Do bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện nên trẻ sơ sinh rất dễ bị táo bón. Nhưng vì trẻ chưa biết nói nên cha mẹ cần nắm bắt được những dấu hiệu và kịp thời xử lý để tránh tình trạng táo bón gây biến chứng nặng nề cho trẻ.
1. Trẻ sơ sinh bị táo bón như thế nào?
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đại tiện, 3 – 5 ngày mới đi một lần. Tuy nhiên số ngày đi đại tiện chỉ là một tiêu chí để nhận biết trẻ sơ sinh bị táo bón. Nếu trẻ 3 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn trẻ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, trẻ phải rặn khó khăn thì vẫn được gọi là táo bón.
Trẻ sơ sinh bị táo bón thường khó đại tiện, hay quấy khóc
1.1 Trẻ sơ sinh bị táo bón thường có những biểu hiện như:
-
Đại tiện khó khăn, rặn nhiều, mặt đỏ lên, xì hơi có mùi khó chịu.
-
Trẻ tự đại tiện được hoặc cha mẹ phải thụ thì thấy phân keo như đất sét, dây, dính và bết.
-
Bụng hơi phình, trẻ khó chịu hay quấy khóc.
-
Ăn ít hơn, tăng cân chậm, ngủ không ngon giấc hay bị giật mình.
Táo bón ở trẻ sơ sinh kéo dài, phân không được đào thải ra ngoài, một số chất độc trong phân có thể xâm nhập trở lại và gây hại cho trẻ hoặc dẫn đến phình đại tràng thứ phát, bệnh trĩ. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý về căn bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh.
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị táo bón
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh bị táo bón chủ yếu là do chế độ ăn, có thể là:
- Ăn không đủ số lượng hàng ngày.
- Trẻ ăn sữa công thức.
- Táo bón cũng có thể xảy ra khi mẹ bị táo bón.
- Mất nước (khi trẻ bị sốt, nóng, cơ thể trẻ sẽ hấp thụ nhiều chất lỏng hơn từ thực phẩm hoặc tăng cường hấp thụ nước từ chất thải trong trực tràng, điều này làm phân khô cứng và khiến trẻ bị táo bón)
- Trẻ có bệnh hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe như bị giảm trương lực ruột trong bệnh còi xương, thiếu máu, suy giáp, rối loạn chuyển hóa hay trẻ bị tổn thương đường tiêu hóa như phình đại tràng, giãn đại tràng (hiếm khi xảy ra).
3. Cách chữa trị bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh
Khi trẻ bị táo bón mà nguyên nhân không phải do bệnh lý thì cha mẹ hoàn toàn có thể chữa táo bón cho con bằng các phương pháp tại nhà. Dưới đây là một số phương pháp mà cha mẹ có thể thực hiện khi trẻ sơ sinh bị táo bón:
3.1 Bổ sung chất xơ
Chất xơ thực vật có vai trò quan trọng trong việc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh, chúng có tác dụng làm mềm và xốp phân, tăng kích thước phân, từ đó giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.
Trẻ sơ sinh bổ sung chất xơ hoàn toàn qua sữa mẹ. Do vậy, mẹ cần ăn đầy đủ dinh dưỡng và ăn các loại rau xanh, hoa quả, một số hạt khô, ngũ cốc. Đồng thời, mẹ cần hạn chế đồ ăn cay, nóng, dầu mỡ, sử dụng các loại chất kích thích.
Nếu trẻ buộc phải dùng sữa công thức do mẹ ít sữa thì mẹ cần chọn loại sữa có bổ sung chất xơ cho con.
3.2 Bổ sung chất lỏng
Cho trẻ uống nước nhiều khi trẻ bị táo bón
Ngoài việc bổ sung chất xơ, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ cả chất lỏng. Đối với trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi có thể bổ sung chất lỏng hoàn toàn từ sữa mẹ. Ngoài ra, các loại nước ép táo, mận được chứng minh rất hiệu quả cho trẻ sơ sinh bị táo bón.
