Hải sâm là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Những tác dụng của hải sâm cũng đã được ghi nhận ở cả Đông y lẫn y học hiện đại.
1. Hải sâm là gì?
Hải sâm hay còn gọi là dưa chuột biển - Sea cucumber (tên gọi dân gian là đỉa biển hay con rum), Pháp gọi là cá mai biển (Beche de mer), Nhật Bản gọi Namako… còn tiếng Hán gọi hải thử, sa tốn.
Thực chất, hải sâm là tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea với thân hình dài và da có lông, không có xương sống, bên ngoài có nhiều u, bướu sần sùi, cơ thể chúng không phân biệt được đầu đuôi.
Hải sâm sống trong lòng biển trên khắp thế giới, thường gặp nhiều ở những vịnh hay những nơi có nhiều đá ngầm ở biển khơi. Có hàng trăm loại hải sâm khác nhau, một số loại hải sâm được sử dụng làm thực phẩm là: hải sâm vú, hải sâm trắng, hải sâm lựu, hải sâm dừa, hải sâm đỏ hay hải sâm Nhật Bản...
Chỉ riêng tại bờ biển Việt Nam đã có hơn 50 loại hải sâm sinh sống, trong đó có khoảng 40 loài được dùng làm thực phẩm phục vụ cho nhu cầu của con người.
2. Tác dụng của hải sâm đối với sức khỏe
Trong Đông y, hải sâm được xem như một vị thuốc quý cực kỳ tốt cho sức khỏe, Hải sâm có vị mặn, tính ấm, vào 2 kinh Tâm và Thận. Tác dụng của hải sâm là giúp bổ thận, tráng dương, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa, giảm ho, tiêu độc, cầm máu...
Hải sâm thường được dùng trong các trường hợp tâm khí hư, thận khí suy, khí huyết kém, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, di tinh, liệt dương, tiểu tiện khó, tiểu buốt, táo bón ở phụ nữ sau sinh....
Đối với y học hiện đại, người ta ghi nhận hải sâm không chỉ chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất mà còn chứa một số chất có lợi cho sức khỏe tổng thể. Do đó, ăn hải sâm có thể mang đến một số lợi ích sức khỏe như:
2.1 Tăng cường sức khỏe sinh lý nam giới
Hải sâm chứa nhiều chất đạm nhưng lại rất ít chất béo. Ngoài ra, hải sâm còn chứa nhiều canxi, sắt, photpho... đặc biệt có chứa chất holothurin B – một chất có nhiều tác dụng sinh học tốt cho cơ thể. Chính vì thế, ăn hải sâm thích hợp cho các trường hợp di tinh, liệt dương.
Ngoài ra, hàm lượng testosterone trong hải sâm khô cao gấp 400 lần so với lượng có trong thịt gà. Chất testosterone là một chất giữ vai trò quyết định độ nam tính, khả năng và nhu cầu tình dục của phái mạnh.
2.2 Ngăn ngừa thiếu máu
Một trong những tác dụng của hải sâm là giúp ngăn ngừa thiếu máu. Cứ 100g hải sâm khô sẽ chứa khoảng 76g protein, cao gấp 5 lần so với thịt lợn và 3.5 lần so với thịt bò. Bên cạnh đó, hải sâm cũng là nguồn cung cấp axit amin quý như lysine, proline... và nhiều nguyên tố vi lượng khắc, đặc biệt là sắt nên có thể giúp cải thiện tình trạng bị thiếu máu.
2.3 Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch
Do chứa rất ít lipid và hầu như không có cholesterol nên hải sâm là thực phẩm lý tưởng cho những người bị rối loạn lipid máu hoặc bị các bệnh lý động mạch vành.
Một trong những công dụng khác của hải sâm còn giúp bổ sung các axit amin thiết, các nguyên tố vi lượng để cơ thể chống lại mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, cải thiện khả năng hấp thụ oxy và chống mỏi cơ tim.
2.4 Có lợi cho người bị tiểu đường
Với hàm lượng protein cao, không chứa cholesterol nên hải sâm có thể có lợi với người bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo bác sĩ để có được lượng dùng phù hợp.
Xem thêm: Nếu không muốn ‘ôm’ bệnh tiểu đường suốt đời thì bạn nên biết những điều này trước khi quá muộn
2.5 Tăng cường hệ miễn dịch
Nhờ có chứa nhiều thành phần glycine và arginine nên hải sâm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Glycine và arginine đều là những chất có khả năng loại bỏ các vật thể lạ ra khỏi cơ thể để giúp cơ thể khỏe mạnh.
2.6 Giải độc cơ thể
Trong hải sâm có chứa Se – một chất giải độc cực kỳ tốt vì có thể làm vô hiệu hóa kim loại nặng đi vào cơ thể qua đường uống (như chì, thủy ngân) để thải ra nước tiểu.
Ngoài ra, hải sâm cũng có tác dụng cải thiện chức năng gan thận. Ăn thịt hải sâm hoặc dùng các thực phẩm có chiết xuất hải sâm sẽ giúp làm giảm tình trạng căng thẳng oxy hóa và tổn thương gan trong cơ thể.
