Chờ...

Bài khấn trước khi chép Kinh và những điều cần biết

VOH - Để tạo tác phước đức, được Long Thần Hộ Pháp bảo vệ, hộ trì, đọc bài khấn trước khi chép Kinh và thực hành đúng là điều rất quan trọng.

Ngày xưa, khi ngành in chưa phát triển, nhờ sự phát tâm chép Kinh của mọi người mà Kinh Phật được bảo tồn và lưu hành đến tận ngày nay. Đây cũng là một trong những phương pháp tu tập mang lại công đức vô lượng. Tuy nhiên, cần biết rằng: "Kinh Phật ở đâu, chư tôn Long Thần Hộ Pháp hộ trì Kinh ở đó". Nếu chép Kinh mà thân tâm không thanh tịnh, chư Phật từ bi không quở trách, nhưng Hộ pháp sẽ nhắc nhở liền. Trong bài viết sau, VOH xin tổng hợp bài khấn trước khi chép Kinh cũng như những điều cần biết xoay quanh phương pháp tu tập này. 

Hiểu đúng về việc chép kinh

Kinh Phật là lời dạy vô cùng quý báu của Đức Phật. Ngài thuyết Pháp, sau này được biên chép thành Kinh Phật để chúng ta nghe, hiểu và thực hành.

Lợi ích tối thượng nhất là giải thoát luân hồi sinh tử, lợi ích thấp hơn là bớt khổ, được tái sinh lên các cõi lành: cõi người, cõi trời an lạc hơn và không bị đọa lạc. Vì vậy, việc biên chép và ấn tống Kinh Điển luôn được khuyến khích, ca ngợi.

Chép kinh với ý định lan tỏa Phật Pháp sẽ tốt, sinh ra một chút công đức. Nhưng nếu chỉ chép suông, không hiểu Kinh, không thực hành thì công đức sinh ra không nhiều và cũng không mang lại lợi ích cho ai. 

Cho nên, ý nghĩa đúng nhất của việc chép Kinh là phải "chép" vào lòng người, thấm nhuần lời răn dạy của Đức Phật. Đồng thời học hỏi, vận dụng những điều Đức Phật dạy để tăng thêm phước báu, trí tuệ và thiện căn. Từ đó giúp chính mình và giúp mọi người. 

Bài khấn trước khi chép Kinh và những điều cần biết 1
Chép Kinh có ý nghĩa gì? - Ảnh: Chùa Ba Vàng

Hành giả phải chí thành, cung kính khi phát nguyện chép kinh. Hiện nay, có rất nhiều Kinh Pháp mà Phật tử có thể theo như Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm... 

Với những người nóng nảy, bản ngã có chút ngang tàn, nếu tuân thủ việc chép kinh đầy đủ, một lòng hướng về chánh pháp thì thân tâm cũng dần trở nên bình ổn tĩnh lặng hơn. 

Với những người chất nhiều tham - sân - si, khi chép kinh Phật họ sẽ buông bỏ được hết tất cả để có cuộc sống hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Với những chúng sanh đau khổ, bệnh tật, khi chép kinh Phật có thể giúp họ được giải thoát và giác ngộ.

Xem thêm:
Những câu nói hay của Thiền sư Ajahn Chah
Những câu nói hay của thiền sư Thích Nhất Hạnh giàu giá trị nhân đạo
80 câu nói hay của bậc thầy tâm linh Osho

Bài khấn trước khi chép kinh 

Dưới đây là một số bài khấn, lời phát nguyện trước khi chép kinh mà bạn có thể tham khảo.

Bài khấn trước khi chép Kinh Địa Tạng

I. Chí tâm quy mạng lễ

U Minh giáo chủ bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát.
Lạy đức từ bi đại giáo chủ!
“Ðịa” là dày chắc, “Tạng” chứa đủ.
Cõi nước phương Nam nổi mây thơm.
Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ.
Mây xinh, mưa báu số không lường.
Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường.
Người, trời bạch Phật: Nhơn gì thế?
Phật rằng: Ðịa Tạng đến Thiên đường!
Chư Phật ba đời đồng khen chuộng.
Mười phương Bồ tát chung tin tưởng.
Nay con sẵn có thiện nhơn duyên.
Ngợi khen Ðịa Tạng đức vô lượng:
Lòng từ do chứa hạnh lành.
Trải bao số kiếp độ sanh khỏi nàn.
Trong tay đã sẵn gậy vàng.
Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sinh.
Tay cầm châu sáng tròn vành.
Hào quang soi khắp ba ngàn Ðại Thiên.
Diêm Vương trước điện chẳng hiền.
Ðài cao nghiệp cảnh soi liền tội căn.
Ðịa Tạng Bồ Tát thượng nhơn.
Chứng minh công đức của dân Diêm Phù!
Ðại bi, Ðại nguyện, Ðại thánh, Ðại từ, Bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)

II. Nguyện hương

Nguyện mây hương mầu này.
Khắp cùng mười phương cõi.
Cúng dường tất cả Phật.
Tôn pháp, các Bồ Tát.
Vô biên chúng Thanh văn.
Và cả thảy Thánh hiền.
Duyên khởi đài sáng chói.
Trùm đến vô biên cõi.
Xông khắp các chúng sinh.
Ðều phát Bồ đề tâm.
Xa lìa những nghiệp vọng.
Trọn nên đạo vô thượng.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)

III. Phát nguyện

Lạy đấng Tam giới Tôn.
Quy mạng mười phương Phật.
Nay con phát nguyện rộng.
Thọ trì kinh Ðịa Tạng.
Trên đền bốn ơn nặng.
Dưới cứu khổ tam đồ.
Nếu có kẻ thấy nghe.
Ðều phát bồ đề tâm.
Hết một báo thân này.
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)

IV. Kệ khai kinh

Pháp vi diệu rất sâu vô lượng.
Trăm nghìn muôn ức kiếp khó gặp.
Nay con thấy nghe được thọ trì.
Nguyện hiểu nghĩa chơn thật của Phật.
Nam mô U Minh giáo chủ hoằng nguyện độ sanh:
Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật.
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề.
Ðại bi, Ðại nguyện, Ðại thánh, Ðại từ, Bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)

Bài khấn trước khi chép Kinh và những điều cần biết 2
Ảnh: Phật Giáo Đắk Nông

Lời phát nguyện trước khi chép Kinh

Lời phát nguyện chỉ cần ngắn gọn, đơn giản, cốt yếu ở tâm chí thành, cung kính là được.

Lạy đấng Tam giới Tôn.
Quy mạng mười phương Phật.
Nay con phát nguyện lớn
Chép kinh A Di Đà / Chép Kinh Vô Lượng Thọ...
Trên đền bốn ơn nặng.
Dưới cứu khổ ba đường.
Nếu có kẻ thấy nghe.
Ðều phát tâm bồ đề.
Hết một báo thân này.
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo chứng minh. 

(Trích trong bài giảng của Thầy Thích Pháp Hòa) 

Cách hồi hướng công đức sau khi chép Kinh

Theo luật nhân quả, khi ta làm việc thiện sẽ có phước báo tương ứng trong tương lai. Chẳng hạn, chữa bệnh cho người khác thì được phước khỏe mạnh, bố thí thì được giàu có, phóng sinh thì được trường thọ... Tuy nhiên, chúng ta có thể điều khiển phước báo đi theo hướng chúng ta muốn thông qua việc hồi hướng. 

Hồi hướng tức là trước, hoặc trong, hoặc sau khi làm bất cứ công đức hay việc thiện gì, tâm bạn nghĩ đến muốn phước báo của việc thiện đó hướng đến kết quả nào sau này. Có nghĩa là thay vì bố thì sẽ được giàu có, nhưng nếu không muốn phước báo này, bạn có thể hồi hướng để chuyển sang những phước báo khác như khỏi bệnh, thoát nạn, Vãng sinh Tịnh Độ... Nhân quả sẽ chuyển hướng, có thể nhanh, có thể chậm, nhưng chắc chắn sẽ có thành tựu. 

Cách hồi hướng đơn giản là bạn đọc thầm hoặc đọc thành tiếng câu khấn hồi hướng sau:

"Con xin hồi hướng công đức ... (1) cầu cho ... (2) được ... (3)."

Trong đó:

  • (1) là việc phước thiện mà bạn đang làm, đã làm hay chuẩn bị làm như phóng sinh, ấn tống, bố thí, niệm Phật, tụng kinh... Ví dụ: "Con xin hồi hướng công đức chép Kinh Địa Tạng trong hôm nay...", hay "Con xin hồi hướng công đức phóng sinh lươn này...".
  • (2) là đối tượng được hưởng phước báo, có thể là chính mình, thân nhân hoặc người khác. Chẳng hạn, "cầu cho con...", "cầu cho mẹ con tên...", "cầu cho tất cả chúng sinh khắp pháp giới...".
  • (3) là kết quả mà mình mong muốn, chẳng hạn "được khỏi bệnh", "được tiêu nghiệp", "được thông minh, trí tuệ"...
Bài khấn trước khi chép Kinh và những điều cần biết 3
Ảnh: Phật Giáo Đắk Nông