3.3 Tăng cường vận động
Khi trẻ còn nhỏ, hệ thống tiêu hóa chưa phát triển, nhu động ruột kém, việc vận động cơ thể giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động và khỏe mạnh hơn, tăng cường nhu động ruột từ đó giảm táo bón. Vì vậy, hàng ngày cha mẹ cần giúp trẻ tăng cường vận động cơ thể.
- Với trẻ sơ sinh: Cha mẹ có thể đặt trẻ ở tư thế nửa cong rồi bắt đầu di chuyển 2 chân như đang đạp xe đạp.
- Với trẻ bắt đầu bò: Khuyến khích trẻ tập bò một vài lần trong ngày.
3.4 Tắm nước ấm
Đây là một trong những cách chữa táo bón ở trẻ sơ sinh được nhiều người áp dụng. Tắm nước ấm trong bồn khoảng 15 phút sau đó xoa bụng bé trong khi lau khô người.
3.5 Xoa bụng trẻ
Xoa bụng cũng là một trong những phương pháp rất tốt giúp trẻ nhuận tràng. Cha mẹ có thể thực hiện xoa bụng trẻ bằng 2 phương pháp sau đây:
Massage bụng là cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Cách 1: Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ
Đặt 2 ngón tay và ngón giữa gần rốn của bé, ấn nhẹ và xoay vòng tại chỗ, rồi từ từ xoay vòng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ. Hãy mở rộng vòng tròn cho đến khi ngón tay gần với hông phải.
Cách 2: Xoa bụng kiểu “I love you”
Đầu tiên, đặt tay bên rốn bé, vuốt dọc xuống tạo thành hình chữ “I”. Tiếp tục, đặt tay trên rốn một chút, vuốt từ trái sang phải, kéo dọc xuống để tạo thành chữ “L”. Cuối cùng, đặt tay bên trái rồi vuốt thành hình vòng cung trên bụng bé, tạo thành chữ “U”.
Lưu ý: Khi xoa bụng cho bé, mẹ nên sử dụng dầu massage để bàn tay có thể dễ di chuyển và đem lại cảm giác dễ chịu cho bé.
Xem thêm: “Phòng ngừa táo bón, giúp bé hấp thu khỏe, bé thông minh”
4. Trẻ sơ sinh bị táo bón cần ăn gì và kiêng gì?
4.1 Nếu trẻ sơ sinh bị táo bón, cha mẹ nên cho trẻ ăn những thực phẩm sau đây:
-
Bổ sung cho trẻ bị táo bón các loại hạt ngũ cốc, gạo lức,…Bé ăn bột bị táo bón nên cho ăn thêm một số rau xanh như rau mồng tơi, rau dền, đu đủ xanh, rau đay,…để bổ sung chất xơ và pectin.
-
Khoai lang, thịt gân,…có tác dụng nhuận tràng rất tốt.
-
Cám gạo cũng rất có lợi cho trẻ bị táo bón, các mẹ có thể pha 1, 2 thìa cám gạo vào cháo cho trẻ ăn.
-
Bổ sung các thực phẩm giàu magie như đậu hũ, kê, sữa,…
-
Bổ sung cho trẻ 1 đến 2 hộp sữa chua/ngày, có thể là sữa chua trái cây, susu,…
4.2 Bên cạnh đó, các mẹ cần kiêng:
-
Hạn chế cho bé bị táo bón ăn súp đặc, cháo đặc, cà rốt, khoai tây nghiền, váng sữa,…các loại đồ ăn nhanh, nóng, cay,...
-
Không cho trẻ uống các loại thuốc khiến bệnh táo bón nghiêm trọng hơn như thuốc chống nôn, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu,…Nếu bắt buộc phải dùng những loại trên thì các mẹ nên cho trẻ uống kèm thuốc nhuận tràng.
5. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Nếu trẻ rơi vào những trường hợp sau đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám ngay:
-
Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng.
-
Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng.
-
Táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe như kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.
Nhìn chung, táo bón không phải là căn bệnh đe dọa tính mạng của trẻ nhưng nếu tình trạng táo bón kéo dài thì có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, ngay khi có triệu chứng táo bón, cha mẹ hãy tích cực áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà, nếu thấy không hiệu quả thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám.