Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đã từng nghe qua: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng". Thế nhưng, mấy ai hiểu được ý nghĩa của câu nói ấy. Vậy "hữu duyên" là gì? Tại sao con người không nên cưỡng cầu? Hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau!
"Hữu duyên" là gì?
Hữu duyên là khái niệm xuất phát từ triết lý nhân duyên, chỉ sự kết nối giữa con người với nhau. Trong đó, "hữu" có nghĩa là "có"; "duyên" chỉ cơ hội, điều kiện để gặp gỡ.
Như vậy, "hữu duyên" có thể hiểu là những người có duyên với nhau sẽ có cơ hội gặp mặt, bất kể khoảng cách, hoàn cảnh hay thời gian.
Từ này thường được dùng để miêu tả mối quan hệ mang tính định mệnh, từ tình yêu, tình bạn cho đến những lần gặp gỡ bất ngờ nhưng để lại dấu ấn sâu sắc.
Trong Phật pháp, "hữu duyên" nghĩa là gì?
Trái ngược với "vô duyên" (không có duyên phận), "hữu duyên" chỉ mối quan hệ nhân duyên với nhau.
Theo quan niệm của Phật giáo, danh từ "hữu duyên" dùng để chỉ những người có duyên với Phật đạo, cũng tức là chỉ cho chúng sinh có cơ duyên nghe pháp được giải thoát.
Sau này được người đời sử dụng rộng rãi để chỉ cho mối quan hệ hữu nghị, thân tình giữa người với người.
Chẳng hạn như những câu: Hữu duyên thiên lý lai tương ngộ (có duyên nghìn dặm đến gặp nhau), Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên (Sợi dây nhân duyên nghìn dặm dắt nhau), Hữu duyên hà xứ bất tương phùng (Có duyên thì nơi nào chẳng gặp nhau)... (theo Từ điển Phật học).
Dù hiểu theo góc độ đời thường hay triết lý Phật giáo, "hữu duyên" đều mang một ý nghĩa chung: Những cuộc gặp gỡ quan trọng trong đời không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự sắp đặt từ trước, dựa trên duyên phận và nhân duyên.
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" là gì?
Cổ nhân có câu: "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ / Vô duyên đối diện bất tương phùng", chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với nhau.
Giải nghĩa câu thơ
Để thấu hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của hai câu thơ, chúng ta cần phân tích từng từ ngữ trong câu. Theo đó:
- "Hữu duyên": tức có duyên, thể hiện mối liên kết giữa người với người.
- "Thiên lý": là khoảng cách xa xôi, chỉ sự xa cách về mặt địa lý, thường được hiểu là "nghìn dặm".
- "Tương ngộ": nghĩa là gặp gỡ.
- "Vô duyên": nghĩa là không có duyên phận.
- "Tương phùng": đồng nghĩa với "tương ngộ".
Như vậy, nghĩa cả câu này được hiểu là: "Có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp / Không duyên đối diện vẫn cách lòng”.
Tình cảm giữa con người không phụ thuộc vào không gian vật lý. Nếu có duyên ắt hẳn dù là "chân trời góc bể" cũng sẽ gặp lại. Nhưng nếu đã được định sẵn là vô duyên thì dù có ở trước mặt nhau cũng cách xa.
Vì vậy, mọi sự đến và đi trong cuộc đời đều là duyên phận, không cần phải cưỡng cầu.
Nguồn gốc của hai câu thơ
Tương truyền rằng, tại một thủ phủ thuộc tỉnh Triết Giang, có một viên ngoại giàu. Vợ mất sớm nên ông hết mực yêu thương và chăm sóc con gái.
Đến tuổi xuân hồng, cô gái không chỉ sở hữu dung mạo như hoa mà còn thông thạo cầm, kỳ, thi, họa. Viên ngoại vì thế cũng bắt đầu kén rể cho con nhưng chưa có chàng trai nào làm hài lòng ông cả.
Một hôm, trong sân nhà viên ngoại xuất hiện cùng lúc ba chàng trai, người nào cũng khôi ngô tuấn tú và sở hữu biệt tài không ai sánh bằng:
- Chàng trai thứ nhất có đôi chân thiên lý mã, chạy cả ngàn dặm không biết mỏi.