Xem thêm:
Chánh niệm là gì?  Ý nghĩa và cách thực hành chánh niệm trong đời sống
Những câu nói hay của thầy Minh Niệm mang đậm triết lý nhân sinh
22 câu nói hay của sư thầy Thích Tâm Nguyên về tình yêu

Những lưu ý khi phát nguyện chép kinh

Chép kinh Phật bằng tay giúp tâm hồn được thanh thản, hóa giải suy nghĩ tiêu cực, tu tâm rèn tính. Để quá trình này diễn ra suôn sẻ và mang lại hiệu quả cao nhất, bạn cần thực hiện theo các quy định sau.

Trước khi chép kinh nên làm gì?

Chuẩn bị 

  • Lựa chọn một kinh điển mà bạn đã tụng đọc và cảm thấy tâm đắc, để khi thực hành biên chép sẽ thấm nhuần ý nghĩa trong từng lời kinh. Trong trường hợp chưa biết nên chọn kinh nào, bạn có thể tùy duyên chọn một số kinh như: Kinh Pháp cú (Dhammapada), kinh Phước đức (Mahamangala Sutta), kinh Từ bi (Metta Sutta)... 
  • Vở và bút chép kinh là vật dụng không thể thiếu.
  • Để tăng sự tập trung vào từng câu, từng chữ trong kinh, bạn nên chọn không gian yên tĩnh để tránh bị làm phiền bởi các yếu tố xung quanh. 
  • Rửa tay, rửa mặt sạch sẽ, trang phục chỉnh tề, nếu có thể nên mặc áo tràng. 

Thân tâm an tịnh

  • Không nói bậy, suy nghĩ lệch lạc khi thực hành chép kinh.
  • Gột rửa thân tâm, buông hết ưu phiền để tập trung tâm trí vào từng câu, từng chữ trong bài kinh. 
  • Khấn nguyện trước khi chép kinh.

Phát nguyện

Để việc chép kinh có công đức, trước khi khởi sự bạn cần:

  • Đến trước bàn Phật lạy 3 lạy, dâng hương và đảnh lễ.
  • Sau đó, quỳ xuống phát nguyện - nguyện chuyển hóa thân tâm, âm siêu dương thái - cầu Tam bảo chứng minh và gia hộ cho ước nguyện của bạn được thành tựu.
  • Tiến đến bàn, nghiêm trang, tập trung chép kinh.

Khi chép kinh nên lưu ý điều gì?

  • Trong khi thực hành chép kinh, hành giả cần tập trung vào công việc, tránh suy nghĩ mông lung, không làm những việc khác cùng lúc. Trường hợp có việc bận đột xuất, hãy đặt quyển kinh ở nơi cao ráo, khi có thời gian thì mang xuống viết tiếp.
  • Nên thong thả chép kinh, không cần vội vàng, thư giãn toàn thân. 
  • Đọc thật kỹ kinh để biên chép chính xác, miệng đọc rõ lời kinh, tránh làm sai lệch ý nghĩa kinh văn; vừa chép kinh đồng thời hiểu rõ ý nghĩa lời Phật dạy lại càng hay. 
  • Nên cẩn thận, chỉn chu trong từng nét chữ để thể hiện tinh thần tôn kính Pháp bảo. Nếu nét chữ không đẹp, cứ viết với sự định tĩnh. Khi thân tâm an tịnh, chữ viết tự nhiên tròn đầy. 

Sau khi chép kinh

  • Kiểm tra lại để chắc chắn không có sai sót.
  • Lễ tạ Tam Bảo, niệm Phật hồi hướng.
  • Lưu giữ kinh điển ở nơi sạch sẽ, cao ráo, tôn nghiêm. Ngoài ra, có thể cúng dường cho chùa hoặc tặng cho người khác. 
  • Trong thời gian phát nguyện chép kinh, nếu hành giả ăn chay được thì tốt, còn không cứ ăn uống như bình thường. 
Bài khấn trước khi chép Kinh và những điều cần biết 4
Ảnh: Phật Giáo Đắk Nông

Trên đây là bài khấn trước khi chép kinh cũng như những điều cần biết khi thực hiện nghi thức này. Hy vọng thông qua bài viết, bạn có thể hiểu đúng và làm đúng phương pháp tu tập này. Đặc biệt, hành giả cần hiểu được ý nghĩa của kinh văn và thực hành lời Phật dạy thì việc chép kinh mới mang lại lợi ích.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.