2.7 Hỗ trợ điều trị ung thư
Hải sâm chứa nhiều loại vitamin nhóm B, vitamin A, các chất có hoạt tính sinh học trong đó có 2 loại saponin là Rg (gây hưng phấn thần kinh, chống mỏi mệt và tăng cường thể lực) và Rh (có tác dụng ức chế tế bào ung thư) nên có tác dụng phòng ngừa và điều trị một số bệnh ung thư.
2.8 Đặc tính kháng khuẩn
Hải sâm đen có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, bao gồm E.coli, S.aureus và S.Typhi. Ngoài ra hải sâm còn có tác dụng ngăn ngừa nấm candida, điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường.
3. Bà bầu ăn hải sâm được không?
Hải sâm giàu vitamin và khoáng chất, tuy nhiên, do hải sâm sống dưới biển nên có thể có nguy cơ gây dị ứng và nhiễm độc thủy ngân. Cho nên, để đảm bảo an toàn cho thai kỳ, mẹ bầu tốt nhất không nên sử dụng hải sâm
Nếu muốn ăn, bạn nên chế biến hải sâm cùng với các loại thực phẩm khác ở dạng nấu chín kỹ và mỗi lần ăn chỉ nên ăn một ít để xem xét có khả năng bị dị ứng hay không. Nếu có triệu chứng dị ứng hoặc các triệu chứng bất thường bạn nên ngừng ăn hải sâm ngay lập tức.
Trong trường hợp bạn không bị dị ứng hải sâm thì cũng không nên ăn hải sâm nhiều trong thai kỳ để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thủy ngân.
4. Hải sâm làm món gì ngon?
Hải sâm thường được dùng để làm rượu hải sâm – một loại rượu “quý” cho nam và nữ giới. Ngoài ra, hải sâm còn được dùng làm nguyên liệu cho rất nhiều món ăn ngon, chẳng hạn như:
- Cháo hải sâm
- Hải sâm xào nấm đông cô
- Canh gà hải sâm
- Hải sâm tiềm thuốc bắc
- Súp hải sâm
- Canh hải sâm nấu nấm
Xem thêm: 6 món ăn siêu ngon từ hải sâm, giúp bạn 'gỡ rối' khi không biết hải sâm làm món gì ngon?
5. Tác dụng phụ của hải sâm
Mặc dù hải sâm được coi là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng nó vẫn có ẩn chứa một số mối lo ngại về sức khỏe, đó là:
- Hải sâm có thể làm loãng máu do chúng có đặc tính chống đông máu
- Hải sâm có thể gây dị ứng ở những người dị ứng hải sản, động vật có vỏ
- Những người sắp phẫu thuật không nên ăn hải sâm trước hai tuần để ngăn chảy máu quá nhiều
6. Cách lựa và chế biến, bảo quản hải sâm
Hải sâm cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng khi mua loại thực phẩm này, để có thể chọn được thực phẩm tươi ngon thì cần chú ý các điểm sau:
6.1 Hải sâm tươi
Nếu mua hải sâm tươi thì hãy những con có da bóng, ấm và không có mùi amoniac (dấu hiệu cho thấy chúng sắp hư).
Hải sâm thường được luộc trong nước với các loại rau thơm và gia vị, được nấu cho đến khi mềm nhưng vẫn dai. Trong thời gian này hải sâm sẽ nở to ra gấp hai đến ba lần kích thước ban đầu, sau khi thịt chín thì để nguội và lột lớp vỏ bên ngoài thái thành miếng vừa ăn.
Lưu ý: Bất kỳ hải sâm chỉ lưu giữ được trong tủ lạnh đến 5 ngày và nên sử dụng hộp đựng kín khí, vì thịt có thể có mùi tương đối hăng.
6.2 Hải sâm khô
Ngoài thực phẩm tươi thì hải sâm có thể được phơi khô ngoài nắng mặt trời hoặc trong lò nướng và được sử dụng trong cả mục đích sức khỏe và ẩm thực. Bảo quản hải sâm khô ở nơi khô ráo và thoáng mát. Khi sử dụng nấu ăn thì cần ngâm hải sâm khô trong nước ít nhất 3 gờ hoặc lâu nhất là qua đêm.
7. Giá trị dinh dưỡng của hải sâm
Thành phần dinh dưỡng của hải sâm (100g phần ăn được) theo tài liệu Bảng thành phần dinh dưỡng – Bô Y tế như sau:
- Nước: 76.9 g
- Năng lượng: 90 KCal
- Carbohydrate: 0.2 g
- Chất béo: 0.3 g
- Chất đạm: 21.5 g
- Canxi: 118 mg
- Photpho: 22 mg
- Sắt: 1.4 mg
- Vitamin B1: 1.01 mg
- Vitamin B2: 0.02 mg
- Vitamin PP: 0.1 mg
- Vitamin A: 102 µg
Như vậy, trong cả Đông y lẫn y học hiện đại đều ghi nhận hải sâm là một loại thực phẩm biển có giá trị về mặt dinh dưỡng, có thể hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, hải sâm cũng ẩn chứa tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe nếu bạn thuộc nhóm người không thể ăn loại thực phẩm này.