Đừng “Trông mặt mà bắt hình dong” là lời nhắc nhở mà chúng ta vẫn thường nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày. Bởi không phải lúc nào, vẻ bề ngoài cũng thể hiện hết, thể hiện đúng nội dung, bản chất bên trong. Cùng VOH phân tích “Trông mặt mà bắt hình dong” là gì để hiểu rõ hơn ý nghĩa câu thành ngữ này.
Giải thích “Trông mặt mà bắt hình dong” nghĩa là gì?
“Trông mặt mà bắt hình dong” có nghĩa là nhìn vào hình dáng bên ngoài, nét mặt để đoán nội dung bên trong, đoán tính nết, suy nghĩ, tình cảm của con người. Nói cách khác câu thành ngữ này chỉ việc dựa vào vẻ bề ngoài để đánh giá tính cách, bản chất, khả năng… của một người.
Xét theo ý nghĩa trên, đây là một lời khuyên, lời nhắc nhở trong việc phán đoán, nhận xét về người khác. Đó là đừng “Trông mặt mà bắt hình dong” hay đừng vội đánh giá người khác thông qua diện mạo, hình thức.
Bài học từ “Trông mặt mà bắt hình dong”
Sở dĩ, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam được ví là “túi khôn” dân gian bởi nó chứa đầy tri thức, kinh nghiệm sống cùng những bài học quý giá đã được người xưa kiểm chứng qua thời gian. “Trông mặt mà bắt hình dong” cũng không phải là ngoại lệ. Thông qua câu thành ngữ này, chúng ta có thể đúc kết được một số điều sau.
“Trông mặt mà bắt hình dong” thiếu khách quan, không thể phản ánh đúng bản chất của một người
Ngoại hình, hình thức của một người không thể thể hiện đầy đủ, chính xác cho toàn bộ những yếu tố ở bên trong như tính cách, suy nghĩ, khả năng, giá trị… Cho nên, nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài để phán đoán, đánh giá con người sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn
Một là từ hiểu lầm về vẻ bề ngoài, chúng ta dễ đưa ra nhận định sai lầm.
Hai, việc đánh giá sai về người khác có thể gây ra sự bất công và những định kiến không đúng.
Ba, người bị đánh giá sai có thể cảm thấy tổn thương, mất đi sự tự tin đôi khi mất đi những cơ hội trong cuộc sống.
Bốn, nhìn nhận, đánh giá người khác mà chỉ dựa vào hình thức bên ngoài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. Đó có thể là hiểu lầm, xung đột giữa các cá nhân hoặc việc gặp khó khăn trong tạo dựng, duy trì mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Năm, chỉ “Trông mặt mà bắt hình dong” khiến chúng ta bỏ lỡ những con người có tài năng, có giá trị, có phẩm chất tốt đẹp… cũng như những giá trị bị ẩn giấu, bị che lấp bởi vẻ bề ngoài.
Trong cuộc sống, việc nhìn hình thức đoán nội dung cũng làm mất đi cơ hội được tìm hiểu sâu, thấy được bản chất, đồng cảm và thấu hiểu đặc biệt là nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.
Đừng “Trông mặt mà bắt hình dong”, hãy nhìn nhận toàn diện
“Trông mặt mà bắt hình dong” có thể giúp chúng ta đánh giá được một phần của con người nhưng nó không thể phản ánh toàn bộ bản chất ở bên trong. Có rất nhiều người ăn mặc bóng bẩy nhưng bên trong rỗng tuếch. Lại có những người bề ngoài giản dị, khiêm tốn nhưng kiến thức, kinh nghiệm sống, tài năng, tài sản… mà họ sở hữu chẳng mấy người có thể sánh kịp.
Trên thực tế, hình tượng, vẻ bề ngoài là thứ mà con người có thể thay đổi, tạo dựng, tô vẽ theo ý muốn. Cho nên nếu không dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn vào phần nội dung, tính cách… ở bên trong, chúng ta sẽ khó lòng đánh giá đúng về một người.
Việc nhìn hình thức rồi đánh giá con người hay sự vật, sự việc cũng được xem là phiến diện, thiếu công bằng. Điều này không chỉ không có lợi cho người khác mà còn có thể gây ảnh hưởng đến chính chúng ta.
Chính vì vậy, thay vì chỉ “trông mặt”, mỗi người nên học cách nhìn nhận mọi thứ một cách đa chiều, toàn diện hơn. Hãy cố gắng lắng nghe, quan sát kỹ càng, đào sâu vấn đề, tìm hiểu bản chất trước khi nhận xét. Một thái độ cởi mở, không định kiến cũng sẽ giúp ích cho quá trình này.
“Trông mặt mà bắt hình dong” và quan niệm nhìn tướng mạo đoán tính cách
Một mặt khuyên chúng ta không nên đánh giá bản chất của con người thông qua hình thức, một mặt lại thể hiện kinh nghiệm đoán tính cách thông qua diện mạo, người xưa có đang mâu thuẫn?
Trên thực tế, sự tồn tại của hai quan điểm này đã phản ánh sự đa dạng trong trải nghiệm, kinh nghiệm sống của ông cha ta cũng như cách ứng biến linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh.
Không vội đánh giá, nhận xét về người khác thông qua vẻ bề ngoài là một lời khuyên đúng đắn. Song trong thực tiễn, rõ ràng chúng ta có thể kết hợp việc quan sát diện mạo của một người để đưa ra những phán đoán ban đầu, miễn là không dựa vào đó để đưa ra kết luận một cách vội vàng.
Ngoại hình không thể phản ánh hết và đúng nhưng có thể phản ánh phần nào tính cách, phẩm chất… của một người. Những kinh nghiệm nhìn tướng mạo của người xưa đều được tích lũy, đúc kết qua thời gian bằng những trải nghiệm thực tế. Do đó, ở một mức độ nào đó, chúng vẫn có giá trị, có ý nghĩa và có tính ứng dụng trong cuộc sống hiện đại.
Đánh giá một con người không thể chỉ dựa vào vẻ bề ngoài nhưng cũng không thể bỏ qua yếu tố này. Cho nên, mặc dù có vẻ mâu thuẫn nhưng quan niệm đừng “Trông mặt mà bắt hình dong” và nhìn tướng mạo để đoán tính cách hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt giúp chúng ta có được cái nhìn toàn diện hơn.
Những câu thành ngữ, tục ngữ bàn về nội dung và hình thức
Mối quan hệ giữa hình thức, vẻ bề ngoài với nội dung, bản chất ở bên trong của con người, sự vật, sự việc trong cuộc sống từng được nhắc đến rất nhiều trong các câu thành ngữ, tục ngữ. Dưới đây là một số ví dụ có ý nghĩa tương tự hoặc liên quan với thành ngữ “Trông mặt mà bắt hình dong” do VOH tổng hợp.
- Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon: hình thức phản ánh nội dung, con heo có vẻ ngoài béo tốt thì bên trong cũng mới tốt, cỗ lòng mới ngon.
- Đình nào thờ thành hoàng ấy: ở đâu thì tôn thờ, tuân thủ tín ngưỡng ở đó, câu này cũng có nghĩa là nội dung bên trong tương xứng với hình thức bên ngoài.
- Đừng ham nón tốt dột mưa, đừng ham người đẹp mà thưa việc làm: chỉ việc ham vẻ bề ngoài, hình thức, lấy vợ đẹp nhưng lại không biết làm ăn.
- Tốt mã giẻ cùi: hình thức bên ngoài đẹp, bóng bẩy nhưng bên trong lại rỗng tuếch, không làm được gì.
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt: hình thức và nội dung, bề ngoài và bên trong không ăn khớp, thống nhất với nhau.
- Hơn nhau tấm áo manh quần, thả ra mình trần ai cũng như ai: chỉ việc đánh giá con người thông qua vẻ bề ngoài, qua hình thức hào nhoáng, sáng trọng.
- Nước mắm xem màng màng, thành hoàng xem cờ quạt: nhìn bề ngoài có thể đoán được nội dung, chất lượng bên trong.
- Áo cà sa không làm nên thầy tu/ Chiếc áo không làm nên thầy tu: vẻ bề ngoài không thể hiện được phẩm chất ở bên trong
- Rượu ngon chẳng nệ be sành: hình thức bên ngoài không quan trọng, chất lượng ở bên trong mới là thứ quyết định giá trị của sự vật.
- Có vỏ mà nỏ có ruột: có vẻ ngoài hào nhoáng, đẹp đẽ nhưng bên trong không ra gì.
“Trông mặt mà bắt hình dong” là lời nhắc nhở mỗi người cần cẩn trọng khi nhìn nhận và đánh giá người khác. Bên cạnh đó, nó còn chứa đựng những thông điệp về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức cũng như kinh nghiệm sống quý báu người xưa truyền lại cho các thế hệ.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH để đọc thêm nhiều bài viết hay!