chức năng của thận

Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong ớt chuông tương đương với hơn 200% nhu cầu mà cơ thể cần mỗi ngày (cao gấp 2 – 3 lần hàm lượng do trái cam hay trái chanh cung cấp).

Song cũng chính vì thế, việc lạm dụng hay chỉ tập trung ăn ớt chuông, không kết hợp đa dạng rau quả khác tiềm ẩn nguy cơ đẩy cơ thể rơi vào trạng thái dư thừa vitamin C, làm tăng nồng độ axit uric và oxalat trong nước tiểu. Điều này tác động không tốt tới chức năng của thận do sỏi có thể tích tụ ở ống niệu quản, gây sỏi thận.

Xem thêm: Điểm mặt’ 5 tác dụng phụ tiềm ẩn có thể xảy ra nếu bổ sung thừa vitamin C

1.3 Ảnh hưởng tới giấc ngủ

Gây gián đoạn giấc ngủ hay khó đi vào giấc ngủ được xem xét là một trong những tác hại tiềm ẩn khi sử dụng ớt chuông vượt lượng an toàn. Theo đó, giống như với nước cam hay nước chanh, nếu bạn dùng nước ép ớt chuông nhiều vào bữa tối, lượng vitamin C từ loại ớt ngọt này sẽ hoạt động như một chất xúc tác, tăng cảm giác hưng phấn khiến bạn trằn trọc, mất ngủ.

1.4 Tăng nguy cơ bị vàng da

Ớt chuông là một trong những thực phẩm giàu nhóm chất beta-carotene – thành tố cực kì cần thiết giúp duy trì thị lực, bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. Thế nhưng nếu hấp thu quá nhiều, khiến nồng độ hoạt chất này trong máu tăng cao, tỉ lệ mắc chứng vàng da sẽ tăng cao.

Xem thêm: Thấy triệu chứng vàng da, nguy cơ cao đang mắc các bệnh thuộc 4 nhóm nguy hiểm

2. Ăn ớt chuông có nóng không?

Có thể nói rằng tuy cùng là “thành viên” của chi ớt, nhưng ớt chuông thường có vị giòn ngọt và không cay nồng như các loại ớt tươi khác, bởi trong thành phần của loại ớt ngọt này chứa lượng rất nhỏ hoặc gần như không có capsaicin. Bên cạnh đó, nhờ đặc điểm khác biệt này, ăn ớt chuông cũng không gây ra hiện tượng nóng trong người hay bốc hỏa.

3. Ai không nên ăn ớt chuông?

Ớt chuông được đánh giá loại rau quả khá lành tính và thích hợp để bồi bổ sức khỏe cho các thành viên gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn không may thuộc đối tượng có tiền sử dị ứng với ớt, nổi mề đay, viêm da dị ứng thì lời khuyên là nên hạn chế dùng ớt chuông.

Ngoài ra, khi chế biến các món ăn cho trẻ dưới 3 tuổi, các mẹ cũng nên cần nhắc trước khi bổ sung ớt chuông vào thực đơn.

Xem thêm: Da mặt bị dị ứng gây ra do đâu? 3 cách ‘cấp cứu’ cho dị ứng da mặt đơn giản tại nhà

4. Hướng dẫn ăn ớt chuông đúng cách

Dưới đây là một số hướng dẫn ăn ớt chuông đúng cách mà bạn nên tham khảo áp dụng:

4.1 Ớt chuông ăn sống được không?

Theo chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng, sau khi ngâm rửa kĩ càng, bạn có thể ăn ớt chuông sống được để đảm bảo hấp thu trọn vẹn các dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C. Nhưng nếu bạn thường bị rối loạn tiêu hóa, tốt nhất hãy ăn ớt chuông đã nấu chín nhằm tránh khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

‘Tránh xa’ tác hại của ớt chuông với sức khỏe nhờ các lưu ý này 2
Ớt chuông ăn sống được nhưng bạn nên chú ý ngâm rửa sạch sẽ, kĩ càng (Nguồn: Internet)

4.2 Không chế biến quá lâu

Sử dụng ớt chuông đã chế biến chín là lựa chọn tối ưu, song hãy chú ý trong quá trình nấu nướng, nên thêm ớt chuông ở công đoạn cuối cùng, không đun nấu quá lâu ở nhiệt độ cao vì rất dễ thất thoát chất dinh dưỡng.

Xem thêm: Top 10 món ngon từ ớt chuông giúp bạn 'xuất chiêu' đãi cả nhà

4.3 Tránh tích trữ dài ngày

Nên chọn mua một lượng ớt chuông vừa đủ, lựa trái còn tươi ngon, nguyên vẹn và không bị mất cuống, nhũn hỏng. Cố gắng dùng hết trong thời gian từ 2 – 3 ngày, hạn chế tích trữ lâu.

Nhìn chung, nếu chú ý sử dụng hàm lượng an toàn và chế biến khoa học, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh các tác hại của ớt chuông. Vì vậy, khi quyết định thêm loại ớt này vào khẩu phần ăn, đừng quên thực hiện các lưu ý quan trọng trong bài viết trên đây bạn nhé!

Bình luận