Chờ...

Bà bầu ăn mướp có tốt không và 3 khuyến cáo an toàn nên biết

(VOH) – Khi mang thai, mẹ bầu luôn muốn tìm loại rau quả hợp vị của mình mà vẫn chứa đủ chất cho con. Vì thế dù nhiều mẹ mê các món ăn từ mướp song còn khá lo lắng liệu bà bầu ăn mướp có tốt không?

Có thể nói rằng, với các mẹ bầu việc tìm kiếm một loại rau quả an toàn cho thai kì tuy dễ mà lại khó bởi mẹ sẽ thường cảm thấy “rối bời” khi nhận được khá nhiều lời khuyên “nên ăn loại này, không nên ăn loại kia” từ mọi người.

Vậy nên để giúp mẹ an tâm bổ sung các món ngon từ mướp vào thực đơn dưỡng thai, bài viết dưới đây sẽ gửi đến mẹ giải đáp chính xác cho câu hỏi “Bà bầu ăn mướp có tốt không?”.

1. Bà bầu ăn mướp có tốt không?

Bên cạnh các loại rau xanh lá, mẹ bầu cũng được khuyến khích dùng thêm một số loại củ quả bổ dưỡng, trong đó quả mướp là một lựa chọn mà các chuyên gia dinh dưỡng luôn đánh giá cao. Do đó, mẹ hãy yên tâm rằng ở giai đoạn mang thai, bà bầu ăn mướp rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả những vấn đề thường gặp sau:

1.1 Giải nhiệt cơ thể

Mướp được xếp vào nhóm rau quả có tính hàn mát và chứa lượng nước cực kì dồi dào, chiếm tới hơn 90% tổng thành phần dinh dưỡng. Chính vì thế, để giải nhiệt cơ thể cũng như chủ động điều hòa thân nhiệt ổn định, mẹ bầu có thể tham khảo chế biến các món ăn thanh mát từ mướp đấy.

ba-bau-an-muop-co-tot-khong-va-3-khuyen-cao-an-toan-nen-biet-voh-0
Các món ăn thanh mát từ mướp sẽ giúp bà bầu giải nhiệt cơ thể (Nguồn: Internet)

1.2 Giảm táo bón thai kì

Không chỉ hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc, hàm lượng lớn nước từ mướp khi vào cơ thể còn đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng ở hệ tiêu hóa. Nước có khả năng “bôi trơn” ống tiêu hóa, làm mềm phân và đẩy chúng di chuyển trong đại tràng dễ dàng hơn, từ đây giảm thiểu rõ rệt tình trạng táo bón thai kì.

Xem thêm: Giải pháp giúp mẹ vượt qua chứng táo bón khi mang thai nhẹ nhàng

1.3 Phòng chống dị tật bẩm sinh

Theo phân tích dinh dưỡng, mướp cung cấp khá đa dạng các vitamin nhóm B, kể đến như vitamin B9, vitamin B5 hay vitamin B6. Đây đều là những hoạt chất cực kì cần thiết hỗ trợ hoàn thiện chức năng não bộ của thai nhi, đồng thời hạn chế nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh khi chào đời.

1.4 Cải thiện chứng đau nửa đầu

Do có sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể nên chứng đau nửa đầu khi mang thai (nhất là ở 3 tháng đầu tiên) vốn không phải là vấn đề hiếm gặp ở các mẹ bầu, có tỉ lệ xảy ra khá cao, lên tới hơn 80%. Nhằm sớm cải thiện vấn đề này, cùng với việc ngủ đủ giấc, thư giãn tâm trí, thì mẹ có thể tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhóm B như quả mướp trong khẩu phần ăn hàng ngày.  

Xem thêm: Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai và cách khắc phục

1.5 Khắc phục chứng chuột rút

Hiện tượng chuột rút khi mang thai sẽ xuất hiện tương đối dày đặc ở khoảng thời gian 3 tháng cuối thai kì, khi thai nhi ngày một lớn, tử cung mở rộng hơn chèn lên dây thần kinh và các cơ ở vùng bắp chân.

Tất nhiên chứng đau nhức này sẽ thuyên giảm sau khi sinh em bé nhưng chuyên gia dinh dưỡng vẫn khuyến khích mẹ bồi bổ những thực phẩm cung cấp thêm khoáng chất kali hay khoáng chất magie, trong đó mướp là một lựa chọn điển hình.