- Chàng trai thứ hai có tài múa võ, bắn cung bách phát bách trúng.
- Chàng trai thứ ba có khiếu văn thơ, có thể làm cả ngàn bài thơ hay với nét chữ rồng bay phượng múa…
Vì thế, viên ngoại phân vân lắm. Ông bèn hẹn cả ba chàng trai sáng mai có mặt ở sân nhà ông để đua tài kén rể.
Cả đêm hôm đó, gia nhân nhà viên ngoại gần như không ngủ. Họ tất bật vót cho xong bó cung tên lớn và mài cho đầy một nghiên mực tàu thật to.
Sáng sớm hôm sau, khi ánh bình minh chưa lan hết sân nhà viên ngoại, cả ba chàng trai đã có mặt.
Viên ngoại ra đề thi:
- Chàng trai thứ nhất, phải chạy đến kinh thành Tràng An, mượn cho bằng được chiếc trống Tràng An về cho ông.
- Chàng trai thứ hai, phải bắn cho rụng hết lá những cây ngô đồng trước ngõ.
- Chàng trai thứ ba, phải viết cho xong 3.000 bài thơ trên giấy hoa tiên, không được trùng ý.
Ai báo công cho ông sớm nhất sẽ được ông chọn gả con gái cho.
Sau lệnh tiếng trống đầu tiên, loáng một cái, chàng trai có đôi chân thiên lý mã đã mất hút, không để lại dù một dấu bụi hồng. Sau đó, người ta chỉ còn nghe từng âm thanh vút… tách... của cung tên tra vào nỏ rồi bắn lá ngô đồng rụng lả tả. Còn chàng trai thứ ba được mời đến dưới giàn hoa thiên lý, nơi được đặt sẵn bút nghiên.
Ở bên hiên nhà, giai nhân e ấp mỉm cười, nghiêng đầu thêu cặp gối rồng phụng cho ngày vu quy. Chàng trai cắm cúi múa bút, từng tờ giấy bay xuống như bướm lượn, gia nhân nhà viên ngoại cũng sẵn sàng đón lấy, xếp lại ngay ngắn…
Trời đã quá trưa, chàng thi sĩ vươn vai đứng dậy… Chàng vừa hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. Nhìn ra ngoài ngõ, lá ngô đồng mới rụng hơn một nửa, bóng dáng người có đôi chân thiên lý vẫn mịt mù… Cô gái cũng vừa nghỉ tay, nhẹ nhàng đến bên giàn hoa thiên lý, mỉm cười rót trà mời chàng trai. Trước khung cảnh thơ mộng cùng nụ cười đẹp như thơ kia, chàng trai đã viết (tạm dịch):
Ung dung trời đã xế trưa
Thơ ba ngàn bản cũng vừa viết xong
Ngoài kia xa dấu bụi hồng
Bên hiên cành lá ngô đồng chưa vơi
Dấu yêu nhẹ mỉm môi cười
Ta nghe đồng vọng một lời phu thê!
Chàng thi sĩ tính ngâm thơ tặng nàng nhưng chưa kịp. Chao ôi… đất trời như sụp xuống dưới chân, bên tai chàng ầm ầm vang tiếng trống cùng tiếng hét lên vui mừng của chàng trai có đôi chân ngàn dặm: “Nhạc gia à, con đem được trống Tràng An về đây rồi!”.
Cô gái nhìn người thi sĩ, ngậm ngùi, người mà mới vài phút trước thôi, cô cũng nghĩ sẽ là phu quân. Cô đành tặng chàng 4 câu thơ để an ủi:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng
Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng
Tạm dịch:
Ngàn năm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh!
"Hữu duyên vô phận" là gì?
"Hữu duyên vô phận" là một cụm từ thể hiện mối quan hệ có duyên nhưng không có phận. Nói cách khác, cả hai được ban cho cơ hội gặp gỡ, nhận thấy có sự gắn kết, thấu hiểu lẫn nhau, nhưng vì hoàn cảnh, số phận hay rào cản mà không thể thành đôi hoặc đồng hành lâu dài.
Những mối quan hệ này thường để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người và trở thành nỗi tiếc nuối khó lòng phai nhạt.
Nhân duyên của con người
Chắc hẳn ai trong chúng ta đã từng tự hỏi: "Tại sao nhất định phải gặp người ấy?". Có lẽ, đó là sức mạnh của nhân duyên.
Những cuộc gặp gỡ được định sẵn
Phật giảng rằng: "Tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng" hay "500 lần ngoảnh mặt nhìn nhau kiếp trước, mới đổi được một duyên gặp gỡ đời này".
Nhân duyên không đơn thuần là sự gặp gỡ, mà còn là kết quả của những điều kiện, hoàn cảnh đã được hình thành từ trước, có thể là từ kiếp trước hoặc trong quá khứ.
Khi nhân duyên đến, hai người gặp gỡ, thấu hiểu và có thể gắn kết với nhau theo nhiều hình thức: tình yêu, tình bạn hay đơn giản là một mối liên hệ chốc lát. Và khi rời đi, những gì đã trải qua đều để lại dấu ấn trong lòng của mỗi người.
Có thể nói, nhân duyên không chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên, mà còn là một phần của quy luật nhân quả. Những điều ta làm, những thứ ta suy nghĩ đều ảnh hưởng đến những người mà ta sẽ gặp. Họ có thể đồng hành cùng ta suốt một đời, hoặc đôi khi chỉ là một đoạn đường mà thôi.
Vạn sự tùy duyên
Cổ nhân có câu: "Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lý vô thì mạc cưỡng cầu". Hiểu đơn giản rằng, khi điều gì đó đã được sắp đặt sẵn thì nó sẽ đến đúng thời điểm; ngược lại, nếu đã không nằm trong số phận được an bài thì chẳng ai có thể ép buộc nó xảy ra.
Người tin vào duyên phận sẽ đối diện với mọi thứ đến và đi trong cuộc sống với trạng thái bình thản và tĩnh lặng: vui vẻ đón nhận khi duyên đến và không cố gắng níu giữ khi duyên đi. Bởi họ biết rằng, cuộc đời này dường như đã được an bài, mỗi người đều có những cuộc gặp gỡ và sự kiện xảy ra theo một thời điểm nhất định. Vậy hà cớ gì phải vất vả để thay đổi nó?
Việc học cách đối diện bình thản với mọi thứ xung quanh, không chỉ giúp tâm an, lòng yên, mà còn là cách đối đãi của bậc trí huệ.
Duyên tốt hay xấu phụ thuộc vào cách nghĩ của mỗi người
Nhân duyên tốt hay xấu không phụ thuộc vào may mắn, mà chính do cách chúng ta đối diện và trân trọng.
Có người đến để mang lại niềm vui, nhưng cũng có người xuất hiện để dạy ta những bài học quý giá. Dù thế nào đi chăng nữa, tất cả đều là một phần của cuộc sống.
Do đó, thay vì cố gắng níu kéo hay trốn tránh, ta nên học cách chấp nhận và hiểu rằng, mọi sự đều có lý do.
Trân trọng những mối quan hệ hiện tại
Cuộc đời là một hành trình đầy bất ngờ, và nhân duyên là những dấu mốc giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân cũng như thế giới xung quanh.
Suy cho cùng, nhân duyên của con người chính là những kết nối không thể đoán trước, nhưng lại là yếu tố không thể thiếu giúp ta hoàn thiện cuộc sống của chính mình. Vì vậy, đừng quá lo lắng về tương lai hay tiếc nuối những chuyện đã qua. Thay vào đó, sao không sống hết mình với hiện tại, trân trọng những người bên cạnh, và tích cực hơn từng ngày?
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi: "Hữu duyên là gì?". Mỗi cuộc gặp gỡ trong đời đều mang ý nghĩa riêng, dù ngắn ngủi hay bền lâu. Vì vậy, hãy trân trọng những mối duyên mà bạn có, bởi tất cả đều là một phần trong hành trình trưởng thành của chúng ta.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.