1.6 Duy trì thị lực tốt

Mướp đem đến lượng lớn vitamin A, tương đương với hơn 14% nhu cầu hàng ngày mà cơ thể cần. Dưỡng chất này sẽ kích thích tăng tiết nước mắt và thúc đẩy sản sinh sắc tố ở võng mạc, hỗ trợ khắc phục chứng mờ mắt khi mang thai.

ba-bau-an-muop-co-tot-khong-va-3-khuyen-cao-an-toan-nen-biet-voh-1
Hấp thu vitamin A từ mướp sẽ phần nào giúp mẹ cải thiện chứng mờ mắt (Nguồn: Internet)

1.7 Kiểm soát đường huyết ổn định  

Một số nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng sự thiếu hụt lượng khoáng chất magie ở nội bào và ngoại bào rất dễ gây ra bệnh tiểu đường.(1) Bởi khoáng chất này có khả năng kiểm soát quá trình tiết insulin và chuyển hóa đường glucose vào máu.

Thật may rằng nếu mẹ bầu chủ động bổ sung thực phẩm giàu magie như mướp trong thực đơn thì hoàn toàn có thể ngăn chặn bệnh tiểu đường thai kì.

Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có thật sự nguy hiểm không?

1.8 Làm đẹp da

Ngoài vitamin B hay vitamin A, mướp còn chứa hàm lượng vitamin C rất dồi dào, ngang với 20% giá trị hàng ngày. Nhóm vitamin này có đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp tăng tính đàn hồi ở lớp biểu bì dưới da, góp phần làm mờ vết rạn nứt và khô sạm ở vùng bụng vùng bắp chân hay bắp tay của mẹ bầu.

1.9 Tăng tiết sữa sau sinh

Mướp được đánh giá là một loại rau quả tốt cho cả thời kì dưỡng thai lẫn sau sinh em bé. Theo đó, trong khoảng thời gian đầu sau sinh, mẹ nên ăn thêm mướp luộc hoặc các món canh từ mướp để kích thích tăng tiết sữa cho bé bú.  

Xem thêm: 9 cách kích sữa về nhiều cho bé yêu no nê, bụ bẫm

2. Gợi ý món ngon từ mướp dành cho bà bầu

Những quả mướp xanh mướt, ngọt thơm và thanh mát thực tế lại là nguyên liệu của vô vàn món ngon, từ luộc, hấp đến xào đều rất hấp dẫn.

ba-bau-an-muop-co-tot-khong-va-3-khuyen-cao-an-toan-nen-biet-voh-2
Mẹ bầu có thể chế biến khá nhiều món ăn hấp dẫn từ mướp (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, công đoạn chế biến các món ngon từ mướp thường khá đơn giản, không quá cầu kì nên mẹ hãy thử tham khảo một vài gợi ý dưới đây nhé:

  • Canh mướp nấu lạc
  • Mướp xào lòng gà
  • Mướp hương xào nấm mèo trắng
  • Đậu hũ non xào mướp hương
  • Mướp hương nhồi tôm hấp
  • Canh mướp mồng tơi

Xem thêm: Chưa thử hết 12 món ngon từ mướp này bạn sẽ ‘tiếc ngẩn ngơ’!

3. Bà bầu ăn mướp cần lưu ý gì?

Trong quá trình sử dụng và chế biến món ăn từ mướp, bà bầu nên ghi nhớ thực hiện các lưu ý an toàn dưới đây:

3.1 Không ăn quá nhiều

Dù mướp mang đến nguồn chất dinh dưỡng vô cùng phong phú song ăn quá nhiều mướp khi mang thai không phải là thói quen tốt. Mẹ bầu chỉ nên ăn mướp từ 2 – 3 bữa trong tuần, mỗi lần từ 1 – 2 trái (khoảng 200 – 300g) là hợp lý.

Ngoài ra, cần chú ý không ăn nhiều mướp vào bữa tối nhằm tránh tình trạng đi tiểu đêm gây gián đoạn giấc ngủ. 

3.2 Tránh kết hợp với nhiều thực phẩm có tính hàn

Như đã chia sẻ, mướp có tính hàn mát nên khi chế biến, mẹ bầu nên tránh kết hợp nhiều với thực phẩm cũng có tính hàn như củ cải trắng hay rau cải vì dễ gây lạnh bụng.

3.3 Hạn chế ăn khi bị tiêu chảy

Trường hợp mẹ đang bị rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, tốt nhất cũng không nên dùng món ăn từ mướp trong giai đoạn này, để tình trạng không trở nên trầm trọng hơn.

Nhìn chung, mướp là một loại rau quả lành mạnh mà mẹ bầu có thể yên tâm dùng trong thai kì, nhưng mẹ hãy nhớ phải đảm bảo đúng liều lượng và khoa học đấy nhé!